tranh: mình vẽ

Mấy hôm trước cãi nhau với Huỳn, dù là đang ngồi tập trung, thầy đang ở trên sân khấu nói, hai đứa vẫn "cãi nhau" loạn hết cả lên. (Huỳn có nói là không phải cãi nhau nên mình sẽ viết ở trong ngoặc kép, mà đúng là không phải cãi nhau thật hê)

Hai đứa chỉ giận nhau có đúng vài phút, và sau đấy không hề có tí rạn nứt nào, thế nên trong này mình sẽ dựa vào ấy viết về những bước để giận - cãi - chửi nhau đúng cách, theo kinh nghiệm nhiều lần rút ra của mình.

__________________________

Bước 1: Nhận ra rằng bản thân đang giận. 
Tự nhắc nhở mình rằng đây là mối quan hệ quan trọng mà mình muốn giữ, mình rất yêu quý người đó.

Điều này rất có ý nghĩa và cực kỳ quan trọng. Nó giúp mình có thể nhận ra được rằng có một đợt cảm xúc tiêu cực đang ở đây, và dù có gì đi chăng nữa thì cũng không nên tin và thực hiện những suy nghĩ tiêu cực mà nó mang lại. Khi con người giận dữ thì dễ quyết định vội và sai lầm. Nói một cách bao quát hơn thì con người dễ làm theo cảm xúc tiêu cực mà biến tình hình tệ hơn đi. Việc tự ý thức về việc này sẽ tránh hoặc giảm đến tối thiểu những hành động làm bản thân hối hận sau đó, và giữ cho mình được bình tĩnh.

_______________________

Bước 2: Nói cho người bạn/ người thân/ người yêu đó biết mình đang cảm thấy giận thế nào, và thêm rằng những gì mình nói sắp tới đây bị ảnh hưởng bởi cơn giận đó, là quan điểm riêng của bản thân mà thôi; mình sẵn sàng tranh luận hoặc tiếp nhận quan điểm của người bạn để tìm ra giải pháp cho vướng mắc. Cho họ biết rằng mình coi trọng họ và mối quan hệ này nữa.

Đây là bước tiếp theo, là bước đệm đánh dấu rằng mình sẵn sàng bàn bạc một cách cởi mở với người đó để cùng tìm ra hướng đi. Vướng mắc cần được đánh tan ngay lập tức, và điều ấy chỉ làm được khi mà hai người cùng chia sẻ điều mình đang thấy bứt rứt. Bước này cần sự kiên nhẫn lắng nghe, cởi mở chia sẻ - tiếp nhận và phân tích một cách khách quan, để hai người bạn có thể lắng nghe ý kiến của nhau.
Bình thường thì người ta hay nghe để đáp trả là nhiều, nên bước này cũng khó khăn lắm, khi mà đang giận, đang bực, ai cũng chỉ muốn xả ra một tràng, muốn "trút lên đầu" người bạn ấy. Nhưng điều đó là ích kỷ, vì mình chỉ muốn mình được hả dạ mà chưa nghĩ đến số phận mối quan hệ sau này.
Còn chưa kể là trong lúc mình "xả", có thể mình còn tổn thương người đó, người đó cũng có thể tổn thương mình nữa. Như vậy là xấu. Như vậy là không đúng rồi. Thế nên, hãy lắng nghe. Hãy thực sự lắng nghe, và cân nhắc cũng như đặt mình vào vị trí của người đó. Nghĩ ngợi một chút: Tại sao người đó làm thế? Tại sao người đó nghĩ thế?

________________________

Bước 3: Lịch sự - vâng - lịch sự và thành thật đưa ra quan điểm của mình; hoặc tốt nhất là để người đó nói ra quan điểm của họ trước, và bàn luận, tranh luận trên tinh thần bình đẳng. (Trong chuyện này, người giữ được bình tĩnh hơn nên là người nhường lượt bày tỏ quan điểm cho đối phương.)

Ở bước này, hai người nên lịch sự và thành thật bàn luận với nhau. Tránh những từ ngữ gây xúc động mạnh hoặc chửi thề. Cố gắng lịch sự và trìu mến với nhau hết mức có thể. Bước này có vẻ nghe giống hai nghị sĩ đang thảo luận tình hình chính sự, nhưng đúng là nó nên như vậy để có thể tránh được mọi tổn thương cho cả hai bên.

Mọi mối quan hệ đều cần sự tôn trọng. Mọi mối quan hệ đều cần sự thẳng thắn, lịch sự và tỉnh táo, và điều cần nhớ chính là, HAI NGƯỜI ĐANG ĐỐI MẶT VỚI CƠN GIẬN VÀ HIỂU LẦM CHỨ KHÔNG PHẢI ĐỐI MẶT VỚI NHAU. Nhiều khi người ta quên mất rằng mình cần phải tìm ra hướng đi chung để hiểu lầm bay biến, chứ không phải tìm lý lẽ để vạch lỗi của nhau và để bảo vệ quan điểm cá nhân. Chính điều ấy mới giúp mối quan hệ trở nên vững vàng. Chính điều ấy mới làm cho mình lớn lên.

Vào tối hôm ấy mình nói hết những gì mình cảm thấy với Huỳn: giận, tự ái, xấu hổ. Và Huỳn cũng nói những gì nó nghĩ. Cả hai đều khá điên tiết, thậm chí giọng mình bắt đầu cao lên, căng thẳng hơn. May là mình nhớ rằng không nên để cảm xúc chi phối quá nhiều, nên mình nói tất cả những gì mình thấy cho nó. Trong lúc ấy hai đứa không nhìn mặt nhau (thực ra là mình tránh ánh mắt nó vì đang giận), nhưng điều quan trọng là vẫn tiếp tục bàn bạc đến cuối thì thôi. Hai người không nên để khúc mắc tồn đọng thêm giây phút nào cả.

__________________________

Bước 4: Tìm ra giải pháp chung.

Chắc chắn là sau khi bàn bạc như thế, đến cuối hai người cũng sẽ đi đến một kết luận chung. Kết luận ấy chỉ được đưa ra sau khi hai người đã bày tỏ hết quan điểm, giải thích từng điều dù có nhỏ nhặt đến đâu một, và hoàn toàn thoải mái. Cho dù sau khi giải quyết hiểu lầm, quan điểm vẫn còn vài chỗ khác nhau đi nữa, thì ít nhất cũng có phần giao nhau. Phần giao nhau đó là nền móng của mối quan hệ, dựa vào đó mà hai người có thể tiếp tục vượt qua khó khăn.

Đây là bước gần cuối, là bước rất quan trọng. Giải pháp có thể chỉ là "Tao đã sai. Tao xin lỗi mày." hoặc "Tao với mày nên đi mua cô-ca uống đê." hoặc "Ê chuyển sang chuyện crush criếc nào. Mày nghĩ sao về..."; và cũng có thể là một giao ước rằng sẽ không vội vàng trách nhau nữa.

___________________________

Bước 5: Tiếp tục yêu mến nhau, và lặp lại các bước này khi có vấn đề nào đó.

Mình đi đến bước cuối rồi này. Khi đã sang bước này thì vấn đề cũng chẳng còn hoặc đã tạm không hoành hành nữa. Biển đã yên lặng và cảm xúc giận cũng tiêu tan đi. Cả hai đều đã uống cô-ca vui vui vẻ vẻ.

____________________________

Có nhiều người nghĩ rằng "tại sao phải cần quá nhiều bước và nỗ lực cho một người bạn hoặc một người thân như thế, chỉ cần yêu quý nhau là đủ chứ", hoặc "họ là người thân mà, họ dĩ nhiên sẽ phải tiếp tục ở bên mình". Suy nghĩ ấy là sai. Chẳng có ai là hiển nhiên ở bên cạnh chúng ta, ai cũng có thế giới cảm xúc và tình cảm của riêng mình, ai cũng thay đổi theo thời gian và chúng ta nên tôn trọng điều ấy; chẳng có mối quan hệ nào là bền vững mãi mãi, nếu không có nỗ lực từ cả hai phía. Cũng giống như một cái cây, nó cần được tưới tắm và vun vén, những mối quan hệ cũng như thế. Và ai cũng cần có những mối quan hệ như thế để có thể tốt hơn. Có những mối quan hệ tốt sẽ làm cho con người hạnh phúc hơn, ngủ ngon hơn, sống khỏe mạnh hơn và có động lực để hành động trở thành người tốt hơn. Và mình cần phải học cách để gìn giữ chúng.

Chính điều ấy sẽ làm mình lớn lên mỗi ngày.