Nếu bạn thuộc kiểu người luôn tìm cớ lảng tránh những công việc nhàm chán, gặp khó khăn khi tập trung thì bài viết này là dành cho bạn. Dưới đây là những phương pháp mình đã sử dụng và thấy hiệu quả. Các bạn hãy thử tự mình trải nghiệm xem, biết đâu chúng cũng hữu ích cho bạn. Lazy minds think alike mà :)
1. Chỉ 5 phút thôi
Tasma3197, CC BY-SA 3.0 <https://creativecommons.org/licenses/by-sa/3.0>, via Wikimedia Commons
"Chỉ 5 phút thôi" thường là câu trả lời khi bạn sốt ruột gọi điện hỏi đứa bạn đang cho mình leo cây. Mẹo này cũng giống như vậy có điều là bạn tự cho mình leo cây. Nó chỉ có 2 bước rất đơn giản:
- Tự nhủ bạn chỉ làm việc đó 5 phút thôi
- Bắt tay vào làm, không để ý đến thời gian
Nếu bạn cũng giống mình, thì chưa đến 5 phút sau đó bạn đã muốn bỏ ngang rồi. Không sao, điều này xảy ra vì sức ỳ tâm lý ban đầu và cũng vì công việc nhàm chán. Khi mong muốn đó xuất hiện, bạn hãy lặp lại 2 bước trên và cứ như vậy tiếp tục cho những lần sau. Khi đã qua giai đoạn sức ỳ và có được sự tập trung mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Việc duy trì ảo tưởng rằng bạn chỉ phải chịu đựng 5 phút thôi sẽ giúp bạn tiếp tục đến lúc nào bạn muốn.
Lưu ý: xem giờ sẽ cho não một cái cớ để dừng lại.
2. Pomodoro
The original uploader was Erato at Italian Wikinews., CC BY-SA 2.5 <https://creativecommons.org/licenses/by-sa/2.5>, via Wikimedia Commons
Pomodoro có nghĩa là quả cà chua trong tiếng Ý, tác giả Francesco Cirillo lấy ý tưởng từ một quả cà chua hẹn giờ trong nhà bếp để đặt tên cho phương pháp này. Mình thấy nó gần giống mẹo trên, nhưng có tổ chức hơn và phù hợp cho những bạn ít lười hơn :)) Pomodoro có 3 bước cơ bản:
- Hẹn giờ 25 phút, trong 25 phút đó toàn tâm toàn ý cho công việc
- Hết 25 phút, hẹn giờ 5 phút, trong 5 phút đó chỉ nghỉ ngơi giải trí  
- Lặp lại 2 bước trên, sau 4 lần làm việc 25 phút thì hẹn giờ nghỉ 15 phút
Nghe thì có vẻ máy móc, nhưng mình thấy nó khá hiệu quả. Pomodoro thưởng cho não những khoảng nghỉ ngắn để phục hồi sự tập trung và cũng nuông chiều tâm lý lười biếng của nó. Việc hẹn giờ cũng tạo ra tâm lý khẩn trương để hoàn thành công việc giống như deadline vậy. Vì vậy nó có thể giúp bạn tập trung làm việc trong nhiều giờ.
3. Vô ngã
Vô ngã hay không có cái tôi, là một khái niệm trong Phật giáo. Theo đó, con người là một sự kết hợp của 5 nhóm mà ở đây mình gộp vào thân và tâm cho ngắn gọn. Những gì chúng ta làm, nghĩ, cảm nhận, cảm giác, tưởng tượng đều do thân tâm mà ra, chứ không có cái tôi. Cái tôi là một sản phẩm do suy nghĩ tạo ra. Vì không có cái tôi, nên công việc dù nhàm chán cũng không có ai phải chịu đựng. Cái phải chịu đựng là thân tâm. Ở đây mình không bình luận cái tôi có thật hay không vì điều đó không liên quan đến bài viết. Để ứng dụng vô ngã, bạn có thể nghĩ: "có một công việc đang được làm, nhưng không có ai làm" hoặc "có vất vả, nhưng không có ai chịu vất vả" trong khi làm việc. Nhận thức này đi ngược với tâm lý thông thường và khó hơn những cách ở trên, nhưng nó cũng đem lại lợi ích lớn nếu đạt được. Nếu như một người có thể ứng dụng quan điểm này vào cuộc sống, thì không chỉ công việc nhàm chán, mà cả sự nóng giận, sự kiêu ngạo và nỗi buồn cũng đều có thể vượt qua.
Links tham khảo