Bài viết được chia sẻ lại từ group Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) với sự cho phép của chủ bài viết kiêm admin Long Nguyen. Nội dung đã có một chút chỉnh sửa cho phù hợp.
Mấy bữa nay mình vừa thử cố cày lại một quyển từng bỏ ngang vì thấy nó chán, ấy là Station Eleven. Lần này đọc lại thì… vẫn tiếp tục bỏ ngang vì quả thật là nó chán kinh khủng. Tuy nhiên, ít nhất đọc lại quyển này cũng không quá phí công, vì nó gợi cho mình nhớ đến một cái thể loại gọi là Literary Fiction, cũng như cách nó rất hay “được” thiên hạ coi là tách biệt hoàn toàn so với SFF, hay thậm chí là cho ngồi lên trên đầu cái dòng này.

Đầu tiên, mọi người cần để ý đừng nhầm Literary Fiction với thuật ngữ Literature. Literature dùng để chỉ mọi tác phẩm viết lách có tính nghệ thuật, bất kể cao thấp thế nào, và có thể bao gồm cả fiction (tác phẩm hư cấu như Sci Fi, Fantasy, trinh thám, truyện lịch sử,…) lẫn non-fiction (tác phẩm phi hư cấu như các cuốn Popular Science, tự truyện, tiểu sử, chuyên luận…). Một ví dụ cụ thể về Literature cũng như độ rộng của nó nằm ngay ở một thứ rất quen thuộc: các bài khóa luận tiếng Anh mà anh em gần như ai cũng từng phải viết ở đại học, với cái mục “Literature review” (điểm lại những nghiên cứu nổi trội trong ngành mà người khác đã viết) to đùng gần như luôn được giáo viên hướng dẫn yêu cầu phải thêm vào ở ngay đầu bài. Nếu chưa viết khóa luận bao giờ thì anh em cứ bốc bừa một cái nghiên cứu khoa học nào đó cũng sẽ thấy 9/10 chúng nó luôn có cái đấy.
Literary Fiction thì chỉ là một dòng văn hư cấu với các đặc điểm cụ thể, một nhánh nhỏ trong cái ô khổng lồ là Literature. Literary Fiction có thể được dịch là “tiểu thuyết văn học,” thường đặt nặng vào phần nhân hoặc chất nghệ thuật của tác phẩm. Ví dụ như một tác phẩm Literary Fiction sẽ chú trọng đào sâu nội tâm nhân vật, bình luận và phê bình xã hội, phản ánh tình trạng con người, khơi gợi cảm xúc ở người đọc, sử dụng ngôn từ một cách hoa mỹ để tạo dựng không khí,… Còn riêng các yếu tố mạch truyện với dẫn dắt cốt thì thường nó không để tâm đến lắm.
Như anh em có thể thấy, định nghĩa về Literary Fiction chỉ yêu cầu nó đảm bảo được việc đọc vào thì thấy “nhân” hoặc “văn,” hoặc nếu đồng thời “nhân văn” được thì càng tốt. Nó chẳng hề quy định các tác phẩm muốn “nhập tịch” vào mảng này phải “thật” hết, thế nên không có cớ gì ép các tác phẩm SFF phải đứng ở bên ngoài cả. Và trên thực tế, có đến hàng trăm ngàn tác phẩm SFF đủ tiêu chuẩn để làm Literary Fiction, thậm chí còn là Literary Fiction hạng cao cấp chứ chẳng đùa.
Ví dụ đầu tiên chính là cái cuốn đã khơi ra toàn bộ bài viết này: Station Eleven của Emily St. John Mandel. Truyện lấy bối cảnh là một đại dịch cúm bùng phát ở nước ngoài đã lan đến Mỹ, và nó diệt gần 99% dân số, khiến nước Mỹ về sau gần như lộn ngược về thời thuộc địa thế kỷ 18. Bất chấp cái tiền đề đấy, truyện thực chất chẳng quan tâm đến cái đại dịch lắm, mà chỉ xoay quanh cuộc đời và thế giới nội tâm của một số nhân vật, kèm theo một số chiêm nghiệm về cuộc sống. Bản thân bà tác giả cũng nói mình viết cái truyện này với mục đích để nó làm Literary Fiction, chứ không phải Sci Fi. Dẫu vậy, việc bà này mượn tiền đề của Sci Fi là một điều không thể phủ nhận, và Station Eleven vẫn cứ là một cuốn Sci Fi như thường (mặc dù nó là một cuốn Sci Fi rất chán 🐧 )

Station Eleven của Emily St. John Mandel
Cùng style tận thế Sci Fi với nó thì ta có hai tác phẩm khác là The Road của Cormac McCarthy (hay như bản tiếng Việt dịch ra là Cha và Con) và Good Morning, Midnight của Lily Brooks-Dalton. Cả hai tác phẩm này đều cho thế giới trải qua một thảm họa vô danh nào đấy, nhưng lại không hề quan trọng cái cốt của mình sẽ dẫn dắt đến đâu. The Road thì xoáy mạnh vào tình cảm và thế giới nội tâm của một cặp cha con cùng chiếc xe đẩy hàng đi lang thang trên đường, đồng thời sử dụng các thủ pháp văn học để tạo ra một không khí hết sức u ám và tuyệt vọng. Good Morning, Midnight thì thậm chí còn có ít cốt hơn cả The Road, chỉ đánh mạnh vào nội tâm của một nhà khoa học mắc kẹt ở đầu cực của Trái Đất và một phi hành gia ngoài không gian, kể về cuộc đời cũng như tiếc nuối của họ, tạo dựng một không khí đượm buồn và hoài niệm, còn lại chẳng quan tâm đến cái thảm họa kia là gì hay thậm chí cái cốt sẽ chạy đến đâu.

The Road của Cormac McCarthy
Mang tính triết lý cao hơn thì chúng ta có The Children of Men của P.D. James, Brave New World của Aldous Huxley, và The War of the Worlds của H.G. Wells. Tất cả các tác phẩm này đều có nền tảng Sci Fi không chạy đi đâu được, với The Children of Men là thế giới mất khả năng sinh sản, Brave New World thì là xã hội Utopia trong tương lai, còn The War of the Worlds thì là người ngoài hành tinh xâm lăng. Tất cả bọn nó trên lý thuyết đều có một mạch cốt khá rõ ràng, rõ hơn hẳn mấy tác phẩm ở trên. Tuy nhiên, chúng nó cũng chỉ để cái cốt vào cho nó có thôi, còn lại tất cả thì đều cứ chạy đi đâu mà chiêm nghiệm về đời sống con người với các phạm trù triết lý, kèm theo phê phán xã hội và các tư tưởng nghe thì hay nhưng nếu triển khai thực tế (đặc biệt nếu triển khai một cách cực đoan) thì sẽ rất là nát. Về cơ bản, chúng nó có kiểu phát triển rất sát với Literary Fiction. Brave New World với The War of the Worlds thậm chí còn đã được đưa vào khoa văn của một số trường cấp ba và đại học phương Tây, nghiên cứu chúng nó trên phương diện Literary Fiction chứ không phải là Sci Fi.

The Children of Men của P.D. James
Còn có hai ví dụ đặc biệt nữa mà gần như chẳng ai phủ nhận được chúng nó là Literary Fiction, ấy là This Is How You Lose the Time War của Amal El-Mohtar và Max Gladstone cùng với Slaughterhouse-Five của Kurt Vonnegut. This Is How You Lose the Time War được viết với một ngôn ngữ hết sức bay bướm, khiến nó nhiều lúc gần như là một bài thơ với vần vè thanh điệu đủ cả, và được viết dưới dạng những lá thư hai người lính ở hai chiến tuyến của một cuộc chiến xuyên thời gian gửi nhau (hình như thế 🐧 ). Cốt của nó thì gần như vứt hẳn luôn, chẳng có gì là rõ ràng cả. Slaughterhouse-Five thì cũng tương tự, sử dụng mô típ chiến tranh và du hành thời gian (hình như thế 🐧 ) để kể một câu chuyện cứ nháo nhào hết lên, thông qua đó thể hiện tư tưởng bài kích chiến tranh của tác giả. Quyển này còn được bonus thêm một quả nữa là nhân vật chính là một Unreliable Narrator (anh em có thể đọc thêm bài mình đã viết về mô típ ấy trong group ở đây), thế nên chẳng rõ ông anh đang Ba Phi hay nói thật, khiến cho tác phẩm có số phận như cái con mèo của Schrödinger: không ai khẳng định được chắc chắn nó thực sự nằm hẳn ở Science Fiction hay Literary Fiction, chỉ biết rằng nó đồng thời là cả hai.

Slaughterhouse-Five của Kurt Vonnegut
Cả Fantasy cũng chẳng kém cạnh gì Sci Fi trong khoản này, với những gương mặt nổi trội bao gồm The Shinning của Stephen King, Lord of the Rings của J. R. R. Tolkien, và về cơ bản là gần như mọi thứ Haruki Murakami cho xuất xưởng. The Shinning thì có yếu tố siêu nhiên với ma quỷ đi kèm, nhưng truyện lại tập trung chính vào cái cách Jack Torrance cố gắng trở thành một trụ cột gia đình, đồng thời bị ám ảnh bởi hoài bão dang dở cũng như ảnh hưởng mà ông bố đã để lại cho mình. Lord of the Rings thì bay tuốt sang một cái xứ mà từ khi nó ra đời đến nay gần như đã là khuôn mẫu cho mọi tác phẩm Epic Fantasy trên trời dưới bể, nhưng mà lại ngầm là một tập hợp những chuyên luận về cái chết và sự bất tử, môi trường và bước tiến của nhân loại, ngôn ngữ và vai trò của nó với văn hóa,… với bên trong có nhiều đoạn còn là thơ ca và các bài hát hoàn toàn có thể đứng độc lập thành một tác phẩm văn học riêng. Mấy truyện của Murakami thì… là truyện của Murakami 🐧, với khá nhiều tình tiết kỳ dị cùng các yếu tố siêu thực như tranh của Salvador Dalí. Và đã bao nhiêu lần chúng ta thấy thiên hạ nhảy đong đỏng lên đòi Nobel Văn học cho đồng chí này rồi?

Lord of the Rings của J. R. R. Tolkien
Bất chấp cái mối quan hệ khăng khít “tuy hai mà một” ấy giữa Literary Fiction và SFF, rất ít người nghĩ hai cái dòng này có thể chập chung với nhau, hay thậm chí là ngang hàng với nhau. Literary Fiction thường được tung hê như cái gì đó cao thượng lắm, còn SFF thì chỉ có giải trí thôi chứ không đủ tầm. Vụ này làm mình nhớ tới một cái nghiên cứu từng được hai giáo sư khoa văn tại Đại học Washington & Lee thực hiện, cho thấy rằng người đọc hay có định kiến với SFF đến mức chỉ cần nhìn sơ qua vầ thấy nó nằm trong mảng này, ngay lập tức người ta sẽ coi nó là một thứ thấp kém và bắt đầu đọc nó với tâm tư mình đang đọc truyện rác, trong khi một truyện với nội dung y xì đúc, chỉ thay yếu tố Sci Fi thành những thứ đời thường hơn, thì lại được coi là có chất lượng cao hơn (cụ thể bài ấy anh em có thể đọc ở đây).
Thật đến phát mệt với mấy ông tHưỢng ĐẲnG này. Mấy bữa nữa có khi lại còn bày trò mèo, đòi tách “sách” ra khỏi “truyện” cho nó cao cấp mất.
Hol’up 🐧 …
-----
Bài đăng gốc: