Mình viết bài này sau khi nghe được các đánh giá rất tệ từ nhiều người dành cho các khóa học của anh Hiếu TV, một người nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông về việc đạt được tự do tài chính sớm và đang tận hưởng cuộc sống nghỉ dưỡng như mơ ở Việt Nam. Việc nghe được các đánh giá tệ hại cho lớp học của anh khiến mình vừa bất ngờ vừa không bất ngờ.
Điều mình bất ngờ đầu tiên là số lượng học viên theo học các khóa tài chính của anh đông như vậy, theo con số mọi người chia sẻ là đến tận 27,000 người! Bất ngờ thứ hai là dường như các khóa học này đã trở thành nguồn thu chính của anh và giúp anh trở nên giàu có chứ không phải nhờ tài sản tích trữ khi anh còn ở bên Úc. Cuối cùng, điều mình bất ngờ là khóa học của anh không chỉ có chất lượng thấp, mà cách anh đổi xử với học viên có thể nói là....dưới mức tử tế, nếu không nói là vô trách nhiệm.
Thứ mình không bất ngờ về anh là việc con người anh ngoài đời không đúng với những gì anh nói trên mạng về bản thân anh. Thực sự mình khá nghi ngờ những người cứ phải cho người khác biết rằng họ đã thành công thế nào, đã đạt được tự do tài chính ra sao và những gì họ đang tận hưởng. Mình được biết rằng đó là dấu hiệu của những người đang tô vẽ một bức tranh không thực tế trên không gian mạng hơn là một người ngoài đời, đôi lúc có cảm giác anh Hiếu TV này không có thật mà chỉ là một nhân vật được dựng lên. Một điều nữa đó là kinh nghiệm của mình cho thấy những người thực sự mà đã thành công trong cuộc sống, một là họ sẽ viết sách và bán với giá phải chăng, hai là họ chia sẻ miễn phí nhiều hơn.
Những đánh giá tiêu cực về anh Hiếu TV bùng lên hẳn sẽ khiến nhiều người cảm thấy hoang mang với các khóa học về đầu tư, về tài chính cá nhân, và hẳn sẽ khiến họ ngày càng rối hơn với các thuật ngữ này. Mình đọc các đánh giá của người học về sự thất vọng mà họ nhận về sau khi đóng tiền cho anh Hiếu và hiểu được tại sao lại có những sự nhầm lẫn như thế.
Do đó mình viết một bài theo phong cách sổ tay hướng dẫn du lịch để có thể giúp mọi người có những hiểu biết đúng đắn về các khái niệm tài chính như: tự do tài chính, tài chính cá nhân, đầu tư. Những điều mình viết ra không phải cao siêu mới lạ gì cả, đều là những thứ kiến thức phổ thông được sắp xếp sao cho mọi người dễ hiểu và từ đó giúp xóa bỏ những hiểu lầm phổ biến. Rất nhiều khái niệm phức tạp đã được đơn giản hóa cho phù hợp với thị trường Việt Nam.
Sau khi đọc xong hi vọng các bạn không chỉ trả lời được câu hỏi là các bạn có cần đi học về tài chính cá nhân không, mà các bạn còn xác định được nếu các bạn cần học thì là học gì và tại sao lời khuyên đầu tư ETF là lời khuyên phù hợp nhưng khiến nhiều học viên của anh Hiếu giận dữ hoặc thất vọng.

Tài chính cá nhân

Tài chính cá nhân là một khái niệm để nói về việc một người kiếm và sử dụng tiền cho cuộc sống hằng ngày như thế nào. Quản lý tài chính cá nhân là một cụm từ ngắn gọn nói về việc làm sao để số tiền một người chi ra thì luôn thấp hơn so với số tiền họ nhận vào, trong một khoảng thời gian cố định. Đây là điều quan trọng, gần như mọi thứ trong tài chính chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta có thể đặt nó trong một khung thời gian cố định.
Cách người ta hay cố phóng đại và khiến người khác hiểu nhầm về tài chính của họ là việc bỏ qua khung thời gian. Ví dụ trên mạng xã hội Threads nơi tập trung nhiều người giàu nhất Việt Nam hiện nay, chúng ta hay nghe người trẻ dưới 30 tuổi khoe đi làm kiếm trăm triệu mỗi tháng, thì câu hỏi là mức thu nhập đó duy trì được bao lâu. Nếu bạn "flex" về thu nhập lương 100 triệu/tháng nhưng 3 tháng sau đó không có thu nhập thì trong quãng thời gian 4 tháng, bạn chỉ có thu nhập trung bình 25 triệu/tháng.
Một cách khác để người khác tạo ra hình ảnh khác về bản thân họ trên mạng xã hội là thường xuyên nhấn mạnh vào thu hơn là chi. Một người hoàn toàn có thể khoe về việc thu nhập lương cao 30 triệu, 40 triệu/tháng cũng như những món đồ đắt tiền người đó sở hữu, nhưng không bao giờ nhắc tới những khoản lãi vay người đó thường xuyên phải trả cho việc mua sắm của mình (vay mua nhà, mua xe, mua điện thoại trả góp).
Hình dưới là ước tính số tiền tiết kiệm bạn dành ra được sau 1 năm với thu nhập 100,000 USD/năm ở Los Angeles, California vào năm 2021. Mức thu nhập 100,000 USD/năm nghe thì lớn nhưng rõ ràng sau khi trừ đi các chi tiêu ở mức trung bình, bạn tiết kiệm được chưa tới 10,000 USD.
Như vậy nếu một người chỉ có thu nhập 80,000 USD/năm nhưng có thể tiết kiệm được 15,000 USD sau khi đã chi trả hết những chi tiêu cần thiết khác thì rõ ràng người đó có tình trạng tài chính tốt hơn người có thu nhập 100,000 USD/năm kia.

Quản lý tài chính cá nhân

Như đã nói ở trên, quản lý tài chính cá nhân là các kế hoạch và hành động để đảm bảo trong một khung thời gian cố định (có thể là một tuần, một tháng, một quý hoặc một năm), số tiền bạn chi ra thấp hơn số tiền bạn thu vào. Và bạn phải duy trì được điều này trong thời gian dài. Quản lý tài chính cá nhân tốt chưa chắc đã giúp bạn đạt được tự do tài chính, nhưng nó là bước bắt buộc phải có để bạn có thể có được tự do tài chính.
Mặc dù nghe thì đơn giản nhưng làm sao để đảm bảo số tiền bạn chi ra thấp hơn số tiền bạn thu vào là vấn đề đau đầu muôn thuở. Giống như giảm cân vậy, điều cốt lõi của việc giảm cân là lượng calorie hấp thụ phải ít hơn lượng calorie tiêu thụ trong một khung thời gian nhất định (thường là ngày hoặc tuần) nhưng nếu mọi thứ dễ như vậy thì trên đời này làm gì còn người bị thừa cân hoặc mắc bệnh béo phì.
Quay trở lại việc quản lý tài chính cá nhân, lý do chúng ta gặp khó để tiết kiệm (tức có tiền dư ra) là vì chúng ta chỉ có vài cách để tăng thu nhập, nhưng cuộc đời lại có quá nhiều biến cố xảy đến để khiến chúng ta mất thu nhập. Bây giờ bạn dừng đọc bài này và ngồi yên nghĩ xem, thực tế mà nói bạn có thể nghĩ ra thêm được bao nhiêu cách để tăng thu nhập ngay lập tức mà không cần phải đi học thêm gì? Bạn liệu có thể đếm được quá 3 ngón tay, hay thậm chí 2 ngón?
Nhưng nếu mình hỏi bạn rằng có bao nhiêu thứ có thể xảy ra khiến bạn phải tăng chi tiêu trong tháng này thì hẳn bạn sẽ chẳng thể liệt kê hết được: bạn bị bệnh và thế là phải mua thuốc, xe bị hỏng phải sửa xe, người thân bạn gặp vấn đề và cần hỗ trợ tiền. Mình đã nghe kể về việc trong xóm mình có một anh được thưởng lương tháng 13 thì vui quá và đi nhậu với bạn bè, khi về thì bị công an thổi phạt tội lái xe sau khi uống rượu bia. Tiền nhậu và tiền phạt khiến anh mất gần hết tháng lương thưởng chỉ trong hôm đó.
Viết như vậy không phải để tạo ra một trạng thái bi quan cho bạn đọc và khiến mọi người cảm thấy bế tắc, rằng dù có cố gắng kiểu gì thì cũng vẫn thiếu tiền. Bởi thực tế vẫn có rất nhiều người thành công trong việc quản lý chi tiêu và từ đó xây dựng được nền tảng tài chính vững chắc cho bản thân và gia đình. Mọi thứ giống như việc bạn tập thể dục để giảm cân vậy, có rất nhiều yếu tố xảy ra khiến số kí của bạn cứ đứng yên nhưng chỉ cần bạn kiên trì và thực hành đúng cách trong thời gian dài, bạn sẽ làm được.
Sau đây là tổng hợp một số lời khuyên chung về việc tăng thu nhập và chi tiêu. Lưu ý đây là những phương pháp tăng thu nhập cho những ai đang là nhân viên của một công ty, chúng ta hay gọi là đi làm thuê. Còn với những bạn tự vận hành công ty của riêng mình thì đó lại là một sân chơi hoàn toàn khác với lời khuyên rất khác.
Các cách có khả năng cao giúp tăng thu nhập:
1. Nâng cao kỹ năng chuyên môn. Đây là cách phổ biến nhất và thường được mọi người chọn. Kỹ năng chuyên môn có thể được nâng cao thông qua việc học, đọc sách, thông qua kinh nghiệm làm việc, hoặc nhờ theo học người giỏi hơn trong công việc.
2. Mở rộng mối quan hệ tốt. Xây dựng mối quan hệ lành mạnh với những người giỏi và thành đạt để có thể học hỏi từ họ, cũng như có cơ hội tiếp xúc với những cơ hội nghề nghiệp và trải nghiệm mới.
3. Đầu tư. Tức là sở hữu những vật hữu hình hoặc vô hình có giá trị tăng theo thời gian như: bất động sản, vàng, chứng khoán, trái phiếu, các đặc quyền được phép giao dịch (ví dụ quyền khai thác khoáng sản). Những tài sản này sẽ tạo ra thu nhập thụ động cho người sở hữu, làm giảm bớt gánh nặng tài chính.
4. Làm thêm, kinh doanh thêm. Khác với việc kinh doanh toàn thời gian, kinh doanh thêm tức nhận bán thêm hàng trong thời gian không làm việc chính để tăng thu nhập như bán trái cây, đồ ăn. Thường quy mô buôn bán ở mức nhỏ và tốn rất ít công sức.
Như vậy các cách chung chung để cải thiện thu nhập khá là rõ ràng, tùy vào hoàn cảnh mỗi người mà sẽ chọn con đường phù hợp cho riêng mình.
Tuy nhiên nếu như các cách tăng thu nhập khá là dễ liệt kê (dù không dễ làm) thì giảm bớt chi tiêu lại là chủ đề dễ gây tranh cãi. Lý do chính là vì cách mỗi người chi tiêu phản ánh lối sống của họ, và thường mỗi người có một lối sống rất khác nhau. Lời khuyên cho việc tiết kiệm là cắt giảm những chi tiêu không cần thiết, nhưng xác định được thế nào là chi tiêu không cần thiết lại là một vấn đề hóc búa.
Hãy lấy ví dụ một bạn trẻ mới ra trường đi làm lương cũng vừa phải, thích ở một mình và nuôi một chú chó cưng làm bạn. Bạn rất quý mến chú chó và dành nhiều chi phí để chăm cho chú. Nếu người khác nhìn vào sẽ thấy bạn này tiêu xài xa xỉ, làm ra được đồng nào lại đi nuôi chó chứ không lấy ra tiết kiệm. Tuy nhiên đối với bạn có chú chó ở bên giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn, giúp bạn có được niềm vui mỗi chiều tối khi đi làm về. Nếu bỏ không nuôi chú chó đó nữa và giành tiền để tiết kiệm chưa chắc bạn đã cảm thấy tốt hơn.
Do đó thường cắt giảm chi tiêu sẽ đòi hỏi một sự thay đổi về lối sống, và vì những thay đổi này dễ dẫn tới sự căng thẳng trong cuộc sống cho nên nhiều người chọn không làm, hoặc nếu có thực hiện thì cũng không cắt đủ mức cần thiết, ví dụ cắt giảm mua trà sữa nhưng không giảm việc săn sales. Trước giờ đọc các tâm sự về chi tiêu trong cuộc sống, mình từng gặp một số lý do mà mọi người dùng để giải thích (hoặc hợp lý hóa) cho việc không cắt giảm chi tiêu như sau:
1. Mình cần phải chi nhiều thì mới có động lực để làm việc chăm chỉ kiếm tiền.
2. Sống là phải tận hưởng, đồng tiền là phải phục vụ bản thân mình.
3. Mỗi lần đi săn sales mua sắm mình có cảm giác như được chữa lành.
4. Mình mà ngừng chăm sóc tút tát nhan sắc thì mình sẽ xấu đi, người khác sẽ nhìn đánh giá mình và chê cười.
Mua sắm nhiều vì bị ảnh hưởng sai lệch từ người mẹ
Mua sắm nhiều vì bị ảnh hưởng sai lệch từ người mẹ
Mua sắm  nhiều vì những bất an tâm lý
Mua sắm nhiều vì những bất an tâm lý
Mua sắm nhiều vì cơ thể bị đau dai dẳng
Mua sắm nhiều vì cơ thể bị đau dai dẳng
Mua sắm nhiều vì từng bị chê xấu xí, cảm thấy bất an về bản thân
Mua sắm nhiều vì từng bị chê xấu xí, cảm thấy bất an về bản thân
Đọc đến đây bạn sẽ thấy cách bạn chi tiêu thực sự phản ánh con người của bạn, và chỉ khi nào bạn thay đổi góc nhìn của bạn về cuộc sống theo hướng lành mạnh hơn, xây dựng mối quan hệ lành mạnh với tiền bạc của bản thân cũng như tìm ra giải pháp cho những vấn đề tâm lý, thì khi đó bạn mới có thể cắt giảm chi tiêu được.
Thường thì việc cắt giảm chi tiêu sẽ xảy ra cùng lúc với việc bạn thực hiện các công việc tăng thu nhập, bởi khi đó bạn dành thời gian và sức lực cho việc kiếm thêm tiền và do đó không còn tâm trí nghĩ tới việc chi tiêu nhiều nữa.

Đầu tư để đạt tự do tài chính

Đến đây hy vọng bạn đã hiểu được về tài chính cá nhân và quản lý tài chính cá nhân, và bạn sẽ thấy rằng học về quản lý tài chính cá nhân thực chất là học cách quản lý cuộc sống của bạn, là học cách phát triển bản thân. Quản lý tài chính cá nhân đòi hỏi ít về kiến thức tài chính mà nhiều về kiến thức chuyên môn, kiến thức xã hội và khả năng quản lý cuộc sống cá nhân nhiều hơn.
Để thực hiện được các cách cải thiện thu nhập đã nêu trên, bạn không đi học trong một khóa tài chính mà bạn đi học nâng cao chuyên môn, bạn đi tham gia các sự kiện để gặp người giỏi, bạn học về đầu tư, học về bán hàng, vận hành việc buôn bán và chăm sóc khách hàng.
Để cắt giảm chi tiêu bạn phải tìm hiểu và thực hành những lối sống lành mạnh ví dụ như tập thể dục, quản trị cảm xúc, đi khám bệnh, phải chọn chơi với những người bạn có cùng quan điểm về việc chi tiêu.
Điều tưởng chừng như đơn giản này thường không được làm rõ khi mọi người hay lồng ghép việc quản lý tài chính cá nhân vào đầu tư, và cụ thể hơn ở Việt Nam là đầu tư chứng khoán và đầu tư bất động sản, đôi lúc sẽ có nhắc tới vàng. Điều đó khiến nhiều người hiểu nhầm rằng muốn biết về quản lý tài chính cá nhân là phải đi học về tài chính, phải có kiến thức toán, phải biết đầu tư chứng khoán phân tích số liệu. Đầu tư tài chính và những lĩnh vực đầu tư cụ thể chỉ là phần nhỏ trong quản lý tài chính cá nhân, và cũng chỉ là một trong nhiều cách để mọi người đạt được tự do tài chính.
Tự do tài chính là khái niệm để chỉ việc một người đã tích lũy tài sản sinh lời nhiều đến mức thu nhập tạo ra từ các tài sản đó có thể nuôi sống người đó, hoặc cả gia đình người đó, cả đời mà họ không cần làm gì thêm. Một định nghĩa khác về tự do tài chính là bạn có thể chọn làm điều bạn muốn ở thời điểm bạn muốn mà không phải lo sợ hậu quả về mặt tài chính.
Vậy thì để đạt được tự do tài chính, điều mọi người cần làm là tích lũy thật nhiều tài sản bằng các cách khác nhau, không nhất thiết phải thông qua việc đầu tư tài chính. Một số ví dụ thường gặp trong cuộc sống:
1. Cưới một người giàu có. Khi đó các tài sản của người đó cũng sẽ được chia phần cho bạn, hoặc bạn có thể có các công cụ cần thiết để mua tài sản tích lũy, ví dụ như tiền bạc, mối quan hệ mới.
2. Thắng giải thưởng lớn như trúng số, thắng bạc. Sau khi thắng giải bạn có tiền để mua tài sản tích lũy.
3. Vận hành một công ty, doanh nghiệp thành công. Từ hai bàn tay trắng bạn xây dựng nên được một công ty làm ăn thành công, mỗi tháng tạo ra thu nhập trăm triệu cho bạn. Doanh nghiệp đó từ gánh nặng ban đầu trở thành một tài sản có giá trị lớn, là một cỗ máy in tiền cho bạn.
Điều cốt lõi ở đây là nắm giữ tài sản có giá trị tăng dần theo thời gian. Một người có thu nhập cao nhưng không dành tiền lời để thu nạp các tài sản mà dành phần lớn cho tiêu sản như hàng xa xỉ đắt tiền, xe sang, thì vẫn khó đạt cuộc sống giàu có chứ chưa nói đến tự do tài chính.
Trong tiếng Anh có hai khái niệm nghe khá giống nhau nhưng thật ra khác nhau về bản chất là "rich" và "wealthy". Cả hai tính từ đó đều có thể dịch nghĩa ra tiếng Việt là "giàu có" nhưng từ "rich" thường nói về một người có nhiều tiền, thu nhập cao, có của cải ở thời điểm hiện tại nhưng chưa chắc có sự ổn định tài chính lâu dài. Còn khi nói một người là "wealthy", người đó không chỉ có nhiều tiền và của cải, mà tất cả các của cải đó đều đang được quản lý chặt chẽ trong suốt một thời gian dài và sinh ra thu nhập thụ động tốt cho người đó. Người đó cũng có chiến lược để tái đầu tư các khoản thu nhập này.
Một người sau khi ra trường đi làm được 3 năm cho một công ty nước ngoài với thu nhập 50 triệu/tháng, có 200 triệu đồng tiền tiết kiệm và có khoản vay trả góp cho căn hộ đang ở có thể nói là "rich" nhưng không gọi là "wealthy". Còn người đang sở hữu 3 căn nhà, một căn ở hai căn cho thuê, ngoài ra còn đang có sổ tiết kiệm 2 tỷ trong ngân hàng, không có nợ nần, thì hoàn toàn là "wealthy" và thậm chí có thể coi là đã đạt tự do tài chính.
Hãy chỉ xét trường hợp là bạn đi làm công ăn lương chứ không phải là chủ doanh nghiệp. Để bạn có từ thu nhập mức trung bình lên mức giàu có (rich) bạn có thể không cần đầu tư tài chính mà chỉ cần thu nhập cao từ lương, thưởng. Nhưng để thực sự trở nên "wealthy" bạn phải đầu tư tài chính, không có cách nào khác và đó không hề là chuyện đơn giản.

Tại sao chọn đầu tư vào thị trường chứng khoán

Đầu tư tài chính thì cũng có nhiều kiểu, bạn có thể góp vốn vào một công ty nào đó (dù không trực tiếp điều hành nó), mua trái phiếu, mua vàng, mua crypto, và tất nhiên không thể bỏ qua chuyện đầu tư chứng khoán.
Do phạm vi bài viết cần tập trung vào các khóa học của anh Hiếu TV nên mình sẽ chỉ viết về đầu tư chứng khoán. Một lần nữa mình chỉ muốn nhắc lại các chia sẻ đây chỉ là các kiến thức cơ bản và dựa trên trải nghiệm của mình, đây không phải là bài viết chuyên sâu về thị trường chứng khoán.
Đầu tiên bạn cần hiểu tại sao đầu tư vào thị trường chứng khoán lại ngày càng phổ biến với nhiều người trẻ, không chỉ là ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu. So với các sản phẩm đầu tư khác như vàng, trái phiếu, bất động sản hay crypto thì đầu tư chứng khoán có hai ưu thế rất lớn sau:
1. Chi phí yêu cầu không cao: thực sự đúng như các sàn môi giới và quỹ đầu tư quảng cáo, bạn thực sự chỉ cần khoảng 1 triệu để tham gia. Có nhiều cổ phiếu mà chi phí mua 100 cổ chỉ ở quanh mức 1 triệu (tất nhiên đó chưa chắc là cổ phiếu tốt), còn không bạn có thể mua chứng chỉ quỹ. Còn trái phiếu, số tiền bỏ ra mua thường phải là hàng trăm triệu và bạn không dễ để được mua trái phiếu, bạn cần phải đạt được chuẩn là nhà đầu tư chuyên nghiệp để có thể mua trái phiếu. Tất nhiên bạn vẫn mua được trái phiếu qua các quỹ đầu tư nhưng đây không phải là lựa chọn phổ biến. Vàng cũng như crypto cũng đòi hỏi số tiền đầu tư khá cao cho mỗi lần giao dịch, thường là hàng chục triệu trở lên. Chúng ta không cần nói tới bất động sản.
2. Dễ giao dịch: trong tất cả các sản phẩm tài chính ở Việt Nam, cổ phiếu là sản phẩm dễ giao dịch nhất do có mức độ số hóa cao nhất. Mọi thứ hoàn toàn chỉ giao dịch qua ứng dụng điện thoại và máy tính, việc ký giấy tờ thường chỉ cần thực hiện một lần lúc mở tài khoản. Với trái phiếu thì có một số lô bạn có thể mua qua sàn chứng khoán, nhưng có rất nhiều trái phiếu bạn phải mua thông qua nhân viên ngân hàng. Còn vàng đòi hỏi bạn phải tới cửa hàng để giao dịch. Crypto khó hơn so với cổ phiếu trong việc mở tài khoản do bạn phải biết tiếng Anh đồng thời hiểu cách hoạt động của các ví điện tử. Ngoài ra giao dịch crypto có rủi ro là nếu bạn gửi token vào sai địa chỉ ví thì bạn sẽ mất toàn bộ số token đó. Bất động sản là phức tạp nhất trong việc giao dịch.
Như vậy chứng khoán rất phù hợp cho thế hệ trẻ vốn rành việc sử dụng các ứng dụng tài chính trên điện thoại và không có nhiều vốn. Hai yếu tố này dẫn tới việc đây là sản phẩm đầu tư phổ biến hàng đầu thế giới.

Phân biệt giữa trading và đầu tư

Thực sự không hề dễ để phân biệt thế nào là giao dịch kiếm lời (trading) và đầu tư do nhìn bên ngoài các hành vi khá giống nhau, giống như là phân biệt màu trong phổ màu từ trắng tới đỏ này vậy. Bên trái ngoài cùng là màu trắng và bên phải ngoài cùng là màu đỏ, nhưng bạn có thể chính xác từ chỗ nào mà màu trắng trở thành màu vàng và màu vàng trở thành màu cam và màu cam trở thành màu đỏ?
Chúng ta có thể dùng các tiêu chuẩn tương đối sau để phân biệt giữa trading và đầu tư:
Trên thực tế khái niệm dài hạn, ngắn hạn là rất khác nhau so với các loại sản phẩm tài chính. Với thị trường ngoại hối (Forex), giữ vị thế vài ngày, vài tuần là dài hạn, đa số giao dịch hoàn thành trong ngày. Với chứng khoán, thường nắm cổ phiếu dưới 1 năm vẫn là ngắn hạn, nắm 3 năm trở lên chỉ mới gọi là trung hạn, dài hạn (tức nhà đầu tư chiến lược) là thường từ 5 tới 7 năm trở lên. Thời gian bạn nắm giữ càng ngắn, tần suất giao dịch của bạn càng cao, thì bạn càng có thiên hướng trading hơn.
Nhưng tất nhiên đây chỉ là ước lệ, có người cảm thấy nắm giữ cổ phiếu 3 năm đã là dài hạn, trong khi có người cho rằng dưới 5 năm thì vẫn là ngắn hạn. Thậm chí có người là tổng hợp cả hai trường phái, ví dụ họ mua 10 cổ phiếu, thì có 4 cổ phiếu họ mua rồi bán liên tục trong vài tháng, nhưng 6 cổ phiếu còn lại họ để yên qua nhiều năm. Hoặc có người đầu tư cổ phiếu lâu dài nhưng trade crypto liên tục hàng tuần. Đây là những hành vi phổ biến nhất, trong chúng ta thường sẽ có một hai cổ phiếu mà chúng ta "tin yêu", dù tăng ít nhưng không muốn bán.
Thực tế mà nói phần lớn chúng ta, và chắc chắn phần lớn những người học khóa học của anh Hiếu TV thì là đi theo thiên hướng trading. Mình nhấn mạnh đây là điều hết sức bình thường do tâm lý phổ biến của mọi người là muốn kiếm thêm một khoản tiền kha khá trong một thời gian ngắn. Có thể nói đây là mong muốn phổ biến nhất trong mỗi con người trên Trái Đất này, trong bản thân mình, trong từng người đọc. Ai tiếp cận với chứng khoán cũng đều sẽ đi theo hướng trading, sau đó qua tìm hiểu học thêm thì mới hiểu về đầu tư. Câu hỏi phổ biến của những người mới tìm hiểu sẽ luôn theo dạng:
1. Mua cổ gì mà vài tháng sau bán ăn lời 20%, 30%?
2. Đầu năm mới anh phím cho em mua con gì mà cuối năm x2 tài khoản?
3. Giờ đầu tư gì để mỗi tháng có 10 triệu tiền kiếm thêm?
Ngược lại với giao dịch kiếm lời, người đầu tư sẽ có tâm thế tìm mua cổ phiếu thật tốt để nắm giữ trong nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm. Câu hỏi đặt ra thường là:
1. Tài sản nào sẽ tăng giá ổn định trong 10 năm tới? 2. Mua cổ phiếu nào mà sau này nghỉ hưu nó nuôi mình?
Hai tâm thế này sẽ dẫn tới hai hành vi rất khác nhau trên thị trường. Ví dụ mình từng hỏi bạn mình tại sao tham gia chứng khoán mà lại đi mua cổ phiếu FLC (yeah....) mà không phải là những cổ phiếu chắc ăn hơn như Vietcombank (VCB) hay FPT, SSI thì bạn bảo là cổ phiếu này có đội lái mạnh, thường biến động nhiều trong vài tuần, vài tháng và nếu đánh theo đội lái sẽ kiếm được tiền trong thời gian ngắn. Đây là cổ phiếu mọi người thích mua bán trong vài tháng để kiếm lời. Tuy nhiên nắm cổ phiếu này khá là cực do phải thường xuyên canh thị trường, phải nhanh tay mua nhanh tay bán.
Đồ thị giá cổ phiếu FLC trong 6 tháng cuối năm 2022
Đồ thị giá cổ phiếu FLC trong 6 tháng cuối năm 2022
Và người bạn đó đánh giá những cổ phiếu như VCB hay FPT thì "nó tăng rề rề", mỗi ngày tăng giảm chút chút, có khi cả năm chỉ tăng có 10%. Mua thì nhàn nhưng lời không bao nhiêu.
Đồ thị giá cổ phiếu VCB trong năm 2021 và 2022
Đồ thị giá cổ phiếu VCB trong năm 2021 và 2022
Mình không nói rằng nhận định của bạn mình đúng về việc biến động giá ngắn hạn của hai cổ phiếu trên, mình chỉ muốn cho thấy cách một người nhìn về một thị trường sẽ ảnh hưởng tới hành vi mua bán của họ trên thị trường đó.

Thế nào là đầu tư thành công?

Để biết một khoản đầu tư có phải là tốt hay không chúng ta cần một mốc tham chiếu để so sánh. Chỉ cần bạn đầu tư ngang hoặc vượt mốc tham chiếu mà bạn chọn thì bạn được coi là đầu tư thành công. May mắn là trong tài chính các mốc tham chiếu này khá rõ ràng và được sắp xếp theo thứ tự từ thấp tới cao như sau:
1. Tốc độ lạm phát (inflation): lạm phát là hiện tượng mất giá của đồng tiền. Mặc dù nghe đáng sợ nhưng lạm phát là điều chắc chắn sẽ xảy ra trong một nền kinh tế đang tăng trưởng vì nó là tín hiệu cho thấy nhu cầu mua sắm vượt khả năng sản xuất. Các quốc gia phát triển cao như Mỹ, Úc, Singapore thường đặt mục tiêu giữ lạm phát trong năm trong khoảng 2%, các quốc gia đang phát triển thường có mục tiêu lạm phát cao hơn, ví dụ như Việt Nam chọn mức lạm phát trong khoảng 4% tới 4.5%.
Mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Úc là từ 2% tới 3%
Mục tiêu lạm phát của Ngân hàng Úc là từ 2% tới 3%
Tình hình lạm phát ở Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024
Tình hình lạm phát ở Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2024
Như vậy ở Việt Nam nếu bạn không có tham vọng cao và chỉ muốn đảm bảo tiền của bạn tăng trưởng cao hơn lạm phát, thì bạn chỉ cần tìm cách làm sao để có tốc độ sinh lời từ 5% tới 6% một năm, và cách phổ biến để đạt được điều đó là....
2. Lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng: gửi tiết kiệm ở ngân hàng là cách phổ biến để đảm bảo tiền không bị mất giá hoặc mất giá ít so với lạm phát. Đồng thời lãi suất ngân hàng cũng là một điểm chuẩn cho việc đầu tư. Thông thường thì lạm phát cao sẽ khiến lãi suất ngân hàng tăng theo và ngược lại. Lãi suất ngân hàng bị tác động bởi chính sách tiền tệ của Ngân hàng nhà nước Việt Nam (ở các quốc gia khác là Ngân hàng trung ương) và các chính sách này luôn muốn đảm bảo lãi tiết kiệm gửi sẽ cao hơn tốc độ lạm phát.
Ví dụ về lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng trong tháng 7 2024
Ví dụ về lãi suất tiết kiệm ở một số ngân hàng trong tháng 7 2024
Theo lý thuyết gửi tiết kiệm ở ngân hàng vẫn có rủi ro bị mất tiền vì ngân hàng hết tiền, nhưng trên thực tế ở Việt Nam chưa có vụ nào ngân hàng không trả được gốc và lãi tiết kiệm do thường xuyên có sự can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí trong đợt khủng hoảng gần đây ở ngân hàng SCB các khách hàng gửi tiết kiệm vẫn lấy được tiền ra.
Do đó độ an toàn của gửi tiết kiệm ở ngân hàng là rất cao và do đó lãi suất tiết kiệm có thể coi là tỷ lệ lợi tức phi rủi ro (risk free rate of return). Nếu bạn gửi tiết kiệm 100 triệu với lãi suất 6% cho kỳ hạn 12 tháng, có thể xem như bạn có lãi 6 triệu mà không chịu bất kỳ rủi ro nào.
Một lần nữa mình đang đơn giản hóa vấn đề ở đây, bởi với giới đầu tư chuyên nghiệp quản lý số vốn lên tới chục triêu, trăm triệu đô la trở lên thì chỉ có trái phiếu chính phủ mới được cân nhắc là sản phẩm có tỷ lệ lợi tức phi rủi ro.
3. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp: bạn là người thích phiêu lưu, bạn đang cần một mức sinh lời cao hơn, vậy thì trái phiếu doanh nghiệp có thể là một lựa chọn phù hợp cho bạn. Khi bạn bắt đầu dấn thân vào mua trái phiếu doanh nghiệp thì bạn đã bước vào vùng rủi ro trung bình cao và rủi ro cao.
Phát hành trái phiếu là một cách nói khác của việc doanh nghiệp đi vay từ nhà đầu tư để phục vụ cho mục đích kinh doanh. Ví dụ Novaland phát hành trái phiếu để xây khu đô thị, VinGroup phát hành trái phiếu để xây nhà máy VinFast, VietJet phát hành trái phiếu để đi mua hoặc thuê máy bay.
Lợi ích nhà đầu tư nhận lại được là một khoản sinh lời cao hơn lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng. Lãi suất mời chào càng cao thì tức là độ rủi ro của các khoản vay càng lớn.
Một số trái phiếu được mời chào bởi HDSecurities
Một số trái phiếu được mời chào bởi HDSecurities
Còn rủi ro nhà đầu tư phải chấp nhận là khi đến hạn thanh toán trái phiếu thì doanh nghiệp không có tiền trả. Ở những thị trường phát triển thường có các tổ chức tín dụng đánh giá sức khỏe doanh nghiệp để gán mức rủi ro cho các lô trái phiếu phát hành. Với những doanh nghiệp được đánh giá ở mức A trở lên (như Microsoft, Alphabet, Nvidia, Apple) thì trái phiếu của họ là vô cùng an toàn, đem lại cho nhà đầu tư mức sinh lời cao hơn gửi tiết kiệm với mức rủi ro tối thiểu. Do đó họ có thể phát hành trái phiếu dài hạn tận 20 năm.
Ở Việt Nam hiện tại không có tổ chức nào như vậy nên nhà đầu tư thường chỉ có cách tin vào những thông tin do doanh nghiệp hoặc bên môi giới cung cấp, và lựa mua dựa theo tên "brand". Tên doanh nghiệp càng phổ biến như VinGroup, Masan, Techcombank thì càng có vẻ an toàn.
Quay trở lại vấn đề điểm chuẩn, giả sử bạn là người an toàn và chọn mua trái phiếu của HDBank với lãi suất 6.80%, thì bạn đã có mức sinh lời cao hơn là gửi tiết kiệm online tại ngân hàng này, là mức 5.50%
Lãi suất gửi tiết kiệm trực tuyến trong tháng 7 tại HDBank
Lãi suất gửi tiết kiệm trực tuyến trong tháng 7 tại HDBank
Thông thường bạn không thể tiếp cận mua được trái phiếu doanh nghiệp do có nhiều quy định khó và số vốn lớn, do đó bạn có thể mua thông qua các quỹ đầu tư. Các quỹ này đã chọn lọc ra các trái phiếu an toàn theo tiêu chuẩn của họ để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất có thể.
Quỹ đầu tư trái phiếu VFF của VinaCapital
Quỹ đầu tư trái phiếu VFF của VinaCapital
Quỹ đầu tư trái phiếu FIF của quỹ VCBF thuộc Vietcombank
Quỹ đầu tư trái phiếu FIF của quỹ VCBF thuộc Vietcombank
3. Chỉ số tham chiếu VN-Index: nếu mức sinh lời khá cao từ trái phiếu vẫn không thỏa mãn được "con mãnh thú" trong bạn thì bạn có thể dắt nó đến "hỏa ngục" chứng khoán, nơi bạn sẽ trải qua những nội đau tinh thần tưởng như bất tận cũng như những sự hưng phấn tột độ. Ở trong chứng khoán, nếu danh mục cổ phiếu của bạn tăng mạnh hơn hoặc giảm ít hơn chỉ số tham chiếu VN-Index thì tức là bạn đã đánh bại được thị trường. Chỉ số tăng 10% trong năm qua và danh mục của bạn tăng 15%, vậy là bạn đã giỏi hơn thị trường. Chị số giảm 15% trong năm và danh mục của bạn chỉ giảm 5%, chúc mừng bạn đã đủ tài năng để mở quỹ đầu tư của riêng mình.
Tuy nhiên cái khó lớn nhất không phải là bạn đánh bại thị trường trong vòng 6 tháng hay 1 năm hay 2 năm, cái khó là bạn cần đánh bại được thị trường liên tục trong một thời gian dài, như 10 năm hoặc 20 năm.
Bạn hay nghe những "thống kê mồm" rằng 90% nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán thì thua lỗ, thì mình không chắc rằng thống kê như vậy có tồn tại, hoặc nếu có thì còn đúng tới giờ hay không, nhưng mình hiểu được tại sao phần lớn mọi người lại có những đợt thua lỗ trên thị trường chứng khoán (bao gồm cả bản thân mình). Bí mật này thật ra rất đơn giản: chúng ta đánh giá thấp độ khó của thị trường chứng khoán, thể hiện qua việc chúng ta đầu tư bán thời gian.
Nhưng mà đầu tư cổ phiếu khó như thế nào? Trăm nghe không bằng một lần trải. nghiệm, những ai còn giữ cổ phiếu trong đợt suy giảm khủng khiếp của thị trường chứng khoán toàn cầu và chứng khoán Việt Nam trong tuần đầu tiên của tháng 8/2024 hẳn như mới gặp ác mộng giữa ban ngày. Chỉ vì một đợt tăng lãi suất của ngân hàng Trung ương Nhật Bản với mức tăng 0.2%, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 20% trong vòng 3 phiên, chứng khoán Mỹ cũng giảm gần 10% và tất nhiên chứng khoán Việt Nam cũng không tránh khỏi trận đổ máu. Bao nhiêu người có thể đoán được đợt giảm khủng khiếp đó để "thoát hàng"? Và bao nhiêu người, ở thời điểm viết bài này, tự tin nói rằng thị trường đã lập đáy và hãy nhào vô mua hàng ngon giảm giá? Liệu VN-Index có quay trở lại mốc 1300 trước khi năm 2024 kết thúc, hay nó lại thủng đáy mới và về lại 1100?
Tất cả những dự đoán hay phân tích ngắn hạn này đều có độ chính xác cao như việc chơi loto vậy. Bạn không tin bạn có thể thử phân tích dự đoán xem?
Lý do thị trường chứng khoán khó đoán là vì những yếu tố có thể khiến nó dịch chuyển là quá nhiều: một đợt suy thoái ở Mỹ, một cuộc chiến mới ở Trung Đông, một cuộc khủng hoảng bất ngờ xảy ra ở Trung Quốc, một bong bóng tài chính lớn bất ngờ được phát hiện ra sau khi nó nổ tung, tất cả những yếu tố đó đều gần như không lường trước được.
Các quỹ đầu tư của Mỹ đã thua lỗ hàng tỷ đô la trong năm 2022 vì họ đánh giá sai tốc độ tăng lãi suất của Fed, và họ cũng bỏ lỡ cơ hội gom hàng cổ phiếu công nghệ trong năm 2023 vì không đoán trước được cơn sóng AI. Những quỹ đầu tư đánh mạnh vào thị trường Trung Quốc năm 2022 dựa theo các dự đoán về sự phục hồi thần tốc sau Covid và dựa theo các phân tích về sức mạnh kinh tế của quốc gia này cũng đang ôm trái đắng.
Các quỹ phòng hộ năm 200 thua lỗ khoảng 125 tỷ đô la
Các quỹ phòng hộ năm 200 thua lỗ khoảng 125 tỷ đô la
Những quỹ đầu tư chủ động đạt mức lợi nhuận kém vào đầu năm 2023 do bỏ lỡ cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu công nghệ
Những quỹ đầu tư chủ động đạt mức lợi nhuận kém vào đầu năm 2023 do bỏ lỡ cổ phiếu ngân hàng và cổ phiếu công nghệ
Đầu tư cổ phiếu khó như thế nhưng chúng ta lại thường đầu tư theo dạng bán thời gian, tức lâu lâu chúng ta lại vô một cục tiền và một thời gian sau quay lại xem cục tiền đó tăng hay giảm ra sao. Những phương pháp đầu tư chứng khoán chúng ta hay đọc được từ những nhà đầu tư huyền thoại như Warren Buffet, Peter Lynch, Ray Dalio nó không phải không hiệu quả. Sự khác biệt của họ không chỉ là ở phương pháp mà cái chính là ở việc họ sống bằng việc đầu tư, họ đầu tư 24/7.
Mình biết rằng mọi người khi mới tham gia chứng khoán lựa chọn ban đầu thường sẽ là bỏ mua cổ phiếu các công ty lớn vì cảm giác rằng càng to càng an toàn. Nhưng rõ ràng những năm qua thị trường đã cho thấy sự an toàn đó chỉ là ảo tưởng, giá trị của những tập đoàn hàng đầu ở Việt Nam như VinGroup, Vinhomes, Novaland, Hòa Phát đều giảm mạnh trong những năm vừa rồi và những nhà đầu tư lâu dài ở đây hầu như không lời nhiều. Ngay cả ở Mỹ cũng xảy ra những câu chuyện tương tự: những gã khổng lồ như Boeing, Starbucks, Intel hay Nike đều lần lượt "ngã ngựa" với mức giảm hai chữ số trong 5 năm qua.
Nói như vậy không phải bảo rằng bạn không thể kiếm lời được trên thị trường chứng khoán. Bạn vẫn có thể kiếm lời được, có thể mức sinh lời của bạn không phải lúc nào cũng cao hơn mức tăng của thị trường, nhưng như vậy vẫn là tốt rồi, ít nhất bạn không thua lỗ. Điều kiện tiên quyết để bạn có thể làm được điều này trong thời gian dài là bạn phải là một nhà đầu tư toàn thời gian (full-time), tức bạn dành phần lớn thời gian để đọc và theo dõi thị trường, tìm hiểu và nghiên cứu một cách nghiêm túc để có thể đưa ra các quyết định đúng đắn.
Còn nếu bạn phần lớn thời gian là đi làm và chỉ dành một ít thời gian rảnh để bỏ tiền vào thị trường chứng khoán, bạn sẽ gần như không có gì ngoài may mắn để có thể sống sót trong chảo lửa này, và bạn càng ở trong đó càng lâu thì khả năng kiếm được lợi nhuận của bạn càng giảm. Do đó lời khuyên đầu tư trung bình giá vào các quỹ mở hoặc chứng chỉ quỹ ETF là một lời khuyên rất ổn cho những ai quá bận bịu để tham gia thị trường chứng khoán. Lời khuyên này phù hợp cho những ai đi theo hướng đầu tư tích lũy tài sản, với thời gian tích lũy từ 5 năm trở lên.
Đến đây hẳn sẽ có bạn lôi con số 1200 điểm của VN-Index ra để nói rằng lời khuyên đầu tư trung bình giá ETF không áp dụng được ở Việt Nam. Để cho những ai chưa rõ thì vào cuối năm 2007, chỉ số VN-Index của chứng khoán Việt Nam vượt qua mốc 1200 điểm, sau đó là một cú nổ bong bóng lớn và mãi đến bây giờ, năm 2024 thì chỉ số này vẫn chỉ mới quanh mức 1200 điểm (cụ thể là 1215 điểm khi mình đang viết bài này). Lập luận ở đây sẽ là ai mua ETF chỉ số chứng khoán Việt Nam năm 2007 thì bây giờ, sau 17 năm, chỉ có huề vốn. Lập luận đó sai ở những điểm sau.
Điều thứ nhất, nếu bạn mua trung bình giá chỉ số VN-Index từ năm 2007 (thật ra lúc đó chưa có ETF cho VN-Index nhưng hãy đặt giả định là có) thì bạn vẫn lời, bởi vì mua trung bình giá là bạn mua đều đặn lúc giá lên lẫn giá xuống. Sau khi vỡ bong bóng, VN-Index rớt về mức 400 điểm trong năm 2008 và tăng từ từ lên. Vậy nếu bạn mua đều VN-Index lúc nó 1200 điểm, 1100 điểm, 1000 điểm, 900 điểm cho tới lúc 400 điểm và vẫn tiếp tục mua lúc nó lên lại, tức mua lúc 500 điểm, 600 điểm, thì đến bây giờ bạn khả năng cao vẫn lời.
Điều thứ hai đó là mọi người nhắc đến con số 1200 điểm mà bỏ qua yếu tố rằng đó là con số giá trị ảo. Dù bạn đầu tư bất kỳ sản phẩm nào mà bạn mua ngay đúng đỉnh bong bóng thì bạn sẽ phải chờ rất rất lâu để nó có thể hồi phục và chuyện này đúng ở mọi loại tài sản ở mọi thị trường trên thế giới. Nếu bạn không tin thì đây là một số dẫn chứng:
1. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản vượt mức 39,000 điểm lần đầu vào tháng 12 năm 1989, ngay đỉnh cơn sốt bất động sản ở đảo quốc này. Sau đó vụ nổ bong bóng bất động sản xảy ra và kinh tế Nhật Bản rơi vào hai thập kỷ mất mát, chỉ số Nikkei 225 giảm không phanh. Phải đến tận ngày 22/02/2024 vừa qua, tức sau 34 năm, chỉ số này mới quay lại được đỉnh cũ. Thế nhưng thành quả tích lũy 34 năm đó đã bị thổi bay chỉ trong 3 ngày chấn động vừa qua, với việc chỉ số Nikkei 225 vào hôm 05/08/2024 đã giảm lại về mức 30,000 điểm và giờ đang trên hành trình leo dốc trở lại.
2. Sau khi bong bóng Dot Com ở Mỹ phát nổ vào tháng 3 năm 2000, chỉ số Nasdaq của chứng khoán Mỹ rơi từ mức đỉnh 4,700 điểm xuống còn 1800 điểm vào tháng 8 năm 2001. Mất bao lâu để Nasdaq mới có thể chinh phục lại mức đỉnh 4,700 điểm? Câu trả lời là khoảng 13 năm rưỡi kể từ mức đáy, vào tháng 1 năm 2015. Nhưng sau khi về lại đỉnh cũ chỉ số này cũng rất chật vật, tăng giảm liên tục nhiều tháng trời rồi đến tận tháng 6 năm 2016 mới hoàn toàn vượt qua được mốc 5000 điểm. Hiện tại chỉ số Nasdaq đang ở mức trên 16000 điểm.
3. Những ai ôm vàng lâu năm cũng sẽ từng trải qua những đợt đu đỉnh không thấy ngày về. Vào những năm 1980 khi lạm phát tăng cao ở Mỹ và Fed tăng lãi suất liên tục, giá vàng đã lên tới mức cao nhất mọi thời đại là 800 USD/ounce vào năm 1980 và sau đó đi xuống từ từ. Nếu bạn mua vàng ở mức giá đó thì mất bao lâu để bạn hòa vốn? Câu trả lời là 28 năm. Phải đến khi khủng hoảng tài chính toàn cầu xảy ra khiến mọi người đổ xô đi mua vàng thì giá vàng mới về lại mức 800 USD/ounce vào năm 2008. Đến khoảng năm 2011 giá vàng đạt đỉnh 1800 USD/ounce rồi lại đi xuống và nhà đầu tư phải đợi thêm đến tận năm 2020, khi dịch Covid 19 ập đến thì giá vàng mới quay lại mức đó. Hiện tại vào đầu tháng 08/2024 giá vàng thế giới đang ở mức gần 2,400 USD/ounce.
Biểu đồ giá vàng thế giới từ năm 1973 đến hiện tại
Biểu đồ giá vàng thế giới từ năm 1973 đến hiện tại
Tất nhiên những thông tin này thường bị gạt đi theo kiểu "nhưng nước ngoài nó khác, Việt Nam mình khác" và cột mốc 1200 điểm của VN-Index cứ bị đem ra thành nguyên liệu chế tác meme.
Nói đến đây bạn đã hình dung được ETF là sản phẩm đầu tư dài hơi tính theo chục năm. Nó là một dạng tài sản tích lũy. Nó không phù hợp với những người đang cần tăng thu nhập trong thời gian ngắn. Thường không ai nói đầu tư ETF là đầu tư chứng khoán, việc anh Hiếu TV đặt tên khóa học là đầu tư chứng khoán và nói về chiến lược đầu tư đã khiến rất nhiều người đặt kỳ vọng sai lầm rằng họ sẽ biết được cách đầu tư thành công và từ đó kiếm được nhiều tiền trong thời gian tương đối ngắn. Trong khi đó bản chất của ETF là sản phẩm cần nắm giữ trên 10 năm mới hưởng quả ngọt. Hãy tưởng tượng những học viên gần 40 tuổi, tức đã đi làm hơn 10 năm, được khuyên rằng giờ họ hãy mua ETF và chờ thêm ít nhất 10 năm nữa mới được thấy thành quả, họ sẽ cảm thấy ngỡ ngàng như thế nào.
Rõ ràng sự tức giận này là điều dễ hiểu, bởi nếu chỉ đầu tư mua ETF thì bạn lên Internet kiếm sẽ có rất nhiều thông tin bổ ích, và quỹ đầu tư Vanguard của Mỹ có hẳn một bài báo nghiên cứu đầy phép toán cao cấp để chứng minh là nhà đầu tư cá nhân mua ETF sẽ lợi hơn nhiều so với tự chọn cổ phiếu đầu tư. Bạn có thể đọc bài nghiên cứu của quỹ Vanguard ở đây.
Tại sao nên đầu tư dài hạn vào quỹ chỉ số
Tại sao nên đầu tư dài hạn vào quỹ chỉ số
Do đó mở khóa học đầu tư chứng khoán thu 5 triệu đồng/người, dạy về phân tích kỹ thuật và cuối cùng khuyên học viên đi mua ETF là rất sai, và bản thân mình cũng tin rằng anh HieuTV không giàu lên nhờ đầu tư liên tục trên thị trường chứng khoán (với giả định anh đã giàu từ trước khi về Việt Nam). Bởi người giàu lên từ trading chứng khoán rất hiếm khi mở khóa học và khuyên người khác đi đầu tư ETF, hai kiểu đầu tư đó là hai trường phái khác nhau hoàn toàn.
Còn nếu bạn tham gia thị trường chứng khoán với mục đích tăng nhanh thu nhập, tài khoản tăng 50% trở lên trong vài tháng thì cần hiểu rằng bạn không thể làm điều đó bán thời gian và rủi ro bạn mất hết tiền là cực kỳ lớn.

Con đường chông gai để đến quả ngọt

Viết dài như vậy như vậy mình chỉ muốn tóm gọn lại các ý như sau:
1. Để đạt được tự do tài chính, bước đầu bạn cần quản lý tài chính cá nhân tốt và để làm được điều đó, chỉ có bạn mới tìm ra được câu trả lời cho các câu hỏi: làm sao để tăng thu nhập, làm sao để cắt chi tiêu. Sẽ không có một quyển sách hướng dẫn hoàn hảo nào cho việc đó cả, mọi thứ đến từ thái độ học hỏi, kiến thức tích lũy và quyết tâm thay đổi lối sống của bạn.
2. Nếu bạn chỉ giàu (rich) nhờ thu nhập cao thì nó chưa đủ, bạn cần phải đạt tới mức thịnh vượng (wealthy) thông qua việc tích lũy một lượng lớn tài sản sinh lời, tạo ra thu nhập thụ động để nuôi bạn. Vàng tăng giá nhưng vàng là dạng tài sản không tạo ra dòng tiền định kỳ. Bất động sản cho thuê có thể không tăng giá tốt nhưng lại là dạng tài sản tạo ra thu nhập thụ động.
3. Có rất nhiều cách để bạn tích lũy tài sản, đầu tư chứng khoán chỉ là một trong các cách đó chứ không phải là cách duy nhất.
3. Bạn cần hiểu được các mốc tham chiếu khác nhau khi đầu tư để biết mình đang đầu tư tốt hay không cũng như mức độ rủi ro cao như thế nào.
4. Trong mọi lĩnh vực luôn có sự khác biệt giữa giao dịch kiếm lời (trading) và đầu tư. Nếu bạn muốn kiếm thêm thu nhập từ chứng khoán trong thời gian ngắn, bạn cần phải thực sự nghiêm túc theo dõi thị trường và nâng cấp kỹ năng, kiến thức. Bạn không thể làm điều đó bán thời gian.
5. Mua chứng chỉ quỹ vẫn là lựa chọn phù hợp cho đại đa số nhà đầu tư muốn tích lũy lâu dài và không dành nhiều thời gian cho việc đầu tư.
Hi vọng các bạn thấy bài viết này hữu ích. Nếu bạn có kiến thức hay trải nghiệm hữu ích, các bạn có thể chia sẻ thêm trong phần bình luận để giúp những bạn đọc khác.