Nhân bài viết của Tornard về những sáo ngữ, nói phét, tự tôn một cách mù quáng về tiếng Việt,
Điều này không chỉ trong lĩnh vực ngôn ngữ, mà trong mọi mặt của đời sống từ giáo dục đến y tế, khoa học,..., từ quan chức đến dân thường,...., lối nói sáo ngữ, vòng vo, phét lác, tự sướng cộng thêm một chút chủ nghĩa dân tộc đã trở thành một phần của cuộc sống bây giờ.
""VinFast sẽ là hãng xe tiên phong trên thế giới ngừng sản xuất xe xăng để chuyển hoàn toàn sang sản xuất các dòng xe thuần điện".
Bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Vigroup
Một bài viết của GS. Nguyễn Văn Tuấn về lối nói này.
"Bất cứ ai thuộc thế hệ tôi từng sống ở Việt Nam những năm sau 1975 đều chú ý đến loại ngôn ngữ mới rất hoa mĩ và thậm xưng. Không chú ý cũng không được vì nó xuất hiện hàng ngày trên hệ thống truyền thông, trong môi trường học đường, trong công sở, và trong các bài diễn văn rất dài của các vị cầm quyền mới. Hoá ra đó là một cách nhồi sọ.
Trong lab tôi có một em nghiên cứu sinh từ Việt Nam. Vì đến từ Việt Nam nên cách nói của em ấy cũng ít nhiều khi mang tính thậm xưng và ví von, giống như cách nói của các vị trong đảng và Nhà nước hay trên báo chí. Ví dụ như thay vì nói "vấn đề là ..." thì em ấy nói "bài toán là ..." Cách nói đó y chang như cách nói của các vị lãnh đạo chánh trị ở Việt Nam. Chẳng hạn như thay vì nói "vấn đề giải cứu nông sản" họ nâng lên thành bài toán: "Bài toán giải cứu nông sản Việt". Cái gì đối với em ấy cũng là "bài toán", nhìn đâu cũng thấy "bài toán".
Em ấy bị 'lậm' đến nổi khi trình bày trong seminar em dùng "bài toán là ..." làm cho mọi người nhìn nhau tự hỏi "bài toán nào", "bài toán gì ở đây"? Cách nói ví von hay thậm xưng như thế làm cho em ấy không suy nghĩ cụ thể và thông suốt được, mà cứ lòng vòng và chung chung với "bài toán". Phải một thời gian sau em ấy mới gột rửa cách nói thậm xưng như thế và quay về thực tế phức tạp hơn là "bài toán".
Cách nói đó có thể xem là một loại ngôn ngữ thậm xưng. Thậm xưng theo tôi hiểu là cách phóng đại hay cường điệu hóa sự vật và sự việc. Nó giống như cách nói "hyperbole" trong tiếng Anh. Thật ra, cách nói hyperbole cần phải dùng đến từ ngữ hoa mĩ (rhetoric), rất đại kị trong khoa học. Mục tiêu của thậm xưng là gây chú ý ở người nghe và người đọc. Thậm xưng thể hiện tuỳ theo mức độ. Ở cấp nhẹ thì có khi được đề cập đến là 'khuếch đại'; ở cấp vừa thì 'đại ngôn', 'ngông'; còn cao hơn thì là 'lộng ngôn', 'nổ.'
Một cách nói thậm xưng là dùng ví von, khoa trương. Thay vì nói "Những chuyến bay giải cứu", người ta thêm vào chữ "ngạo nghễ" thành "Những chuyến bay ngạo nghễ vào tâm dịch". Thay vì viết "phi công" trong các chuyến bay đó, người ta nâng lên thành "những người hùng trong chuyến bay". Hay như cách mô tả tình hình dịch bệnh là “phức tạp”, rồi cách cách nói ví von phổ biến mà chúng ta hay thấy trong mùa dịch là "Chống dịch như chống giặc". Và, chữ “phức tạp” (vô nghĩa) và cách xem dịch như là giặc làm lu mờ suy nghĩ của chúng ta về khoa học và chủ trương.
Thật ra, cách nói thậm xưng chẳng phải là mới vì nó đã xuất hiện trong thơ văn lâu lắm rồi; nhưng nó mới trong ngôn ngữ nghị luận chánh trị. Trước 1975, báo chí miền Nam Việt Nam cũng thỉnh thoảng dùng cách viết thậm xưng, nhưng không quá phổ biến như sau 1975 dưới chế độ mới. Chẳng hạn như để cường điệu hoá sự việc, nhà cầm quyền mới rất thích thêm vào các định ngữ và bổ ngữ (danh sách từ Nguyễn Hưng Quốc):
- nói đến lãnh đạo ta là phải có chữ 'vĩ đại', 'thiên tài', 'sáng suốt', 'anh minh', 'kính yêu'; còn lãnh đạo đối phương thì 'nguỵ', 'tay sai', 'du côn', 'ác ôn';
- nói về đảng thì phải đi kèm với 'quang vinh', 'muôn năm', 'thần thánh', 'bách chiến bách thắng';
- nói đối phương thì 'tàn bạo';
- với âm mưu của kẻ thù thì phải có 'tinh vi', 'hiểm độc';
- với chánh quyền địch thì phải có chữ 'tay sai', 'bù nhìn';
- văn hóa ở miền Bắc thì đi liền với chữ 'xã hội chủ nghĩa', 'văn minh';
- văn hoá ở miền Nam thì 'suy đồi';
- nói về chiến thắng thì phải 'vẻ vang', 'vang dội', 'giòn giã';
- nói về giải cứu thì 'ngạo nghễ';
- với lịch sử thì 'rực rỡ';
- với tranh đấu thì 'oanh liệt';
- với dân tộc thì 'bất khuất', 'vĩ đại';
- với chính sách thì “đúng đắn“;
- với chỉ đạo thì 'sâu sát', 'sáng suốt';
- với tội ác thì 'dã man'.
Với cách nói/viết như thế, nhà cầm quyền mới tạo ra một cách nói mới mà trước đây chưa bao giờ có. Chẳng hạn như báo chí trong Nam trước 1975 chưa bao giờ gọi ông Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu là 'vĩ đại' hay 'thiên tài'; ngược lại, giới kí giả đặt cho họ nhiều biệt hiệu để chế giễu họ. Nhưng sau 1975 thì 'vĩ đại' và 'thiên tài' xuất hiện hầu như hàng ngày.
Ngoài những cách nói thậm xưng trên, người miền Nam sau 1975 còn phải làm quen với những chữ hay mệnh đề mới như: cái gọi là, chế độ ăn uống, đăng kí, hộ khẩu, căn hộ, kiểm điểm, đề xuất, bồi dưỡng, chỉ đạo, qui hoạch, kênh phát sóng, chùm ảnh, chùm thơ, ùn tắc, ôtô con, xe con, mặt bằng, phản ánh, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, biện chứng, phạm trù, đối tượng, v.v.
Và mới đây là những chữ mới như: thế lực thù địch, yếu tố nước ngoài, tự diễn biến, tự chuyển hoá, ổn định xã hội, bộ phận không thể tách rời, bóp méo, xuyên tạc, can thiệp thô bạo, quyền lợi chánh đáng, quyền lợi hợp pháp, v.v."
Lối nói thậm xưng của quan chức