Dạo gần đây, sau một thời gian dài trải qua các biến cố và thay đổi về tâm lý, tôi nhận thấy mình đang dần học được cách yêu bản thân hơn rất nhiều so với trước.
Nghe có vẻ sến súa như một bài học về cách làm sao để yêu chính mình hơn, nhưng tôi cảm thấy mình nên đúc kết lại những kinh nghiệm và điều mình đã học được để nhắc nhở bản thân cũng như chia sẻ với những người xung quanh.
Vì vậy, bạn hãy coi đây như một trải nghiệm cá nhân của mình, có thể sẽ phù hợp với bạn hoặc không. Hầu hết là những điều mình đọc được trong sách, nghe được ở đâu đó và cảm thấy được "chạm". Quá trình tự chiêm nghiệm và trải nghiệm cũng cho mình thấy những bài học này là quan trọng với mình, giúp mình sống an yên và tự tại hơn.
Mình sẽ tạm hệ thống nó ra thành một danh sách những câu trả lời của mình cho câu hỏi "Bạn đáng giá tới mức nào?" nhé
1) Nếu bạn lấy bản thân làm gốc và quay ngược lần về cây phả hệ của chính mình trong khoảng 20 đời thì bạn sẽ phát hiện ra bạn là kết quả của tổng cộng 1 triệu con người khác nhau từng tồn tại trên đời này.
Mình từng đọc như vậy trong một cuốn sách và thông tin này thực sự khiến mình choáng váng. Thông thường, chúng ta chỉ nghĩ rất gần về khoảng 3-4 thế hệ trước mình, gồm bố mẹ, ông bà hai bên nội ngoại, cùng lắm là các cụ sinh ra ông bà mình. Vì vậy, mình cảm thấy bản thân có kết nối với tầm bấy nhiêu người.
Nhưng thực ra, nếu nhìn kỹ, mình mang gen di truyền của hàng triệu con người khác. Họ đã từng sống, từng hít thở, tồn tại và sinh con đẻ cái, qua đó dần dần truyền lại những gen của họ - tạm chia cả gen tốt và gen không tốt cho mình.
Nếu nghĩ tới đó thì cơ thể mình, sự tồn tại của mình bây giờ là cả một điều kỳ diệu, không phải sao?
2) Trong quá khứ chưa từng có ai giống bạn 100%. Hiện tại cũng không có ai hoàn toàn giống bạn. Và trong tương lai sau này cũng vĩnh viễn không có ai như vậy nữa.
Câu này mình nghe trong podcast của cô Louise Hay - một mentor tinh thần mà mình rất yêu mến và thường tìm nghe trong lúc gặp vấn đề tâm lý.
Mình thích nghe cô Louise vì cô nói ra những sự thật rất giản đơn, nhưng có sức mạnh vô cùng lớn, giúp mình nhận ra giá trị của mình lớn tới nhường nào. Dùng từ chính xác hơn, là sự độc bản - độc nhất vô nhị của mình trong vũ trụ này.
Ít nhất mình không quá tin vào thế giới song song, tồn tại một phiên bản khác của mình ở đâu đó ngoài kia. Mà kể cả có vũ trụ song song đi nữa, phiên bản ở đó của mình chắc chắn cũng không thể 100% giống như mình của bây giờ ở đây được.
Vì vậy, sự độc nhất của chính mình, của bản thể này có lẽ là điều mỗi chúng ta cần nhận thức rõ ràng hơn, và học cách trân trọng chính mình. Bởi vì mình thực sự xứng đáng với sự trân trọng đó như một quyền đương nhiên khi mình sinh ra trên đời, chứ không cần phải nỗ lực hay cần điều kiện nhất định mới có được.
Ý mình ở đây là những bạn còn đang loay hoay cố làm hài lòng người khác - một kiểu people pleaser như mình trước đây, hay cho rằng mình chỉ xứng đáng được tôn trọng khi mình làm được cái gì đó cho người khác, khi mình đáp ứng nhu cầu của người xung quanh, thì bạn nên dừng lại và suy nghĩ thêm về câu nói này.
Ngoài ra, có lẽ những người thường xuyên so sánh mình với người khác (mình cũng từng như vậy) cũng sẽ nhận thấy sự vô nghĩa của việc này. Tại sao phải so sánh mình với người khác trong khi bạn vốn độc nhất và người kia cũng độc nhất cơ chứ?
Điều này dẫn mình tới bài học số 3 mà mình rút ra cho bản thân, đó chính là:
3) Không bao giờ so sánh mình với bất kỳ ai dưới bất kỳ hình thức nào!
Có thể nghe hơi cực đoan, nhưng đây là một câu mantra mình nhắc bản thân liên tục. Bởi vì từ nhỏ, mình thường hay bị bố mẹ và người lớn so sánh với bạn bè cùng trang lứa như một cách tạo động lực, thúc đẩy mình học giỏi hơn, cố gắng đạt thành tích cao hơn và không tự mãn về bản thân. Đâu đó có những lợi ích từ việc này, nhưng hệ quả tiêu cực của nó thì vô vàn.
Khỏi phải kể, một số bạn đọc bài viết của mình từ lâu cũng biết mình bị rối loạn lo âu lan toả kèm nhiều cơn hoảng loạn panic attack. Nếu bạn từng xem phim Inside out 2 bạn sẽ hiểu cảm giác đó, nhưng tin mình đi, thực tế panic attack còn tệ hơn rất nhiều, và nó không tự lui đi như phim đâu.
Dù sao, quay lại với câu chuyện chính, so sánh bản thân với người khác chính là cách nhanh nhất để chúng ta rơi vào lo âu, bất an, cảm giác tệ hại về bản thân. Dù bạn có xinh đẹp và giỏi giang cỡ nào, khi bạn đặt mình trong tương quan so sánh với 1 người khác, luôn luôn có người sẽ hơn bạn ở điểm nào đó, có những thứ bạn khao khát từ lâu và vẫn chưa có được.
So sánh mình với người khác là cách tốt nhất để tự dìm mình xuống và quên đi giá trị của mình, để những tiếng nói tiêu cực trong đầu trỗi dậy và xâm chiếm suy nghĩ "Mình thật vô dụng", "Mình thật xấu xí", "Mình thật kém cỏi" "Nhìn người ta đi, sao mình không được như vậy?"...
Và những suy nghĩ kiểu overthinking đó sẽ nhấn chìm chúng ta trong biển cảm xúc tiêu cực, khó chịu, thậm chí là đau đớn và tổn thương.
Từ khi mình học được cách tự dừng lại khi thấy bản thân bắt đầu so sánh mình với ai đó, mình cảm thấy tự do hơn rất nhiều. Mình bớt quan tâm người khác nghĩ gì, bớt cảm thấy bất an lo lắng về chính mình, và cảm thấy ổn khi đứng trước bất kỳ ai. Điều này mình chia sẻ thực sự, vì chính mình cũng kinh ngạc về sự tự do thoải mái mình đang tận hưởng khi gặp gỡ người xung quanh.
Đương nhiên mình vẫn dành thời gian soi chiếu, nhìn nhận bản thân 1 cách khách quan xem có điều gì cần chỉnh sửa, cân đối chứ mình không phải kẻ tự phụ không biết lắng nghe.
Việc ngừng so sánh mình với người khác và chỉ so sánh mình với chính mình của hôm qua (như lời hàng triệu tác giả sách từng nói), thực sự thực sự thực sự là một power - một quyền năng cực kỳ lớn lao mà bạn nên 1 lần cảm nhận trong đời.
4) Mình không có điều gì để mất, cũng chẳng có điều gì để chứng minh. I have nothing to prove, and I have nothing to lose.
Đây là một điều mình hay tự nhắc mỗi khi trong mình trỗi dậy ham muốn được chứng tỏ bản thân, muốn được khen, được công nhận, được cảm thấy tốt về chính mình.
Thực ra nhu cầu này là rất tự nhiên. Trong tháp Maslow cũng có nhắc đến kiểu nhu cầu này. Nhưng việc quá nghe theo nhu cầu này có thể rất tai hại. Nó khiến chúng ta có xu hướng lao ra ngoài, khao khát tìm kiếm sự ghi nhận của người khác như một đứa trẻ bị bỏ đói lâu ngày muốn được thoả cơn khát.
Nó khiến mình bỏ mọi công sức và tâm huyết để đổi lấy vài lời khen ngợi hoặc ánh mắt ngưỡng mộ của người khác. Cái mình có được là cảm giác thoã mãn tạm thời, và ngay sau đó là chuỗi ngày đằng đẵng chạy theo người khác van xin sự công nhận của họ. Hãy khen tôi đi, hãy yêu mến tôi đi, hãy quỳ phục dưới chân tôi mà tán thưởng tôi đi.
Nghe mới độc hại làm sao. Mình đã từng như thế, từng ở trong hoàn cảnh ấy, và tưởng đó là cách sống bình thường. Nhưng dần dần mình thấy cuộc sống như vậy thật quá mệt mỏi, thật quá tốn công tốn sức, mà thành quả lại chẳng lâu bền.
Đến lúc mình buông bỏ, không còn nhu cầu chứng minh bản thân cho ai hết, chỉ cần mình cảm thấy hài lòng với chính mình, sử dụng thang đo - framework khách quan của bản thân mà đánh giá và thấy đủ, thì tức là đủ! Vậy thôi.
Không cần chờ đợi tiếng vỗ tay, lời khen ngợi hay câu nói của ai cả. Mình là người phán quyết cuối cùng, với năng lực trí tuệ và khả năng phán đoán của mình, trực giác của mình, mình sẽ biết mình làm đến đâu là đủ.
Biết mình không có cái gì để chứng minh, không có cái gì để mất thực sự giải phóng mình khỏi vòng lặp bất tận của việc cố gắng làm vừa lòng người khác. Thật là nhẹ nhõm biết mấy.
Điều đó cũng cho mình sự tự tin vô cùng chân thật và vững chắc đến từ bên trong. Mình có thể cảm nhận sự khác biệt rõ rệt so với hồi mình còn đi học và sống trong cảm giác bất an trước sự phán xét, đánh giá của người khác. Có lẽ trưởng thành là cảm giác tự tại như thế này chăng, mình hay tự hỏi và không khỏi biết ơn.
Nói chừng đây thôi. Có thể điều mình nói sẽ gây tranh cãi với một số bạn, nhưng mỗi người đều có suy nghĩ và góc độ riêng của họ. Everyone is entitled to their own beliefs.
Mình cũng không còn so đo chuyện tất cả mọi người đọc bài của mình phải đồng ý với mình, phải thích những gì mình viết. Không, bạn có quyền phản đối hay suy nghĩ khác mình, mời bạn tự nhiên. Mình chỉ nói ra những suy nghĩ bên trong mình, nhiệm vụ đó là hết, ai thấy hợp thì sẽ thấy hợp, ai thấy không phù hợp thì tức là không phù hợp. Không sao cả, mình vẫn ổn :3
Chúc các bạn đọc bài vui và gặp nhiều may mắn ~
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất