Làm Thế Nào Để Không Bỏ Cuộc? Kết Hợp Nội Lực Và Động Lực Hiệu Quả
Dù “nội lực” và “động lực” là những từ rất quen thuộc, nếu để ý, cả hai đều có chữ “lực” – gợi lên cảm giác về sức mạnh, sự chuyển...
Dù “nội lực” và “động lực” là những từ rất quen thuộc, nếu để ý, cả hai đều có chữ “lực” – gợi lên cảm giác về sức mạnh, sự chuyển động, và khả năng tiến về phía trước. Đôi khi mình tự hỏi: Thực ra nội lực và động lực là gì? Chúng có ý nghĩa như thế nào với mình trên hành trình phát triển bản thân? Mình có nội lực hay động lực rõ ràng chưa? Và làm sao để mình hiểu, áp dụng đúng – đủ hai nguồn sức mạnh này để không ngừng tiến lên?
Từ những quan sát cá nhân mình, mình khái quát hóa rằng: Động lực là nguồn cảm hứng, mục tiêu thúc đẩy chúng ta hành động và vượt qua trì hoãn để tiến về phía trước. Nó chính là điểm khởi đầu, giúp mình xác định mục tiêu, tạo sự hào hứng và thôi thúc mình bắt đầu hành trình mới. Tuy nhiên, khi động lực ban đầu dần phai nhạt trước khó khăn hay thử thách, nội lực – tức sức mạnh bên trong gồm ý chí, sự kiên trì và bản lĩnh – lại là cái giúp mình duy trì hành động, giữ kỷ luật và không bỏ cuộc. Nội lực được rèn luyện qua trải nghiệm, sự bền bỉ và ý chí vượt lên nghịch cảnh, trở thành yếu tố quyết định giúp mình chống lại lực cản để đi đến cùng mục tiêu.
Nói thật là những khái quát trên mình không thể miêu tả cụ thể cho đến khi mình tiếp cận các góc nhìn của Thầy cô, Anh chị đi trước, đặc biệt là qua Podcast ngắn nhưng đa chiều mang tên "Không sao đâu"
Tại podcast này, Thầy Minh Niệm chia sẻ về nghịch cảnh mất đi người thân để Thầy phải nỗ lực vượt qua và hướng đến mục tiêu tạo giá trị cộng đồng. Trong khi, Cô Nguyễn Phi Vân cũng chia sẻ rất chân thành rằng, với cô sự yếu đuối hay những lần cô khóc cũng chính là cách cô thể hiện nội lực bản thân - nơi mà cô không che giấu sự thất bại hay buồn bả về bản thân. Họ là những minh chứng cho câu chuyện có nội lực, có động lực thì sẽ kiến tạo cho bản thân những con đường khác nhau để vượt qua thử thách của cuộc sống, nơi mà ta không thể tránh khỏi.
Thầy Minh Niệm nhấn mạnh việc xây dựng nội lực bắt đầu từ việc chấp nhận những thiếu thốn, khó khăn trong cuộc sống. Thầy cho rằng khi con người "trở về" với chính mình, họ cần thừa nhận điểm yếu và đồng thời nhận ra, tin tưởng vào những "viên ngọc quý" – tức là giá trị, sức mạnh tiềm ẩn bên trong bản thân. Từ đó, nội lực sẽ được nuôi dưỡng và phát triển.
Doanh nhân, diễn giả Nguyễn Phi Vân chia sẻ góc nhìn từ trải nghiệm khởi nghiệp của cô. Theo cô, nội lực không chỉ là sức mạnh tinh thần mà còn là quá trình học hỏi, bổ sung kiến thức, kỹ năng còn thiếu. Việc liên tục hoàn thiện bản thân giúp xây dựng nền tảng vững chắc để đối mặt với thử thách trong cuộc sống và công việc.
Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương cho rằng trí tuệ và sự tự ý thức về phẩm chất bản thân là yếu tố cốt lõi của nội lực. Khi mỗi người nhận ra giá trị và điểm mạnh của mình, họ sẽ có nền tảng vững chắc để phát triển sức mạnh nội tâm, vượt qua khó khăn và trưởng thành hơn.
Cái hay của Podcast là đặt ra những câu hỏi rất gần với những người trẻ. Những người chưa đủ trải nghiệm rèn luyện nội lực thì sẽ rất khó mô tả bản chất của nội lực, hình hài của nội lực hay kiểu mình đã có nội lực hay chưa?
Ví như câu: Yếu đuối là không có nội lực?
Rất nhiều định kiến nói rằng yếu đuối là 1 bằng chứng cho thấy bạn có nội lực kém. Với mình, mình nghĩ nó đúng theo 1 số điều kiện kèm theo nữa, ví dụ như tình huống khiến bạn yếu đuối là khi nào? lúc bạn rất trẻ hay đã thật trưởng thành? là khi 1 nghịch cảnh lớn xảy ra hay chỉ là sự mất mát bé bỏng? Nội lực chắc chắn tồn tại trong mỗi người, nó có thể bé thật, có thể to oành ky, nhưng lực bên trong luôn luôn có, và nếu ta nhận ra, ta đặt mục tiêu làm cho nội lực thêm vững chãi, thì qua thời gian, qua chui rèn, chắc chắc nội lực sẽ mở rộng.
Yếu đuối có thể được xem như 1 phần thiếu sót của nội lực NẾU nó thuộc về năng lực vượt khó hay phục hồi.[Tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương]
Hay câu: Có phải mình phải trải qua tổn thương hay va chạm mình mới có nội lực?
Nếu quan sát, thì mình thấy phần đông mọi người có trải qua những khó khăn thì họ sẽ có năng lực phát triển nội lực nhanh và bền vững hơn. Tuy nhiên, cũng có những người tự phát triển nội lực bằng cả sự nhận biết tự thân, thông qua mục tiêu và động lực, họ biết họ sẽ cần làm gì. Một ví dụ rất phổ biến là những người mong muốn rèn luyện sức khỏe hoặc hình thể, họ có động lực để hướng đến mục tiêu qua nội lực rèn luyện hằng ngày, dù những tác động đau cơ, hy sinh thời gian giải trí...
Tập gì để rèn nội lực?
Tập thể thao là rèn sức khỏe, thì Thầy Minh Niệm chia sẻ là rèn nội lực cần làm với tâm trí bên trong của bản thân hay còn gọi là tu thân để mình có nhiều phẩm chất. Cô Phi Vân thì nhấn mạnh tập khiêm tốn, tập học cả đời, và cả tập đọc. Tập tư duy, tư duy logic, tư duy phản biện, tư duy chiến lược, tư duy hệ thống là 1 góc nhìn khác từ Thầy Nguyên Phương đồng thời cần chiêm nghiệm , rút ra bài học và hình thành giá trị cốt lõi, điều hòa cảm xúc.
Nội lực gắn với ý chí, nghị lực, đam mê, giá trị cốt lõi, và có thể tự điều tiết cảm xúc mình
Để có thể xây dựng cho bản thân những tính chất mang nội lực phù hợp và bền vững, theo mình, mỗi cá nhân cần xác định cho mình mục tiêu hướng tới. Đó có thể là mục tiêu gần, mục tiêu xa nhưng 1 cái đích mà mình thật sự rõ ràng để đi đến là điều kiện tiên quyết trong bản đồ thiết kế bản thân. Khi có 1 cái đích đến, với tư duy phản biện chúng ta có thể vẽ ra nhiều con đường hướng đến với những yếu tố khác biệt từ nguồn lực, thời gian, sức đầu tư... Nhưng chính những con đường đó cũng phản ánh nên giá trị hiện tại của chúng ta đang có bao nhiêu, và còn bao nhiêu thứ cần bổ sung để thực tế hóa con đường. Khi đó, nội lực sẽ xuất hiện với hình hài rõ ràng nhất trong những từ khóa năng lực, khát vọng, những thách thức khả dĩ và những yếu tố tinh thần có thể vượt qua nó.
Với trải nghiệm cá nhân mình, nội lực được cho là yếu ớt của mình xuất hiện là khi 1 thách thức nào đó đã và đang xảy ra ngay giây phút hiện tại. Tất cả những cảm xúc tiêu cực nổi dậy, cái tôi bắt đầu kêu gào khó chịu, sự hoang mang hay tinh thần bất ổn. Và mình còn tự hỏi là do Nội lực -khả năng điều chỉnh cảm xúc, chấp nhận bản thân- mình không cao nên bản thân mới chấp chới như vậy ư? Nên ở góc độ con người trẻ, chưa có thành tựu thành quả như các thầy cô, mình hiểu rằng nhìn sâu vào bản thân và chấp nhận những chuyện đang xảy ra sẽ là thứ tự ưu tiên nhất mà mình rèn dũa mỗi ngày để có nền tảng nội lực. Và sau đó, mình sẽ đưa sự kỷ luật trong phát triển tư duy vào để tạo đòn bẩy thoát ra khỏi thách thức hay khó khăn. Và dĩ nhiên, mình không quên động lực nào đã mang đến con đường đã chọn này, để luôn hình dung về con đường, về đích đến và cổ vũ bản thân tiếp tục kiên trì.
Động lực giúp bạn bắt đầu, nội lực giúp bạn đi đến cùng.


Phát triển bản thân
/phat-trien-ban-than
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết này