LÊ TRUNG HƯNG - HẬU LÊ triều sử lược (2) | Dưới 2,500 chữ
Lê trung hưng - Hậu Lê triều sử lược (2). Tóm tắt nhanh nhà Lê trung hưng (Cũng không nhanh lắm)
Lê trung hưng (LTH) nằm ở đoạn nào trong dòng Sử Việt? Thật khó để hình dung!
Okay, bạn tưởng tượng tí nhé! Nhà LTH thành lập ít năm sau khi Mạc Đăng Dung xưng vua.
Hồi nhỏ đi học, tụi mình có 1 bài đọc "Nợ như chúa Chổm", bạn còn nhớ không?
Chúa Chổm chính là vua Lê Trang Tông, vua đầu tiên của nhà LTH đó :3
Được rồi, sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ nắm được:
1. Nhà Lê trung hưng lập thế nào? 2. Dòng chảy nhà Lê trung hưng. 3. Nhà Lê trung hưng mất thế nào?
LET’S GO!!
1. NHÀ LÊ TRUNG HƯNG LẬP THẾ NÀO?
Hãy thử đoán xem! Khi nhà Mạc lên tiếng đòi thay nhà Lê sơ thì dân tình sẽ phản ứng ra sao?
Tất nhiên sẽ có người không phục.
Cụ thể thì: Có người nhân cơ hội làm loạn, có người tự tử hiếu trung, có người từ quan ở ẩn... nhưng ai thích tự tử tuẫn tiết thì làm.
(0) Nguyễn Kim phò Lê Ninh - Chúa Chổm trong truyền thuyết - 1533
...Còn Nguyễn Kim chọn hành động, ông đi tìm tông thất Lê Ninh (con trai Chiêu Tông), phò tá Ninh mưu tính đánh dẹp nhà Mạc.
Nhà Lê cũng bắt đầu công cuộc trung hưng từ đây.
2. DÒNG CHẢY NHÀ LÊ TRUNG HƯNG
(1) Lê Ninh - Lê Trang Tông | Nam - Bắc triều
Như vậy, cục diện lúc này:
- Phía Bắc là nhà Mạc.
- Phía Nam là lực lượng của Nguyễn Kim - Lê Ninh Lê Trang Tông (1).
-> Vì sự phân chia này nên giai đoạn giằng co giữa họ Mạc & Lê -> còn được sử gọi là Nam-Bắc triều.
(2) Lê Huyên - Lê Trung Tông
Được 1 thời gian thì chúa Chổm mất, con trai chúa lên ngôi, tức là Lê Huyên Lê Trung Tông (2), Huyên làm vua được 8 năm thì mất.
Mà bạn biết ở giai đoạn chiến loạn, miếng ăn còn khó, huống hồ những thứ như Minh Mạng thang.
Ý mình là Trung Tông không có con nối dõi.
Từ đây, dòng dõi trực thuộc Lê Lợi không còn làm vua nữa.
(3) Lê Duy Bang - Lê Anh Tông
Như vậy, ai sẽ là người kế vị khi Trung Tông (2) không còn hậu duệ?
Trịnh Kiểm đã tìm Lê Duy Bang - Lê Anh Tông (3), một người con trai trực thuộc dòng dõi của Lê Trừ lên nối ngôi.
(Trừ là anh ruột của Thái Tổ Lê Lợi)
Tình thế: Vào lúc Anh Tông lên ngôi, thực quyền không ở họ Lê, mà ở họ Trịnh và Anh Tông không hề thích điều này!
Ông muốn lấy lại thực quyền? Nhưng bằng cách nào?
-> Bắt tay với Lê Cập Đệ xua quân giết Trịnh Tùng, nhưng tiếc thay việc bị phát giác:
- Lê Cập Đệ bị Trịnh Tùng giết.
- Lê Anh Tông phải bỏ chạy, đến Nghệ An thì bị bắt, trên đường hồi kinh bị ép chết.
(4) Lê Duy Đàm - Lê Thế Tông
Trong lúc Anh Tông (3) bỏ kinh chạy trốn, Trịnh Tùng lập con trai út của ông là Lê Duy Đàm Lê Thế Tông (4) lên thay thế ông trở thành vua.
Dẹp họ Mạc - 1592
- Sự kiện
Cũng trong giai đoạn của Trịnh Tùng - Lê Thế Tông, quân Nam triều đánh thắng quân Bắc triều.
- Kết
+ Họ Mạc chạy trốn lên chỗ anh Độ Mixi (Cao Bằng) + alo nhà Minh bảo kê nên cát cứ được vài mươi năm nữa.
+ Từ đây, xem như kết thúc Nam-Bắc triều (1533-1592).
+ Bắt đầu chuyển sang giai đoạn Trịnh-Nguyễn phân tranh.
Note:
- Nam - Bắc triều là giai đoạn chống nhau của:
+ Phía Bắc: nhà Mạc.
+ Phía Nam: nhà Lê + Nguyễn Kim + Trịnh thị.
- Trịnh - Nguyễn phân tranh là giai đoạn tiếp theo Nam-Bắc triều. Đây là cuộc chiến giữa:
+ Phía Bắc: vua Lê + chúa Trịnh.
+ Phía Nam: Nguyễn thị (con cháu Nguyễn Hoàng)
Tại sao họ Trịnh không xưng đế mà an phận làm chúa?
Việc họ Trịnh nắm thực quyền nhưng không dám cướp ngôi nhà Lê khác hẳn cách mà Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần năm xưa, có lẽ vì họ Trịnh sợ:
- Sợ nhà Minh lấy cớ sinh sự.
- Sợ họ Mạc ở chỗ anh Độ Mixi (Cao Bằng).
- Sợ họ Vũ ở Tuyên Quang.
- Sợ các thế lực chống đối khác có cớ nổi dậy.
Kết lại
Cái miếng họ Trịnh chính thức xác lập từ thời Trịnh Tùng (1599).
"Vậy đành có tiếng nhưng không có miếng vậy!
Trịnh Tùng là Bình An Vương. Cung vua bên phải, phủ chúa bên trái. Vua chỉ cần xuất hiện khi thiết triều, tiếp sứ; Mọi chuyện cứ để Tùng lo. (đặt quan, thu thuế, bắt lính, trị dân)
(5) Lê Duy Tân - Lê Kính Tông
Một thời gian sau, Thế Tông (4) băng hà, Trịnh Tùng cho con thứ là Lê Duy Tân Lê Kính Tông (5) kế ngôi. Kính Tông (5) cũng như ông nội Anh Tông (3) đều muốn lấy lại thực quyền cho nhà Lê. Nhưng, how?
Vua Lê Kính Tông không nghĩ như thế nhưng làm như thế này:
"Á à, nếu ông nội bắt tay với thân tộc thì mình sẽ cao tay hơn, bắt tay với kẻ thù. Mình sẽ xúi con trai của Trịnh Tùng là Trịnh Xuân cùng mình giết chết lão già này".
Thế là Kính Tông (3) bắt tay cùng Trịnh Xuân mưu giết Trịnh Tùng.
Ý đồ rằng nếu việc thành sẽ giúp Xuân giết thế tử Trịnh Tráng (anh trai) để kế thừa Trịnh Tùng (cha).
Nhưng tiếc rằng việc không thành:
+ Lê Kính Tông: thắt cổ tự vẫn.
+ Trịnh Xuân: bị giam trong nội phủ, chưa rõ xử thế nào.
Nhưng ít năm sau, Xuân lại làm phản lần nữa (lần này bị xử "sai người chặt chân Xuân cho chết").
(6) Lê Duy Kì - Lê Thần Tông
Sau khi Lê Kính Tông tự sát, Trịnh Tùng lập con trai Kính Tông a.k.a cháu ngoại của ông, Lê Duy Kì Lê Thần Tông (6) nối ngôi.
Ông vua này cũng có vài điểm thú vị, đố bạn biết đấy?
1. Lên ngôi vua hai lần: vì khi thoái vị cho con để làm Thái thượng hoàng được một thời gian thì con trai băng hà trước ông, nên Trịnh Tráng đưa ông trở lại ngôi vua; giống trường hợp của Trần Nghệ Tông vậy. 2. Chân dẫm 2 xuồng: Ông vừa là cháu nội của Thế Tông, vừa là cháu ngoại của Trịnh Tùng, gọi Trịnh Tráng bằng cậu. 3. Phi công bất đắc dĩ: Ông lấy Hoàng hậu là con gái của Trịnh Tráng (hơn ông 12 tuổi). 4. Tinh thần hội nhập quốc tế: Ông còn có hậu phi thuộc đa dân tộc lần lượt là: Thái, Mường, Hán, Lào, Hà Lan.
(.7) Lê Duy Hựu - Lê Chân Tông
Thần Tông (6) ở ngôi được một thời gian thì nhường ngôi cho con trai là Lê Duy Hựu Lê Chân Tông (.7) làm Thái thượng hoàng.
Nhưng chẳng may Chân Tông mất sớm-không có con trai nối dõi nên ông lại quay về làm vua; như vậy ông tổng cộng làm vua 2 lần!
Thọ đến 56 tuổi, Thần Tông mắc bệnh ung thư qua đời.
(.8) Lê Duy Vũ - Lê Huyền Tông
Thần Tông (6) mất, con trai Lê Duy Vũ Lê Huyền Tông (.8) nối ngôi.
Rồi Vũ cũng như Chân Tông (.7) mất sớm, không con trai nối dõi.
(.9) Lê Duy Cối - Lê Gia Tông
Trịnh Tạc lại lập người con khác của Thần Tông là Lê Duy Cối Lê Gia Tông (9) lên ngôi.
Cũng như 2 anh, Gia Tông (.9) cũng mất sớm, không con trai nối dõi.
Như vậy, các vua (.7), (.8), (.9), con của Thần Tông (6) đều mất sớm & không có con trai nối dõi.
(10) Lê Duy Cáp - Lê Hy Tông
Trịnh Tạc lại (again), lập người con khác của Thần Tông là Lê Duy Cáp Lê Hy Tông (10) lên làm vua.
Hy Tông được các Sử gia đánh giá là vị vua anh minh nhất thời Lê trung hưng.
(11) Lê Duy Đường - Lê Dụ Tông
Làm vua được 30 năm, Cáp nhường ngôi cho con trai Lê Duy Đường Lê Dụ Tông (11) làm Thái thượng hoàng.
Dụ Tông có người con trai thứ, sau này khởi nghĩa chống lại họ Trịnh hơn 30 năm (Lê Duy Mật).
(12) Lê Duy Phường - Lê Phế Đế
Trịnh Cương ép Dụ Tông (11) nhường ngôi cho con trai thứ Lê Duy Phường Lê Phế Đế (12) thay vì con trưởng vì Duy Phường có mẹ là người họ Trịnh.
(13) Lê Duy Tường - Lê Thuần Tông
Trịnh Giang (kế thừa Trịnh Cương) vu oan Phế Đế tư thông với vợ Trịnh Cương (cha mình), phế Phế Đế làm Hôn Đức Công (rồi sau này buộc ông thắt cổ tự tử).
Sau khi phế Duy Phường, Giang lập con trưởng của Dụ Tông (11) là Lê Duy Tường Lê Thuần Tông (13) làm vua.
Tại sao Trịnh Giang lại phế vua cũ, lập vua mới? Vì:
- Ra oai: Ông muốn ra oai rằng 1 tay ông có thể nắm vận mệnh thiên hạ; thích ai thì lập người đó, ghét ai thì phế người đó.
- Ghét Trịnh Cương: Ông muốn thay đổi ý của Trịnh Cương, vì Cương từng có ý phế ông nên ông rất ghét.
(14) Lê Duy Thận - Lê Ý Tông
Đáng lẽ sau khi Thuần Tông (13) băng hà, trưởng tử Lê Duy Diêu sẽ lên nối ngôi nhưng Trịnh Giang chọn lập Lê Duy Thận Lê Ý Tông (14) lên làm vua.
Tại sao Trịnh Giang bỏ qua Duy Diêu chọn Duy Thận?
Lý do: Vì Ý Tông (14) vừa là con trai Dụ Tông (11), vừa là cháu ngoại của nữ nhân họ Trịnh + lại được họ Trịnh nuôi lớn nên Trịnh Giang yên tâm hơn.
(15) Lê Duy Diêu - Lê Hiển Tông
Nhưng sau khi Trịnh Doanh (em Trịnh Giang) lên nắm quyền, ông ép Ý Tông (14) nhường ngôi cho Lê Duy Diêu Lê Hiển Tông (15), tức là con trưởng của Thuần Tông (13), làm Thái thượng hoàng.
Một khoảng thời gian sau, Trịnh Sâm kế thừa Trịnh Doanh.
Sâm vốn dĩ bất hoà với Thái tử Lê Duy Vĩ (con Hiển Tông) nên khi lên ngôi, ông tìm cớ giết Thái tử Duy Vĩ (còn các con của Vĩ bị nhốt trong ngục hẳn 11 năm trời).
Ép Hiển Tông (15) lập con thứ là Lê Duy Cận làm Thái Tử.
Loạn kiêu binh: Phế chúa Trịnh Cán & Lập chúa Trịnh Tông - Lập Thái tử Duy Khiêm
Mãi đến khi có loạn kiêu binh lật đổ chúa Trịnh Cán (con thứ Trịnh Sâm) để lập Trịnh Tông làm chúa mới (con trưởng Trịnh Sâm) thì các con của Duy Vĩ mới được thả ra.
Kiêu binh ép phế Duy Cận lập lại con trưởng Duy Vĩ là Duy Khiêm làm Thái tử.
(Bọn kiêu binh này ghê gớm không thua gì quyền thần cả, bạn đợi bài về chúa Trịnh mình sẽ kể rõ hơn).
(16) Lê Duy Khiêm - Lê Chiêu Thống (vua Hậu Lê cuối cùng)
Sau này, khi Hiển Tông (15) già yếu qua đời, Hoàng Tôn Lê Duy Khiêm Lê Chiêu Thống (15) kế ngôi vua.
Nói thêm:
- Đánh dẹp họ Trịnh: Nguyễn Nhạc vốn chỉ muốn đánh tới Thuận Hoá, nhưng Nguyễn Huệ thừa thắng xông lên kéo quân ra tới Bắc Hà dẹp họ Trịnh (Trịnh Khải phải bỏ chạy lên Sơn Tây rồi tự sát)
- Trịnh Bồng dẹp loạn Bắc Hà
-> Sau khi Nguyễn Huệ rút quân về Nam.
-> Các thế lực cát cứ ở Bắc Hà bắt đầu làm loạn.
(do vua không có thực quyền để chế ngự)
-> Lúc này, Chiêu Thống nương nhờ lực lượng Trịnh Bồng an định thiên hạ.
(Trịnh Bồng là con Trịnh Giang)
-> Sau khi an định, họ Trịnh lại uy hiếp vua Lê như trước.
- Nguyễn Hữu Chỉnh đánh đuổi Trịnh Bồng:
-> Thấy Trịnh Bồng uy hiếp.
-> Vua Lê ra chiếu Cần Vương cho Nguyễn Hữu Chỉnh đang trấn thủ ở Nghệ An vào giúp.
-> Hữu Chỉnh kéo quân đánh tan Trịnh Bồng.
-> Sau đó, bắt chước Trịnh Bồng uy hiếp Thiên tử.
- Vũ Văn Nhậm đánh giết Nguyễn Hữu Chỉnh
+ Thấy Hữu Chính làm phản
-> Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm mang quân ra bắc giết Chỉnh đi.
-> Vũ Văn Nhậm thắng: Tự ý quyết định mọi việc (ví dụ như phong Lê Duy Cận làm Giám quốc).
Ngô Văn Sở mang chuyện tấu lên Nguyễn Huệ
-> Nguyễn Huệ đích thân bắc tiến giết Ngô Văn Sở.
- Quang Trung đại phá quân Thanh:
Sau khi Nhậm giết Chỉnh.
-> Vua Lê Chiêu Thống, Thái hậu, Hoàng tử Thuyên sang Lưỡng Quảng cầu viện nhà Thanh
-> Tôn Sĩ Nghị mang quân sang nước ta "phù Lê diệt..."
-> Kết: Nguyễn Huệ đánh đuổi quân Thanh, sử gọi là "Quang Trung đại phá quân Thanh."
3. TẠI SAO LÊ TRUNG HƯNG MẤT TRIỀU?
Chắc mọi người cũng thấy quá rõ rồi: Do không nắm thực quyền!!! Nguyên nhân xâu xa là tự bản thân người trung hưng cơ nghiệp cũng chỉ là con cờ lấy tính chính danh trong tay người khác mà thôi!
4+5. FUNFACT + CÂU ĐỐ
Tuần này, xin phép mọi người mình sẽ làm gọn hơn, lược bỏ phần (4+5) vì mình đau lưng quá!
Mọi người có thể đóng góp ý kiến tất tần tật về hình thức, nội dung, nhận định dưới phần bình luận, mình sẽ phản hồi và cải thiện trực tiếp trên bài!
---
Nhớ FOLLOW mình vì mỗi 7h thứ 7 hàng tuần mình sẽ có bài viết hấp dẫn về kinh tế-lịch sử trên Spiderum!
Science2vn
/science2vn
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất