Mình cũng muốn nói chứ, mình cũng muốn chia sẻ nhưng ai sẽ lắng nghe?
Hồi bé mình thấy ai nói chuyện nhiều mình thấy ngưỡng mộ lắm vì mình thấy họ là người giỏi giao tiếp, rất ra gì và này nọ. Còn mình thì là đứa luôn im re vì mình hướng nội, nói thẳng ra là mình nhạt=)).
Còn bây giờ đối với mình, giỏi giao tiếp không liên quan mấy đến việc nói cả. Kỹ năng giao tiếp tuyệt vời nhất là "Biết lắng nghe". (Ý mình không phải nói nhiều là không tốt, mà là có người nói thì phải có người nghe).
img_0
Nhiều lúc mình tự hỏi tại sao mỗi lần mình chia sẻ một điều gì đó với người khác lại thường tạo ra cho mình những nỗi thất vọng? Có lẽ là mình không nhận được sự quan tâm và đồng cảm từ người đó. Vậy là do mình chưa biết cách truyền đạt để cho đối phương có thể hiểu rõ hơn về vấn đề, hay nguyên nhân xuất phát từ việc những người ấy không biết cách lắng nghe thật sự?
Trong hầu hết các cuộc giao tiếp, mình thấy nhiều người thường có tật xấu là cắt ngang lời người khác nói, mình cũng đã từng là người như vậy:v. Thiệt là vô duyên và thiếu tôn trọng.
Chung quy lại phần lớn là do cái tôi của mỗi người.
Nhiều người cắt ngang lời của người khác do họ nảy sinh ý tưởng mà mình cảm thấy cần phải nói ngay, để chứng minh rằng mình đã biết những gì người khác đang nói nên họ muốn chia sẻ những ý kiến, niềm tin về chủ đề đó. Có những người thì không thể ngồi yên khi ai đó nói trái quan điểm của mình. Họ luôn đứng ở góc độ cá nhân để cố chứng minh quan điểm của mình là đúng bằng mọi giá, luôn mặc định, gán ghép góc nhìn chủ quan vào sự việc, cố thuyết phục người khác đồng ý với quan điểm của mình để thỏa mãn cái tôi.
Vậy "biết cách lắng nghe" có đơn giản không? Lắng nghe thực sự mình phải hạ cái tôi xuống, phải kiên nhẫn, phải tập trung nghe không chỉ những từ ngữ người khác nói mà còn cả cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể và âm điệu trong giọng điệu của họ.
Bạn đã bao giờ tự hỏi vì sao mà chúa cho con người "Hai cái tai và Một cái miệng chưa:v?"
Mình biết nhiều người rất nghiện nói, họ nói như đài phát thanh vậy, nên việc lắng nghe có thể sẽ khá khó khăn. Còn đối với những người hướng nội như mình thì có thể đây là điểm mạnh, vì mình lười nói=)). Nhưng mình nhận ra được một điều là nghe và lắng nghe khác hẳn nhau. Mình không nói gì, mình nghe thì cứ việc nghe thôi còn họ nói gì mình mặc kệ chứ mình để tâm làm gì. Còn có lần mình nói với sếp: "Em là người thích nghe thôi không thích nói", thì sếp có hỏi lại là: "Thế nếu được nói chuyện với người em yêu, người cùng tần số, cùng sở thích thì em có nói nhiều không?". Ừ ha. Mình nói rất nhiều là đằng khác:)). Nói nhiều riết không để ý để người đối diện có thực sự muốn nghe hay không haha.
Vậy nên kĩ năng "lắng nghe" thực sự cần phải học, chỉ là có người học nhanh, có người cần phải cố gắng nhiều hơn để học thuiii. Khi lắng nghe mình mới biết đối phương có đang thực sự muốn nghe mình nói hay không. Họ không chú tâm muốn nghe thì mình phải dừng nói lại ngay thôi chứ không là vô duyên quá:)), vì mình đang độc thoại chứ không phải đối thoại trong cuộc trò chuyện này nữa rồi. Khi mình sử dụng trí tuệ cảm xúc, đặt cái tâm vào cuộc trò chuyện để lắng nghe, mình kết nối với người khác ở một cấp độ sâu sắc và trọn vẹn hơn. Mình hiểu những gì "họ cảm nhận và nói" chứ không phải hiểu những gì "mình nghĩ rằng họ muốn nói". Khi chú ý lắng nghe "để hiểu" hơn là lắng nghe "để phản hồi hay phán xét", mình học được thêm kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm từ người kể chuyện hay một bí mật gì đó thú vị, vì mình đặt vị trí của bản thân vào họ để thấu hiểu và cảm thông được.
Mình thấy ai cũng có những nỗi khổ khác nhau ở độ tuổi khác nhau, bạn không hiểu được nỗi buồn của mình, mình cũng không hiểu được nỗi sầu của bạn. Bạn và mình có những quan điểm khác nhau, và đã là quan điểm thì không có đúng hay sai. Vậy nên mình sẽ chỉ nói khi thực sự cần và lắng nghe bạn để thấu hiểu.
Cảm ơn bạn đã đọc bài viết của mình.