Đây là bài học mình học được từ người “sếp” đầu tiên đã dẫn dắt mình những ngày còn non trẻ khi mới bước chân vào thị trường lao động, người đã ảnh hưởng rất nhiều đến hành trình sự nghiệp và con người mình ngày hôm nay mà mình luôn biết ơn.
"Loud work" không mang nghĩa tiêu cực về việc gây ồn ào nơi công sở, mà là một chiến lược làm việc thông minh, chủ động ghi nhậnthể hiện những thành tựu của bản thân. Bởi vì có những thứ nếu bạn không nói, người khác sẽ chẳng thể biết được. Đừng nghĩ rằng, bạn chỉ cần làm việc cật lực và chăm chỉ thì thời gian sẽ trả lời. Không! Thời gian cũng sẽ chẳng trả lời nếu bạn không input đủ thông tin cho nó.
Hàng ngày, mỗi người thường nhận vào rất nhiều nguồn thông tin. Nếu bạn quá khiêm tốn, mọi người sẽ không nhớ đến bạn và không biết khả năng thực sự của bạn. Bằng cách nói công khai về thành tích của mình, bạn sẽ tăng cơ hội để bản thân không bị lãng quên.

“Loud work” giúp bạn được cấp trên ghi nhận, đánh giá đúng đóng góp và trả công xứng đáng

Bản thân mình may mắn vì ở công ty đầu tiên đã gặp được một người sếp tốt và có tâm (chị T), với mình chị vừa là quản lý trực tiếp, là đồng nghiệp, và cũng là một người chị, người bạn tốt của mình.
Chị và mình chung team tuyển dụng ở Hà Nội, sếp lớn của bọn mình ngồi ở văn phòng HCM. Khoảng cách địa lý và tư duy cũ khiến sếp mình ở HCM không nắm hết được những đầu việc mình đã có thể handle ở Hà Nội nhờ được chị T trao quyền và cho mình có cơ hội va vấp để lớn nhanh. Sếp ở HCM vẫn nghĩ mình chỉ làm được những việc “lặt vặt” hỗ trợ như nhập liệu, đăng bài, lọc CV, hẹn PV, gửi email,….và chưa có đóng góp gì đáng kể vào kết quả chung nên vẫn đánh giá thấp level cũng như khả năng của mình.
Chị T biết thế nên luôn “kể công” giúp mình trong những cuộc họp team, thường "nhắc nhở" sếp về việc mình ở ngoài này đã làm được những gì vì sếp mình thỉnh thoảng sẽ bị quên, chị chủ động chụp hình gửi vào group chat của bộ phận để “khoe” hộ mình khi mình vừa hoàn thành được nhiệm vụ nào đó lớn. Chị cũng bảo với mình vì chị em mình ngoài này ở xa sếp sẽ có nhiều thiệt thòi, mình nên chủ động "show off" cho sếp biết mình đang làm được những gì rồi. Từ lúc mình biết “thể hiện” bản thân trước mặt sếp nhiều hơn một chút, mình cảm nhận thái độ và đánh giá của sếp đối với mình khác đi hẳn và nó tương xứng với những gì mình có thể làm và đã đóng góp được.
Sau này, team mình mở rộng và có thêm những thành viên mới khác, có bạn đã từng đi làm trước đó nên ít nhiều cũng “trải đời”, có bạn chân ướt chân áo vừa ra trường giống như mình hồi xưa. Mình nhìn thấy bóng dáng của mình ngày đó ở trong một vài bạn, những gương mặt thơ ngây và tâm hồn trong trắng.
Mình nghĩ mình cũng nên là người “truyền lại” những điều mình từng được dạy cho những người cần nó. Có đứa nghe thì cãi bảo “Em không cần” xong lại buồn tủi thân vì cật lực làm mà chẳng ai hay; có đứa thì cảm ơn rồi im lặng. Chung quy lại mình vẫn phải nói đi nói lại vài lần cộng thêm làm mẫu, làm thay; mình cũng chụp hình cũng khoe hộ chúng nó như cách chị T làm giúp mình ngày xưa.
Dần dà, đứa nào cũng hiểu là mình nên làm như thế, nên “khoe” 1 tí, nên “thể hiện” 1 tí thì sẽ tốt hơn cho chúng nó vì chúng nó xứng đáng được như thế chứ cũng có nói điêu lên tí nào? Nhìn cách mọi người khác làm, cách họ “flex” sao cho tinh tế rùi học theo, dần dần quen tự nhiên sẽ biết lúc nào mình nên và nên “flex” như thế nào cho phải.
Ngoài ra, việc chủ động ghi lại những đóng góp của mình cũng là một cách giúp bạn có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả công việc, thay vì chỉ dựa vào trí nhớ hoặc cảm tính trong những lần review năng lực & KPI cuối năm với sếp. Một buổi review suôn mượt, bạn trả lời tự tin vì bạn nắm rõ mình đã làm được những gì cụ thể sẽ khiến sếp cũng cảm thấy tin tưởng và đánh giá bạn cao hơn vì nó thể hiện bạn là một người có trách nhiệm, chủ động và có khả năng tự đánh giá công việc của mình. Hơn nữa, buổi này ít nhiều vẫn có ảnh hưởng đến mức tăng $ của bạn dù cho công ty có nói rằng KPI không ảnh hưởng đến lương thưởng nhé ;)) phòng bệnh hơn chữa bệnh hehe.

“Loud work” giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân

Việc tạo thói quen ghi lại những thành tựu, dù lớn hay nhỏ, để sau này mình có thể nhìn lại và đánh giá sự tiến bộ của mình. Đừng ngại chia sẻ những thành công của mình với đồng nghiệp, cấp trên, hoặc thông qua mạng xã hội là một cách giúp bạn xây dựng, củng cố thương hiệu cá nhân tốt trong lĩnh vực của bạn, từ đó mở ra những cơ hội mới cho sự nghiệp.
Trước đây, mình cũng ngại chia sẻ thành tựu lên mạng xã hội vì sợ người khác cho rằng mình khoe khoang. Giờ nghĩ thoáng hơn, mình thấy Facebook/Linkedln vừa là trang hồ sơ, vừa như cuốn nhật ký, nếu mình biết "khoe" vừa phải và sinh động thì nhìn vào đó, người khác có thể nắm được cơ bản lĩnh vực công việc, cuộc sống, quan điểm của mình trước các vấn đề xã hội cũng là một phần con người mình.
Vì vậy, mình chia sẻ thường xuyên hơn. Hơn nữa, làm việc trong lĩnh vực cần kết nối nhiều, mình chăm chút hơn hình ảnh, chia sẻ sở thích, một số thành công nho nhỏ. Một phần khoe vì niềm vui, phần khác để ghi nhận những gì mình làm được. Nhờ những chia sẻ đó, mình có những cơ hội tốt hỗ trợ thêm cho công việc mình đang làm. Bạn bè khi biết về lĩnh vực mình làm cũng chủ động gửi thông tin để mình kết nối khi cần.
“Trên mạng xã hội, ta không nhất thiết chọn rạch ròi khoe hay không khoe, chỉ là khoe như thế nào cho tế nhị, phù hợp. Nếu khi viết dòng nào đó, đăng hình ảnh gì mà ta cảm thấy ngại hoặc lấn cấn, có lẽ chính lúc đó ta cần thử xem lại: như vậy có lố quá không?”

“Khoe” như thế nào cho khéo để không gây khó chịu

Khi chúng ta đều hiểu rằng mình đang sống và làm việc trong thời đại mà mỗi người cần chủ động “show off” bản thân khi cần thiết, chúng ta cũng sợ bị đánh giá là người thích khoe mẽ. Vì vậy, chúng ta chọn cách "Humblebrag".
Humble-brag là một thuật ngữ chỉ hành động cố tỏ ra khiêm tốn (humble) nhưng thực chất lại mang tính tự hào và khoe khoang (brag). Đây được cho là “nghệ thuật” gián tiếp tâng bốc bản thân bằng cách hạ mình khiêm nhường, nhưng thực tế là để thu hút sự chú ý và nhận lời khen ngợi.
Nhưng đôi khi, humblebrag không khéo làm người nghe thấy bạn không trung thực, “thảo mai”, tạo ấn tượng xấu và gây khó chịu, đôi khi dẫn đến những hiểu lầm không đáng có.
Thế này không được, thế kia cũng không xong, rốt cuộc phải “khoe” như thế nào cho "vừa"? :)
Trên thực tế, khoe cũng là một nghệ thuật. Việc chia sẻ những thành tựu là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên, khoe như thế nào cho khéo thì không phải ai cũng biết và cũng áp dụng được. Dưới đây là một số lưu ý theo quan điểm cá nhân của mình bạn có thể cân nhắc thử để “khoe” hiệu quả hơn:
1. Hãy chia sẻ những thành công của bạn chân thành và tích cực. Bạn hoàn toàn có thể thẳng thắn, tự tin chia sẻ niềm vui thay vì cố gắng Humblebrag. Lòng chân thành sẽ tạo ra sự thoải mái, mang đến bầu không khí tích cực cho cuộc trò chuyện.
2. Đừng mãi nói về thành tựu của mình, thay vào đó, bạn có thể tập trung vào cách mình đã vượt qua khó khăn hoặc quá trình học hỏi từ trải nghiệm đó. Không chỉ giúp người nghe tập trung vào câu chuyện, đây còn là cách giúp bạn nói về thành tích tự nhiên và không gượng ép. Hoặc thay vì Humblebrag, bạn có thể bày tỏ lòng biết ơn. Sự biết ơn chân thành sẽ tạo ra không khí thoải mái, dễ chịu hơn khi bạn chia sẻ niềm vui.
3. Trước khi chia sẻ bất kỳ thông tin nào, cần hiểu rõ đối tượng người nghe, đặt mình vào vị trí của họ. Tất nhiên, bạn không nên chia sẻ những thông tin mà người đối diện không muốn nghe hoặc không quan tâm. Nếu cứ mãi nói về thành tựu của mình mà không nghĩ đến đối phương, bạn sẽ trở thành người thiếu tinh tế, tạo cảm giác khó chịu. Bạn cũng nên chú ý đến tâm trạng và cảm xúc của những người xung quanh, đặc biệt nên tránh việc phô trương quá lố trong những tình huống nhạy cảm.
"Loud work" không có nghĩa là khoe khoang hay tự cao tự đại. Hãy thể hiện thành tích của mình một cách chân thành, khách quan và tập trung vào giá trị bạn mang lại cho công ty. Bên cạnh đó, không ngừng nỗ lực học hỏi, tiếp tục phát triển bản thân và đóng góp tích cực vào công việc chung. Chúc bạn có một cuộc sống đi làm thuận lợi, suôn sẻ, nhiều niềm vui và ý nghĩa nha <3