Note: Dưới đây là phần cảm nhận và phân tích của cá nhân Hưng nên Hưng sẽ cố gắng đi và chiều sâu và không spoil quá nhiều để bộ phim của đạo diễn Lý Hải tiếp tục được khán giả đến rạp để xem.
Lật Mặt 7: Một Điều Ước
Lật Mặt 7: Một Điều Ước
Hình ảnh người MẸ
Cũng rất gần gũi, quen thuộc nhưng lần này rất "chịu chơi"
Mình chia thành các mục để mọi người đọc dễ hơn nhen:
1. Bà sống ở một ngôi nhà được đơn giản hoá bằng chữ "nghèo", hơi "cà tàng" nhưng thực tế là bà không nghèo. Vì hồi trẻ bà chịu làm, chịu cực, nên có đất có đai.
2. Chồng mất sớm, chăm 5 đứa con tuổi ăn học.
3. Tuổi già đến, vẫn buôn bán, đón khách đến du lịch, tham quan. Bà bán Hoa Bất Tử, và cho khách ở lại nhà mình cắm trại
4. Tự làm mọi việc, không dám làm phiền hàng xóm và con cái.
Tổng lại: Là hình ảnh rất bình thường, rất quen thuộc ở Việt Nam chúng ta. Bà có đủ đức tính của một người phụ nữ và một người MẸ.
Đang bán hoa cái bị phượt thủ "húc" thành ra là "her leg is broken"
Đang bán hoa cái bị phượt thủ "húc" thành ra là "her leg is broken"
Cảnh mà Hưng xúc động nhất lúc bà còn trẻ không phải là di ảnh chồng trên bàn thờ, mà là cảnh bà leo lên mái tôn để lấy bao nilon che chắn mưa giột vào nhà, rồi bà bị trượt chân ngã xuống mặt đất trước mắt các con của mình.
1. Lúc trẻ bà ngã trên mái nhà xuống.
2. Lúc già bà ngã từ trên xe lăn xuống, trong khi bà đang bó bột một chân của mình.
Từ 2 điểm đó, Lý Hải cho chúng ta thấy là nhân vật Mẹ không có bất cứ điểm tựa nào những lúc khó khăn này, bà chính là trụ cột trong nhà rồi.
Lúc trẻ bà có cái con kề cần giúp đỡ, về già bà có 2 người hàng xóm tốt bụng.
Giờ mình sẽ đi tiếp cuộc hành trình của bà thông qua hình ảnh và gia cảnh của những người con nha.
Cuộc phiêu lưu bị sắp đặt nhưng nhiều bất ngờ...
Sau này lớn đứa nào nuôi mẹ đây?
Khi biết Mẹ bị gãy chân, các đứa con ở xa, đều vướng chuyện việc làm, chuyện gia đình, vợ chồng con cái. Nên quyết định một tháng 4 tuần, mỗi tuần ở chỗ mỗi đứa.
Lịch trình như sau:
Hà Nội - Phan Thiết - Lâm Đồng - Sài Gòn
(Vì chị con thứ 2 ở với Mẹ nên bà chỉ đi 4 địa điểm).
Bay ra Hà Nội
Hai Khôn, vợ và các con
1. Hai Khôn là con cả, từ nhỏ chịu áp lực rất lớn. Chăm em, phụ mẹ làm việc, học hành và dạy dỗ các em phụ mẹ.
2. Hai Khôn lấy vợ ở Hà Nội, có 2 người con rất hiểu chuyện.
3. Vợ anh rất giỏi, vừa đi làm bên ngoài vừa chăm lo cho gia đình chu đáo.
Biến cố:
Hai Khôn bị buộc rời chức - Vợ áp lực công việc kinh doanh bị thua lỗ - con gái đánh nhau ở trường.
Vậy ai là người giải quyết các vấn đề này?
Người MẸ.
Còn giải quyết và tình tiết ra sao thì bạn ra rạp xem nha.
Đi về nhà Tư Hậu
Cuộc sống vùng biển
1. Tư Hậu là người vui tính, sinh ở vùng núi nhưng lại chọn làm người bám biển mà sống.
2. Có ông bố vợ cũng lớn tuổi, hơi đãng trí.
3. Vợ rất thương Tư Hậu, hay chửi nhưng tình cảm, có đứa con cũng dễ thương.
Biến cố:
Tư Hậu đi biển - Thời sự báo bão đến - Tư Hậu không trở về sau đêm bão xảy ra - Cảnh quay trên biển cho thấy Tư Hậu bị gió thổi lật xuống biển
Ai là người cứu Tư Hậu?
Người MẸ.
Bà bị bó bột mà sao cứu được con trai ngoài biển khơi bão bùng được? Ra rạp nha!
Chạy lên Lâm Đồng
Mát mẻ, vườn cà phê
1. Năm Thảo, đi làm mướn ở rẫy cà phê, rất chăm chỉ.
2. Có anh chồng rất thương mình, gọi là rể thảo đó, cũng thương bà Hai.
3. Có đứa con trai cũng hiểu chuyện, thương bà, biết quan sát.
Biến cố:
2 vợ chồng mượn nhà của ông bà chủ để qua mắt bà Hai - Tổ chức sinh nhật cho bà Hai - Bị phát hiện qua chiếc xe lăn nằm trên rẫy cà phê - Năm Thảo và chồng rất lo lắng vì đã lừa dối ông bà chủ.
Ai là người giải quyết vần đề?
Người MẸ.
Ra rạp nha!
Chạy xuống Sài Gòn
Phố hoa lệ, hoa cho người, lệ cho bà Hai
1. Sáu Tâm là con trai út, sinh ra lúc không còn bố, làm thợ xây dựng.
2. Vợ đang mang bầu, sắp đẻ, hiểu chuyện, thương chồng, quý bà Hai.
3. Có cô hàng xóm bán nước cũng tốt bụng.
Biến cố:
Sáu Tâm xây nhà bị lấn đất của người ta 7 phân - Bị chủ đất đòi lại - Hoặc là đập ra xây lại, hoặc là bỏ tiền ra mua lại - Sáu Tâm không có tiền, đi năn nỉ người ta không chịu, nhà chuẩn bị bàn giao đúng hẹn nên không thể đập đi xây lại - Mẹ Sáu Tâm biết sự thật là các con lừa mình là nuôi mẹ thay phiên nhau chứ không phải là đưa mẹ đi du lịch.
Ai là người giải quyết vấn đề?
Người MẸ.
Bà Hai không bỏ ra bất cứ đồng nào nhưng vẫn giải quyết được vấn đề. Ủa sao hay dữ vậy ta? Ra rạp nha.
Bà Hai về nhà và bỏ đi
Bà bắt đầu suy nghĩ về việc bỏ đi, không còn trông đợi vào các con
Liên hệ một chút, cảnh sau này mình nhớ tới một cuốn sách mà mình đã đọc và nội dung của nó làm mình nức nở: Hãy Chăm Sóc Mẹ của tác giả Shin Kyung-sook
Cũng như thế, sau khi bà Hai bỏ đi mất, các con của mà đều tụ họp lại đi tìm bà, nhưng không thấy bà đâu.
Rồi cuối cùng thì sao? Bà đi đâu? Có gặp lại nhau nữa không? Ra rạp nha.
Phía trên là Hưng hệ thống lại để các bạn hình dung về bộ phim, và sau đây là những điểm Hưng nhìn ra.
Quảng bá hình ảnh: Mỗi địa điểm đến của mỗi đứa con, Lý Hải đã cho khán giả những hình ảnh về cảnh quang, cuộc sống và con người trong đó.
1. Hình ảnh thủ đô Hà Nội, người con gái thủ đô cũng rất giỏi giang, yếu chồng biết lo toan, đời sống vật chất ngày càng nâng cấp hơn.
2. Hình ảnh vùng biển, làng chài, tôm cá mênh mông. Con người thì thật thà, chất phác, nghĩ sao nói vậy nhưng không ghét bỏ ai. Tính hy sinh cao cả của đồng bào miền biển, bám biển mà sống, dù có gian khổ cũng không bỏ quê hương của mình, ở lại chỉ đơn giản là giữ gìn bản sắc, văn hoá và đất đai ông bà để lại, sứ mệnh của một người dân biển.
3. Nông nghiệp ở nước ta phát triển cũng rất lâu rồi, lúa nước, hồ tiêu, cà phê,...v.v. Quanh năm khí hậu mát mẻ, con người dịu dàng, dễ thương, là hình ảnh vùng đất cao nguyên, sống chủ yếu nhờ trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó cà phê là cái thường nghe thường thấy ở Việt Nam. Cũng sương gió, cũng cằn cỗi, nhưng người người ở, rồi làm và phát triển, tuy không giàu có gì nhưng rất thương người.
4. Sài Gòn nhộn nhịp, xa hoa, lộng lẫy, điểm đến vui chơi rất đông đúc của chúng ta. Tuy hơi chật chội, nóng nực, nhưng con người cởi mở, rộng lượng, dễ cho đi, dễ thoả thuận, giúp người như giúp mình. Ngay cả những hẻm hóc nhỏ nhất ở Sài Gòn còn chứa đựng tình người thì những nơi rộng rãi chẳng bao giờ thiếu.
Hình ảnh người mẹ Việt Nam: hi sinh, thương yêu con cái, gia đình, cả đời lo toan, chăm sóc. Đói không lo, ốm không kêu. Trụ cột thứ 2 trong nhà.
Nhân vật bà Hai: tuy bà ở nhà các con một tuần, nhưng biến cố xuất hiện, bà Hai đều là người đứng sau giải quyết hết mọi chuyện. Có phải chăng bà Hai chính là quý nhân phù trợ của các con mình. Bà Hai lúc trẻ cô đơn, về già cũng cô đơn. Ông trời thấy thương nên gửi cho bà những người hàng xóm tốt bụng, lo lắng, khuyên nhủ bà nhiều điều có lý. Sau cùng bà ngẫm lại, bà biết khó cậy con cái nên bà chọn cách bỏ đi.
Hình ảnh 5 đứa con: Sự thật là cả 5 người con này đều rất thương bà Hai, mẹ của mình. Cái hay là Lý Hải đã cho chúng ta thấy cái này, cái mà chúng ta thương nghĩ là "bất hiếu" sẽ xảy ra khi bàn về chuyện nuôi cha nuôi mẹ. Những đứa con này bị bó buộc bởi hoàn cảnh, họ cũng túng thiếu, cũng cơm lo áo mặc nên thật sự là khó xử trong tình huống này. Khi nghe bà Hai bị tông gãy chân, tất cả đều chạy về bên mẹ. Khi nghe mẹ mất tích cũng bỏ hết công việc để tìm mẹ. Nó giống như là một cái dòng chảy vậy đó các bạn. Bà Hai dùng cả tuổi trẻ lo cho các con, về già bà tự lo cho mình là chính, còn các con lại bước vào ô của bà Hai từng bước. Đó là, lập gia đình, lo cho chồng, cho vợ, cho con. Tất cả là vòng lặp, chỉ có mỗi thời là mỗi khác.
Hình ảnh chị Ba Lành: đứa con gái thứ hai của bà Hai, chị ở gần mẹ, lấy chồng xay xỉn, đi làm tất bật nhưng vẫn thiếu thốn, con gái thì bị bệnh nhập viện, ở gần mẹ mà vừa chạy qua chăm mẹ, chạy qua chăm con, vừa đi làm, vất vả ngược xuôi. Tàn nhan thấm ướt đôi gò má của chị. Chị cũng hiểu chuyện, không nhờ cậy các anh em, không gây phiền. Tiếng "anh Hai" qua điện thoại thể hiện cái bất lực. Một phần nào đó trong nhân sinh, chị Ba Lành như là người chịu nghiệp cho cả nhà vậy. Từ đó mới thấy, đứa con ở gần đôi khi còn không xoay sở được thì "nước xa sao cứu được lửa gần".
Hình ảnh 2 chàng rể: Hai chàng rể cũng không gọi là quá báo, nhưng gây ấn tượng cho khán giả. Một anh rể chồng Ba Lành, nhậu nhẹt, say xỉn. Một anh là chồng Năm Thảo, thương vợ, siêng năng, chịu làm, chịu khó.
Cái áp lực vô hình: đó là anh Hai Khôn, chính là nguyên nhân của việc gia đình bất hoà. Áp lực vượt lên thoát nghèo đè nặng trên vai anh Hai, áp lực lo cho em út trong nhà. Khó có thể gột tả được, nhưng mà xem xong bạn sẽ cảm được.
Cái "le lói" của Lý Hải: đạo diễn đã gài những chi tiết rất là nhỏ vào để chúng ta luôn có niềm tin vào cuộc sống lúc hàn cơ, vậy đó là gì?
1. Hoa bất tử: cái tên nói lên tất cả, cái loài hoa tưởng chừng bị mất đi, nhưng bà Hai lại trồng, thì sự sống vẫn cứ sinh sôi ở nơi bà Hai vậy.
2. Hai người hàng xóm, ân cần chăm sóc, giúp đỡ, lo cho bà Hai lúc không ai ở cạnh, không khác gì người trong nhà. Một phần thì đồng cảnh già đơn côi chiếc, một phần thì xem như bà cháu trong nhà. Ông trời luôn cho chúng ta gặp những người tốt bụng để chúng ta không bị ném sâu vào bóng tối.
3. Cái nhà của bà Hai: sau cùng thì bà Hai vẫn giữ lại căn nhà. Để liệu rằng, các con luôn có chốn để trở về, như cái bài mà Đen Vâu đã từng thể hiện...
4. Sổ tiết kiệm: bà Hai cho mỗi người con một sổ tiết kiệm để có vốn làm ăn. Vậy thì sao? Đó không đơn giản là tình cảm của mẹ dành cho con, mà là giúp chúng ta hiểu rằng, ngay khi chúng ta không còn mẹ nữa, thì tình cảm ấy cũng vẫn còn ở lại.
5. Cô Cẩm Lệ: cái đêm bà Hai biết các con lừa mình thì bà nằm khóc không thành tiếng, cô Lệ chỉ quay sang nhìn và đặt tay lên vai bà Hai, đó là sự đồng cảm nỗi đau, sự thấu cảm của phụ nữ với nhau, để chúng ta hiểu một điều, chuyện đôi lúc là không của riêng ai, chính cô Lệ cũng có ai đâu mà lo lắng.
Còn rất nhiều hình ảnh nữa, hy vọng các bạn đón xem tại rạp.
KHÓC HAY KHÔNG ?
Giọt nước mắt
Theo Hưng thì, mình khóc khi xem Lật Mặt 7 là điều bình thường. Đem ra lật lại xem xét sẽ thành bất thường.
Khóc vì thấy bản thân mình, hoàn cảnh mình như nhân vật.
Khóc vì đồng cảm với họ.
Khóc vì tính thương người, đạo đức đối nhân.
Khóc vì dễ cảm động.
Khóc vì cái kết.
Có nhiều người đâu cần khóc, họ khóc bên trong là được rồi.
Giác ngộ tự thân là một loại khóc, họ nổi da gà từ trên đầu xuống dưới chân, họ thổn thức bên trong tim mình, họ trầm tư vào suy nghĩ, họ gật đầu nhẹ, họ cảm nhận được thông điệp của bộ phim đang truyền đến tim mình.
Khóc xét kỹ thì là hành động, nhưng xét rộng ra thì nó chưa đựng rất nhiều điều.
Riêng Hưng xem Hưng nuốt nước mắt rất nhiều, Hưng muốn giữ những sướng cảm trong lòng mình mà thôi.
Hình ảnh cuối mình rất thích, từ những tấm vải dài tượng trưng cho ngọn lửa ấm áp rồi chuyển thành logo của đạo diễn Lý Hải. Rất là đẹp. Mãn nhãn.
Độc lạ quá đúng không mọi người.
Độc lạ quá đúng không mọi người.
Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của mình, mong các bạn có thể đọc và để lại cảm xúc.

Hưng Học Hỏi, 04.05.2024