Làm thế nào để chiến thắng bản thân? - Phần 2
Sau khi xác định được mặt muốn thay đổi và đặt ra mong đợi hợp lý, đã đến lúc chúng ta bắt tay vào thực hiện bất cứ việc gì mình đã...
1. Hành động, giải quyết vấn đề và hình thành thói quen
Sau khi xác định được mặt muốn thay đổi và đặt ra mong đợi hợp lý, đã đến lúc chúng ta bắt tay vào thực hiện bất cứ việc gì mình đã quyết định. Không cần giải thích thì ai cũng hiểu đây chính là bước quan trọng nhất. Bởi vì, bao nhiêu suy nghĩ hay tính toán cũng chỉ là những thứ chúng ta hình dung trong tâm trí, chỉ có hành động mới có thể tạo ra kết quả trong thực tế mà thôi. Những điều dài dòng mình viết ở phần trước, và các phần sau đó cũng chỉ nhằm giúp cho việc thực hiện công việc được suôn sẻ.
Mình tạm chia bước này thành 3 bước nhỏ hơn:
Vượt qua sức ỳ ban đầu
Có biết bao công việc và những ý định tốt đẹp đã không bao giờ trở thành hiện thực, đơn giản vì chúng không bao giờ được bắt đầu. Sức ỳ tâm lý mặc dù diễn ra trong một giai đoạn rất ngắn so với thời gian chúng ta làm việc, không may là nó lại diễn ra trước khi chúng ta bắt đầu công việc và do đó có thể quyết định công việc đó có được làm hay không. Chính vì vậy, điều quan trọng đầu tiên bạn cần làm là khiến mình bắt tay vào công việc. Nếu bạn có thể vượt qua sức ỳ này, có thể nói bạn đã hoàn thành một nửa công việc rồi.
Làm thế nào để vượt qua sức ỳ? Hãng Nike có một khẩu hiệu súc tích đã trở thành thương hiệu:
Just do it!
Khẩu hiệu này theo ngôn ngữ mạng thì tương đương với:
Ôi bạn ơi làm đi bạn ơi!
Nó nhắc nhở chúng ta không sa đà vào phân tích hay suy nghĩ quá nhiều để tìm cách làm tối ưu. Suy nghĩ nhiều khiến chúng ta rơi vào trạng thái Tê liệt vì phân tích (Analysis Paralysis), trạng thái mà chúng ta không biết phải làm gì vì có quá nhiều thông tin để cân nhắc. Những bạn cầu toàn hoặc cẩn thận đều có thể gặp phải tình trạng này. Để biết rõ hơn, tác giả Huy Khiếu đã có một bài viết rất hay ở đây cho các bạn quan tâm.
"Just do it!" cũng giúp bạn tránh khỏi việc trì hoãn công việc bằng những lý do rất hợp lý như chờ đợi thời điểm phù hợp để bắt đầu, hay những cuộc đối thoại nội tâm bàn lùi giống như những suy nghĩ về việc chạy bộ ở phần 1, và vô số những cách sáng tạo khác mà chúng ta nghĩ ra để tránh phải tiêu hao năng lượng.
Như đã nhắc đến ở phần 1, mình không đề cao sức mạnh ý chí vì nó không ổn định. Bạn có thấy có những ngày bạn có thể làm việc băng băng trong khi có những ngày thì lười chảy thây? Nếu như không dựa vào ý chí được, thì chúng ta phải dựa vào một số phương pháp hoạt động dựa trên cách tâm lý vận hành. "Just do it!" là con đường tắt đưa chúng ta đến với hành động mà không cho tâm trí lười biếng cơ hội chen vào.
Ngoài phương pháp "Ôi bạn ơi làm đi bạn ơi!", có một phương pháp khác tên là Ý định thực hiện (Implementation Intention) cũng hoạt động theo cùng một nguyên tắc. Phương pháp này chỉ có 2 bước:
- Bạn viết ra ý định thực hiện điều gì đó dưới dạng:
Nếu như hoàn cảnh A xảy ra thì tôi sẽ làm điều B
ví dụ:
Nếu như đồng hồ điểm 10h thì tôi sẽ đi ngủ
- Khi hoàn cảnh đó xảy ra, bạn thực hiện hành động đã lập trình
Lập trình nếu-thì này kết nối một hoàn cảnh/điều kiện với một hành động phản hồi cụ thể, để đến khi hoàn cảnh đó xảy ra thì chúng ta sẽ thực hiện hành động kia mà không cần phải nghĩ. Phương pháp này tuy cũng hiệu quả nhưng mình hiếm khi dùng, có lẽ vì hành xử như cấu trúc điều khiển if-then trên máy tính có cái gì đó đáng sợ. Các bạn hãy tự thử nghiệm xem sao nhé.
Ngoài ra, nếu bạn ngại làm gì vì thời tiết xấu, đây có thể coi là một vấn đề khách quan. Thay vì chán nản hay bỏ cuộc, bạn hãy hướng tâm trí vào việc giải quyết vấn đề. Hầu hết các vấn đề đều có cách giải quyết, thậm chí nhiều hơn 1 cách giải quyết. Bạn chỉ cần tìm ra 1 cách giải quyết thôi là không còn phải bận tâm đến nó nữa rồi. Đó là nếu trời lạnh thì ta mặc ấm, trời mưa thì mang theo ô/áo mưa.
Sau 2 phương pháp trên, nếu bạn vẫn thấy bắt đầu khó khăn, mình còn 2 phương pháp nữa là "Chỉ 5 phút thôi" và Pomodoro, bạn có thể đọc bài viết cũ của mình về chúng ở đây.
Mình khuyến khích các bạn đọc bài này của tác giả Mystic Cat Lady cũng như những bài khác để hiểu hơn về bản thân.
Thật sự mình đã giật mình khi thấy bài viết của bạn ấy và mình có khá nhiều điểm giống nhau, nhưng cũng thấy thú vị vì điều này cho thấy tính hiệu quả của chúng đã được kiểm chứng thêm một lần nữa.
Duy trì sự tập trung
Chúng ta sống trong một thế giới mà sự tập trung của mình trở thành nền tảng cho các công ty khai thác lợi nhuận dựa trên thời gian tương tác với dịch vụ của họ. Những nội dung ngắn, nhanh, đem đến sự thỏa mãn tức thời khiến chúng ta bị nghiện và tiêu tốn hàng giờ đồng hồ vào đó.
Để giải quyết vấn đề mất tập trung, nhiều khái niệm đã có từ lâu như "in the flow", "in the zone" và gần đây là "deep work". Dù thực hành theo khái niệm nào, bạn sẽ thấy chúng đều có một điểm chung cốt lõi đó là tập trung hoàn toàn vào việc đang làm và không màng đến chuyện khác.
Bước này theo mình là đơn giản hơn vì một khi chúng ta đã có đà thì việc tiếp tục không tốn nhiều năng lượng tinh thần như lúc mới bắt đầu. Duy trì sự tập trung đơn giản là loại bỏ những sao nhãng có thể đến trong khi làm việc. Có một số gợi ý mình có thể đưa ra ở đây:
- Đặt smartphone ở chế độ im lặng, để nó ngoài tầm mắt của bạn
- Nếu bạn thấy làm việc lâu nhàm chán, hãy bật một loại nhạc nền nào đó không gây mất tập trung (lofi, white noise, natural sound, working music v.v)
- Nếu bạn làm việc trên máy tính, chỉ mở những ứng dụng công việc và tắt các tab trình duyệt không liên quan
- Dọn dẹp bàn làm việc của bạn, chỉ để lại những vật dụng cần thiết
- Không nên ngồi trên giường làm việc
- Chuyển đến những không gian thuận lợi hơn như thư viện, co-working space, văn phòng
Dù cẩn thận thế nào cũng có lúc bạn sẽ bị gián đoạn. Nếu chuyện đó xảy ra, không cần phải bực tức hay khó chịu mà hãy coi đó như một khoảng nghỉ ngắn trước khi bạn quay trở lại với một sự tập trung cao hơn. Bạn đã biết cách để bắt đầu rồi mà.
Lặp lại hành động để hình thành thói quen
Lần đầu tiên bạn chạy một ứng dụng trên máy tính, bạn sẽ phải tìm xem nó ở đâu rồi nhấp chuột hoặc nhấn enter để dùng. Những lần khởi động sau, máy tính sẽ tự động chạy chương trình đó cho bạn. Điều này thật là p̶h̶i̶ề̶n̶ ̶t̶o̶á̶i̶ ̶v̶à̶ ̶t̶ố̶n̶ ̶t̶à̶i̶ ̶n̶g̶u̶y̶ê̶n̶ ̶h̶ệ̶ ̶t̶h̶ố̶n̶g̶ ̶ tiện lợi vì bạn không cần phải bận tâm đến nó nữa. Điều tương tự cũng đúng với việc bạn muốn làm và khi nó đã trở thành một thói quen.
Từ rất lâu có thông tin nói rằng con số trung bình để một hoạt động trở thành thói quen là 21 ngày. Sau đó, nghiên cứu mới hơn lại cho thấy con số đó là 66. Chúng có đáng tin không? theo mình là không.
Trước hết những con số này là giá trị trung bình của những người được khảo sát. Thứ nữa là vì mỗi chúng ta lại khác nhau, nên sẽ có người cần nhiều thời gian hơn những người khác. Vì thế mà một con số chính xác cho tất cả không tồn tại.
Để tìm ra con số đó, chỉ có cách là bạn lặp đi lặp lại một việc làm và theo dõi xem sau bao nhiêu ngày thì nó trở thành một phần trong hoạt động hàng ngày của mình. Hãy hỏi bản thân bạn 2 câu hỏi dưới đây:
- Bạn có cảm thấy thiếu thiếu nếu ngày nào không làm việc đó?
- Khi làm việc đó, bạn có cảm thấy tự nhiên và dễ dàng?
Nếu câu trả lời của bạn là có thì chúc mừng bạn, bạn đã có một thói quen mới rồi.
(còn nữa)
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất