Sự kỳ vọng trong cuộc sống.
Trong cuộc sống vội vã hàng nghìn nỗi buồn này, người ta luôn nói với nhau “Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lý do để khóc, hãy cho đời...
Trong cuộc sống vội vã hàng nghìn nỗi buồn này, người ta luôn nói với nhau “Khi cuộc đời cho bạn cả trăm lý do để khóc, hãy cho đời thấy bạn có cả ngàn lý do để cười”. Nhưng làm sao để có ngàn lý do cười thì chẳng ai nói.
Viết mấy bài này cảm giác mình như bà cụ non, cứ như thấu hiểu cuộc sống lắm, nhưng không, thật ra là mình đã may mắn vì được trò chuyện và gặp gỡ với những người có những câu chuyện và suy nghĩ hay ho, họ giúp mình biết cảm nhận và nhìn cuộc sống bằng nhiều màu sắc khác nhau, nên mình cũng muốn chia sẻ đến mọi người.
Không biết mấy bạn bằng tuổi mình (20-25) có nhiều người nghe thầy tu như Thầy Thích Nhất Hạnh, Thích Tâm Nguyên,… nói chuyện không. Vì thỉnh thoảng mỗi khi thấy lạc hướng, thấy mình đang làm không đúng, mình lại mò vào nghe trước khi ngủ cho giải tỏa tâm trạng, hôm trước có nghe thầy Thích Giáp Hòa nói rằng: “Nếu biết điều gì tốt mà chờ đến khi mình làm tốt mới chia sẻ, thì đó là người ích kỉ, hãy chia sẻ để cùng cố gắng”. Vì thế dạo này mình mạnh dạn viết hơn, để vừa để mình nhắc nhở bản thân nữa, hiha =))
Mở bài hơi dài dòng, vì mình lắm chuyện quá.
Bạn đã bao lần đặt kỳ vọng, nhưng lại nhận về thất vọng?
Chắc hẳn rằng mỗi chúng ta đều có ít nhất một lần buồn hoặc một lần đau vì cảm thấy thất vọng cho sự kỳ vọng đó. Vậy tại sao người ta vẫn luôn kỳ vọng?
Vì ta luôn mong một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Cái gì cũng vậy, nhiều quá cũng không tốt, ít quá cũng không xong. Niềm tin, hi vọng cũng vậy, nhiều quá thì thất vọng sẽ càng buồn hơn, ít quá thì không đủ tinh thần để đối mặt với cuộc sống. Vậy như thế nào để vừa đủ?
Mỗi ngày thức giấc chắc hẳn ai cũng hi vọng đó là một ngày tuyệt vời, đi làm không tắc đường, đến công ty vui vẻ, làm việc suôn sẻ, tự nhiên tiền rơi vào đầu?.
Nếu chúng ta có thể đặt hi vọng vừa đủ, chắc hẳn mọi thứ sẽ vui vẻ và dễ dàng hơn.
Trong cuộc sống, để có một ngày vui vẻ, mình thường thức dậy nghĩ đến những điều làm mình vui, kể cả thỉnh thoảng sáng ngủ dậy mẹ mình cáu (thỉnh thoảng ai cũng bị tự nhiên cáu ý), mình sẽ cố không làm ảnh hưởng đến tâm trạng của mình, nếu mình ngủ dậy tự dưng khó ở, mình cũng cố gắng không để ảnh hưởng đến người khác (nhưng thỉnh thoảng vẫn không nhịn được mà hay xấu tính). Mình thường đặt hi vọng theo kiểu: Hôm nay sẽ có một ngày làm việc hiệu quả, mình sẽ chăm chỉ làm việc abc, xyz, đến công ty có thể cười thật tươi. Hi vọng một cách chủ động, để nếu mọi thứ tốt mình sẽ rất vui, nếu không tốt cũng không quá thất vọng.
Có một câu chuyện cũng hơi ngại kể, nhưng ai cũng biết :) mình từng làm ở Vinsmart, môi trường ở Vin hay được trêu là “người ngoài thì muốn vào, người ở trong thì muốn ra”, nó là một cái gì đó khắc nghiệt và căng thẳng, mỗi ngày đi làm (và cả về nhà) khi nhìn vào màn hình máy tính thì người ta bị quên hết mọi thứ. Hồi làm ở đó mình gầy lắm, vì đi làm xa, xong đi làm thì bận quá, stress, quên uống nước, quên ăn, quên ngủ trưa, tối lại về muộn và gần như đồng nghiệp xung quanh ai cũng vậy hết.
Thế mà khi đi làm ở đó, mình đã thấy rất vui, đến giờ các anh chị vẫn bảo mình “Em là đứa duy nhất nghỉ ở Vin vẫn khen Vin” =))
Có lẽ vì hồi đấy mình chẳng kì vọng gì, một đứa sinh viên mới ra trường chưa có áp lực gì cơm áo gạo tiền để mà kì vọng lớn lao, lúc đấy chỉ nghĩ, có việc để học hỏi kinh nghiệm là tốt lắm rồi. Thế rồi mình đã học được rất nhiều thứ ở đó, dù đi làm căng thẳng mình vẫn vui vẻ mỗi sáng đến công ty. Hồi đấy bảo với chị ngồi cạnh “sáng dậy đi làm em vui lắm”, chị ấy nhìn mình như “con điên” và bảo “chắc tại em mới ra trường” (có thể một phần là như vậy và một phần vì mình là người khá lạc quan).
Thế nhưng sau khi nghỉ Vin, mình trở thành “tấm chiếu hơi trải”, bắt đầu đặt kì vọng vào công ty tiếp theo phải như này như kia. Mình phỏng vấn vài chỗ, rồi thấy thất vọng vì không tìm được chỗ nào phù hợp, rồi bị quanh quẩn những quá nhiều kỳ vọng mà không hiểu ra vấn đề là chẳng có nơi nào hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của mình. (giờ mình đã tìm được chỗ dừng chân nên xin phép chém gió :))
Vậy nên mình rút ra rằng, trong công việc, kể từ lúc chọn công ty, mình nên đặt ra quy chuẩn nào đó cho sự lựa chọn, sau đó hãy đặt ra tiêu chuẩn tối thiểu mà công ty đó có thể đáp ứng, nếu vượt qua mức đó, bạn sẽ thấy vui khi đi làm, đừng kỳ vọng quá nhiều, công ty phải abc, lương phải xyz, công việc phải được làm cái này cái kia, được đi đây đi đó, tất cả những thứ không trong tầm kiểm soát thì nên hi vọng ít đi. Khi đi làm đừng mặc định cứ làm tốt là được khen, được thưởng, sẽ được thăng chức như gió.
Người có nhiều kinh nghiệm sẽ có mức kỳ vọng khác với người ít kinh nghiệm, nên nếu có thể thì hãy tham khảo ý kiến, chứ đừng nghe ai hoàn toàn, bạn sẽ thất vọng nếu đặt theo tiêu chuẩn của người khác.
Trong gia đình, bố mẹ đặt kì vọng vào con cái là một điều khá phổ biến. Rồi khi đứa con không đạt được như họ mong muốn, họ nhận được gì ngoài thất vọng và đứa con thì lại càng áp lực (may quá bố mẹ mình biết mình có giới hạn nên không kì vọng nhiều:)). Ngược lại, bạn đã bao giờ kì vọng gì ở bố mẹ. Bạn kì vọng là khi con đang buồn thì những ông bố bà mẹ đừng “nói nhiều”, mong họ quan tâm bằng “sự im lặng” và chia sẻ như người bạn. Nhưng ta biết đó, bố mẹ thường ở thế hệ trước, những người không có nhiều kinh nghiệm trong việc chia sẻ và tâm sự, họ cũng rất khó để chia sẻ “nỗi buồn thất nghiệp, thất tình” của con cái, dù họ rất muốn, họ nghĩ rằng nói nhiều là chia sẻ, chứ nào hiểu được như giới trẻ. Với mối quan hệ gia đình, thì mình cho rằng thay vì kì vọng nên là yêu thương, vì nó sẽ thật ấm áp và gia đình thì không làm ta đau, hihi.
Nhắc đến nỗi đau, gần như những người trẻ như mình sẽ thường nghĩ đến nỗi đau tình yêu đầu tiên (thất nghiệp thì buồn thật đấy, nhưng không đau). Và đương nhiên không ngoại lệ, nỗi đau đó dựa trên một phần từ kỳ vọng. Bạn thích tập yoga, người yêu thích chơi game, kì vọng vì tình yêu nên người yêu sẽ bỏ game đi tập yoga với bạn? Đừng kì vọng những điều ngớ ngẩn, chúng ta sẽ có cuộc sống riêng và sở thích riêng, đừng bỏ quên bản thân cũng đừng ép ai phải theo mình, đó mới là mối quan hệ không toxic, chỉ cần chúng ta biết lắng nghe cuộc sống của nhau. Giống như người ta hay bảo “Yêu là để cùng nhau thay đổi tốt hơn chứ không phải để biến mình thành người khác”. Khi bạn dỗi, bạn kì vọng sẽ được dỗ một cách hết sức chân thành và lãng mạn, nhưng có khi người yêu bạn còn không biết bạn đang dỗi, thế rồi lại càng dỗi và buồn hơn.
Có lẽ khi yêu đương, kì vọng vào đối phương sẽ giúp cho mình tự hào về họ và mối quan hệ của cả hai, nhưng nếu kì vọng quá nhiều sẽ khiến cho cả hai phía mệt mỏi nếu phải chạy theo nhau. Rơi vào hố tình yêu sẽ luôn mong nó màu hồng, nhưng nếu thỉnh thoảng nó màu xanh hay cho dù là màu đen, thì hãy chấp nhận vì những điều không kì vọng đôi khi lại là những kỉ niệm và bài học đáng nhớ. Mình vẫn nhớ một câu “Sau này khi về già bạn sẽ không còn được trải qua cảm giác hạnh phúc khi mới yêu, đau buồn khi thất tình đâu, nên hãy coi đó như một điều tất yếu của cuộc sống để cảm nhận, nỗi đau sẽ được thời gian chữa lành”
Nếu bạn kì vọng anh ấy/cô ấy đối xử tốt với mình, quan tâm mình, thì đừng kì vọng nữa, vì nó là điều hiển nhiên rồi :D nếu điều đó còn phải kì vọng thì đó chắc không phải mối quan hệ bền vững.
Mong rằng “chúng ta” sẽ có một cuộc sống vui vẻ hơn, lạc quan hơn, để gạt bỏ những định kiến như “giới trẻ và những nỗi buồn…”, “người trẻ cô đơn…”, “tuổi trẻ không chịu cố gắng”. Không ai hiểu mình hơn chính mình, không ai yêu mình hơn chính mình. Nên chúng ta hãy kì vọng vào chính bản thân mình một cách chuẩn mực, đừng lãng phí hi vọng và niềm tin cho những điều, những người xa vời.
Ngoài lề, định đặt tên bài là “Những kỳ vọng trong cuộc sống” vì nghe nó hay hơn, nhưng không hiểu sao mình vẫn nhất định muốn chọn “Sự kỳ vọng trong cuộc sống” vì nghe nó cầu kì hơn :)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất