Bạn có tin vào cuộc sống sau khi một tình yêu kết thúc không?


Gần đây tôi gõ cửa vài người trên mạng, dù chưa gặp họ ngoài đời bao giờ, vì thấy họ từng hạnh phúc vô cùng, và thích trân trọng những kỷ niệm tình yêu đến mức tôi nghĩ họ là Love icons. Bẵng đi một thời gian, tự dưng không thấy ảnh ọt nữa, mọi người tự hiểu ra vấn đề. Tôi chẳng quan tâm tại sao, mà chỉ muốn hỏi: Đời bạn thế nào sau một tình yêu?


- Tôi không có quãng đời sau một tình yêu. Vì tôi đã yêu một người khác rồi!


À, ra thế. Có những kiểu người dễ yêu, dễ thích nghi và nhìn mọi thứ tươi sáng trong nháy mắt. Mới tháng này còn cùng người này tạt qua đâu đó, tháng sau đã thấy đi với người khác. It’s okay, cause life is too short!!!


Nhưng tôi không thuộc kiểu trên. Thời gian yêu với nhiều người được tính bằng sự khám phá, trải nghiệm lúc mới yêu. Tôi lại nghĩ, tình yêu là sự lâu dài. Vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống, tự nguyện bước vào thế giới của một ai đó và đặt mình là một phần thân thuộc, để sau này dù không còn yêu nữa thì cũng không có gì hối tiếc, vì mình đặt trọn sự chân thành trong đó.


Còn một kiểu phải học cách chấp nhận với cuộc sống xáo trộn. Phải thay đổi những thói quen cũ là điều không dễ dàng. Nhất là những người còn trẻ, đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, giờ đi đâu làm gì cũng chỉ có một mình. Nhưng lâu dần, sự chấp nhận đem lại những trải nghiệm sâu sắc, để biết đâu không còn những lần thứ hai, thứ ba như vậy nữa.


Kiểu thứ tư, có lẽ không ai mong muốn, nhưng tin chắc rằng nhiều người sẽ trải qua - là kiểu người phải mất rất nhiều thời gian để chữa lành những vết thương trong tim mình. Nhất là trong thời đại Facebook, người ta chấm dứt cuộc đời của nhau bằng một cú click chuột, không có nghĩa là che lấp những tổn thương dễ dàng. Cứ nghĩ về những người hơn chúng ta một vài thế hệ, khi tình yêu nối dài qua chiếc máy điện thoại bàn và lúc chia tay giật bắn mình vì tiếng chuông reo. Thời ấy, khi một món đồ vật hỏng, người ta sẽ sửa nó. Còn bây giờ, thiếu gì cách để mua cái mới chỉ bằng vài cú nhấp chuột.


Tôi nghĩ những người sâu sắc, khi chia tay luôn mong muốn một kết thúc. Ít nhất phải có một cột mốc nói rằng chúng ta chấm dứt, để rồi cất bước quay đi tự tin hơn và không phải đau khổ nhiều. Có thứ tình yêu không có kết thúc, là khi một người vẫn còn yêu nhưng người kia đã thay lòng đổi dạ. Nếu hết yêu mà không có chia tay, chỉ dăm ba câu chửi rồi block facebook, nó mang đến nỗi buồn và sự tổn thương rất lớn cho người mình đã từng một thời yêu thương và trân trọng.


Hoặc giả, nếu không thích người kia nữa, hãy cứ nói thẳng và gửi những lời cầu chúc, còn hơn chê thêm một vài câu cho bõ cái sự không thích của mình. Trên đời này không có ai hoàn hảo trong mắt chúng ta cả, nhưng khi nói ra, nó không làm cho con người ta tốt đẹp hơn.


Cũng xin đừng phô trương thái quá hạnh phúc mới của bản thân với người yêu cũ. Bạn có thể hạnh phúc, nhưng nó cấu thành trên sự tổn thương của người khác, điều này thật nhẫn tâm. Khi đang hạnh phúc, hãy cứ tận hưởng, đầu cần thêm nhiều gia vị làm gì? 


Nhưng rồi ai cũng sẽ phải sống. Bạn sống dễ dàng hơn khi không cần thời gian quên đi những tổn thương trong lòng. Tôi thì khó khăn hơn, vì cơn ốm đau cứ kéo dài, ăn không được, ngủ lại ám ảnh, và cũng chẳng thể nhập tâm cho công việc. Bởi vậy người phương Tây mới đề ra những khóa học về văn hóa chia tay, để làm sao cuộc đời chúng ta và người cũ đều tốt đẹp.


Khi ấy, chúng ta có một người không yêu, nhưng hiểu rất rõ, và biết đâu lại có nhau khi cần.


Inoue.