I, Thí nghiệm Pavlov.

            Pavlov là một nhà sinh lý và tâm lí học người Nga và được đánh giá là một trong những nhà sinh lí học vĩ đại nhất thế giới, và điều đó cũng đúng cho đến thời điểm hiện tại. Ông là cha đẻ của khái niệm: “Phản xạ có điều kiện” ở động vật và cũng là người đầu tiên mô tả thành công hiện tượng này bằng thí nghiệm Pavlov. Thí nghiệm được công bố vào năm 1897, được tó gọn lại như sau. Pavlov và trợ lý tiến hành thí nghiệm tiết dịch vị đối với chú chó già đã được thuần dưỡng nhiều năm. Sở dĩ ông chọn chó làm vật thí nghiệm vì chó là một loài vật rất thông minh và hiểu tính của con người. Chú chó mà Pavlov chọn được đưa lên một chiếc bục đã để sẵn một cái khay để đựng dịch vị của chú chó. Ông và cộng sự nhận thấy rằng trong một môi trường bình thường (phòng không có tiếng ồn hoặc một vật gì đó thu hút sự chú ý của chú chó gây ảnh hưởng đến kết quả) chú chó tiết ra khoảng 25 giọt dịch vị trong một phút. Hiện tượng tiết dịch vị tăng cường độ lên gấp 4 lần (100 giọt/phút) nếu các nhà khoa học cố tình để một đĩa thức ăn trước mặt chú cho, và giảm dần nếu họ mang chúng ra một nơi khác. Pavlov để ý rằng mỗi lần có tiếng bước chân của người mang thức ăn vang từ xa đến phòng của chú chó, nó lại bắt đầu tiết nhiều dịch vị hơn mức bình thường. Ông ngạc nhiên vì chú chó phản ứng lại với tiếng chân như thể vừa nhận được một đĩa thức ăn cho thành quả kiên nhẫn của nó vậy. Ông đặt một giả thiết liên quan đến mối quan hệ giữa tiếng bước chân với phản ứng bất thường của chú chó. Không lâu sau ông nảy ra một ý tưởng về sự tương quan của hai vấn đề này. Điều thú vị là bất kì dấu hiệu như âm thanh của tiếng bước chân, tiếng còi, tiếng chuông hoặc tiếng huýt sáo hay ánh sáng của một chiếc đèn pin, tia đỏ của một chùm laze, … miễn là sau đó chú chó nhận được một phần thưởng một đĩa thức ăn, với một tần suất đủ thường xuyên để nó làm quen với điều đó, thì kết quả sẽ thu được tương tự. Nhưng điều này chỉ đúng với những chú chó đã được huấn luyện để làm thí nghiệm mà tuyệt nhiên vô dụng với một người anh em đồng loại nào đó sống hoang dã lâu năm ở trong rừng hay những cá thể vừa mới chào đời. Với bản tính được tôi luyện ở trong các phòng thí nghiệm, thói quen đã tạo nên một sự thấu hiểu đặc biệt của những chú chó với các nhà khoa học về sự kì vọng có được phần thưởng. Điều này tất nhiên đã được chứng minh đúng với cả con người, sinh vật mà dễ bị cảm xúc từ kỳ vọng ngoại cảnh chi phối và tác động gây ảnh hưởng đến hành vi, cách nhận thức đối với một sự vật, sự việc nào đó. Tất nhiên bất kì phản ứng nào cũng đem lại kết quả tích cực và hiệu ứng tiêu cực. Vấn đề này sẽ chúng ta sẽ bàn luận ở phần tiếp theo. 


Đọc thêm:

II, Sức mạnh của giả dược

            Năm 1950, các bệnh nhân bị đau ngực sẽ được các bác sĩ chữa trị bằng phương pháp thắt động mạch trong lồng ngực. Sau khi được gây mê, ngực của bệnh nhân được mở ở vị trí xương ức và động mạch trong đó được thắt lại. Áp suất đẩy tới các động mạch thuộc màng ngoài tim được nâng cao, lưu lượng máu tới cơ tim được cải thiện. Bệnh nhân cơ bản là đã giải quyết được vấn đề đau ngực. Nhưng đến 1955, Leonard Cobb- một bác sĩ chuyên khoa tại Seattle- đã ngầm thực hiện một phương pháp chữa bệnh táo bạo đó là phẫu thuật mô phỏng với một nửa số bệnh nhân của ông. Một nửa còn lại được nhận được một ca phẫu thuật hoàn chỉnh. Phẫu thuật mô phỏng ở đây được mô tả là việc bác sỹ chỉ dùng dao mổ cắt vào thịt bệnh nhân, để lại hai vết rạch và không làm gì khác. Các bệnh nhân đos sẽ không được thông báo về điều này. Kết quả gây cho nhóm phẫu thuật, những người đã ghi lại tình trạng sức khỏe cả hai nhóm, họ đều rất khỏe mạnh rồi cùng nhau tái bệnh lại sau 3 tháng. Điều đó chứng tỏ là những gì mà một cuộc phẫu thuật nghiêm túc có thể làm được thì cũng xảy ra tương tự với cuộc phẫu thuật mô phỏng, thứ mà ít tốn kém hơn khi xét về kinh tế cho việc mua hóa chất và dụng cụ hay sức lực của đội ngũ y, bác sỹ. Thậm chí việc đó cũng bảo toàn được tuổi thọ của nạn nhân khi họ không phải bị tống liên tục những thứ hóa chất vào người kia mỗi quý.
            Một kết quả tương tự của được thực hiện bởi một người đồng nghiệp J. B. Moseley vào năm 1993 với tư cách là một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình. Các bệnh nhân của ông được chọn ra từ bệnh viện dành cho cựu chiến binh Houston, Texas, tổng cộng có 180 người và được chia ra làm ba nhóm tương đương với ba phác đồ điều trị khác nhau. Nhóm thứ nhất nhận được cách điều trị: gây mê, rạch ba vết, chèn ống, lấy sụn, chỉnh sửa các van của mô mềm, và dùng 10 lít nước muối rửa đầu gối. Nhóm thứ hai được gây mê, rạch ba vết, chèn ống và dùng 10 lít nước muối nhưng không lấy đi sụn. Nhóm thứ ha - nhóm giả - cũng giống hai cách điều trị kia (gây mê, rạch, ...) với cùng số thời gian nhưng không có dụng cụ nào được chèn vào đầu gối. Kết quả công bố lại một lần nữa làm mọi người sửng sốt, cả ba nhóm đều cảm thấy khỏe khoắn hơn sau ngày hôm đó, việc leo cầu thang và di chuyển một quãng đường xa giờ đây đã không còn là vấn đề. Câu hỏi đặt ra liệu một tỷ đô la hằng năm được cấp cho các bệnh viện nhằm thực hiện những ca phẫu thuật mở và rửa khớp lại đưa ra kết quả không khác gì so với phẫu thuật mô phỏng có đáng hay không?
            Hai thí nghiệm trên đã phần nào chứng minh được ảnh hưởng của kỳ vọng tới nhận thức làm cho chúng ta có những đánh giá, quan điểm và nhận xét vấn đề nào đó bị sai lệch đi.

Đọc thêm:

III, Giải thích

    Ta biết rằng dopamine là một hoocmon mà não bộ tiết ra khi chung ta cảm thấy hạnh phúc hoặc nhận được một phần thưởng nào đó (sự tưởng thưởng). Nguyên lí hoạt động của kỳ vọng con người cũng tương tự như vậy. Khi chúng ta hi vọng một chuyện gì đó tốt đẹp sẽ xảy ra thì não bộ của chúng ta đã vô tình tiết ra một lượng dopamine nhất định, việc này làm cho não bộ của chúng ta cảm thấy dễ chịu và thoải mái. Sự kỳ vọng được bộc lộ khác nhau khi với môi trường mà chúng ta tiếp xúc khác nhau, cụ thể tôi sẽ kể cho bạn một ví dụ sau.

    Năm 2007, tại một ga tàu điện ngầm ở Washington.D.C tên L’Enfant Plaza Metro, Johua Bell một trong những tay violin cự phách và được đánh giá thuộc hàng ngũ xuất sắc nhất thế giới cùng với nhà báo Gene Weingarten -người duy nhất giành được giải Pulitzer về Viết kịch bản hai lần- đã quyết định đóng vai nghệ sĩ đường phố. Anh đã chơi hết mình với bản nhạc hay nhất mà anh tâm đắc ở đó, với một người nổi tiếng và tài năng như vậy thì bạn hãy thử đoán xem anh ta sẽ kiếm được bao nhiêu đô la trong buổi sáng đó? Đó là 32 đô la, con số khá ổn so với những nghệ sĩ đường phố không chuyên khác, nhưng đối với một tay violin có tầm thì không đáng bằng con số lẻ mà anh ta có thể kiếm được trong vỏn vẹn một giờ khi được biểu diễn trong một hội trường sang trọng nào đó thay vì ga tàu điện ngầm lúc đó. Weingarten đã thực hiện một cuộc phỏng vấn với những người hành khách trên chuyến tàu sáng hôm đó. Kết quả trả về cho thấy có thực sự ít những người là tín đồ cuồng nhiệt của dòng nhạc cổ điển và rất hâm mộ Bell, đã mất không quá nhiều thời gian để phát hiện ra anh đang biểu diễn len lỏi trong dòng người đông đúc. Một số khác am hiểu về âm nhạc đánh giá rằng anh là một người nghệ sĩ trẻ chơi tốt hơn một chút so với các đồng nghiệp khác, nhưng họ không nghĩ người đó chính là Johua Bell, thậm chí họ còn nói rằng nếu anh chăm chỉ và có đam mê thì nhất ddingj một ngày nào đó anh sẽ trở nên nổi tiếng và thành công. Phần còn lại có rất ít hoặc không thèm liếc nhìn Bell dù chỉ là một lần. Không si trông đợi một nhạc công tầm cỡ thế giới sẽ đi chơi bản nhạc nổi tiếng một cách đầy điêu luyện trong một ga tàu điện ngầm cả.
Johua Bell
            Một cuộc thử nghiệm nữa được tiến hành với nhân vật chính lại là anh nhạc công trẻ đầy tài năng, Johua Bell. Tuy nhiên lần này thí nghiệm được đặt trong một nhà hát nổi tiếng Carnegie Hall cùng dàn nhạc Berlin Philharmonic. Ngày hôm sau, tức là sau hôm thảo luận đi đến cuộc thí nghiệm đó của hai người, khán giả được thưởng thức Joshua Bell tại khán phòng Monterey, còn anh thì biểu diễn một bản nhạc nổi tiếng của Bach,” Chaconne”. Ngày hôm đó, anh chơi với phong thái và trình độ cảm thụ âm nhạc của một đứa trẻ 15 tuổi, hoàn toàn khác với hình ảnh một tay violin nổi tiếng trong toa tàu điện ngầm hôm nào. Anh cố tình chơi một vài nốt lạc điệu, khá thô và trong khi cây đàn Stradivarius vang lên một số tiếng cót két đến rùng mình. Với những khán giả khó tính trong khán phòng, anh sẽ có thể bị gán mác ngay là thiếu chuyên nghiệp và chuẩn bị trong việc biểu diễn nếu trong vị trí của một nhạc công vô danh nào đó. Nhưng vấn đề ở đây là các bạn có biết phản ứng của khán giả với buổi biểu diễn tồi tệ đó là gì không? Khán giả đứng lên vỗ tay tán thưởng cho Bell một hồi lâu, cứ như thể anh là một người hùng có công ngăn chặn chủ nghĩa Phát Xít thống trị cả thế giới vậy. Tại sao lại như thế? Hẳn một lần nữa kì vọng lại là nhân vật ở sau giật dây cho thái độ kỳ lạ của phần đông khán giả trong phòng. Sự kỳ vọng và chất lượng của buổi biểu diễn gần như không tương xứng để mà mang ra so sánh. Có lẽ mọi người đã nhận ra vấn đề đó tuy nhiên sự thích thú và vui sướng của họ gần như không hề suy giảm. Đối với sự kỳ vọng của khán giả, dường như việc được quan sát một tay violin cự phách cầm một cây Stradivarius trên sân khấu cũng là một phần thưởng đủ lớn để tâm trí họ có thể gạt bỏ những lỗi sai ngớ ngân không được phép của một nhạc công nào đó ở một hội trường nổi tiếng như vậy, nơi mà họ nghĩ họ sẽ phải thu được một thứ gì đó tương xứng với số tiền mà họ đã bỏ ra chỗ một chỗ ngồi nơi đây. Hoặc có thể đây chỉ là hiệu ứng đám đông được gây ra bởi số lượng lớn một đám người nào đó đã chi phối cảm xúc và hành động của phần còn lại. Có thể dễ dàng thấy được sự vui sướng của một nhóm đàn ông reo hò, nhảy múa trong một quán bia khi đội tuyển Việt Nam ghi bàn thắng vào lưới của đối thủ không đội trời chung Thái Lan trong giải U23 châu Á, mà có thể cảm xúc đó sẽ không bao giờ mãnh liệt và trào dâng đến thế khi một trong số họ xem chính bàn thắng đó một mình trong ngôi nhà lạnh lẽo. Nhưng vấn đề này tôi sẽ bàn ở trong một bài viết tương lai, còn trong khuôn khổ bài viết chúng ta chỉ xét về ảnh hưởng của kỳ vọng đến hành vi của chúng ta.
            Chúng ta đã được biết cách hoạt động của kỳ vọng như thế nào, vậy còn những tác động mà nó mang lại thì sao. Xét về ví dụ giả dược ở trên, rõ ràng việc tác động đến tâm lí của bệnh nhân đem lại những lợi ích không nhỏ về cả mặt tinh hần người bệnh lẫn kinh phí điều trị của các bác sĩ. Khii nghĩ tới tác dụng của giả dược, mọi người thường cho đó “chỉ là tâm Iý”. Nhưng trong thực tế, sức mạnh của giả dược thật đáng kinh ngạc. Nó có tác dụng làm giảm mức độ căng thẳng, thay đổi số lần tiết hoocmôn, thay đổi hệ miễn dịch, ... .Trong y học ngày nay, sự kì vọng về việc sẽ nhận được thứ gì đó sau cuộc phẫu thuật khiến cho tâm trạng của bệnh nhân an tâm hơn, mà chúng ta biết việc lo lắng quá mức luôn khiến cho tình trạng sức khỏe trở nên tồi tệ hơn. Điều này có thể dễ thấy khi các bác sĩ luôn tránh phải đề cập những vấn đề về sức khỏe của bệnh nhân, họ sẽ chọn phương pháp là an ủi, động viên, thậm chí nói dối hoặc sẽ chia sẻ sự thật cho người nhà người bệnh thay vì đứng trước mặt họ nói dõng dạc và lạnh lùng: “Tôi rất tiếc phải thông báo với anh một tin buồn rằng anh đang trong giai đoạn cuối của căn bệnh ung thư phổi! “. Điều này sẽ trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp của họ mà bệnh nhân sẽ trở nên bi quan từ đó thực hiện những thói quen xấu, độc hại như hút thuốc lá hay sử dụng chất kích thích mà rút ngắn những ngày còn tồn tại ngắn ngủi của mình. Nhưng vấn đề ở đây là nhu cầu được thỏa mãn kỳ vọng khỏi bệnh của bệnh nhân sẽ thôi thúc những bác sĩ không ngừng tìm tòi ra nhiều phương pháp chữa bệnh bằng giả dược, và họ sẽ luôn cố gắng làm điều đó.
            Nhưng đi đôi với những hiệu ứng tích cực việc phớt lờ đi những hậu quả của chúng để lại là một điều vô cùng thiếu sót. Trong thực tế, các bác sĩ luôn cung cấp cho bệnh nhân giả dược trong khi vẫn tạo cho họ cảm giác họ đang thực sự dần khỏe mạnh thì đó quả thực rất tai hại. Hãy cúng chú ý vào một nghiên cứu thống kê vào năm 2003, người ta đã phát hiện ra rằng có tới 1/3 ố bệnh nhân nhận thuốc kháng sinh điều trị viêm họng sau này được phát hiện ra là nhiễm virus, tất nhiên thứ kháng sinh không tốt kia mà họ được cung cấp là bởi một bác sĩ nào đó, thứ mà có thể góp phần làm tăng số nhiễm khuẩn kháng thuốc đe dọa toàn bộ chúng ta. Rõ ràng khi chẩn đoán bệnh cho các bệnh nhân, các bác sĩ đã biết những cơn cảm lạnh này xuất phát từ virus thứ mà hoàn toàn miễn nhiễm với thuốc kháng sinh chứ không phải là một dạng vi khuẩn thông thường nào đó. Nhưng họ vẫn tiếp tục kê cho bệnh nhân những liều kháng sinh “tâm lí” mang hình thù của những viên aspirin kia. Liệu điều này còn đúng với nguyên tắc làm việc của một bác sỹ khi ông ta hay bà ta chỉ chăm chăm phục vụ nhu cầu để thỏa mãn kỳ vọng của bệnh nhân?
             Câu trả lời là không! Họ là những người được đào tạo từ những trường danh tiếng mang sứ mệnh đem lại sự sống cho bệnh nhân. Hơn ai hết họ ý thức được việc áp dụng khoa học để nghiên cứu và chữa bệnh sẽ đóng một vai trò cốt tử, chứ không phải mấy tay thầy bói, thầy tà hay lang băm ba vạ ngoài kia. Điều này ràng buộc họ về việc phải gạt bỏ hay rất khó khăn để có thể thừa nhận với chính bản thân rằng công việc của họ có thể bao gồm cả việc cải thiện sức khỏe nhờ tác dụng trấn an. Nhưng có không ít những ý kiến, phản hồi sau khi bản thống kê trên công khai trên các mặt báo, và tất nhiên rồi đa phần là phản đối kịch liệt việc áp dụng thử nghiệm giả dược hay mở rộng ra là các thí nghiệm mô phỏng trước đó được thục hiện trên chính cơ thể người bệnh, ngay cả khi việc đó mang lại thành công tương tự như các cuộc phẫu thuật hoàn chỉnh khác (xin mời bạn hay nhìn lướt qua phần phía trên) thì việc này vẫn bị lên án là vô đạo đức hay suy đồi nhân cách. Người ta đưa ra lí do rằng việc phải hy sinh tình trạng khỏe mạnh và thậm chí, cả mạng sống của một vài cá nhân để biết liệu một thủ thuật nào đó có nên được dùng trên người khác trong tương lai không là điều khó chấp nhận. Vả lại, đúng nghĩa việc thử nghiệm này mang tính rủi ro, tức là việc ngay từ đầu nếu các bác sĩ đi sai hướng thì hàng trăm, hàng nghìn các cuộc phẫu thuật tương tự cũng chỉ là mạo hiểm và vô ích, mặc cho lí do giải thích việc đó có tốt đẹp đến đâu. Cho nên chúng ta sẽ hoàn toàn không bao giờ được tiết lộ về việc thủ thuật trên có thật sự hiệu quả hay không hay chúng chỉ có tác dụng trấn an về mặt tinh thần.

IV, Liên hệ


            Hoàn cảnh và sự kỳ vọng sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả trải nghiệm và cách đánh giá một sự vật, sự việc của bạn. Khi bạn kì vọng một vấn đề nào đó phải và nên diễn ra ra sao, bạn sẽ có xu hướng tìm kiếm những lí do để ủng hộ cho những đức tin hoặc suy nghiệm bản thân bất chấp kết quả. Tất nhiên trừ khi nó quá vô lí như việc bạn bất ngờ nhận thấy điểm thi trung học phổ thông quốc gia thực sự của mình thấp hơn dự kiến ban đầu sau khi lôi hết tất cả các lí do để bào chữa cho một số câu sai ngớ ngẩn của bản thân hay khoanh bừa bốn, năm mà vẫn xịt liên tục mà lúc đó bạn luôn an ủi bản thân rằng: “Chắc không phải lo đâu, có thể đáp án trên mạng hay bạn bè đều sai, biết đâu những câu ấy mình lại đúng thì sao!” và nghiễm nhiên ban cho mình một “ngôi sao hi vọng” mong rằng có một phép lạ nào đó xảy ra, ví dụ như máy chấm thi bị hỏng chẳng hạn. Ý tôi là, ngay cả chuyện vô lí không tưởng như vậy mà vẫn có một cơ số học sinh với trí tưởng tượng phong phú có thể vẽ ra được thì việc nhận được thông báo từ các chuyên gia đầu nghành rằng điểm chuẩn năm nay có thể cao lên từ 2 đến 3 điểm chắc hẳn không khiến các bạn ấy thôi kỳ vọng rằng điểm của trường hoặc ít nhất là khoa mình đăng kí trong tờ nguyện vọng sẽ vẫn giữ nguyên như năm ngoái 2019, thậm chí là còn giảm xuống. Bằng chứng là không ít các học sinh chọn những khoa, ngành thi cao hơn điểm thi thực của mình đã được báo trước một chút với hi vọng ngây ngô rằng biết đâu năm nay mặt bằng chung của trường đó cao nhưng khoa ấy lại thấp thì sao, để rồi té ngửa ra khi con số điểm chuẩn chênh lệch so với năm ngoái không phải là 2 điểm mà lên tới 5-6 điểm. May mắn sao vẫn có những bạn rất tỉnh táo trong việc thay đổi nguyện vọng đúng lúc. Nguyễn Lan Anh (Nam Định) cho biết suýt trượt đại học dù thi tốt nghiệp THPT 2020 đạt 26,4 điểm cộng 0,5 điểm khu vực. Ban đầu, Lan Anh chỉ đăng ký 6 nguyện vọng nhưng khi thấy phổ điểm năm nay được đánh giá cao hơn năm trước rất nhiều, nên em đăng ký thêm 6 nguyện vọng. Ngày 4/10, khi các trường báo điểm chuẩn, Lan Anh chỉ trúng tuyển ở nguyện vọng 8 vào trường ĐH Kinh tế Quốc dân. “Ban đầu khi ĐH Ngoại thương công bố điểm chuẩn dự kiến trước ĐH Kinh tế Quốc dân, em nhìn điểm mà choáng váng, nghĩ rằng có lẽ năm nay đã trượt ĐH”, Lan Anh kể.
            Đây là một ví dụ điển hình trong việc đặt kỳ vọng ảnh hưởng to lớn đến nhận thức và hành vi của chúng ta như thế nào. Tất nhiên tôi không chê trách về vấn đề có nên kỳ vọng hay là không. Việc kỳ vọng không đúng chỗ, đúng lúc phù hợp với hoàn cảnh thực tế sẽ ảnh hưởng không tốt đến tương lai của họ và những người xung quanh.
            Lời kết: bài có sử sụng một số các đãn chứng trong cuốn “Phi Lý Trí” của tác giả Dan Ariely. Các bạn có nhu cầu có thể tự tìm kiếm mà tham khảo. Mục đích của bài là để chỉ rõ một vấn đề về tâm lí vẫn hiện hữu trong con người của chúng ta, đó là sự kỳ vọng. Việc gì cũng có hai mặt nên tôi mong muốn truyền đạt được ý hiểu của mình và cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích về vấn đề này. Từ đó hiểu rõ hành vi và thái độ để điều chỉnh cho phù hợp với các tình huông s trong cuộc sống. Cảm ơn các bạn đã bỏ chút ít thời gian để đọc bài viết này.