Nhiều khi nghe nội lẩm bẩm hoài về cái mái tôn kêu rột rẹt, hay cái cánh cửa bị sa thấp, tôi nghĩ nội sao kỳ cục, mấy chuyện đó nhỏ xíu xiu, có đáng chi đâu mà nói. Và không chỉ riêng tôi, chính các cô bác, chú thím, anh chị trong nhà cũng thường cười xòa bảo, bả già rồi nên khó tánh, già rồi nên lẩm cẩm. Thành ra tôi càng được nước tin rằng, tuổi cao cũng có một cái dở.

Những lần qua chơi, nội nghĩ tôi rảnh rang hoặc cho rằng tôi không có việc làm, vậy là nội cứ quẳng thình lình ra những mẩu ký ức hoặc nhát gừng vón cục, hoặc đằng đẵng lê thê từ hồi xưa lắc xưa lơ mà chẳng ăn nhập gì sở thích tôi. Đó có khi là chuyện mấy con ruộng cò bay thẳng cánh nhà nội từng sở hữu, có khi là chuyện bom rơi đạn lạc của một thời đã lùi xa, có khi lại là chuyện tánh tình một người quá vãng nào đó lúc sinh tiền. Chứ chuyện về thời nay, nội gần như chỉ có đôi ba mẩu vắt vai. Nghe đi nghe lại riết sinh ngán, tôi chỉ hy vọng sao cho nội kể chuyện thường ngày thôi cũng được, không cần phải là những chủ đề hot tôi quan tâm, nhưng tiếc thay, ngày qua ngày nội vẫn kể những chuyện cũ rích đó, kể hoài kể hủy một cách lạ lùng, khó hiểu.

Đành chấp nhận nội đã lẩm cẩm, không phải lẩm cẩm sơ sơ mà chắc là mỗi năm mỗi nặng hơn. Vì vậy tôi cũng chẳng mong mỏi gì nữa, lúc nào nội kể chuyện, tôi chỉ việc không hưởng ứng gì thì nội sẽ ngừng lại, mà nếu nội không ngừng thì tôi nghe tai này lọt tai kia là được. Đó đúng là điều tôi lấy làm thoải mái, từ đó tôi không còn phải ráng trò chuyện với nội về những sự tích chán òm nữa. Nội nói cứ nói, còn tôi cứ nhập vào cảnh giới của những Game, Facebook, Youtube, kệ rằng thỉnh thoảng ngó lại, thấy nội im lìm tôi bỗng chột dạ.

Mối quan tâm tôi dành cho nội dường như chỉ còn là một thứ nghĩa vụ máy móc, đặc biệt là những hôm tôi bận bịu với những lịch trình. Nội nói gì tôi cũng dạ, cũng dà, lâu lâu sợ bị coi là bất hiếu, không tôn trọng người lớn, tôi mới ráng chêm vô được mấy câu hỏi vô hồn, nội ăn cơm chưa, nội ăn cơm với gì? Rồi nội nói thế nào sau câu hỏi của tôi, tôi không còn rõ. Những âm thanh lướt qua tai lõm bõm tiếng được tiếng mất. Nhưng dù lắng nghe nội không bao nhiêu, tôi lại muốn nội lắng nghe hết mọi điều tôi nói. Hữu sự, tôi lẽo đẽo bên nội để hỏi xã hội thời xưa mà viết lách, bức xúc việc thiên hạ tôi bèn kiếm nội để trút bầu tâm sự, gặp chuyện buồn tình cảm tôi lại tìm nội để nói mông lung. Trong tất tật những lần đó tôi nào để ý rằng, nội luôn tiếp chuyện tôi, chẳng hề phiền hà chi.

Có lần nọ sau giờ làm việc căng thẳng xong, tôi nằm yên ngó ra cửa, nhìn trời ngắm mây để tự thưởng cho mình. Đúng lúc nội lọ dọ qua chơi bắt gặp tôi im re như vậy, nội cứ hỏi, chớ sao mày hổng mở ca nhạc lên? Tôi hỏi lại gọn lỏn, mở ca nhạc để làm gì nội. Nội bảo, ở một mình buồn thì mày mở lên cho nó vui chớ chi. Nhưng tôi không hiểu vui và buồn đối với nội là ra làm sao, tôi lôi cả một đống triết lý dài dòng tôn vinh sở thích độc cư của mình để nói cho nội nghe. Ngay đó tôi nào biết được đối với nội, từ ngày đôi mắt rơi vào bóng tối, kết thúc một thời tung hoành khắp đồng trên ruộng dưới, mở ra một chương gắn liền với căn nhà đất và Radio, thì niềm vui của nội chỉ còn là được nghe thấy âm thanh. Nội nghe để biết rằng ít nhất vẫn còn đó đôi tai, nghe để như mở lối cho ngày dài phía trước, và nghe để nhiều nhiều hơn thế. Cái thứ im ắng mà tôi ca tụng là thanh tịnh, là trong sáng, là thoát tục, hóa ra là một tấm lưới không kẽ hở bủa vây lấy nội. Và nội chẳng biết chi để chống lại nỗi buồn của tấm lưới im ắng đó ngoài việc nói, nội nói, nội lẩm bẩm, nội kể chuyện. Ngờ đâu nó lại mang danh là lẩm cẩm?

Nhìn lại mình, tôi thấy hổ thẹn. Chỉ cần một chút tâm sự tôi đã lật đật trút qua thơ, qua ca, qua truyện, hoặc không cũng qua người ở gần người ở xa. Chỉ cần hơi buồn hơi chán, tôi đã phát nóng lên, quay cuồng hỷ nộ ái ố. Vậy mà tôi lại khó chịu với mấy câu lẩm bẩm giải sầu của nội, lại muốn nội ngủ yên mọi lúc tôi làm việc, không để một lối mở cho những ngày đêm tối tăm đó.

Nội hay động viên tôi, tin tưởng tôi sẽ sống tốt vì tôi đang thời trẻ trung, chứ nội, nội cho rằng mình đã là cây đèn dầu khô sắp tắt, là người già vô dụng. Tuy nhiên hẳn nội không biết, đứa cháu này dù còn tương lai dài, còn nhiều mơ ước, còn nhiều động lực, hay còn anh em đầy đủ, gia đình xôm tụ, song nó vẫn chỉ mới là một ngọn đèn non yếu, dễ dàng chao đảo, chứ đâu có kiên cường như những cây đèn dầu khô, khô vì trải qua trăm ngàn nắng gió.