Mới hôm qua nói chuyện với ông bạn người Malay đã lấy vợ được 23 năm. Vì mới lấy vợ nên tôi mới tò mò hỏi ổng: "Thế ông với vợ vẫn yêu nhau chứ?". Ông bạn nghĩ một lát mới trả lời: "We still love each other. We're no longer IN LOVE though".
Tôi xin giữ nguyên văn câu tiếng Anh để làm nổi bật sự khác biệt. Trong tiếng Anh, "Love" là hành động Yêu, cũng có danh từ tình yêu. "Fall in love" là xiêu lòng một ai đó, nôm na ngôn ngữ trẻ bây giờ là "đổ" ai đó. Còn "in love" là một trạng thái tình cảm khi hai người còn say đắm nhau. Câu trả lời của ông bạn bên trên có thể hiểu là "Chúng tôi vẫn yêu nhau, nhưng không còn mê say nhau như ngày đầu nữa". Nó làm tôi thực sự nghĩ rất nhiều về mình và vợ mình, bố mình và mẹ mình, anh trai và chị dâu, và tất cả những gia đình xung quanh mà tôi biết. 

Love như một thói quen?

Hai mối tình trước của tôi đều là những cô gái tốt. Ai lấy được họ làm vợ thì quả thật may mắn. Khi trong mối quan hệ tình cảm với họ tôi đã nghĩ vậy, và bây giờ tôi vẫn nghĩ vậy. Ấy thế nhưng khi ở bên họ, tôi vẫn luôn cảm giác có thứ gì đó .... thiếu thiếu. Chúng tôi rất hiếm khi cãi nhau, cũng không có nhiều quan điểm trái ngược, sở thích thì khác nhau nhưng nhìn chung tôi và họ đều ở bên nhau trong hòa thuận. Nếu khi đó có người hỏi tôi có yêu họ không, chắc chắn tôi sẽ nói có. Ấy vậy thì tại sao chúng tôi vẫn chia tay sau một thời gian dài gắn bó bên nhau? Mãi tới sau này nhìn lại tôi mới nhận ra, sống hòa thuận thực ra không đủ, và Love không thôi là không đủ như đã nói ở bài Tâm Tư Về Sống Hòa Thuận
Nhìn rộng ra xung quanh một chút, có lẽ với rất nhiều người, tình yêu hiện tại chỉ đơn giản là một cảm giác thân thuộc. Chúng ta nói chữ "yêu" và nghĩ tới hành động như chăm sóc, ôm ấp, hôn hít, tình dục, nhiều khi là thói quen hay cảm giác trách nhiệm. Dễ thấy nhất với tôi là ba mẹ tôi, cô chú tôi hay một số gia đình khác mà tôi biết được. Theo thời gian, vì nhiều lý do, họ cãi nhau, chửi bới nhau, không còn tình yêu hay thậm chí lòng tôn trọng cho nhau, nhưng cũng có quá nhiều lý do khiến họ không thể bỏ nhau, nên họ tự cho phép mình dùng chữ "yêu" để hợp lí hóa sự ở lại vô lý của mình. Nếu một người đổ bệnh, người kia vẫn sẽ gác mọi thứ lại để chăm sóc, và họ nói đó là bởi vì họ vẫn "yêu" nhau. Liệu đó là "in love" hay "love"? Lý do phổ biến nhất ở các gia đình VN tôi thấy được của việc ở lại khi đã "fall out of love" là do áp lực bỏ vợ/chồng thì bị dị nghị, do nghĩ mình đã quá tuổi để có thể bước tiếp với một người nữa, do tài chính không cho phép, và vì con cái. (Khi cha mẹ đã không thể hạnh phúc bên nhau, thì con cái là người hứng chịu nhiều tổn thương nhất. Nếu cứ cố ở lại một mối quan hệ không thể hàn gắn được nữa với cái lí do "vì con" đó, thì con cái sẽ liên tục phải chứng kiến những cuộc cãi vã giữa hai người mà chúng yêu thương nhất, hai người mà vốn dĩ phải là tấm gương về một gia đình hạnh phúc để chúng sau này có thể noi theo. Vì vậy, với tôi, lý do "vì con cái" là lý do ích kỉ và lừa dối nhất mà cha mẹ có thể làm với các con trong hoàn cảnh này). Với những người trẻ tuổi, nhất là những ai chưa xác định được rõ bản thân mình muốn gì trong một mối quan hệ, thường sẽ bấu víu lấy những gì quen thuộc: cảm giác quen thuộc, con người quen thuộc, và ngại thay đổi. Miễn là người kia vẫn quan tâm tới mình và không đánh đập mắng chửi hay làm mình tổn thương, thì mình không cần phải rời đi. (điều này thường xảy ra với các bạn nữ hơn). Khi này, "love" đơn thuần chỉ là một hình thức cộng sinh. 

Cái quan trọng là, cái sự ổn định khi "Love" thành thói quen ấy, nó dễ bị .... nghiện. Nhất là nếu người kia của bạn cũng là một người tốt, biết trân trọng bạn, thì kể cả bạn có nhận ra là bạn không thực sự "in love", bạn vẫn có thể hài lòng với "love" và ở lại với mối quan hệ ấy lâu dài, thậm chí sẵn sàng kết hôn chỉ với "love". Nhiều bạn tự cảm thấy rất khó để dứt ra cũng chính bởi người kia quá tốt với mình mà mình lại không muốn làm tổn thương người ta, đặc biệt là khi họ không làm gì sai, rồi thì mọi người xung quanh đều bảo bạn sướng khi có được người đó. "Love" cũng có thể là khi bạn đã từng "in love" điên cuồng với một (hay nhiều) người trước đó, chuyện không thành, con tim bạn trở nên mệt mỏi và muốn tìm tới một lựa chọn an toàn hơn. Điều này được phản ánh ở một trong những lời khuyên khá phổ biến cho con gái ngày nay rằng các bạn nên lấy người yêu mình, chứ đừng lấy người mình yêu. 

In Love là thế nào?

Mãi tới mối tình thứ ba, cũng là vợ tôi bây giờ, tôi mới được trải nghiệm cảm giác "Fall In Love". Nếu như ở hai mối tình trước, tôi còn có thể nghĩ được rằng "Thôi thì cứ thử yêu đi xem sao", thì khi gặp vợ tôi, tôi hoàn toàn không có được sự lí trí đó. Ngược lại, thời gian đầu tôi đã cố dùng lí trí của mình để KHÔNG xiêu lòng em, bởi tôi thì đang sống ở Úc (khi gặp em là tôi về VN chơi), còn em thì có ý định đi Pháp du học. Từ những người thật việc thật tôi từng chứng kiến thì yêu xa 100% là chia tay. Ngoài ra, em còn là con của bạn thân của ba mẹ tôi. Tôi sợ lỡ hai đứa sau này chia tay sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ của hai bên ba mẹ. Lý trí thì bảo tôi là vậy, nhưng ngày đầu tiên gặp em sau 11 năm xa cách, cứ nghĩ là chỉ gặp lại đứa em hàng xóm ngày xưa chính tay mình bồng bế, ai dè lại làm tim tôi lệch nhịp không-rõ-lý-do. 
Quả thực tới giờ tôi vẫn không biết tại sao ngày hôm ấy tôi đã đổ em rồi, và cho tới giờ sau 1 năm yêu xa, 1 năm sống chung và 6 tháng nên duyên vợ chồng, tôi cũng vẫn không thể giải thích tại sao tôi vẫn xiêu lòng mỗi khi nhìn thấy em như ngày đầu. Trước khi gặp em tôi đã nghĩ với tưng ấy mối tình, tưng ấy lần tan vỡ thì trái tim tôi không ít thì nhiều cũng phải chai sạn và khó yêu. Tới khi hai đứa lên kế hoạch kết hôn, tôi đã được chuẩn bị sẵn tinh thần từ các bậc đàn anh đi trước rằng, theo thời gian kiểu gì tình yêu nó cũng nguội đi, chỉ còn lại tình thương thôi. 6 anh kết hôn thì cả 6 anh đều dạy như vậy. Vậy nhưng tới giờ, hàng ngày, tôi vẫn cảm thấy "in love", rằng mình muốn ở bên cô ấy, và cảm thấy thực sự hạnh phúc khi được như vậy. Nó giống như trong phim Groundhog Day, khi mà mỗi ngày tỉnh dậy tôi đều cảm thấy rung động với cô ấy theo một cách thật tươi mới. 

Nếu bạn đã từng yêu ai trước đây, thì giai đoạn đầu khi hai bạn mới là của nhau, đó thường chính là cảm giác "in love": ngay cả suy nghĩ về việc được gặp người đó đã khiến bạn cảm thấy hào hứng, phấn khích; bạn có một sự tò mò bất diệt về người ấy: người ấy đang làm gì, thích ăn gì, đã ăn trưa chưa, có bị ai bắt nạt ở chỗ làm không, ngày hôm nay của người ấy có gì xảy ra v....v.... "Tôi muốn biết mọi thứ về người ấy, muốn nữa, muốn nữa". Dù đã biết nhau được vài tháng, chính thức yêu nhau được 2 tuần, gần như đã biết tất cả về nhau, nhưng thời gian bên nhau chưa bao giờ là đủ. Bạn dường như cũng không thể giải thích được tại sao vừa mới rời nhau cách đây 5' đã thấy nhớ nhung. Cũng khó có thể hiểu tại sao bạn luôn muốn update mọi thứ về người ấy từng giây phút khi hai bạn ở xa nhau. Và còn rất nhiều thứ khó hiểu khác không theo một công thức cụ thể nào khiến bạn không thể giải thích được tại sao bạn lại yêu người ấy, và tại sao lại yêu nhiều tới thế. 
Có rất nhiều lý do để làm một người trở nên hấp dẫn/đáng để yêu. Đẹp trai/xinh gái, tốt bụng, tài năng, sâu sắc v..v.... Nhưng rồi bạn cũng sẽ gặp phải người đẹp hơn, tài năng hơn, bản lĩnh hơn người bạn yêu. Thế nhưng sao bạn vẫn "in love" với chỉ mỗi người ấy? Chịu. Và với tôi, khi bạn "chịu" như vậy, thì tức là bạn "in love". Việc "in love" ấy nó có đồng nghĩa với mối quan hệ của bạn là "healthy and balanced" không, nó có thể khiến nó lâu dài và người kia là "true love", là "the one" của bạn không? Không hẳn. Nhưng cái cảm giác "in love" ấy vẫn rất thật và rất mạnh, chí ít là với người trong cuộc.

Stay In Love

Nếu như "fall in love" có thể xảy ra trong một khoảnh khắc, cũng có thể xảy ra sau vài tuần tiếp xúc, thì "Stay In Love" lại là một bức tranh toàn cảnh và lâu dài hơn. Những người nghiêm túc trong chuyện tình cảm thường mong muốn có một mối quan hệ lâu dài, nhưng rất ít người nghĩ tới việc làm thế nào để làm nó trở nên lâu dài, và càng ít người nghĩ tới việc họ muốn sự lâu dài ấy như thế nào. "Love" cũng có thể đem lại cho bạn một mối quan hệ lâu dài, nhưng bạn có muốn vậy không? 
Rất nhiều mối quan hệ ngoài kia bắt đầu bằng việc "fall in love", nhưng không phải "fall in love" với nhau, mà là "fall in love" với những hình ảnh tạo dựng của nhau. Nó có thể là hình ảnh bạn tạo dựng lên để làm người kia xiêu lòng, tức người mà người ấy "đổ" không phải là bạn, mà là hình ảnh hoàn hảo bạn tạo ra. Nó cũng có thể là hình ảnh bạn thần tượng hóa người kia lên, tức bạn "đổ" người mà bạn nghĩ là hoàn hảo, là đẹp đẽ vô cùng. Dù nó là gì, thì nó đều không thật, để rồi khi đã trong mối quan hệ chính thức rồi, hai người mới nhìn thấy cái thật của nhau, thất vọng về nhau. Mâu thuẫn bắt đầu xảy ra, không được xử lý đúng đắn hoặc không thể xử lý được, bào mòn dần cái "nhiệt" của "in love", để từ đó hai người "fall out of love". Hai cái thật trái nhau quá nhiều thì chia tay, mà không xung đột nhau thì thành "love". Sự "in love" kia dù mãnh liệt nhưng cũng thật ngắn ngủi.
Đó là lý do tôi thường khuyên mấy đứa em của mình, hãy là chính mình khi hẹn hò. Đừng ngại bày tỏ sự bất đồng trong quan điểm, đừng ngại phơi bày những tính xấu của mình. Đó là sự chân thành, mà chân thành là nền tảng của hạnh phúc, hay "in love", bền lâu. Nếu cả hai người cùng thật với nhau ngay từ những ngày đầu tiên hẹn hò, thì kết quả sau đó dù là gì thì cũng là đúng. Hai cái thật hòa hợp với nhau thì "in love" là thật và tiếp tục với nhau là đúng, có thể tiến tới dài lâu. Hai cái thật khắc nhau không thể dung hòa thì sớm dừng lại cũng là đúng.
Without trust, honesty and communication, love is just another ...

Đừng quên để ý xem cách họ giải quyết sự khác biệt giữa bạn và họ ra sao. Hai bạn là hai cá thể riêng biệt, dù có hợp nhau tới mấy vẫn có sự khác biệt. Đến bố mẹ hay anh chị bạn nhiều khi còn cãi nhau với bạn, thì sao có thể tránh khỏi mâu thuẫn với một người lạ ngoài kia, nhất là còn phải ở bên nhau thường xuyên nữa? Nếu bạn hoặc người ấy luôn bắt người kia phải thay đổi theo ý mình, hoặc lựa chọn lờ những mâu thuẫn ấy đi để nó mãi tồn động chờ ngày bộc phát, thì dù "in love" thì mối quan hệ cũng sẽ không được lành mạnh cho sức khỏe tinh thần của hai người. 
Thật và In love chỉ là cái móng. Kĩ năng giải quyết mâu thuẫn một cách tôn trọng và mang tính xây dựng là một trong rất nhiều những kĩ năng khác CẢ HAI NGƯỜI phải học để giữ lửa "in love" được vững chắc. Vậy nên đừng chỉ nghĩ mình có "in love" đủ nhiều là sẽ vượt qua được tất cả. Một là CẢ HAI NGƯỜI đều phải cùng "in love" THẬT. Hai là CẢ HAI NGƯỜI đều phải học những kĩ năng cần có trong một mối quan hệ như thương lượng, lắng nghe, tôn trọng, liên tục làm mới bản thân v..v.... Có rất nhiều cặp đôi biết là họ rất "in love", nhưng mỗi khi bên nhau lại cảm thấy mối quan hệ này thật độc hại (toxic), chỉ bởi vì họ không biết là họ thiếu những kĩ năng ấy. Ba là CẢ HAI NGƯỜI phải DẠY lẫn nhau cách để có thể sống hòa hợp với mình, bởi có thể có những kĩ năng người kia biết mà mình không biết và ngược lại. 

"In love" Vẫn cần có lý trí

Ở bài viết Hôn nhân nên có lý trí, tôi đã nói tới tầm quan trọng của lý trí trong quyết định kết hôn. Nhưng thực ra, ngay từ khi bắt đầu hẹn hò, và cả khi bạn đang say tình khi đang "in love", dù bạn là nam hay là nữ, vẫn cần rất nhiều lý trí. 
Bạn thử nghĩ xem, đã bao nhiêu lần khi bạn có xích mích với người kia, bạn đã lựa chọn ngó lơ hay bỏ qua mâu thuẫn ấy? Không phải là bạn không nhận thức được sự khác biệt giữa hai người, nhưng bạn đặt ưu tiên cho cái không khí được yêu thương, chiều chuộng, vô tư hơn là sự nghiêm túc và không-mấy-vui-vẻ kia. Vì vậy, hoặc là bạn cứ im lặng một thời gian rồi vì nhớ quá mà lại gọi cho người kia, hoặc là người kia chỉ cần nói vài câu dỗ dành hay xin lỗi (mà không giải quyết được triệt để mâu thuẫn) là bạn lại xiêu lòng. Rồi thì cũng đã bao lần bạn thấy những red flag rằng người đó không còn quan tâm mình như trước, nhưng vẫn tự nói với bản thân là vì người ấy bận không có nhiều thời gian, hay người ấy có nhiều stress v..v.... và im lặng giấu đi nhu cầu được quan tâm của mình thay vì bày tỏ với người ấy? Rồi cũng đã bao lần bạn được crush rủ đi chơi, thấy người ấy vứt rác ra đường và bạn thầm nghĩ "Đầy người cũng vứt thế có sao đâu" hay "mình không muốn nhắc người ấy vì sợ người ấy ghét mình"? Bao lần bạn đi hẹn hò với người bạn đang cảm mến, thấy người ấy to tiếng với nhân viên phục vụ, và nghĩ "Người ấy hẳn phải có lý do mới làm như thế?". Bao lần bạn nhận thấy điều gì đó không ổn từ người ấy và nghĩ "Nhưng rồi sẽ có những cái khác bù vào được. Mình yêu thì mình sẽ chịu được thôi"?
Dù có bao nhiêu người nói rằng "Anh đang nói với logic của một người đàn ông nhưng anh không hiểu phụ nữ", rằng "Phụ nữ hành xử theo tình cảm, khi yêu thì cứ yêu thôi bất chấp mọi thứ", tôi vẫn sẽ nói rằng dù bạn là nam hay nữ thì bạn vẫn cần lý trí trong chuyện tình cảm, và các bạn nữ thì lại càng phải học cách để có nó. Đàn ông lý trí quá thì sẽ thành khô cứng, mà phụ nữ tình cảm quá thì sẽ lụy tình và thường không có cái kết đẹp. Điều này tôi nói ra từ chính trải nghiệm của bản thân và câu chuyện có thực của những người xung quanh, từ những người trong gia đình tới bạn bè. Tiêu biểu nhất là chuyện một cô bạn tôi có anh người yêu rất trăng hoa. Tôi biết điều đó vì chính anh ta vẫn hay kể với tôi những "chiến tích" của mình mỗi khi "chăn được rau sạch". Cô ấy có biết điều đó không? Không biết chắc chắn, vì chưa từng bắt tận tay, và cũng không bao giờ kiểm tra điện thoại người yêu, nhưng cô ấy cảm nhận được. (Tôi không nói với cô gái ấy vì cả 2 đều là bạn của tôi, và dù gì đó cũng là chuyện của họ. Nếu đó là em gái tôi thì lại khác). Điều cô ấy làm với cái cảm nhận đó là gì? Là "Em cứ coi như không có gì anh ạ. Mắt không thấy thì tim không đau. Mà ngoài việc đó ra thì anh ấy cũng đối xử tốt với em lắm anh ạ". Và cuối cùng thì hai người vẫn chia tay sau một thời gian dài cãi vã liên miên sau đó. Ban đầu thì là những cuộc cãi vã như những cặp đôi bình thường khác, về sau thì mọi chuyện trở nên tệ hơn, và cuối cùng thì hai người chia tay ở hoàn cảnh xấu xí tới nỗi hai người trở thành thù ghét lẫn nhau. Đây gần như là một mô típ khá quen thuộc cho những cuộc tình kết thúc chóng vánh, dù lí do không nhất thiết phải liên quan tới chuyện ngoại tình.
Sẽ nhiều người ngồi trước máy tính, đọc câu chuyện này (hay những câu chuyện tương tự) và nói rằng cô bạn tôi ngu ngốc. "Phải tôi tôi chia tay từ lâu rồi". Đấy, đấy là cái lý trí bạn cần có đấy, nhưng bạn có chắc khi trong hoàn cảnh của cô bạn ấy, bạn giữ được nó không? Bạn thấy được hậu quả của việc yêu mà không có kĩ năng hay lý trí rồi, nhưng tới lượt bạn thì thế nào? 
Đừng tự huyễn hoặc bản thân mình nữa. Bạn cần lý trí trong tình yêu, bạn biết điều đó, và bạn nên học cách làm được điều đó. Đừng đổ cho "tôi là con gái" để buông thả bản thân theo dòng cảm xúc, để rồi sau này lại kêu hận đàn ông nhé.

Facebook Group Đàn Ông Học: