Làm những thứ nhỏ nhặt không tầm thường
Hồi cấp hai, nhân dịp hè không phải đi học thêm nhiều, tôi cùng với mấy đứa bạn tham gia lớp học ghita. Nếu ai đã từng học đàn hay...
Hồi cấp hai, nhân dịp hè không phải đi học thêm nhiều, tôi cùng với mấy đứa bạn tham gia lớp học ghita. Nếu ai đã từng học đàn hay nhạc thì đều biết, thời gian đầu mọi người đều phải học nhạc lý. Từ nốt đơn, nốt kép, cho đến cách đếm nhịp. Lúc đó mình học ghita nên ngoài nhạc lý, chúng tôi sẽ học cách gảy đúng nhịp, cách chạy ngón. Đấy đều là những kỹ năng cơ bản vô cùng quan trọng. Nhưng chán.
Sau khoảng một hai tuần tập, mọi người đều thấy ngán. Chúng tôi nhờ thầy cắt bớt thời gian tập cái này để dạy những bài nâng cao hơn, còn mấy cái kia để vừa học cái mới vừa tập. Thầy cũng dễ tính mà dạy chúng tôi bài mới. Lần đầu được tập chơi mấy bài cổ điển có giai điệu, ai cũng háo hức. Nhưng lúc này có một vấn đề là tập chơi những bài này không đơn giản. Bản thân tôi lúc đó, khi thì đánh tiếng bị tịt không rõ, khi thì lệch nhịp. Sau vài ngày thấy không tập được gì, tôi nhận ra kĩ năng mình chưa đủ. Thế là trong lớp một mình tôi quay lại tập mấy bài cơ bản ban đầu. Khi đó bản thân vẫn còn ngồi tập mấy bài gẩy không có tí giai điệu nào, các bạn khác thì đã bắt đầu chơi được và ra giai điệu. Lúc ấy tôi tự nhủ, mình phải làm thật tốt mấy thứ vớ vẩn này đã rồi mới mong làm được mấy cái kia.
Khoảng hơn một tháng thì mọi người trong lớp cũng thành thạo được 1, 2 bài, tôi thì cũng thấy mình quen được tay rồi. Lúc ấy tôi mới tập mấy bài kia. Vì đã có một tháng ngồi tập chạy ngón đếm nhịp đọc nốt, nên khi tập bài mới tôi thường mắc ít sai sót. Mà cũng vì thế, chỉ trong một hai tuần tôi đã thành thạo gần hết mấy bài thầy đưa cho. Tôi cũng ngạc nhiên khi không ngờ mình làm được. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được sức mạnh của việc luyện tập làm đi làm lại những điều nhỏ nhặt cơ bản. Mà từ thời điểm này tôi có một câu thần chú cho bản thân dùng đến tận bây giờ : "Cứ làm từ điều nhỏ trước".
Một chuyện khác, khi tôi vừa mới vào năm nhất đại học. Lúc đó nhìn mọi người làm được web này, phần mềm nọ, tôi thấy cũng ham. Tôi muốn tự tay làm thử một cái web từ frontend cho đến backend. Fullstack luôn. Cơ mà với một thằng sinh viên năm nhất chưa biết gì về lập trình thì không biết nên làm như nào và bắt đầu từ đâu. Lên mạng tìm tài liệu thì cũng nhiều đó, nhưng có đọc cũng không hiểu gì. Từ fullstack tôi thành fullstuck, chỗ nào cũng stuck. Bỗng tôi nhớ đến câu thần chú trên "Cứ làm từ điều nhỏ trước". Tôi lên mạng chọn những project nhỏ có hướng dẫn, vừa làm theo vừa tìm hiểu tại sao họ làm như thế. Sau khi làm xong, tôi cố gắng làm lại mà không xem hướng dẫn.
Được một thời gian, thấy mình cũng có chút kiến thức và kinh nghiệm, tôi thử ngồi nghĩ ra một ý tưởng cho một ứng dụng rồi cố gắng làm nó. Lúc này tôi liệt kê ra những tính năng mình muốn làm, sắp xếp độ khó, rồi bắt tay làm từ thứ dễ nhất. Cứ thế mỗi lần làm xong một tính năng, tôi mới làm thêm một tính năng khác chứ không làm chúng cùng một lúc. Sau ba tháng mày mò làm sửa thì cái ứng dụng của tôi cũng thành hình. Cái việc cặm cụi làm từng chút một này giúp tôi tự tạo và hoàn thành được project đầu tiên của mình. Việc kiên trì làm những dự án cá nhân sau này cũng giúp tôi rất nhiều khi đi xin việc cũng như lúc làm. Có ý tưởng làm cái gì đã khó, nhưng để làm được cho ra hình thì còn khó hơn, vì nó còn đòi hỏi chúng ta sự kiên trì và kỷ luật. Tôi cũng thấy có những người, họ nghĩ ra được rất nhiều những ý tưởng hay. Nhưng cứ làm giữa chừng thì họ lại nghĩ ra ý tưởng khác và đi theo chúng. Đến cuối cùng thì cái nào cũng dang dở cả. "Ideas are cheap, execution is everything".
Đấy là hai trong nhiều trải nghiệm mà tôi có về việc cố gắng làm từng chút một những điều nhỏ bé. Nhưng bản thân tôi làm nó cũng không dễ dàng gì. Như khi học đàn, mọi người thì bắt đầu chơi được ra giai điệu, còn mình thì cứ tập mấy nốt vô hồn. Lúc đó thấy bứt rứt lắm. Hoặc lúc mình cố gắng làm như thế rồi nhưng kết quả so với mọi ngưởi thì chẳng là gì, nên cũng thấy nóng vội đấy. Không ít lần vì cái tính nóng vội ấy, tôi cũng bỏ qua những thứ tôi cho là nhỏ nhặt. Kết quả thì có lúc được có lúc không, nhưng phần lớn là hỏng. Đấy cũng là cái giá tôi phải trả cho sự nóng vội của mình. Mẹ tôi cũng hay nhắc, trái nào chín ép thì thường không ngon. Tôi cũng không nhớ đọc được ở đâu có câu nghĩa như này "cái gì cũng có thời gian của nó, không ai kéo lúa cho nó lớn cả".
Nhìn từ bản thân, tôi thấy cái chướng ngại nhiều khi ở cái tâm so đo của mình. Mình so sánh mình với người này người kia. Mà hiển nhiên là sẽ có người giỏi hơn mình trong một số lĩnh vực, nên rất khó để đuổi kịp họ. Có giai đoạn tôi rơi vào tình trạng kiểu không so với người khác thì không có động lực, mà so sánh thì khó thoát khỏi tâm nóng vội dễ hỏng việc. Tôi cũng thử theo cách mà ngàn đời nay các nhà hiền triết hay dạy là so với bản thân mình ngày hôm qua. Hầy, lúc này nếu không làm tốt hơn ngày hôm trước tôi lại quay ra tự chỉ trích bản thân. Sau cùng tôi nhận ra mình phải bỏ cái tâm so đo ấy đi.
Ừ thế lúc này động lực là gì nhỉ? Tôi đặt ra những mục tiêu nhỏ cho mình và cố gắng thực hiện. Cứ mỗi lần hoàn thành được điều gì đó mình cũng thấy vui. Tích góp những niềm vui nhỏ này mình sẽ có được động lực. Cũng đừng để ai đấy cướp mất niềm vui nhỏ bé này. Ví dụ như họ có thể bảo, mày mới làm được có thế thì cần gì phải vui như vậy. Ừ nhưng đâu sao, tội gì mà lại phải ngồi trầm mặc u sầu như mấy ông triết gia làm gì.
Như thế, tôi cứ cặm cụi ngồi làm từng thứ nhỏ nhỏ. Tôi cũng không biết việc này có giúp mình đạt được điều gì to lớn trong tương lai hay không. Nhưng ít nhất tôi cũng có niềm vui qua việc mình làm. Ngoài ra các kĩ năng của bản thân có thể được rèn luyện đều đều qua từng ngày. Vì thế với tôi những thứ nhỏ nhặt mà mình làm dù nó có đơn giản nhỏ nhoi như nào, nó cũng không hề tầm thường.
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất