LINH THIÊNG ĐẤT TRỜI VIỆT NAM!
“Còn ai không? Còn ai không?”, tiếng kêu xé lòng giữa không gian rộng lớn gồm toàn đá, đất, cây trộn lẫn. Không ai có thể nhận ra dấu...
“Còn ai không? Còn ai không?”, tiếng kêu xé lòng giữa không gian rộng lớn gồm toàn đá, đất, cây trộn lẫn. Không ai có thể nhận ra dấu vết nơi từng là trạm kiểm lâm 67 rộng 3 gian, nơi 13 cán bộ chiến sĩ bị khối đất đá khổng lồ đổ ập xuống giữa đêm.
Trước đó vào 0h ngày 12/10, một tiếng nổ lớn làm bừng tỉnh cả công trường thuỷ điện Rào Trăng 3 (Phong Điền, Thừa Thiên Huế). Tất cả chưa kịp định thần thì một nửa quả đồi cao hơn 120m sạt lở đẩy toàn bộ nhà điều hành và công nhân trong các lán trại xuôi về hạ nguồn sông Rào Trăng, chôn vùi các công nhân đang trú mưa lũ.
Trưa 12/10, những người thoát nạn tìm đến được thuỷ điện Rào Trăng 4 để thông tin sự cố với chính quyền trước khi mất liên lạc hoàn toàn. Nhận tin báo, Phó tư lệnh Quân khu 4, thiếu tướng Nguyễn Văn Man cùng ông Nguyễn Thanh Bình, Phó chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, dẫn đầu đoàn công tác hơn 20 người, vào hiện trường xác minh và tổ chức tìm kiếm cứu nạn. Đường 71 vào Rào Trăng 3 sạt lở nặng, 4 con suối nước chảy xiết nên đoàn công tác quyết định lội bộ vào hiện trường.
23h cùng ngày, đoàn vào Trạm kiểm lâm Sông Bồ thuộc tiểu khu 67 nghỉ chân để sáng sớm tiếp tục hành trình. Thông tin trên VnExpress cho biết, “khi đoàn cứu hộ nghỉ được một tiếng thì đất đá từ trên núi cao đổ xuống, gần như san phẳng cả khu vực hàng chục nghìn mét vuông. Nghe tiếng tri hô, ông Nguyễn Thanh Bình cùng 7 người khác đang ở phòng ngoài gần đường, hô nhau tháo chạy. Họ vượt 14 km đường rừng về báo tin”.
Thông tin đồng chí Phó tư lệnh Quân khu 4, chủ tịch huyện Phong Điền, một phóng viên cùng nhiều cán bộ chiến sĩ cấp cao mất tích khi đang tham gia tìm kiếm cứu nạn nhanh chóng tràn ngập trên mặt báo, những lời cầu nguyện bắt đầu xuất hiện. Phó Thủ tướng có mặt ở Huế để chỉ đạo công tác tìm kiếm công nhân gặp nạn và 13 cán bộ chiến sĩ mất tích khi cứu nạn mà chủ lực là Quân khu 4. Các anh băng rừng sửa đường, tranh thủ từng giờ từng phút để tiếp cận đồng bào đang gặp nạn, để đưa vị Thiếu tướng trở về với Quân khu.
Nhưng, những con người được trui rèn ý chí sắt đá ấy hẳn cũng quặn lòng khi chứng kiến hiện trường tiểu khu 67. Sức mạnh của Mẹ thiên nhiên đã biến nơi đây thành một bình địa 5.000 m2, không chút dấu vết nào của sự sống. Một phần mái tôn của trạm kiểm lâm phát lộ sau nhiều giờ đào bớt, ở xa xa là một số vật dụng: Áo lính, mũ cối...Trong một bức ảnh mà có thể làm bất kỳ ai rơi nước mắt, những chiếc áo màu lính quyện giữa bùn đất giữa tang thương đất trời. “Áo bào thay chiếu anh về đất…”, câu thơ trong bài Tây Tiến sao giờ chân thực đến thế, đau thương đến thế.
Chiến tranh đã buông tha đất nước chúng ta được nhiều năm, trong thời đại mới quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng ngoài nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng thì còn là lực lượng đi đầu trong công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, nhất là ở dải đất miền Trung - khúc ruột đất nước phải hứng chịu bao cơn bão lũ năm này sang năm khác.
Với người dân Quảng Bình nói riêng và miền Trung nói chung, đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Man là người luôn sẵn sàng lao vào chỗ hiểm như vùng rốn lũ Tân Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) để chỉ đạo cứu nạn đồng bào. "Trong đợt lũ năm 2016, anh Man đang dự lớp bồi dưỡng chính trị ở Hà Nội nhưng đã tạm hoãn việc học để về Quảng Bình trực tiếp chỉ đạo ứng phó mưa lũ", Đại tá Lê Văn Vỹ nhớ lại trên Zing.
“Dĩ công vi thượng” - lời dạy của Bác Hồ là hành trang theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang theo cả đời. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Quảng Bình anh hùng, hơn ai hết, đồng chí Thiếu tướng nhận thức sâu sắc rằng, khi Tổ quốc đồng bào gọi là ta lên đường. Phó Tư lệnh Quân khu là vị trí mà người quân nhân rèn luyện, cố gắng cả binh nghiệp nhưng với tướng Man cũng như các sĩ quan gặp nạn - “anh” Bộ đội Cụ Hồ - vinh dự nào bằng phụng sự nhân dân, phụng sự Đất Nước?
Đó là lý tưởng của thế hệ thanh niên trưởng thành trong những giai đoạn ngặt nghèo, đau thương nhất nhưng cũng vẻ vang nhất của chúng ta.
Nhưng đau xót làm sao kể hết, khi đồng chí Thiếu tướng, đồng chí Chủ tịch huyện Phong Điền, các chiến sĩ và phóng viên (mình sẽ nêu tên tất cả thành viên đoàn gặp nạn khi có thông tin chính thức) hi sinh giữa thời bình, trong lúc ứng cứu đồng bào. Với riêng Quân khu 4, sau tai nạn máy bay khiến Tư lệnh và Phó Tư lệnh hi sinh năm 2005, các đồng chí lại phải gánh đau thương quá lớn. Hôm nay 15/10 là ngày truyền thống Quân khu...
Còn nhớ nhiều năm trước, chiếc máy bay CASA 212 của Không quân Việt Nam gặp nạn khi đang tìm kiếm cứu nạn phi công máy bay Su-30. Tất cả phi hành đoàn CASA đều hi sinh. Thời điểm đó, không ai muốn có một bi kịch như thế xảy ra nữa. Nhưng mệnh lệnh từ trái tim không cho phép các anh chùn bước trước khó khăn, dẫu có thể đánh đổi bằng mạng sống.
Các anh (xin được phép gọi như thế) là biểu hiện sinh động và cụ thể nhất của lòng yêu nước, của tình đồng loại và trách nhiệm của công dân. Dù cho một số kẻ vẫn trơ tráo “Quân đội nằm mát lương cao”, dù cho lời bỉ bôi “nhà báo 3 môn 9 điểm” đầy rẫy trên Facebook. Các anh ra đi là mất mát không thể bù đắp với nhân dân Việt Nam, với hồn thiêng sông núi Việt Nam.
Trong giờ phút đau buồn này, xin chia sẻ lại lời của Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế ông Phan Thiên Định viết trên Facebook. “Ta không thể lựa chọn ngày mình sinh ra cũng như ngày mình mất đi - đó là số phận, ta chỉ có thể lựa chọn cho mình cách sống để quyết định ý nghĩa cuộc đời mình...” Hoà vào núi rừng đất nước, các anh hoà vào hồn thiêng dân tộc.
Xin kính cẩn nghiêng mình trước các anh.
'Về đây ! Các anh ơi hãy về đây!
Về nghe mẹ ru, về nghe em hát.
Về thăm cánh đồng trĩu nặng
Về thăm luỹ tre làng quê hương!
Về đây! Các anh ơi hãy về đây!
Nằm nghe biển ru, nằm nghe sóng hát.
Mãi mãi tự hào với đất mẹ yêu thương!
Linh Thiêng trời Việt Nam.
Linh Thiêng đất Việt Nam
Linh Thiêng đất trời Việt Nam '
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất