Câu chuyện nó kể về tôi, một kẻ cả thèm chóng chán mà vốn bản thân cũng tự nhận thức được, và rồi kẻ đó dần trở nên chán cái thứ mà nó tự xưng là “đam mê”. Nó dành nhiều thời gian lên mạng để tìm đầy những thứ hay ho vậy mà nó lại chả làm được thứ gì hay ho. Nó đã xin tiền bố đi học đàn ghita mua hẳn một cây đàn xong được đi học thầy xịn nhưng rồi sau đó nó bỏ xó cây đàn và kết quả là đến giờ chẳng đánh được bài nào. Rồi một lúc khác nó lại xin tiền mua ván trượt, mua cả giầy rồi sau đó hăm hở ra công viên tập nhưng lại một lần nữa kết quả nó đến giờ nó vẫn không biết làm trick nào và vứt xó một chiếc ván tốt. Còn ti tỉ lần nữa như lần nó bỏ tiền ra mua tài khoản freelancer và học đòi thiết kế logo hay lần nó quyết tâm viết bài trên Spiderum, kết quả cũng chả có gì ngoài mấy cái mẫu thiết kế xấu hoắc và một bài viết trên Spiderum nó hứng lên. Nhưng khoan có một thứ mà nó gắn bó được lâu hơn chút và nó cứ tự hào gọi là “đam mê” ảo thuật.

Thú vui nho nhỏ.

Cũng như mọi lần trước, tôi bắt đầu mày mò trên mạng và quyết định rằng từ ngày mai mình sẽ bắt đầu học ảo thuật. Và cũng như mọi lần tôi tìm xem vài clip hướng dẫn trên youtube và nghĩ rằng phải cần đồ tốt thì mới tập được vậy là lại trì hoãn cho đến một ngày tôi nhớ ra và có đủ tiền. Đó là hè năm tôi lên cấp ba tôi dành dụm được chút tiền và đặt mua một bộ bài tây và sẽ bắt đầu học ảo thuật. Việc học ảo thuật bắt đầu bằng việc xem vài clip hướng dẫn trên mạng và đến diễn cho vài đứa bạn cùng lớp. Lúc đầu tôi chẳng coi đó quá kinh khủng gì chỉ là xem trên mạng và diễn cho vài đứa cùng lớp mà có lẽ chắc bạn cũng đã thấy nhiều đứa làm sau khi quá chán đánh bài. Nhưng rồi tôi rủ thằng bạn tôi cũng bỏ tiền ra mua bài cùng và tập (nó sau đó chán và cũng không tập nữa nhưng sau này nó vẫn luôn là khán giả trung thành). Sau đó tôi tiếp tục tập cho đến một ngày mà tôi sẽ coi nó là duyên phận của mình, tôi được lời mời vào team ảo thuật của trường. Chẳng là vài anh khoá trên (lớp 11) có nghe nói có thằng diễn ảo thuật ở trường và muốn mời vào team của các anh. Sau đó tôi được nhận vào team E.T magic của trường sau này mới biết là thật ra cái thằng các anh tìm chỉ là một thanh niên nào đó diễn vui ở trường chứ không phải mình.

Từ cái duyên đến “đam mê”.

Tôi sau đó gặp được những người tập trước tôi mà may mắn ở đó có một thằng bằng tuổi tôi tập cardistry (múa bài) mà hồi đó skill nó ít cũng phải tầm Hà Nội mở rộng (sau này lại là một câu chuyện khác nhưng thôi...). Cùng với đó là một số thằng anh tập trước giúp tôi có người tập cùng. Khi nghĩ lại có lẽ cái “đam mê” này của tôi có thể đã chết từ lâu như những lần khác nếu tôi không có cái duyên gặp những người có cùng đam mê. Đó là nguồn cảm hứng cho tôi để tiếp tục tập luyện và dần dần tôi trở nên hứng thú nhiều hơn với ảo thuât. Một ngày nọ tôi vào Huế và cầm theo bộ bài đứng ở ga tàu đợi thì có một người nước ngoài (hình như Mỹ) thấy tôi cầm bộ bài và hỏi chuyện, sau đó tôi diễn một trò ảo thuật khiến vị khách tây vô cùng thích thú. Đó là một trong những khoảnh khắc tôi không thể nào quên được bởi lúc đó tôi mới chỉ tập một trò dùng kĩ năng (trước đó những trò tôi diễn học trên Youtube chủ yếu là cực kì đơn giản chỉ gần ghi nhớ).              

Tôi bị cuốn vào ảo thuật.

Khi đó tôi đi đâu cũng cầm theo bộ bài, ở trên lớp, đi chơi, đi cafe, ở nhà. Dường như có một thứ ma lực nào nó hút tôi vào ảo thuật. Nếu lúc đó một ngày có 24 tiếng thì có lẽ tôi dành ra ít nhất 1 tiếng để xem ảo thuật và ít nhất 12 lúc nào tôi cũng cầm bộ bài trên tay. Tôi chỉ mong gặp lại những người bạn trong team ngồi uống nước, trò chuyện về ảo thuật, show những gì mình đã tập luyện. Tôi chả phải là đứa khá giả gì mà cũng chẳng được phụ huynh ủng hộ ảo thuật vì thấy mất nhiều thời gian học tập nên hồi đó tôi dành dụm từng xu để mua đồ ảo thuật. Đã từng tôi đạp xe 10km giữa trời nắng chỉ để mua một bộ bài rẻ hơn 10 ngàn đồng. Thế rồi lúc đó chẳng có gì có thể làm tôi thấy nhụt chí, mơ mộng về việc trở thành ảo thuật gia chuyên nghiệp. Cứ như diều gặp gió, tôi thích một cô bạn cùng lớp rồi tôi biết rằng cô bạn đó cũng có đam mê vẽ tranh, thiết kế thời trang. Khổ nỗi tôi hồi đó bị bẩm sinh ngây thơ nên cứ luôn mơ rằng rồi những đam mê kia sẽ được chắp cánh. Rồi tôi lại được gặp những ảo thuật gia giỏi hơn và team tôi cũng được mời diễn nhiều hơn nhờ một số màn khá thành công (theo ý nghĩ của tôi lúc đó), điều tôi mơ ước nó cháy hơn bao giờ hết.

Giấc mơ và đam mê cháy bỏng.

Và rồi một vài cơn gió đến.

Mọi chuyện nó cũng chưa có gì quá to tát nhưng chỉ là một vài khó khăn nhỏ nhỏ: chuyện về cô bé tôi thích, chuyện rằng gia đình bắt đi học thêm để đi du học, chuyện về khi kĩ năng của bạn ở mức trung bình thì mọi sự tập luyện sẽ chậm tiến bộ hơn. Nhưng có lẽ nó là vài khó khăn nhỏ nhỏ, nó chỉ thoáng thổi nhẹ qua ngọn lửa đam mê mà rồi tôi đã vượt qua.

Lại một lần nữa tôi gặp duyên?

Bỗng dưng sau một vài chuyện ấp đến thì lại cái một vài chuyện ập đến. Vui hơn nhiều. Tôi biết tin mình đi du học Canada. Tôi được tham dự một buổi lecture của ảo thuật gia nổi tiếng thế giới ở Hà Nội (tôi còn bỏ cả buổi học thêm để đi). Tôi được gặp được một vài đứa em cùng chơi ảo thuật và nhìn thấy một ngọn lửa kinh khủng ở đó. Tôi được diễn show cuối cùng đại diện cho team (vai chính). Mọi thứ nó lại khiến tôi rực cháy ước mơ vô cùng. Tôi thậm chí bỏ học thêm 1 năm trời chỉ để lấy tiền học mua đồ ảo thuật. Rồi tôi sang Canada du học. Đó chính là khi tôi có tiền tiêu vặt trong thẻ tự do mua sắm đồ ảo thuật rồi tôi được gặp những ảo thuật gia chuyên nghiệp, điều mà tôi luôn mong muốn.

Clip cuối ở Việt Nam với vài đứa em. 

Và rồi vài cơn gió đến?

Hình như là bão...

Bão cấp 1...

Bão cấp 2...

Bão cấp 3...

Bão đại học!

Khi lên đại học (thật ra là cao đẳng) thì tôi thay đổi nhận thức rất nhiều. Có lẽ đó là do việc tôi đi du học xa nhà nhìn thấy và biết thêm nhiều điều mới lạ. Điều tôi nhận ra đó là việc trở thành ảo thuật gia chuyên nghiệp rất khó khăn. Việc tập ảo thuật là một chuyện còn việc khác lại là vấn đề kinh doanh, vấn đề tự tin hay vấn đề giao tiếp. Và rồi tôi nhìn một góc nhìn thực tế hơn, nhìn những ảo thuật gia ở Việt Nam chật vật như thế nào để làm nghệ thuật mà vẫn có thể có chút dư giả. Thậm chí tôi nhìn thấy một vài người tôi kính trọng nhất ở ảo thuật Việt Nam không còn đi diễn nữa. Ngay cả ở Canada khi ảo thuật phát triển thì nhiều người cũng chỉ làm ảo thuật gia giống như một nghề tay trái hay phải chật vật kiếm tiền nếu bạn muốn trở thành một ảo thuật gia. À và rồi tôi vẫn skype với những người bạn ở team ảo thuật cấp ba: họ đều từ bỏ giấc mơ ấy và trở thành kĩ sư, chính trị gia. Tôi chẳng thể nào trách họ hay có quyền trách họ vì quyết định ấy nhưng đối với tôi thì nó là một sự khủng hoảng tinh thần kinh khủng. Tôi cũng chẳng còn gặp những đứa em chơi ảo thuật đầy nhiệt huyết ở Việt Nam. Tôi gần như đánh mất niềm vui khi tập ảo thuật và cảm thấy rằng rồi mình sẽ phải đi làm kiếm tiền bằng một công việc nào đó không phải ảo thuật. Tôi nhớ khi cái niềm đam mê đi kèm sự vô tư khiến nó bùng cháy ghê gớm.

Một vài nỗ lực nhỏ nhoi.

Có lẽ tôi vẫn luôn mơ mộng về một ngày nào đó tôi có lại những thứ tuyệt vời tôi từng có hồi trước. Tôi cố đi diễn cho một vài người bạn ở đây, diễn cho một vài người lạ, tôi cố xin một vài xuất đi diễn ở quán ăn hay quán bar. Tôi dường như đang cố gắng nhoi nhóm lại chút đam mê của mình. Tôi đi tìm những bài viết hay câu chuyện về cảm hứng và đam mê.

Điều mà tôi nhận ra đó là bạn phải luôn luôn cố gắng rồi tôi tin rằng cái duyên sẽ lại một lần nữa đến mình. Cho dù chưa biết rằng cái “đam mê” này có thể đi đến đâu nhưng mong rằng đây sẽ không phải là di chúc cho giấc mơ của tôi.

Canada

Ngày 26 tháng 2 năm 2017