Tại sao ngày nay người ta lại băn khoăn với câu hỏi đó nhỉ, chẳng phải ai cũng yêu bản thân mình hay sao?
Nếu bạn ghét một cái gì đó, bạn sẽ ném nó vào thùng rác. Nếu bạn thực sự ghét bản thân mình, bạn sẽ trèo lên nóc nhà và ném đời mình về miền cực lạc. Nhưng bạn vẫn đang cố gắng sống từng ngày. Bạn vẫn đang cho bản thân mình ăn những thứ ngon nhất, khoác lên nó những thứ đẹp nhất, vật lộn với đời để giữ cho nó tồn tại. Bạn đâu cần phải hành thiền, tập yoga, viết nhật ký hay làm được điều gì đó tốt đẹp để yêu bản thân mình đâu. Bạn vẫn luôn rất yêu bản thân mình đấy chứ. 
Bạn không hề ghét bản thân mình, bạn chỉ đang thất vọng mà thôi. Mối quan hệ của bạn với bản thân cũng giống như mối quan hệ của cha mẹ với con cái, một tình yêu sâu sắc nhưng bị pha lẫn bởi những kỳ vọng. Không có cha mẹ nào không thương con cái, nhưng cha mẹ có thể mất bình tĩnh nếu như đứa nhỏ không đáp ứng được những kỳ vọng của các bậc phụ huynh. Trẻ con bị tét vào mông không phải vì chúng lười học và mải chơi, mà vì bố mẹ chúng muốn chúng phải ngoan ngoãn và chăm chỉ. 
Bạn đang chán ghét sự xấu xí của mình vì bạn muốn mình phải trông thật xinh đẹp. Bạn đang tự ti với tài năng của mình vì bạn muốn mình phải thật tài giỏi. Bạn đang vật vã với sự cô đơn của mình vì bạn muốn cuộc sống của mình phải thật màu sắc. Vì bạn có kỳ vọng cho nên có thất vọng. Vì có thất vọng nên có chán ghét. Người ta không chán ghét bản thân, họ chỉ chán ghét việc bản thân không thể đáp ứng được những kỳ vọng mà họ đặt ra.
Ngày nay khi người ta nói đến việc yêu bản thân, họ nói đến một kế hoạch dài 18 bước để làm được điều đó. Ôi, nếu phải làm bằng ấy việc thì tôi điên mẹ nó mất! Tại sao chúng ta phải hành thiền, tập yoga,viết nhật ký, hay trở thành một ai đó để yêu bản thân? Lòng tự trọng của chúng ta vốn đã luôn có sẵn, nhưng nó đang bị che lấp bởi những ảo tưởng. Vì vậy bạn chẳng cần làm gì nhiều cả, bạn chỉ cần học cách để định hình lại những kỳ vọng mà bạn dành cho chính mình mà thôi. 
Giờ thì hãy nhìn lại một chút về những kỳ vọng mà chúng ta vẫn luôn đặt ra cho mình. Ngay lúc này, có thể bạn đang cảm thấy mình là một người xấu xí, kém cỏi và nhàm chán, bởi vì bạn kỳ vọng mình là một người xinh đẹp, thông minh và vui vẻ. Nhưng câu hỏi là bạn đang dựa vào đâu để thiết lập những kỳ vọng của mình, và bạn đang dựa vào đâu để đánh giá ngoại hình cũng như tố chất của mình? Có phải bạn muốn mình xinh đẹp, thông minh và vui vẻ vì khi bạn nhìn ra xã hội, bạn thấy ai cũng xinh đẹp, thông minh và vui vẻ đúng không? Và khi bạn nhìn nhận bản thân mình, có phải bạn cũng đang lấy chuẩn mực của xã hội làm gốc tọa độ đúng không? Bởi vì trông bạn không xinh như người khác, nên bạn thấy mình xấu xí. Vì bạn không giỏi như người khác, nên bạn thấy mình kém cỏi. Vì bạn không có nhiều những bức hình ngàn like trên mạng xã hội như người khác, nên bạn thấy đời mình thật nhàm chán. Sự tồn tại của bạn đang không được quyết định bởi chính bản thân bạn mà đang được điều phối bởi những hình mẫu bên ngoài. Khi chúng ta lấy việc [hơn người khác] làm mục tiêu, chúng ta sẽ luôn thất vọng. Vì dù bạn có là ai đi nữa, cũng sẽ có người vượt trội hơn bạn ở những điểm nào đó. Cũng giống như nếu cha mẹ cứ đi so sánh con cái mình với “con nhà người ta”, họ sẽ luôn cảm thấy con mình không đủ tốt, và làm cho đứa nhỏ thất vọng. Nếu bạn cứ so sánh bản thân mình với người ta, bạn sẽ thấy ghét những điều mình làm, dù bạn làm bất cứ điều gì. 
Điều đó không chỉ xảy ra với những kẻ 3 ngày không tắm và ngủ cùng với mèo như bạn đâu nhé, nó thậm chí còn xảy ra cả với những người nổi tiếng mà bạn đang theo dõi nữa cơ. Dave Mustaine là một ca sĩ huyền thoại của dòng nhạc Heavy Metal. Ban nhạc của ông, Megadeth bán được 25 triệu album và lưu diễn vòng quanh thế giới. Nhưng trong một thời gian dài, Dave luôn cảm thấy ông là một kẻ thất bại, vì ông không thể thành công hơn ban nhạc cũ đã từng cho mình ra rìa, Metallica, những gã đã bán được đến 180 triệu album. Rất nhiều người nổi tiếng cũng cảm thấy thấy bản thân mình không đủ tốt, trong khi nhìn từ bên ngoài, những người thường như chúng ta thấy rằng họ là tất cả những gì mà ta ao ước. Không phải bởi vì họ không thành công, chỉ là vì họ cứ muốn mình phải thành công hơn người khác.
______________________________
Khi bạn để cho người khác lái con tàu của mình, rất có thể là bạn sẽ không đi theo cách mà mình muốn. Nếu bạn để cho người khác điều phối những kỳ vọng của mình, khả năng cao là bạn sẽ thấy phần lớn cuộc sống không xảy ra theo ý mình. 
Cách đơn giản để không còn chán ghét bản thân là không áp đặt những kỳ vọng phi thực tế lên chính mình. Nếu các bậc làm cha mẹ kỳ vọng một đứa trẻ có thể ăn uống, chạy nhảy và chơi bời, cười đùa và tò mò, họ sẽ thấy rất hạnh phúc vì đứa bé sẽ đáp ứng được những kỳ vọng đó. Bản thân đứa bé cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc vì nó được làm những điều tự nhiên đối với nó. Nhưng nếu nó được kỳ vọng phải thông thạo kiến thức hình học và đại số, biết võ và giỏi chơi đàn violon, có thể nói tiếng anh lưu loát và thi IELTS ngay khi vào cấp 2, họ sẽ phải vò đầu bứt óc và gắt gỏng vì đứa nhỏ sẽ gục đầu ngủ mỗi khi lên lớp, uể oải với mọi môn học và khóc vì không được xem robot biến hình. Nếu bạn đang cáu gắt với bản thân, thì hẳn là bản thân bạn cũng đang kêu khóc.  Chỉ là bạn đang cố lờ đi mà thôi.
Những kỳ vọng thực tế  là những kỳ vọng dựa trên chính bản thân bạn và có thể đạt được. Những kỳ vọng phi thực tế là những kỳ vọng dựa trên người khác và không thể đạt được. Nếu bạn muốn mình là người xinh đẹp nhất trong đám đông, bạn đang so sánh mình với người khác, và chắc chắn là sẽ có vài con nhỏ xinh hơn bạn. Nếu bạn muốn tài giỏi hơn người, người khác đang trở thành đích ngắm của bạn và rồi bạn sẽ gặp những ngọn núi cao hơn. Nhưng nếu bạn muốn mỗi ngày có thể học thêm được một điều mới so với ngày hôm qua, bạn hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đúng không? Và nếu bạn cứ liên tục làm như thế, đến một ngày bạn có thể trở nên rất tài năng.
Khi bạn giải phóng bản thân khỏi những mong muốn phi thực tế, bạn sẽ cảm thấy trân trọng bản thân mình hơn. Bạn sẽ yêu thương bản thân một cách chân thành và muốn làm gì đó để giúp bản thân trở nên tốt hơn một cách tự nguyện. Những điểm mạnh của bạn làm bạn cảm thấy tự hào và bạn sẽ không còn tự dày vò với suy nghĩ “mình chẳng có gì tốt cả”. Những tiến bộ nhỏ làm bạn cảm thấy vui mừng và có thêm động lực thay vì kéo dài cảm giác vô vị trong bạn. Bạn vẫn muốn bước đi, bạn vẫn sẽ bước đi, nhưng giờ đây mỗi bước đi là một trải nghiệm thú vị và nâng cao sự trưởng thành thay vì là một sự dày vò. Tình yêu của bạn với bản thân trước giờ không hề thay đổi, nhưng giờ bạn thay đổi góc nhìn để tình yêu trở thành một động lực thay vì là một rào cản của bạn. Đó là lý do vì sao hành thiền, tập yoga hay viết nhật ký có thể giúp bạn cảm thấy tốt đẹp hơn với chính mình. Những phương pháp này không phải là cách yêu bản thân, nhưng đó là những phương tiện giúp bạn nhìn vào bên trong mình thay vì tiếp tục mải mê với những thứ bên ngoài. Nhưng bạn phải nhớ rằng, đó chỉ là phương tiện. Cốt lõi nằm ở trong tâm trí của bạn. Nếu bạn muốn yoga giỏi hơn người khác, thiền giỏi hơn người khác, Đức Quán Thế Âm cũng không thể cứu bạn khỏi việc tự chán ghét chính mình. 
Nhưng nếu sống như vậy không thể giúp tôi có một body sáu múi tung tăng trên bãi biển và được người ta trầm trồ mỗi khi bước ra đường thì sao? Chậc, đó vốn đã là một kỳ vọng phi thực tế, và chính nó là thứ sẽ giết chết bạn. Vẻ đẹp của hoa xương rồng khác với hoa hồng, nhưng khi chúng bung nở một cách tự nhiên, chúng đều tỏa sắc theo cách riêng của mình đúng không? Tại sao bạn lại muốn mình luôn là bông hoa hồng? Vạn vật toàn mãn không phải vì giống với vật khác, mà vì chúng phát triển theo cách riêng của mình. Nếu bạn là một cây xương rồng xù xì và thô ráp, hãy sống một cách tự nhiên, sẽ đến lúc mà bạn nở hoa theo cách riêng của mình. Nếu bạn chỉ muốn mình là một bông hồng, bạn sẽ tự làm mình tàn phai.