Nghi thức tế sống thời cổ đại
Nguồn: https://qr.ae/T9baTT Câu hỏi gốc: Tại sao các nền văn minh cổ đại lại thực hiện nghi thức tế sống? Trả lời bởi Spencer...
Nguồn: https://qr.ae/T9baTT
Câu hỏi gốc: Tại sao các nền văn minh cổ đại lại thực hiện nghi thức tế sống?
Trả lời bởi Spencer Alexander McDaniel , bị ám ảnh bởi lịch sử cổ đại
Trả lời bởi Spencer Alexander McDaniel , bị ám ảnh bởi lịch sử cổ đại
Đối với con người ngày nay, việc thực hiện các nghi lễ tế sống được coi là kinh hoàng và không thể chấp nhận được, trong đó hiến tế người sống được coi là hình thức cao nhất, cũng là hình thức đáng sợ nhất. Chúng ta cho rằng việc hi sinh mạng sống của một con người là đỉnh điểm của tội ác, là hành vi tiêu biểu cho tính man rợ và thiếu văn minh của con người. Nếu tế sống rõ ràng là một nghi thức vô nhân đạo, tại sao các nền văn minh cổ đại vẫn thực hiện nghi thức này?
Nghi thức này được thực hiện bởi hầu hết các nền văn minh từ lớn đến nhỏ trong thế giới cổ đại, chỉ khác nhau về thời gian đối với mỗi nền văn minh riêng biệt. Do vậy, dù chúng ta có thích hay không, chúng ta vẫn phải chấp nhận rằng việc hiểu đức tin đằng sau sự hi sinh của con người là một phần của việc hiểu lấy con người.
Một hành động man rợ, nhưng không nhất thiết phải được thực hiện bởi những kẻ man rợ.
Trước hết, chúng ta cần hiểu cho rõ, tuy tế người sống là một hành vi dã man, nhưng những người thực hiện nó không phải mọi rợ. Maya cổ là nền văn minh duy nhất ở châu Mĩ sáng tạo ra chữ viết trong thời kì tiền Colombo. Họ đã dựng nên những công trình kiến trúc tuyệt mĩ, chẳng hạn như El Castillo thuộc Chichen Itza. Lịch Maya là hệ thống lịch phức tạp và có độ chính xác cao nhất của thế giới tiền hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu rực rỡ ấy, người Maya cũng thực hiện rất nhiều nghi lễ hiến tế người sống.
Nghi lễ hiến tế người sống được thực hiện trong hầu hết các nền văn minh cổ đại. Người Ai Cập trong buổi đầu của nền văn minh đã thực hiện nghi lễ này. Người Sumer cũng vậy. Và cả Trung Hoa cổ đại. Tương tự đối với những nền văn minh cổ đại trên đất Ấn Độ và người Minoans tại Aegean. Trên thực tế, không có phần nào của thế giới không thực hiện nghi thức hiến tế người sống.
Nói đúng ra, nghi thức hiến tế người sống không phải một hiện tượng tà đạo. Trong Sách Sáng thế (Book Of Genesis), Yahweh, vị thần của người Do Thái, đã yêu cầu tổ phụ Abraham dâng con trai mình là Issac làm sinh tế để chứng tỏ lòng thành của mình đối với Chúa, song một thiên sứ đã hiện ra ngăn cản Abraham vì Chúa chỉ muốn thử thách lòng tin của ông. Abraham đã giết một con cừu đực để làm sinh tế thay cho Issac.
Sách Thủ lãnh (The Book Of Judges) 11:29 – 40 ghi lại một câu chuyện ít nổi tiếng hơn về việc Thẩm phán người Israel Jephthah đã hi sinh con gái mình cho Yahweh để thực hiện lời hứa của mình, rằng ông sẽ hi sinh người đầu tiên mà ông nhìn thấy khi trở về nhà nếu Yahweh ban cho ông ta chiến thắng trong trận chiến với người Ammon. Điểm khác biệt của câu chuyện này so với câu chuyện về Issac chính là Jephthah đã giết chết con gái để thể hiện tấm lòng mình. Dưới đây là đoạn trích kể lại sự kiện Jephthah hi sinh con gái mình:
“Thần khí của Ðức Chúa ở trên người Jephthah. Ông sang Gilead và Manasseh, rồi Mizpah Gilead, và từ Mizpah Gilead ông dẫn quân đánh Ammon. Jephthahkhấn hứa với Ðức Chúa rằng: “Nếu Ngài trao Ammonvào tay con, thì – khi con đã chiến thắng và trở về bình an – hễ người nào ra khỏi cửa nhà đầu tiên để đón con, người đó sẽ thuộc về Ðức Chúa, và con sẽ dâng người đó làm lễ toàn thiêu.” Đoàn quân của Jephthah sang tới Ammon để giao chiến, và Ðức Chúa đã trao Ammon vào tay ông. Ông đánh chúng tơi bời từ Aroercho tới vùng lân cận Minnith, tất cả là hai mươi thành, và cho tới tận Abel-keramim. Người Ammon đại bại trước Israel.Khi Jephthah trở về Mizpah, thì này con gái ông ra đón ông, vừa đánh trống vừa nhảy múa. Cô là đứa con gái độc nhất của ông: ngoài cô ra, ông không có con trai con gái nào khác. Thoạt nhìn thấy cô, ông liền xé áo và nói, “Ôi, con gái của cha, thật con làm khổ cha rồi! Chính con lại gây bất hạnh cho cha! Cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng Ðức Chúa và không thể rút lại được.” Cô thưa với ông, “Thưa cha, cha đã trót mở miệng khấn hứa cùng Ðức Chúa, thì cha cứ thi hành cho con như lời cha đã khấn hứa, vì Ðức Chúa đã cho cha trả thù được Ammon, kẻ thù của cha.” Cô lại nói với cha, “Xin cha cho con hai tháng để con đi khắp các núi đồi mà cùng với các bạn con khóc cho đời con gái của con.” Jephthah nói, “Con cứ đi”, và ông để cho cô đi hai tháng. Cô ra đi cùng với các bạn và khóc cho đời con gái của mình trên các núi đồi. Hết hai tháng, cô trở về nhà, và cha cô thực hiện theo những gì ông đã khấn hứa. Khi ấy, cô vẫn còn trinh nguyên. Và đã thành một tục lệ, hằng năm, các cô gái Israel dành bốn ngày khóc thương con gái ông Jephthah."
Theo như đoạn trích trên, Jephthah đã dâng con gái mình làm sinh tế cho lễ toàn thiêu bởi ông cần “thực hiện theo những gì ông đã khấn hứa”. Ông không còn lựa chọn nào khác ngoài hi sinh đứa con gái độc nhất của mình. Tuy nhiên, đây là đoạn duy nhất trong Kinh thánh mà con người thực sự bị hiến tế cho Đức Yehwah. Chúng ta không thể khẳng định câu chuyện này có phản ánh hiện thực lịch sử rằng con người bị đẩy đi làm sinh tế cho Đức Yehwah hay không, nhưng rõ ràng nghi thức hiến tế người sống có vị trí đặc biệt quan trọng đối với các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham.
Ngay cả trong những xã hội nơi việc hiến tế người sống được coi là cấm kị, đôi khi người ta vẫn thực hiện nó. Hi Lạp chẳng hạn. Người Hi Lạp luôn thể hiện rằng họ không đồng tình tế sống, nhưng đã có bằng chứng cho thấy một số người đã thực hiện nghi thức này. Tuy nhiên, hiện tượng này rất hiếm và chỉ xảy ra khi họ cùng đường thôi.
Nghi thức hiến tế người sống xuất hiện nhiều trong văn học cổ đại Hi Lạp. Nó thường được mô tả là kinh hoàng và tàn nhẫn. Chẳng hạn, trong vở bi kịch Agamemnon của nhà soạn kịch người Hi Lạp Aischylos (525 – 455 TCN) được trình diễn lần đầu tiên tại City Dionysia vào năm 458 TCN, đoạn điệp khúc đã mô tả sống động cảnh tượng kinh hoàng khi Agamemnon hi sinh đứa con gái trinh nguyên của mình là Iphigeneia cho nữ thần Artemis.
“Người con gái thét lên, cô nài nỉ cha mình,đời thiếu nữ ngắn ngủi của cô – chẳng là gì cảtrong đối mắt của những gã hiếu chiến và các vị thẩm phán.Cha cô khẩn cầu, và những người nô lệnhấc cô lên, như một con dê, lên bàn thờ...điên cuồng, cô túm lấy cẳng chân ai trong chiếc áo choàng ngạt thởđể quay về đất,để thắm hồng môi,để nguyền cho hếtgia đình mình.”“Cưỡng chế, sức mạnh khiến cô im lặng,Áo choàng màu nghệ tây vì giằng co mà nằm xuống đất,cô gái nhìn từng người đàn ông nâng mình lênbằng một ánh mắt đáng thương...cô như trung tâm bức tranh, cố gắngnói với họ, vì thườngcô trong phòng tiệc hào nhoáng của chavới chất giọng tinh khiết, cô hát thánh cakhi người cha yêu thương lẩm nhẩm lời cầu nguyện thứ ba,Bằng tình yêu, cô ngân nga.""Phần còn lại tôi không thấy, nên tôi không còn kể,nhưng Calchas thì có."
(ND: Đoạn trích trên mình đã dịch lại từ bản dịch tiếng Anh của Sarah Ruden nên rất có thể có sai sót so với bản gốc)
Trong đoạn trích trên, rõ ràng cảnh hiến tế con người không được miêu tả cụ thể. Tuy nhiên, trong cuốn The Life Of Themistokles (Cuộc đời của Themistokles), nhà triết học Ploutarchos có mô tả một sự kiện được cho là xảy ra vào năm 480 TCN khi Athen đang có chiến tranh với Ba Tư, trong đó Themistokles đã giết ba tù nhân Ba Tư như một nghi lễ hiến tế đối với thần Dionysos.
“Nhưng Themistokles đã thực hiện một nghi thức hiến tế trên thuyền chiến. Ba tù nhân có dung mạo sáng sủa được đưa đến trước mặt ông. Họ được mặc những bộ xiêm y lộng lẫy, cổ đeo vàng. Họ được cho là con trai của Sandaucé, em gái của nhà vua, và Artaÿctus. Khi Euphrantides – gã tiên tri – trông thấy họ, một ngọn lửa rực rỡ bùng cháy nơi ba người tù nhân đang đứng. Một cái hắt hơi báo hiệu điềm lành. Gã ta siết chặt tay Themistokles, ra lệnh cho ông hãy dâng những người trẻ tuổi còn lại lên thần Dionysos. Gã luôn miệng cầu nguyện. Với sự khôn ngoan này, người Hi Lạp sẽ giữ được thế thắng. Themistokles bắt đầu thấy sợ, ông cảm thấy những lời gã tiên tri nói thật quái dị và khó tin. Nhưng đã có vô số người tìm kiếm sự an toàn trong chiến tranh bằng những thứ vô lí này rồi: kêu gọi thần bằng cầu nguyện, ép tù nhân lên bàn thờ làm vật tế... Dù sao đi nữa, đây chính là những gì Phanias the Lesbian từng nói, và ông là một triết gia, cũng rất quen thuộc với văn học sử.”
Nói cách khác, ít nhất là theo nguồn tin của Ploutarchos, đã có ít nhất một lần những người Hi Lạp yêu dân chủ, yêu tự do đã không ngần ngại mà thực hiện tế sống người.
Không “cổ xưa” như bạn nghĩ
Chúng ta thường cho rằng việc hiến tế người sống chỉ được thực hiện trong các nền văn minh xưa cũ, nhưng thực chất vẫn tồn tại một vài nền văn minh tiên tiến còn thực hiện nghi thức này. Người Aztec được cho là có mối quan hệ mật thiết với nghi thức này, bởi họ duy trì tập tục giết người tế thần. Hầu hết mọi người cho rằng Aztec là một nền văn minh “cổ xưa” của người Hồi giáo, nhưng không, nó không “cổ xưa” như nhiều người nghĩ đâu.
Mexica - những người thành lập quốc gia cầm quyền của Đế chế Aztec - lần đầu đến miền Trung Mexico vào thế kỉ XIII sau Công nguyên. Họ thiết lập thành phố thủ đô Tenochtitlan vào khoảng năm 1325, và sau đó, tlatoani (người cai trị) đầu tiên của họ, Acamapichtli, lên ngôi vào khoảng năm 1375. Đến thế kỉ XV, đế chế của họ đã chi phối nền chính trị của cả khu vực.
Do vậy, thời gian tồn tại của Đế chế Aztec nằm trên ranh giới giữa Hậu kì Trung đại và Sơ kì Cận đại. Theo cách phân chia trong lịch sử, Aztec đủ điều kiện để được coi là một nền văn minh “cổ xưa”. Nhưng bạn biết không, Đại học Oxford đã được thành lập từ thế kỉ XI, trước Đế chế Aztec vài thế kỉ.
Tuy nhiên, người Aztec chưa phải là những người cuối cùng thực hiện nghi thức tế người sống. Đã có vài trường hợp hiến tế người sống (chắc chắn là bất hợp pháp rồi) được ghi nhận ở một vài quốc gia thuộc Nam Mĩ, Trung Mĩ, châu Phi và Nam Á trong thế kỉ hai mươi mốt. Trong một thời kì lịch sử, hiến tế người sống được thực hiện ở hầu hết các nền văn minh trên thế giới. Trong mỗi khoảng thời gian khác nhau, bao giờ cũng có ít nhất một số nơi thực hiện nghi thức này. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu vì sao vẫn có nơi duy trì tập tục này.
Sinh tế
Có hai loại hiến tế người sống khác nhau được thực hiện bởi các nền văn minh cổ đại trên thế giới. Cả hai loại về hình thức đều là giết người, nhưng nguyên nhân của chúng khác nhau. Loại đầu tiên là hiến tế tùy tùng. Đây là hình thức hiến tế được sử dụng nhiều nhất ở Ai Cập cổ đại, Trung Hoa cổ đại và Mesopotamia cổ đại.
Trong nhiều nền văn minh cổ đại, người ta cho rằng cõi âm thực chất là sự phản ánh lại thế giới của người sống. Khi một vị vua băng hà, ngài sẽ cai trị vương quốc của mình trên vùng đất của người chết. Người ta tin rằng nhà vua cần những người hầu cận ở thế giới bên kia. Vì vậy, khi nhà vua băng hà, toàn bộ những người hầu hạ nhà vua sẽ bị mang đi hiến tế và được chôn cất cùng nhà vua.
Nguyên nhân của hình thức tế sống này là nhà vua cần có người hầu hạ mình ở thế giới bên kia, và vì người chết là vua, ngài không thể đợi cho đến lúc những người hầu cận của mình chết một cách tự nhiên được. Có bằng chứng cho thấy nhiều người hầu của vua đã tự nguyện uống thuốc độc tự sát. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khác, họ đã bị giết một cách dã man, như cắm cọc qua đầu chẳng hạn.
Hình thức hiến tế tùy tùng đã dần được cải biến ngay trong chính các nền văn minh khai sinh ra nó. Thay vì người sống, người ta bắt đầu làm những hình nhân và chôn chúng cùng với nhà vua. Chính vì lí do này, người Ai Cập thời kì Cổ Vương quốc (kéo dài từ khoảng năm 2600 TCN đến năm 2100 TCN) đã sáng tạo ra ushabtis – một bức tượng nhỏ được chôn cùng người chết, đóng vai trò như một người đầy tớ để hầu hạ người quá cố khi họ sang đến thế giới bên kia. Ushabtis đã thay thế cho hình thức hiến tế tùy tùng lạc hậu.
Ở Trung Quốc cũng có sự cải biến tương tự. Các vị vua và Hoàng đế cũng được chôn cất cùng các hình nhân thay vì người sống. Chẳng hạn, Hoàng đế đầu tiên của triều đại nhà Tần ở Trung Quốc – Tần Thủy Hoàng (259 – 210 TCN) nổi tiếng với lăng mộ đặt tại Tây An với một đội quân hùng hậu bằng đất nung chôn cùng. Những chiến binh này sẽ tiếp tục phục vụ Hoàng đế ở thế giới bên kia. Chúng đã thay thế vị trí của các tùy tùng, những người mà nếu sống trong các thời đại trước sẽ phải xuống đất nằm cùng nhà vua.
Hiến tế theo cấp bậc
Hình thức hiến tế tùy tùng đã sớm bị loại bỏ và không xuất hiện trong thời đại văn minh. Tuy nhiên, có một hình thức hiến tế khác tồn tại lâu hơn nhiều. Đó là hiến tế theo cấp bậc. Đây là hình thức hiến tế chủ yếu của người Maya và người Aztec. Đây cũng là hình thức hiến tế xuất hiện trong Kinh thánh cũng như trong các tác phẩm văn học của Hi Lạp và La Mã cổ đại.
Đối với hình thức này, hiến tế được thực hiện hướng tới một vị thần cụ thể với mong muốn có được sự phù hộ của vị thần đó, xoa dịu cơn thịnh nộ hoặc nhận được sự giúp đỡ của thần. Để hiểu được lí do đằng sau việc hi sinh con người, chúng ta cần biết một vài thông tin cơ bản về cách các dân tộc đa thần cổ đại nghĩ về các vị thần của họ và nguyên nhân hiến tế động vật sống.
Các dân tộc đã thần cổ đại không nghĩ về các vị thần của họ như cái cách mà những người độc thần Abraham nghĩ về Thiên Chúa của họ đâu. Các dân tộc cổ đại không coi các vị thần của mình là toàn năng hay toàn tri. Thay vào đó, các vị thần được cho là những sinh vật ở thế giới khác, còn tốt bụng hay nguy hiểm còn phụ thuộc vào cách họ tiếp cận và cảm nhận riêng của từng người.
Ngày nay, các tín đồ Thiên Chúa giáo cầu nguyện với Chúa và mong đợi Chúa ban cho họ những gì họ mong muốn chỉ vì Ngài yêu họ. Nhưng người cổ đại không nghĩ như vậy. Họ cho rằng các vị thần sẽ chỉ giúp đỡ họ nếu họ chịu trả lại cho các vị thần thứ gì đó. Mối quan hệ giữa con người với các vị thần được coi là một mối quan hệ giao dịch, quid pro quo (có qua có lại).
Cách dễ nhất để một người có được sự ưu ái của thần linh là thông qua lễ vật và lễ tế. Do đó, nếu bạn muốn một vị thần ban cho bạn thứ gì đó, bạn sẽ cầu nguyện cho họ và xin họ ban cho bạn điều mà bạn mong ước cùng với lời hứa nhất định sẽ đáp lễ. Nếu vị thần ban cho bạn những gì bạn muốn, thì bạn phải trả cho ngài những gì bạn đã hứa. Nếu vị thần không ban cho bạn những gì bạn muốn, thì thỏa thuận sẽ bị phá vỡ, khi ấy bạn cũng không cần trả lại gì cả.
Người ta tin rằng lễ vật có giá trị hơn một lời hứa suông và lễ vật dâng lên càng có giá trị thì khả năng bạn được vị thần đó giúp đỡ càng cao. Ví dụ, ở Hi Lạp cổ đại, bò đực hoặc bò thiến được cho là lễ vật hiến tế có giá trị nhất vì chúng là loài vật có giá cao nhất. Tiếp sau bò đực hay bò thiến theo thứ tự là bò cái, cừu, dê, lợn và thấp nhất là gà.
Hiến tế động vật là một phần không thể thiếu trong đời sống của cư dân Địa Trung Hải cổ đại. Mọi người đã quá quen với nó rồi. Người La Mã và Hi Lạp cổ đại gần như chỉ ăn thịt sau khi hoàn thành một lễ tế thôi.
Bây giờ chúng ta đã hiểu tại sao người ta tiến hành hiến tế theo cấp bậc, nên sự hi sinh con người làm vật tế trở nên thật dễ hiểu. Nếu bạn cần hiến tế để yêu cầu một thứ gì đó từ các vị thần và hiệu quả hiến tế phụ thuộc vào giá trị của vật tế, thì sự hi sinh con người là sự hi sinh cuối cùng, sự hi sinh vàng, sự hi sinh tuyệt đối. Đây sẽ là một món công đức lớn khiến các vị thần buộc phải ưu ái bạn.
Ở Trung Mĩ thời kì tiền Colombo, người được chọn để tế lễ thường là người có giá trị cao nhất trong cộng đồng, thường là những người đàn ông hay phụ nữ trẻ, khỏe mạnh, hấp dẫn. Người được chọn làm vật tế càng đẹp thì hiệu quả hiến tế càng cao. Chỉ những thứ tốt nhất mới xứng đáng với các vị thần.
Kết luận
Trên đây là lí do tại sao rất nhiều nền văn minh trong lịch sự tiến hành hiến tế người sống. Sự hi sinh của con người, dù trong bất kì thời gian và không gian nào, cũng được coi như một cách để giành lấy sự ưu ái của các vị thần. Ngay cả trong những xã hội mà hiến tế người sống bị coi là thứ cấm kị, người ta vẫn cố gắng hợp lí hóa nghi thức hiến tế động vật – điều mà mọi người đều quen thuộc.
Bài dịch của Đỗ Nhược Vy tại group Quora Việt Nam.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất