Ngày xưa, khi còn lêu lổng sau khi bỏ học đại học ở Việt Nam, mình có đi làm cho một người mình quen và giúp một số lần trên mạng. Sau khi bác ấy biết mình đang "không làm gì," bác ấy gọi mình lại bảo trong lúc chờ để làm gì chi bằng em đi làm với anh cho vui. Người đó đáng tuổi bố mình, bác ấy là người rất thành công, khôn khéo trong xã hội, con bác ấy chỉ kém mình đôi tuổi. Đó là người Cha Giàu mà mình ngẫu nhiên có được.
Để tả bác ấy là người thể loại gì, thì theo lời một người, là "nếu nói 'em có vấn đề Y' thì bác ấy sẽ trả lời 'tao biết có người giải quyết được vấn đề Y cho mày, gọi đến số Z nói là bạn anh X.' Và sau một cuộc điện thoại 5 phút thì đúng là vấn đề Y được giải quyết thật.
Y = Vé xem bóng đá? Bíp bíp. Xong.
Y = Hộ chiếu hết hạn nhưng 3 ngày nữa sang Thái chơi? Bíp bíp. Xong.
Y = Điện thoại mới nhất? Bíp bíp. Xong.
Y = Ăn tôm hùm Mỹ? Bíp bíp. Xong.
Y = Tử vi để lấy chồng? Bíp bíp. Xong.
Y = Setup webserver? Đừng có quá lố như thế. Tự đi mà làm.
Bác ấy lúc đấy đang xây dựng một công ty thứ hai của bác ấy và mình nằm trong đội kỹ thuật làm phần mềm. Khác với chuyện mọi người hay tưởng về người làm doanh nghiệp, không phải ai làm doanh nghiệp cũng bận tối mặt tối mũi. Mình có rất nhiều thời gian ngồi ăn, ngồi cà phê với bác ấy, mỗi khi mình có chuyện gì vướng mắc trong cuộc sống, thì nhiều khi con người khôn khéo ấy thường nhận ra có khi trước cả khi mình nhận ra, và bác ấy sẽ rủ đi uống cà phê. Bác ấy là người từng trải, nên chuyện gì mình cũng có thể chia sẻ được.


Bài viết cùng tác giả:

Có một lần không hiểu nói về chuyện gì, có lẽ là về chuyện gia đình và tiền bạc (có lẽ là vì nói đến chuyện không có đủ tiền du học gì đấy), bác ấy có nói:
- Cái M nhà anh nó là đặc biệt may mắn. Từ bé đến giờ nó muốn gì có nấy, không thiếu cái gì cả. Nó từ bé luôn có tiền để tiêu không phải lo đi kiếm gì cả như em. Nhưng em không nên lấy nó làm thước đo của cuộc sống. Trong xã hội, có 99 người như em mới có một người như cái M. Việc mình có vị trí của một người hơn 99 người không phải là vấn đề. Nhưng khi mình là 99 người kia, thì không nên so sánh và đặt mình vào vị trí của một người may mắn để mà thất vọng.
Có một lần khác, bác ấy nói:
- Khi ta bắt tay vào làm mười việc không nên hy vọng thành công cả mười. Anh bây giờ có nhiều khả năng, quen biết nhiều người, thì giờ làm mười may lắm được bảy, hỏng ba. Ở trong hoàn cảnh của em, anh sẽ hy vọng mình làm mười thì được ba, hỏng bảy. Nhưng mình phải chịu khó để làm được mười việc để được ba việc trong khi người khác mới chỉ làm được ba việc để không thành công việc nào.
Có lẽ những lời khuyên đó là điều làm mình nhớ nhất khi làm việc với bác ấy. Đó là việc may mắn không phải dành cho tất cả mọi người, và ta không nên thất vọng khi mình không may mắn.
Mình sử dụng những lời khuyên đó cho đến bây giờ. Khi nhìn lại mình, sự thực là mình không có sách lược nào cả, mình chỉ là một người gặp nhiều may mắn. 
Những chuyện nào mình may mắn?
- Mình may mắn khi gia đình đủ điều kiện và bố mẹ đủ cởi mở để cho mình chọn ngành học mình thích, và đi du học khi con đường học ở trong nước không thuận lợi.
- Mình may mắn khi là người chẳng may có một số kỹ năng mà làm cho mình trở nên có ích với nhiều người, và làm quen được với nhiều người tốt trong đó có người Cha Giàu ở trên.
- Mình chưa bao giờ tự định hướng cuộc đời mình. Tất cả các việc từ học đại học, học sau đại học, đi học ngành gì, bỏ học hay học tiếp, vào làm ở đâu đều có một người ở một tình huống rất ngẫu nhiên nói để mình làm theo.

Bài viết cùng tác giả:

Có một điều mình nghĩ là mình làm đúng, đó là mình làm theo lời khuyên của bác ấy là cố gắng làm mười việc khi người khác chỉ làm được ba. Nhất là khi làm việc mình thích, thì làm mười việc cũng không có gì là khó nhọc cả. Sự may mắn trong cuộc sống, mình nghĩ cũng không nằm ngoài quy luật của xác suất thống kê. Khi nhìn vào số nhỏ, khi bạn gieo xúc xắc một vài lần thì sẽ thấy mình có thể rất không may hoặc rất may. Nhưng khi bạn gieo nhiều lần, bạn sẽ thấy số lần mình may mắn cũng tương đương với số lần mình không may mắn và xác suất của mình cũng giống như mọi người khác vậy thôi. Khi chúng ta có nhiều quyền kiểm soát hơn với cuộc sống, thì nhiều khi ta có thể chuyển tình huống không may thành tình huống có lợi dễ dàng hơn, và mình sẽ ít phải phụ thuộc vào sự may mắn hơn. 
Cá nhân mình cho rằng cuộc sống cho mọi người khả năng thành công với những việc như nhau nói chung là bằng nhau. Ví dụ như xác suất để nổ lô với người nào cũng là khoảng dưới 25%. Nếu bạn ngày mai phải vào viện mà không đủ tiền để chi trả, bạn phải có gấp 4 lần số tiền bạn có mới trả được. Cách duy nhất bạn làm là bạn đi đặt một con lô để nếu nổ lô thì sẽ có tiền trả viện phí. Bạn biết khả năng may của mình là khoảng 25% - dưới một chút, khi đó cuộc sống của bạn hoàn toàn dựa vào may mắn của một lần nổ lô đó. Nhưng nếu bạn có của ăn của để, thì bạn không cần phải dựa vào sự may mắn của việc nổ lô để quyết định sự an toàn tính mạng của mình nữa. Khi bạn càng dựa vào số lớn thì khả năng chắc chắn của bạn về kết quả càng cao. Và đó, mình nghĩ là điểm khác biệt của người sống bền vững và sống bấp bênh. Người sống bấp bênh là người phải liên tiếp đặt cược vào sự may mắn của mình. Bản thân mình nghĩ, có lẽ trong chúng ta, ai cũng có lần nên hy vọng vào những sự may mắn, những lần trúng số độc đắc, nhưng không ai nên đặt cược vào nó cả. 
Và khi ta có sự may mắn nổ lô thì nên xây dựng từ những sự may mắn đó để làm bệ phóng cho những lần tiếp theo để lần sau mình không cần may mắn để đạt được điều mình mong muốn trong cuộc sống nữa.
Cuối cùng thì mình nghĩ mình là một người có những điều không may và có những điều rất may.
Và điều cuối cùng, chuyện có người may mắn hơn bản thân mình, mình nghĩ điều đó không có gì quá đáng lo ngại. Mình chắc chắn cả cuộc đời mình sẽ không bao giờ may mắn như ông Donald Trump hay hoàng tử William. Điều đó không có nghĩa là mình không vui khi nhìn lại những gì mình đã đạt được trong hoàn cảnh của mình.

Bài viết cùng tác giả: