Lắng nghe gió hát
Đọc ‘Lắng nghe gió hát’ của Haruki Murakami khiến tôi trở thành kẻ nhẩn nha. Từ đầu tháng mười đến đầu tháng mười một, tôi vừa nhón...
Đọc ‘Lắng nghe gió hát’ của Haruki Murakami khiến tôi trở thành kẻ nhẩn nha.
Từ đầu tháng mười đến đầu tháng mười một, tôi vừa nhón lấy vài con chữ từ đoạn này sang trang kia, vừa bật miết mấy bản nhạc cũ kỹ tìm được trên YouTube - ‘California Girls’ của The Beach Boys, ‘Spirit in the Sky’ của Norman Greenbaum, ‘Hey There Lonely Girl’ của The Delfonics - và giả vờ đang rỉ tai lắng nghe âm thanh rè rè của máy hát jukebox cứ như sành lắm. Những bản nhạc đầy rẫy mà thi thoảng Murakami sẽ gài tại đâu đó của cuốn sách, và lắm khi tôi cũng chẳng thèm đọc tiếp mà lật bừa cho đến đúng trang có ghi tên mấy khúc nhạc kia, chẳng vì gì hết, chắc trí nhớ tôi kém chăng? Không hiểu sao, mỗi khi đọc quyển sách nào, tôi luôn mò cho bằng hết những bản nhạc mà một nhân vật nào đó đã nghe, hoặc là nhạc nền trong quán ăn và ngôi nhà cũ xuất hiện đôi chỗ. Làm như thế khiến tôi có ảo giác được sống trong cái kén dễ chịu mà tác giả đã dệt lên. Nhưng đồng thời, tôi cảm thấy mình như một kẻ giả mạo đòi sống cuộc đời người khác. Như là có hai cái lá, một cái rất xanh và có vị nắng, còn một cái không xanh lắm, nên cái lá không xanh lắm phải vu vơ khắp chốn, túm lại là tìm mọi cách có thể, để được xanh như cái lá kia.
Và cũng túm lại, trong khi thứ nhạc rock n’ roll mà tôi không quen tai lắm kia đang tán nhuyễn không khí, tôi bắt đầu rơi vào mùa hè mười tám ngày năm 1970. Nói đúng ra, tôi dành thời gian để tưởng tượng nhiều hơn là nghiền ngẫm con chữ của tác giả. Tôi nghĩ về mùa hè của một “tôi” khác trong 200 trang ngắn này, về đống vỏ lon bia xếp chồng ở Jay’s Bar mà anh ta và Chuột bỏ lại, mùi chanh của dầu xả, tiếng rít còi của tàu hỏa, câu chuyện chàng thanh niên leo xuống những cái giếng không đáy trên bề mặt sao Hỏa, bọn nhà giàu, những ngôi nhà hai tầng và ba tầng trong thành phố, ổ bánh mì cũ, ngôi mộ cổ bên đám cỏ hè, những lần làm tình mơ hồ, gara ô tô xếp đầy những món đồ cũ rích của Chuột, món bánh kếp rưới Coca trong nắng dịu tháng năm, cái chết bất thình lình nếu nhảy từ nóc tòa Empire State xuống, cốc nước gừng pha đá, triền cỏ xanh ngát, ánh sao. Tôi thử sắp xếp chúng trong trí óc có phần lộn xộn của mình, thước phim về một anh chàng lang thang xuyên bữa và mùa hè hai mươi. Chỉ chừng ấy thôi cũng ngốn của tôi cả một tháng dài.
Thật ra đây là một câu chuyện rất vụn và liên thiên, là tập hợp của những mẩu chuyện, viết mãi thì lại thành ra một câu chuyện. Cứ như thể Murakami đã làm cách nào đó để nhét các mẩu nhật ký kẻ ô nhàu nhĩ vào đâu đó trong một quyển sách, nhét mãi, cho đến khi quyển sách đó không còn chịu được sức nặng của những mẩu giấy kẹp trong, và thế là ông phải lấy chúng ra, xếp thế nào lại thành một quyển sách khác. Biếng nhác và rảnh rang không tả, nhưng biết sao được, tôi thích nhất ở văn của ông là sự rảnh rang. Thời gian chảy tuyến tính, nhưng các nhân vật sống trong vòng lặp không ngừng: ăn bánh sandwich, hút thuốc, ngắm mây, làm tình, uống bia trôi ngày tháng. Thì tuổi trẻ mà. Nhạt và nhẹ như gió, và cô đơn đến phát rồ lên được.
---
Reading Haruki Murakami’s ‘Hear the Wind Sing’ makes me an idle-ist.
From early October to early November, I picked up words here and there, while replaying the classics on YouTube - ‘California Girls’ by The Beach Boys, ‘Spirit in the Sky’ by Norman Greenbaum, ‘Hey There Lonely Girl’ by The Delfonics - essentially playing the jukebox connoisseur. Such old songs that Murakami would place almost anywhere in the course of the novel, and time after time I would stop reading to trace through the pages for their names, unsure of why - maybe it’s my poor memory then? For some reason, whenever I read a book, I feel compelled to figure out every musical stuff mentioned in the story, like a song that a character listens to, or a background track played in local joints and old houses. Doing so sends me into an illusion of living inside a pleasant cocoon, woven altogether by the author. For all that, I also feel like an impersonator. It is as if two leaves, one green and one not, were put side by side, so the un-green leaf had to drift far away, or do whatever it took, to be as green as the other one.
And so, while the somewhat unfamiliar rock n’ roll tunes were atomizing the air, I began to fall into the eighteen-day-summer of 1970. Frankly, I spent more time playing with my imagination than devouring the author’s script. Anyway, submerged into such a world, I thought about the summer of another “me” in those few 200 pages, about the pile of beer cans he and the Rat left in Jay’s Bar, the lemon scent of a girl’s conditioner, the whistle of the train, the story about a young man jumping into the bottomless wells of Mars, rich people, two-story and three-story homes in the city, an old loaf, the ancient burial mound next to summer grasses, vague memory flashbacks of sex, the Rat’s basement garage filled with antiques, pancakes with Coke poured over the top in the May sunlight, death that would come suddenly if one jumped from the Empire State Building’s rooftops, ginger juice with ice, greenswards, the stars. With my cluttered mind, I tried to arrange these erratic pieces into a film, about a young man who meandered around in his twentieth summer. It took me a whole month.
The read was a random rambling, indeed, a collection of fragmentary stories melded into a bigger narrative. It was as if Murakami had pressed wrinkled scraps of paper into a book until it could no longer bear their weight, so the scraps had to be removed and decluttered, and somehow assorted into another book. Such idleness turns out to be the one thing I love the most about his literature. Time flows in an arrow, but his characters seem to always live in cycles: they eat sandwiches, smoke, gaze at the clouds, make love, drink beer through days and nights. That’s just youth. Pale and light, like the wind’s rustle, and insanely lonely.
---
Nhi viết, Hằng Trần vẽ vời thẩn thơ.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất