Mình luôn có một nỗi sợ.
Chính là chứng kiến người khác giỏi hơn mình. 
Những năm còn đèn sách trên ghế nhà trường, với sự chăm chỉ và ham học hỏi, mình luôn nằm trong top những học sinh giỏi nhất. Sống trong muôn vàn những ánh mắt đầy ngưỡng mộ của bạn bè xung quanh đã lâu, mình tắt ngúm lần 1 khi bước chân vào đại học, tắt ngúm lần 2 khi bắt đầu gia nhập thị trường lao động.
Cuộc sống của mình năm 18 tuổi trở đi không còn là vòm trời bên trên chiếc giếng nhỏ thân thuộc nữa. Thế giới này thật rộng lớn và có quá nhiều người giỏi giang, chăm chỉ và thành công hơn mình. Sau những thất bại nhỏ bé mới đầu, mình nhận ra bản thân không còn là tâm điểm của sự chú ý như hồi trước nữa. Mình chỉ là một người rất đỗi bình thường. Cứ như vậy, mình như con ếch ở đáy giếng nọ, vô vọng truy tìm lại ngôi vương bị tước đoạt bằng cách tự thu người lại vào vùng giếng quen ngày xưa, hòng tìm những cảm giác thoải mái và nhẹ nhõm.
Mình không dám làm, không dám thử những điều mới mẻ - vì ngại, vì sợ mình không thể làm tốt. Vì mình chẳng là gì so với những người xuất sắc ở ngoài kia, mình cảm thấy xấu hổ với những gì mình có. Vì mình làm tốt thế nào cũng có hàng trăm, hàng nghìn, hay hàng triệu người có thể làm tốt hơn mình. 
Chẳng lẽ mình sẽ chấp nhận làm một kẻ loser mãi sao? Nếu vậy thì đã không có bài viết này rồi! Qua quãng thời gian dài đau đớn, vật vã bồi đắp lại sự tự tin đã bị mai một theo năm tháng, mình đã đúc rút từ bản thân ra vài ý niệm nho nhỏ, mong có thể giúp ích được ai đó trên hành trình tìm lại chính mình.
Chúng ta sẽ bắt đầu xử lý vấn đề trên bằng việc:

1. Chấp nhận sự thật

Hiểu được sự thật là con đường đúng đắn dẫn tới những hành động thông minh. Thế giới này có 8 tỉ người. Và tất nhiên, sẽ luôn có người giỏi hơn bạn trên quả đất này, trừ khi bạn quá kiệt xuất, là trường hợp nghìn tỷ năm có một. Nhưng nếu thu hẹp phạm vi lại thành một châu lục, quốc gia hay vùng lãnh thổ, kết quả vẫn gần như là vậy.
<i>Kể cả so về độ giàu có ở Việt Nam thôi thì =))</i>
Kể cả so về độ giàu có ở Việt Nam thôi thì =))
Nhưng hãy nhớ rằng, mỗi cá nhân chúng ta là một bản thể riêng biệt, có hoàn cảnh, môi trường sống, khả năng, nguồn lực và con đường khác nhau. Do đó, không thể có sự so sánh tuyệt đối giữa các cá nhân. Đồng thời, bạn hoàn toàn không thể kiểm soát những yếu tố khách quan ngoài bản thân, nên điều duy nhất chúng ta có thể làm là chấp nhận, và tập trung vào những khía cạnh mình có thể điều chỉnh được.
Chấp nhận sự thật rồi mà vẫn thấy khó khăn thì phải làm sao?

2. Nếu muốn sẽ tìm cách, không muốn thì tìm lý do

Mình luôn tâm niệm câu nói này để gạt phăng những lý do hợp lý nhất mỗi lần cần hoàn thành một việc gì đó mà mình ức chế.
Khi tập trung vào phần lý do, ta đang hướng suy nghĩ của mình tới phần "vấn đề". Ta lấy vấn đề ra, đặt nó lên bàn nhưng lại không giải quyết nó, chỉ biết than vãn và hỏi tại sao mọi thứ lại chống lại mình như vậy?
<i>Từ vấn đề tới giải pháp</i>
Từ vấn đề tới giải pháp
Còn khi tập trung vào phần "cách thức", ta sẽ vừa làm rõ được vấn đề, vừa đưa ra giải pháp cho nó. Dù có khó khăn tới đâu, thì bạn vẫn sẽ có cách khi bạn thực sự muốn, và không có thứ gì có thể ngăn cản bạn.
Đối với việc thực hiện hay trải nghiệm những điều mình chưa thuần thục cũng vậy. Lý do "có quá nhiều người giỏi hơn mình" chỉ là cái cớ bao biện cho sự sợ hãi, sợ sai nhưng lười biếng tìm cách khắc phục bên trong bạn.
Vậy nên tập trung vào giải pháp như thế nào?

3. Những điều tốt đẹp luôn cần thời gian

Đa số chúng ta vẫn chỉ là những người bình thường, với năng lực bằng 0 khi tiếp cận một lĩnh vực mới mẻ nào đó chưa từng biết trước đây.
Trong cuốn "Những kẻ xuất chúng" của Malcolm Gladwell, ông đã viết: ”Kết quả của những nghiên cứu đã chứng minh: 10,000 giờ đồng hồ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và khả năng trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới – trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Quy đổi ra thời gian cụ thể, 10,000 giờ sẽ tương đương với việc luyện tập chăm chỉ trong trung bình 10 năm, trong đó mỗi năm 1,000 giờ, mỗi tuần 20 giờ và mỗi ngày 3 giờ rèn luyện.
Tuy nhiên, đã có nhiều tranh cãi và quan điểm làm lung lay quy tắc này khi chỉ ra rằng 10000 giờ chỉ đưa ra quan điểm về số lượng, chứ không phải chất lượng. Tùy vào khả năng của từng cá nhân, có những người tiêu tốn ít hơn hoặc nhiều hơn con số này, và họ vẫn trở thành những cao thủ. Nhưng ở đây mình sẽ không bàn về đúng sai chính xác của lý thuyết này.
Tựu trung lại, 10000 giờ chỉ là tượng trưng cho một khoảng thời gian dài liên tục kiên trì và khổ luyện để trở thành những người giỏi nhất. Vì vậy, nếu bạn không phải là một kẻ xuất chúng, hãy cho bản thân thời gian, để nhận ra những lỗi sai, từ đó sửa đổi, tinh chỉnh và hoàn thiện theo thời gian.
Bạn đã làm hết những điều trên nhưng vẫn cảm thấy thua kém người khác?

4. Hãy cứ tốt hơn chính mình

Như mình đã nói ở trên, so sánh bản thân với người khác một cách tuyệt đối sẽ vô cùng khập khiễng. Bạn chỉ nên lấy việc so sánh với người khác làm nguồn động lực tích cực để bản thân trau dồi và học hỏi, hoàn thiện từng ngày chứ không phải là một cái cớ để bao biện cho sự e ngại và sợ hãi.
Chẳng phải đi đâu xa, hãy cứ so sánh bản thân với mình trong quá khứ. So sánh tôi của hôm nay với tôi của hôm qua có vẻ như không khác nhau quá nhiều để bạn có thể nhận ra, nhưng bạn có thể so sánh tầm 3 tháng, nửa năm, 1 năm và vài năm về trước.
Hãy nhìn nhận bản thân một cách trung thực! Những điều tích cực thì hãy tiếp tục phát huy. Còn những nỗi đau, những vấn đề còn tồn đọng thì bạn phải xem lại thật cẩn thận. Và một lần nữa, xem lại ở đây nghĩa là chúng ta phải tập trung vào giải pháp, cách giải quyết chúng ra sao, chứ không phải chúng khiến bản thân ta cảm thấy tồi tệ, thất vọng và thất bại như thế nào.
Tóm lại, luôn có người giỏi hơn mình không phải là vấn đề. Vấn đề là làm sao để mình giỏi hơn mình trong quá khứ :)