Liệu pháp Vi lượng đồng căn là gì?

Liệu pháp Vi lượng đồng căn (homeopathy) được một y sĩ người Đức tên Samuel Christian Hahnemann phát minh vào cuối thế kỷ 18. Đây là liệu pháp dựa trên quy luật tự nhiên ‘lấy độc trị độc’ (let like be cured by like), nghĩa là một thứ gây ra các triệu chứng ở một người khỏe mạnh có thể dùng để điều trị một căn bệnh có triệu chứng tương tự thông qua việc kích hoạt cơ chế phòng thủ tự nhiên của cơ thể.
Ví dụ khi bóc vỏ hành tây, bạn có thể sẽ cảm thấy mắt bị nóng, ngứa, chảy nước mắt, sổ mũi, hắt hơi… Lúc này hành tây sẽ được dùng làm liệu pháp vi lượng đồng căn, cung cấp một lượng nhỏ cho cơ thể người bệnh cảm lạnh hoặc người mắc dị ứng để giúp cơ thể kích thích hệ miễn dịch, sinh ra phản ứng tự chữa lành.
Thuốc vi lượng đồng căn thường được sản xuất từ ​​các nguồn tự nhiên và ít gây tác dụng phụ.
Kỹ thuật chế tạo thuốc vi lượng đồng căn là pha loãng nhiều lần một chất cụ thể ban đầu cho đến khi chỉ còn một lượng rất nhỏ chất đó trong chế phẩm.
Liệu pháp vi lượng đồng căn cho rằng nếu pha loãng hàm lượng thuốc càng nhiều thì hiệu lực của thuốc càng cao.
Tôi kể đến đây, chắc chắn sẽ có anh em sồn sồn lên phản đối: Vô lý! Thuốc càng loãng thì hiệu lực càng yếu chứ sao lại hiệu lực càng cao?
Lý do là thế này: Những người theo liệu pháp vi lượng đồng căn tin vào thuyết “trí nhớ của nước”, nghĩa là nước có khả năng lưu giữ thông tin của chất thuốc từng được hòa tan với nó; do đó, nước sẽ copy được những tính chất giống với chất thuốc đó, dược lực sẽ được nhân lên.
Rất nhiều người, nhất là các nhà khoa học và bác sĩ đã mỉa mai rằng đây chỉ là phương pháp chữa bệnh bằng niềm tin… Cho đến khi…

Một công trình khoa học phát hiện ra nước có trí nhớ

Ngày 30-6-1988, tạp chí khoa học Nature công bố một công trình nghiên cứu làm rúng động giới khoa học: nước có khả năng ghi nhớ những phân tử của chất lỏng từng được hòa tan trước đó, ngay cả khi phân tử này không còn hiện diện trong nước nữa. Đây là công trình nghiên cứu của nhà khoa học danh tiếng của Pháp: Jacques Benveniste (bác sĩ, nhà sinh học, giám đốc một đơn vị nghiên cứu tại Inserm  - Viện Sức khỏe và nghiên cứu y học quốc gia).
Jacques Benveniste
Jacques Benveniste
Phát hiện của ông đã chứng minh được thuyết “trí nhớ của nước” mà các tín đồ của liệu pháp vi lượng đồng căn đã tin theo suốt hai thế kỷ.
Alfred Spira, một nhà nghiên cứu lỗi lạc tại Inserm, đã làm tăng thêm tầm quan trọng của phát hiện trên khi nhận xét nó “có ý nghĩa nhất từ sau phát hiện của Newton” và ông kêu gọi các nhà khoa học thế giới thực hiện những nghiên cứu bổ sung.
Thế nhưng những thí nghiệm sau đó của các nhóm nghiên cứu khác không đạt được đến kết quả như Benveniste đã công bố. Người ta còn phát hiện thêm rằng những nghiên cứu của nhóm Benveniste đã nhận tài trợ từ hãng dược phẩm Boiron chuyên sản xuất thuốc vi lượng đồng căn. Và cũng chính hãng này đã trả tiền cho nghiên cứu kiểm chứng của nhóm nhà khoa học thuộc tạp chí Nature.
Nhóm nghiên cứu của Benveniste tan rã vào năm 1993. Còn tạp chí Nature sau đó phải công bố những kết quả nghiên cứu phản biện lại công trình của Benveniste. Vụ “trí nhớ của nước” nhanh chóng chìm xuồng và được ghi nhớ như một thí nghiệm gian dối đáng xấu hổ.
Năm 1991, Jacques Benveniste được trao giải IgNobel (Ignoble Nobel - một giải thưởng châm biếm 10 thành tựu đáng xấu hổ trong giới khoa học). Những năm sau đó, với sự kiên trì của Benveniste, ông tiếp tục làm giới khoa học ngạc nhiên khi lại mang về giải IgNobel thứ hai vào năm 1998. Thật không may, Jacques Benveniste không có khả năng nhận được giải IgNobel thứ ba vì ông qua đời năm 2004 ở tuổi 69.

Vi lượng đồng căn – sản phẩm siêu lợi nhuận

Những gì các nhà sản xuất thuốc vi lượng đồng căn thường làm là lấy một ít nước sạch, nhỏ thêm một giọt thuốc X nào đó, lắc nó lên, rồi tiếp tục pha loãng nó ra thêm nhiều lần nữa… Sau đó, họ cho nước vào các chai nhỏ, dán nhãn lên và đem bán, tuyên bố rằng nó sẽ chữa khỏi một số tình trạng bệnh lý (Lợi nhuận có vẻ còn hơn cả bán “bột mì”).
Những phân tử nước mà họ sử dụng để pha thuốc có thể đã tồn tại trên trái đất từ rất lâu, nghĩa là những phân tử nước này đã tiếp xúc với cả tỉ tỉ tỉ tỉ chất rồi. Tại sao nước không “nhớ” những chất đó, mà chỉ nhớ mỗi chất thuốc X? Thế còn lượng nhựa hoặc thủy tinh hoặc kim loại của thùng chứa nước thì sao? Chắc chắn một ít phân tử của chúng sẽ lẫn vào nước, một lượng rất nhỏ thôi. Nhưng chẳng phải các nhà vi lượng đồng căn cho rằng lượng càng nhỏ, thuốc càng mạnh sao? Đó là chưa kể đến việc thứ nước đó còn “lưu thông tin” của phân cá và hàng nghìn chất chất gây ô nhiễm do con người thải vào nguồn nước. Nếu lượng càng nhỏ, thuốc càng mạnh thì chẳng phải những chất gây ô nhiễm đã bị pha loãng đến mức có khả năng gây chết người sao?
Làm thế nào mà nước “biết” rằng thuốc X là thứ mà nó nên copy, chứ không phải phân cá, nhựa hay bất cứ thứ gì khác mà nước đã tiếp xúc trong quá khứ?
Cách đây ba thế kỷ, khi Hahnemann nghĩ ra liệu pháp vi lượng đồng căn thì hóa học vẫn là một lĩnh vực còn sơ khai, John Dalton chưa đưa ra lý thuyết nguyên tử. Giờ đây, thế kỷ 21, vẫn còn rất nhiều người tin vào thuyết vi lượng đồng căn nên các nhà sản xuất thuốc vi lượng đồng căn vẫn sống khỏe, vẫn còn những cuốn sách như “Thông điệp của nước” lôi công trình khoa học đáng xấu hổ của Jacques Benveniste ra để chứng minh nước có khả năng ghi nhớ và chữa bệnh… Ôi! Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều gà để lùa!
Năm 2009, nhà virus học người Pháp từng đoạt giải Nobel Luc Montagnier đã đưa ra một tuyên bố rúng động giới khoa học rằng DNA có khả năng dịch chuyển xuyên không gian trong môi trường nước nhờ tín hiệu điện từ. Ông làm thí nghiệm như sau:
- Pha DNA vào một mẫu nước tinh khiết A.
- Sau khi lọc sạch DNA ra khỏi mẫu nước A. Montagnier phát hiện mẫu nước tinh khiết A phát ra tín hiệu điện từ.
- Ông ghi âm tín hiệu điện từ này lại và phát nó vào một mẫu nước tinh khiết B.
- Đặt mẫu nước B vào máy phản ứng chuỗi polymerase (PCR) thì nó cho ra DNA giống tới 98% so với DNA ban đầu.
Nếu tuyên bố của Montagnier là thật thì hứa hẹn khả năng tạo ra một công nghệ nhân bản con người tức thời và khả năng dịch chuyển tức thời xuyên không gian (teleportation, như trong phim Star Trek).
Luc Montagnier
Luc Montagnier
Về nguyên tắc, tuyên bố của Montagnier cũng tương tự như phát hiện “trí nhớ của nước” của người đồng hương Jacques Benveniste. Tất nhiên là chẳng có nhóm nghiên cứu nào tái tạo thành công thí nghiệm của hai ông người Pháp này, và hai ông cũng đã qua đời, mang theo những “thí nghiệm kỳ diệu” đi vào lòng đất.
Bài viết tham khảo từ: https://qr.ae/pKMMfe https://qr.ae/pKuGD6 https://tuoitre.vn/ky-2-dia-cau-phinh-len-nhu-qua-bong-131864.htm https://en.wikipedia.org/wiki/DNA_teleportation