Nối tiếp phần trước, phần 2 mình vẫn dựa trên các tiêu chí: chuyên nghiệp, thiện chiến, khả năng đem lại chiến thắng cho các cuộc chinh phạt cao và sự nổi tiếng của những chiến binh từ thời cổ đại tới cận đại. Và cũng như phần trước, bài viết tập trung chủ yếu võ thuật chiến binh nên không xếp hạng các quân đoàn chiến binh mà chỉ mang tính chất liệt kê.
"Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa".
"Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa".

II. "Những đế chế hùng mạnh".

1. Roman Legion (quân đoàn lê dương La Mã).

Fact: bên phải: người lính có mũ với mào đỏ kia là "Centurion", người mặc da sư tử là “Imaginifer”, cầm cờ với da gấu là “Signifer”; bên trái: người lính cưỡi ngựa với vòng nguyệt quế trên đầu thường là “Aquilifer”.
Fact: bên phải: người lính có mũ với mào đỏ kia là "Centurion", người mặc da sư tử là “Imaginifer”, cầm cờ với da gấu là “Signifer”; bên trái: người lính cưỡi ngựa với vòng nguyệt quế trên đầu thường là “Aquilifer”.
Quân đoàn lê dương La Mã (Roman Legions) là đơn vị bộ binh lớn nhất của quân đội La Mã, gồm 4.200 bộ binh và 300 equites (kỵ binh) trong giai đoạn của Cộng hòa La Mã (509 - 27 BC); và được bao gồm 5.200 bộ binh và 120 auxilia (lính phi công dân) trong thời kỳ của Đế chế La Mã (27 BC - 476 AD).
*Note: BC: trước Công Nguyên; AD: sau Công Nguyên.
Quân đoàn lê dương La Mã góp phần không nhỏ vào việc hình thành nên một đế chế La Mã hùng mạnh nhất bấy giờ.
Quân đoàn lê dương La Mã góp phần không nhỏ vào việc hình thành nên một đế chế La Mã hùng mạnh nhất bấy giờ.
Đây là quân đoàn được đào tạo, chiến đấu như một phần của một đơn vị chuyên nghiệp tổ chức tốt và là quân đoàn nổi tiếng gắn liền với thời kì Cộng hòa La Mã và đế chế La Mã thần thánh. Binh lính Lê dương được huấn luyện rất chặt chẽ và khắc nghiệt; kỷ luật là nền tảng cho thành công của cả quân đội, những người lính phải tuân theo một chế độ huấn luyện liên miên, khắc nghiệt với vũ khí. Đặc biệt là trong cách hành quân: họ thường xuyên bị ép buộc phải luôn mang theo số quân trang lớn nhất di chuyển trong một đội hình xen kẽ.
Tuy là quân đoàn gắn liền với đế chế La Mã từ khi được thành lập nhưng mãi cho tới năm 107 BC, từ một lực lượng dân quân bán thời gian, quân đoàn lê dương La Mã mới phát triển thành quân đội chuyên nghiệp toàn thời gian.
"Dựa theo Cải cách của Marius"
Bình thường những công dân nam từ 16 đến 46 tuổi đủ điều kiện nhập ngũ, nghĩa vụ quân sự bắt buộc của họ kéo dài 16 năm (thời điểm về sau thời gian lại tăng lên tới 20-25 năm). Là quân đoàn chuyên nghiệp nên mỗi người lính đều được đế chế cung cấp đầy đủ vũ khí, trang bị lẫn lương thực, nhưng đi kèm tính kỷ luật nghiêm khắc và điều kiện sống tương đối khắc nghiệt. Tuy nhiên, họ cũng nhận được những đãi ngộ lớn như khoản thù lao khá cao và vài mảnh đất sau giải ngũ.
Các bạn có thể xem qua video này nếu có nhu cầu tìm hiểu tường tận hơn (ở nhiều mặt còn rõ ràng hơn cả bài viết này), video cũng có phụ đề tiếng Việt cho các bạn không biết ngoại ngữ.
Tiêu đề: "Cuộc sống thường nhật của binh lính La Mã".
Trang bị vũ khí và công cụ thông thường của một người lính lê dương La Mã.
Trang bị vũ khí và công cụ thông thường của một người lính lê dương La Mã.
Quân đoàn lê dương La Mã vốn là bộ binh và không phải lúc nào cũng lập tức tham chiến, họ thường sẽ phải hành quân dài ngày và gần như dành phần lớn thời gian xây dựng lũy. Họ sẽ được cung cấp và trang bị chủ yếu: áo giáp lorica segmentata, nón sắt galea, khiên scutum, hai giáo phi pilum (một nặng và một nhẹ), một đoản kiếm gladius, một cặp sandal nặng caligae, một túi đồ sarcina, mười bốn ngày lương thực, một túi da đựng nước, đồ dùng nấu ăn, hai cái cọc sudes murale để xây dựng lũy. Những trang bị này họ bắt buộc phải giữ gìn và tự bảo trì chúng. Các trang bị cũng rất ít khi hay gần như không thay đổi xuyên suốt các thời kì của đế chế La Mã do tính năng lâu dài, chẳng hạn lao pilum vẫn được trang bị cho lính La Mã hơn 5 thế kỉ. Một quân đoàn chuyên nghiệp, kỉ luật và nổi tiếng như lê dương La Mã thì người lính bắt buộc phải biết các kĩ năng như: bơi lội, đánh kiếm (với thanh kiếm gỗ nặng hơn cả kiếm thật), bắn cung, ném tạ, phóng laokhuân vác... Những kĩ năng trên không chỉ tôi luyện nên những người lính chất lượng, mà còn là một phần giúp cho đội hình mai rùa nổi tiếng của họ đạt hiệu quả cao. Theo nhiều tài liệu, đội hình này chịu ảnh hưởng từ đội hình phalanx, hoplite của người La Mã. Đây cũng là một đội hình hiệu quả trên bộ và rất vững chắc, tuy nhiên thì tính linh động không cao.
Đội hình mai rùa - Testudo Formation.
Đội hình mai rùa - Testudo Formation.
Đội hình mai rùa cho đến thời điểm hiện đại vẫn là đội hình hiệu quả, được sử dụng bởi các cảnh vệ hoặc lực lượng chống bạo động.
Đội hình mai rùa của lực lượng chống bạo động hiện đại.
Đội hình mai rùa của lực lượng chống bạo động hiện đại.
*Võ thuật của quân đoàn lê dương La Mã:
Về vũ trang, đây là lực lượng chiến đấu hiệu quả gắn với đội hình mai rùa. Một người lính lê dương có thể sử dụng thành thạo đoản kiếm gladius hoặc giáo ngắn với khiên scutum, họ cũng có thể ném lao rất tốt... bởi tất cả đều là những kĩ năng bắt buộc khi họ nhập ngũ.
Lính Roma đánh kiếm gladius với khiên scutum.
Sau khi chinh phục được Hy Lạp, La Mã đã tiếp thu hầu hết những tinh túy như văn hóa, triết học... lẫn quân sự từ họ. Bản thân môn võ Pankration (mà bài viết phần 1 mình có đề cập ở mục "Spartan") của người Hy Lạp cũng được quân đoàn lê dương La Mã trang bị như một môn võ không vũ trang.
Sự tồn tại của quân đoàn lê dương La Mã một phần gắn liền với sự thịnh-suy của đế chế La Mã. Việc liên tiếp bị các bộ lạc Barbarian uy hiếp, kinh tế lao đao, các đế chế phía đông trỗi dậy, tình hình rối ren từ bên trong và nhất việc bội chi vào quân sự khiến đế chế Tây La Mã (năm 425–470 BC) không còn đủ nguồn lực để chi trả cho quân đội và đế chế này dần bị tan rã. Đế chế Đông La Mã vẫn tiếp tục gây chiến với các quốc gia Hồi giáo cho đến năm 640 AD thì cơ cấu thay đổi hoàn toàn, đế chế này cũng chỉ kéo dài đến những năm 1400 cho đến khi người Thổ - đế chế Ottoman cướp phá thủ đô Constantinople.
Bonus: Mô hình hành pháp, tư pháp lập pháp của Hoa Kỳ bắt nguồn trực tiếp và chịu ảnh hưởng từ mô hình của La Mã cổ đại.

2. Mongolian Baghatur (kỵ binh bắn cung Mông Cổ).

Kị binh Mông Cổ nổi tiếng với khả năng bắn cung trên lưng ngựa.
Kị binh Mông Cổ nổi tiếng với khả năng bắn cung trên lưng ngựa.
Trước khi vào tiếp tục, mình phải "sửa" lại chút về cách đặt tiêu đề mục này! Từ "Baghatur" hay "Bạt Đô" vốn là 1 danh hiệu mang tính danh dự dùng để gọi một người là "Dũng sĩ", chứ không để chỉ kị binh Mông Cổ. Mục đích chỉ là để "ngầu" mà thôi, nên cứ hiểu đơn giản là "Dũng sĩ Mông Cổ"!
Vó ngựa Mông Cổ "đi đến đâu thì cỏ không mọc được, đến đâu thì bình địa đến đó"
Thời kì đỉnh cao nhất của đế chế Mông Cổ ở thế kỉ 13, màu đỏ là "dấu chân vó ngựa" Mông Cổ (dĩ nhiên không có Đại Việt rồi).
Thời kì đỉnh cao nhất của đế chế Mông Cổ ở thế kỉ 13, màu đỏ là "dấu chân vó ngựa" Mông Cổ (dĩ nhiên không có Đại Việt rồi).
Đế chế Mông Cổ (từ 1206–1368) là đế quốc lục địa lớn nhất (nhớ là lục địa nhé). Mông Cổ ban đầu vốn chỉ là một bộ lạc du mục, nhưng Thành Cát Tư Hãn đã thống nhất giữa Đột Quyết với các bộ lạc Mông Cổ và tuyên bố cai trị vào năm 1206. Sau đó, đế quốc này tiến hành chinh phạt từ đế chế ra mọi hướng, với những vị tướng tài ba nhất thời đấy như Tốc Bất Đài, Oa Khát Đài... và tỉ lệ chiến thắng rất cao. Ngoại trừ một số ít những quốc gia, trận đánh mà Mông Cổ phải chịu thất bại (như Việt Nam, Nhật Bản, Syria,..) nhưng chúng không đáng kể khi chiến thắng trước nhiều đế chế hùng mạnh nhất bấy giờ, khiến nhiều quốc gia phải khiếp sợ, đưa vị thế từ một quốc gia bộ lạc nhỏ bé trở thành một đế chế hàng đầu trong lịch sử. Mặc dù đế chế này tồn tại không được lâu nhưng cũng thúc đẩy cho các nền văn hóa Đông-Tây giao lưu và phát triển mạnh mẽ hơn (nhất là thuốc súng và tôn giáo).
Mà tiện thể, "gen" của Thành Cát Tư Hãn cũng được "phổ biến" rộng rãi và trở thành ông tổ của khoảng 16 triệu người khắp các quốc gia từng bị Mông Cổ chinh phạt, nhất là châu Á. Đáng "khâm phục"!
Trang bị vũ khí chủ yếu của các kỵ binh Mông Cổ.
Trang bị vũ khí chủ yếu của các kỵ binh Mông Cổ.
Những kỵ binh Mông Cổ vốn đã thành thạo cưỡi ngựa và bắn cung như nó là bẩm sinh rồi! Họ vốn là dân du mục, được huấn luyện cưỡi ngựa và bắn cung, dạy tính kỷ luật... cốt làm sao đạt được tính cơ động cao nhất có thể. Áo giáp của Mông Cổ chịu ảnh hưởng từ phong cách Trung Quốc, Trung Đông và Trung Á, chủ yếu là loại giáp lamellar; trong đó cứ 10 quân Mông Cổ thì có sáu người là kỵ binh hạng nhẹ, bốn còn lại được bọc thép nặng nề hơn và trang bị thương dài. Họ cũng có những vũ khí như kiếm cong, chùy, pháo cầm tay, khiên... nhưng phải kể đến cung phức hợp làm bằng gỗ, sừng, gân, da. Như hình bên, có thể thấy bàn đạp yên ngựa giúp họ có thể thúc và điều hướng ngựa mà không cần dây cương. Khả năng bắn cung của họ một phần gắn với đời sống du mục! Vào mỗi mùa đông, những Tuman (10.000 quân) khác nhau sẽ đi ra ngoài và tiến hành các cuộc săn bắn hàng loạt, bao vây và lùa động vật vào một vòng vây lớn trước khi ra lệnh bắn hạ chúng, đủ cho cả một mùa đông. Điều đó đòi hỏi một mức độ kỷ luật cao với kỹ năng kiểm soát và điều động để tổ chức 10.000 người làm điều đó một cách hiệu quả! Chúng là lí do chiến thuật của Mông Cổ thường là bao vây, "hit-and-run", tiêu diệt "sạch sẽ" các "vật thể" trong tầm ngắm...
Những cuộc đi săn vào mùa đông!
Những cuộc đi săn vào mùa đông!
Một điều đặc biệt nữa nằm ở khả năng hành quân nhanh chóng của họ, khi mà mỗi kỵ binh có từ 2-4 con ngựa, thay phiên cưỡi và điều khiển những con còn lại khiến họ có thể tối đa hóa tốc độ hành quân mà không vắt kiệt sức lực của những con ngựa. Có điều, do phải mang ít lương thực nên tại những vùng khô cằn hay việc đóng quân lâu dài lại chính là cản trở bất lợi. Cũng không thiếu trường hợp dùng điểm yếu này đánh bại quân Mông Cổ, có lẽ bạn biết quốc gia nào rồi đấy!
*Võ thuật của kỵ binh Mông Cổ:
Kĩ thuật vũ trang kỵ binh Mông Cổ gắn liền với: cưỡi ngựa (huấn luyện từ bé và "gắn chặt" với lưng ngựa); bắn cung (để vào được Tuman ưu tú của Khan là có thể bắn trúng cánh một con chim khi đang phi nước đại). Ngoài ra họ cũng dùng cả thương dài, kiếm với khiên tròn...
Các tài liệu đều chỉ ra môn võ không vũ trang của quân Mông Cổ chủ yếu là môn võ vật Bökh - một dạng võ vật dân gian! Nhiều nhà sử học chỉ ra chúng đã xuất hiện vài trăm năm trước Công Nguyên và có mối liên hệ với Sumo Nhật Bản hay Ssireum Triều Tiên! Mông Cổ cũng rất giỏi môn này đến mức thống trị các môn võ vật ở châu Á như Judo và Wrestling.
Kỵ binh Mông Cổ thịnh-suy cũng gắn với tình trạng của đế chế Mông Cổ. Sau cái chết của Hốt Tất Liệt vào năm 1294, đế chế bị phân tán. Tuy nhiên, nó đã bắt đầu suy giảm hẳn vào giữa thế kỷ 14, sau khi Cái chết Đen bùng phát và nhiều quốc gia giành lại được độc lập. Đế chế này cuối cùng đã chia tách thành một số lãnh thổ nhỏ hơn vào thế kỷ 15.

3. Đội quân Anh quốc thế kỉ XVIII (18th).

Bộ binh thực dân Anh đặc trưng với quân phục đỏ ở thế kỉ 18.
Bộ binh thực dân Anh đặc trưng với quân phục đỏ ở thế kỉ 18.
Hmm! Sẽ bất ngờ lắm khi mình lại cho một quân đội tương đối hiện đại vào danh sách này, chắc các bạn nghĩ quân đoàn chiến binh sẽ chỉ có quân lính dùng vũ khí lạnh? Cứ bình tĩnh! Dù sao thế kỉ 18 vẫn còn là thời chuyển giao giữa vũ khí lạnh sang thuốc súng. Mình sẽ đưa ra thông tin hợp lý nhất cho các bạn thấy nó hợp nội dung!
Mặt Trời không bao giờ lặn ở đế quốc Anh
Những mĩ từ miêu tả chính xác đế quốc Anh giai đoạn từ thế kỉ 18-20.
Thuộc địa Anh năm 1921, trông "rời rạc" vậy chứ đây là đế quốc rộng lớn nhất lịch sử!
Thuộc địa Anh năm 1921, trông "rời rạc" vậy chứ đây là đế quốc rộng lớn nhất lịch sử!
Câu mĩ từ trên miêu tả rất chính xác những gì mà đế quốc này gây dựng nên, lãnh thổ rộng lớn đến nỗi luôn luôn có một phần lãnh thổ của nó nằm trong ban ngày. Không có bất cứ lục địa nào là không có quân Anh đặt chân đến (à thì... ngoại trừ Nam Cực là không)! Là cường quốc toàn cầu hàng đầu, không ít thuộc địa cho tới tới thời điểm hiện tại vẫn chịu ảnh hưởng của Anh quốc. Vị thế cường quốc số một của nó chỉ chịu dừng lại sau Thế chiến I đã thay đổi cục diện thế giới!
Quân đội Anh qua từng thời kì có sự khác biệt rất lớn nhưng mình sẽ chỉ điểm qua chủ yếu bộ binh Anh quốc ở thế kỉ 18 bởi đây có thể coi là thời kì đỉnh cao của họ (đặc biệt cuối thế kỉ 18)!
Điều khiến quân Anh thời này lại tỏ ra mạnh mẽ hơn hẳn, cũng giống như 2 quân đoàn của 2 đế chế kể trên, đó chính là kỷ luật! Cuộc sống đối với một người lính Anh cực kì khắc nghiệt với luật lệ không hề khoan nhượng. Những tệ nạn như cờ bạc, mua dâm, rượu chè hay gây hấn đều bị phạt rất nặng. Cuộc sống trong trại lính vốn dĩ đã bẩn thỉu và chật chội, dễ lây lan dịch bệnh, lại thêm các hình phạt khắc nghiệt từ đánh roi cho đến án tử hình. Không có tính kỷ luật thì không được! Những người lính đôi khi bị ép gia nhập quân đội bởi thiết quân luật, đôi khi tự nguyện đến từ nhiều giai cấp. Họ ít khi phục vụ ở ngước ngoài, ở chính quốc thì họ lại đóng vai trò như cảnh sát. Phụ nữ cũng tham gia lực lượng này, chủ yếu họ làm y tá hoặc chăm sóc, cứ 100 lính nam thì phụ nữ có khoảng 18 người tham gia.
Trang bị vũ khí và đồng phục của quân đội Anh thế kỉ 18.
Trang bị vũ khí và đồng phục của quân đội Anh thế kỉ 18.
Bộ quân phục đỏ là đặc trưng dễ nhận ra ở quân đội Anh, suy nghĩ màu đỏ nam tính của quý ông bấy giờ cũng thu hút nhiều đàn ông tham gia nhập ngũ. Chúng thường là loại áo khoác đuôi tôm kiểu Mess Dress, được trang bị cho quân đội Anh từ thế kỉ 17-19. Tuy trông "hào nhoáng" là vậy, thời điểm bấy giờ chúng lại thường bị khinh miệt, nhất là ở các thuộc địa. Hiện tại, chúng là một thành phần quan trọng của nghi lễ, là niềm tự hào của người dân. Chúng được trang bị cho cả Vệ binh xứ Wales,
Vũ khí của quân đội Anh là loại súng hỏa mai/súng kíp - loại súng sử dụng cơ chế đá lửa và ở đầu súng có gắn lưỡi lê cho tình huống cận chiến. Khoảng thế kỉ 16-17 vẫn có sử dụng thương dài; các loại kiếm cán rổ thường chỉ có các chỉ huy nhưng họ cũng thường dùng chủ yếu để chỉ đạo hay điều quân.
Dù súng hỏa mai đã xuất hiện và phổ biến trong quân đội không chỉ Anh mà còn những đế quốc cùng thời như Pháp hay Tây Ban Nha. Nhưng thực sự chúng rất hạn chế do thời gian nạp đạn lâu mất ít nhất 2 viên/1 phút ngay cả khi huấn luyện tốt, tầm bắn chỉ 50-100ft (65-80m), độ chính xác thấp do nòng trơn. Họ dựa chủ yếu vào đội hình dàn trải tuyến tính để khai thác tối đa hỏa lực của súng, từ hai đến bốn hàng ngũ binh sĩ được xếp cạnh nhau thẳng hàng, do vậy đội hình này rất cần các cuộc diễn tập và duyệt binh chuyên cần. Còn để đối phó với bao vây hay kị binh, họ sẽ sử dụng bộ binh lập phương, chủ yếu là họ túm lại theo hình vuông và chỉ bắn khi kỵ binh tiếp cận.
Đội hình bộ binh lập phương hay đội hình dàn trải tuyến tính ở những lực lượng quân đội hiện đại vẫn được áp dụng! Dĩ nhiên là chúng có biến đổi cho phù hợp thời đại.
Đội hình dàn trải tuyến tính.
Đội hình bộ binh lập phương.
Đội hình bộ binh lập phương.
*Võ thuật của bộ binh Anh quốc thế kỉ XVIII:
Sự ra đời của súng vào thời điểm này vẫn chưa hoàn toàn loại bỏ những môn võ thuật! Các loại kiếm thuật Rapier hay Sabre vẫn rất phổ biến nhưng chủ yếu vẫn phổ biến ở giới thượng lưu. Việc gắn lưỡi lê ở đầu súng cho tình huống cận chiến cũng được áp dụng như một cây giáo ngắn nên chúng vẫn cần kĩ thuật đào tạo như một môn võ. Ngoài ra, môn quyền trượng Quarterstaff thời này cũng khá phổ biến.
Thế kỉ 18 ở Anh quốc lúc bấy giờ là thời kì bùng nổ mạnh mẽ của những trận đấu quyền thuật với môn Pugilism nổi tiếng. Pugilism đóng một vai trò quan trọng, hầu như bất kể đàn ông thuộc bất kể giai cấp đều biết môn võ này nên chắc chắn, quân đội Anh quốc ai cũng biết chúng! Là hình thức ban đầu của Boxing hiện đại, nhưng không chỉ dùng mỗi đấm, Pugilism còn có cả đá, bắt vật và chơi đòn hiểm. Có nơi còn dạy chúng với vũ khí!
Kiếm thuật, quyền thuật Pugilism và quyền trượng Quaterstaff  rất phổ biến ngay cả trong quân đội ở Anh thế kỉ 18.
Kiếm thuật, quyền thuật Pugilism và quyền trượng Quaterstaff rất phổ biến ngay cả trong quân đội ở Anh thế kỉ 18.
Bộ binh Anh quốc với phong cách chiến đấu kể trên chỉ tồn tại cho tới đầu thế kỉ 18 tới cuối thế kỉ 19 bước vào thời kì Victorian khi các loại súng đã bắt đầu được cải tiến với các loại đạn với vỏ đạn nhồi thuốc súng, tổ chức quân đội thay đổi... nên tổ chức quân đội, vũ khí ở thời kì này trở nên lỗi thời.
(CÒN TIẾP)