Lầm tưởng về sự hoàn hảo - Halo Effect (phần 1)
Những đánh giá của chúng ta bị ảnh hưởng như thế nào khi nhìn thấy một vài khía cạnh tốt đẹp của người khác?
Ai cũng biết một điều rằng: giỏi một lĩnh vực không có nghĩa là lĩnh vực nào cũng giỏi. Nhưng tại sao khi thấy một ai đó có một hoặc vài đặc điểm nổi bật: xinh đẹp, hát hay, “em ông anh 96 học IT”,… thì chúng ta tôn họ lên thành đấng toàn năng, cái gì cũng biết. Có thể giải thích việc này thông qua một hiện tượng tâm lý: Hiệu ứng Hào quang, tiếng Anh là Halo Effect
Nguồn gốc khái niệm
Vào năm 1920, Edward Thorndike, nhà tâm lý học người Mỹ của Trường Đại học Sư phạm, thuộc Đại học Columbia đã tiến hành một thí nghiệm với các chỉ huy trong một tập đoàn lính. Những sĩ quan này sẽ đánh giá phẩm chất, năng lực của thuộc cấp dựa trên các tiêu chí gồm khả năng lãnh đạo, ngoại hình, trí thông minh, lòng trung thành, và sự tin cậy.
Kết thúc thí nghiệm, ông phát hiện ra rằng: những người lính có một tới vài đặc điểm được xếp hạng cao sẽ kéo theo nhiều đặc điểm khác cũng tăng hạng theo, cho dù chúng không liên quan: ví dụ như sự trung thành và thể hình tốt thì cũng đồng nghĩa với nghiệp vụ và chuyên môn được đánh giá tốt. Ngược lại, cũng chỉ những đặc điểm ấy nhưng được xếp hạng thấp cũng hạ thấp các đặc điểm khác theo.
Từ thí nghiệm này, thuật ngữ Hiệu ứng hào quang - Halo Effect ra đời.
Hiệu ứng hào quang là một dạng thiên kiến của con người cho rằng: khi đánh giá một người, một sự việc, sự vật nào đó, người ta chỉ dùng một hoặc vài đặc điểm nổi bật để kết luận tổng quát về điều đó.
Tác động của hiệu ứng hào quang
Sai lệch trong đánh giá sự vật, hiện tượng
Vì hiệu ứng hào quang là một dạng thiên vị, vậy nên nó sẽ gây ra sự đánh giá không chính xác sự vật, sự việc của người nhiễm hiệu ứng.
Chúng ta có thể thấy câu chuyện này qua ví dụ của những người nổi tiếng: họ xuất hiện trước công chúng với một vẻ ngoài hào nhoáng, lịch thiệp, lộng lẫy. Mọi cử chỉ, hành động, từ nụ cười cho đến ánh đều rất dễ tạo thiện cảm với khán giá. Vậy nên họ rất dễ tạo được niềm tin với dư luận khi thực hiện một hoạt động cần công chúng (như là kêu gọi từ thiện, khoảng 14 tỉ, ví dụ thế =))). Tất nhiên, trong mắt fan thì họ vẫn luôn là những ánh hào quang, mọi hành động đều là đúng đắn. Vì thế, khi họ để lộ ra những thói hư tật xấu, thậm chí những chuyện phi pháp, thì luôn có một lượng fan sẵn sàng bênh vực, bảo vệ hình tượng tốt đẹp của người nổi tiếng ấy. Về việc này, tác giả xin không trích dẫn cụ thể ai, tránh những tranh cãi không đáng có.
Hoặc như câu chuyện tham gia đa cấp và đầu tư tiền ảo. Hình ảnh một số người không có kinh nghiệm gì, thậm chí đương là sinh viên hoặc mới học hết cấp 3 cũng lên mạng mặc bộ đồ hiệu, đứng cạnh con xe Rolls Royce hoặc Porsche (thuê), tự nhận mình là “chúa tể bitcoin”, “bà hoàng tỉa nến”, “ông tổ đọc lệnh”,... ra sức “chia sẻ kiến thức”, tổ chức các “hội thảo làm giàu” để kêu gọi bà con tham gia hệ thống đã trở nên viral trong những tháng đầu năm qua. Nếu chúng ta có chút hiểu biết thì thôi, khỏi nói, nhìn là biết chẳng có tí vị nào rồi. Nhưng những người nhẹ dạ cả tin, không có kiến thức về thị trường, tài chính, tiền tệ thì rất dễ tin những thứ hào nhoáng kia, cho rằng đó là một hình mẫu thành công, uy tín gầm trời, và tin tưởng xuống tiền “đầu tư”. Hậu quả là tiền mất, tật mang mà không làm thế nào để đòi lại công bằng được, vì chính những lĩnh vực như token, bitcoin hay forex đã là những thứ không hợp pháp, không được pháp luật Việt Nam bảo hộ, thậm chí Nhà nước phải liên tục kêu gọi người dân không tham gia. Lúc đấy chỉ tự trách mình thiếu hiểu biết thôi, coi như đóng học phí cho khôn ra.
Những áp lực từ phía "người có hào quang"
Từ phía những người vô tình, xin nhắc lại là vô tình gây ra hào quang, họ cũng không vui vẻ gì. Không bàn tới những người nổi tiếng lợi dụng hào quang để che giấu sai lầm, chúng ta có thể nhìn ngay sang ngành công nghiệp K-pop.
Tại Hàn Quốc, những idol luôn phải chịu những áp lực rất lớn: ngoại hình phải đẹp, giọng hát phải hay, vũ đạo phải tốt, đời tư là luôn trong sạch, giao lưu nói chuyện với người hâm mộ phải gần gũi, hòa đồng, mặc dù đôi lúc thân thiện với fan dễ khiến idol bị xâm hại. Những áp lực về việc phải giữ một vẻ ngoài hoàn hảo khiến nhiều sao Hàn khi hứng chịu một scandal nhỏ không đáng có, hay chỉ là vài lời miệt thị của một bộ phận nhỏ khán giả thôi, cũng có thể khiến họ suy sụp, mất động lực cống hiến, thậm chí là tự chấm dứt cuộc đời mình.
Hoặc gần gũi hơn, chúng ta chắc cũng không hiếm lần nhìn thấy những meme kiểu như dưới đây:
Đại ý là nhiều người khi họ có thực lực trong một lĩnh vực gì đó thì họ sẽ “bị” nhờ tất cả các vấn đề rất ít hoặc không liên quan gì đến chuyên môn cả. Đến khi họ không làm được thì nhiều người sẽ quay ra “Úi giời ôi, giỏi thế mà không làm được à???” (!!!) Nhiều lần như vậy có thể khiến họ chán nản, bực bội, ức chế trong công việc và sinh hoạt.
Kết
Hy vọng bài viết này đã phần nào giúp các bạn hiểu hơn về hiệu ứng hào quang và điều chỉnh lại những đánh giá, suy nghĩ của mình về người khác cho hợp lý, không thiên vị chỉ vì một vài điểm tốt của họ
Vậy nhưng, hiệu ứng hào quang có thực sự chỉ tạo ra sự sai lệch trong đánh giá hay áp lực cho người tạo hào quang không, hay chúng ta có thể tận dụng được nó? Câu trả lời sẽ có ở phần 2:
Bài viết là những tìm hiểu, sưu tập và tổng hợp từ cá nhân tác giả. Vì vậy rất mong sẽ được nhận thêm những đóng góp, tranh luận của các bạn ở dưới phần comment, để bài viết hoàn chỉnh hơn.
Mình là Vịt đang lớn. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất