Kỹ năng lắng nghe là gì? 7 biểu hiện của người biết lắng nghe - #7 Series Tôi đi tìm cầu vồng (TDTCV)
Mẹo lắng nghe vạn người mê và bốn lỗi giao tiếp sẽ được đề cập trong bài viết này.
Lắng nghe là một nhu cầu thông dụng trong nhiều tình huống giao tiếp trong cuộc sống và công việc. Tuy nhiên, không phải ai cũng giỏi lắng nghe khiến cho nhu cầu thiết yếu này được xem là kỹ năng quan trọng.
Trong tình huống phỏng vấn, nhà tuyển dụng nhìn qua khả năng lắng nghe của ứng viên để đánh giá họ có phù hợp với văn hóa công ty. Trong cuộc sống, người giỏi lắng nghe thường nhận nhiều sự tin tưởng của người khác.
Dĩ nhiên, ai cũng muốn trở thành người biết lắng nghe nhưng một vài lỗi giao tiếp vô tình khiến bạn mất điểm trước đối phương. Vậy làm thế nào để lắng nghe hiệu quả? Biểu hiện chung của người biết lắng nghe? Liệu có mẹo để cải thiện kỹ năng lắng nghe?
Thật may mắn là Subin có thể giúp bạn. Trong các buổi trò chuyện với bạn bè, mình đã áp dụng công thức ‘lắng nghe trong sáng’ khiến bạn mình mở lòng và thoải mái chia sẻ. Kết quả là bạn mình có thể kể nhiều chuyện khó thể chia sẻ với người khác và luyến tiếc khi cuộc trò chuyện kết thúc. Nếu bạn cũng muốn tạo các cuộc trò chuyện cởi mở thì đừng bỏ qua bài viết này.
Kỹ năng lắng nghe là gì?
Lắng nghe là một hoạt động có nhận thức của con người khi tiếp nhận âm thanh trông qua thính giác. Mỗi ngày, bạn liên tục học cách lắng nghe từ thiên nhiên, môi trường sống, các cuộc trò chuyện trong gia đình, bạn bè hay công việc. Trong quá trình lắng nghe, bạn không chỉ tiếp nhận âm thanh mà não bộ còn phân tích âm thanh đó.
Khi lắng nghe được thăng hạng từ một nhu cầu thông dụng trở thành kỹ năng mềm, thì nó phải mang lại cho bạn ít nhất một lợi ích quan trọng. Đối với Subin, một người giỏi lắng nghe giống như họ nắm trong tay chìa khóa không chỉ giúp kết nối họ với mọi người mà còn giúp họ tiếp cận đến các tầng kiến thức mới, rộng mở hơn.
Mặc khác, kỹ năng lắng nghe hiệu quả là cách nghe ở mức độ tập trung cao và giảm thiểu những phân tâm. Khi đó, bạn tiếp nhận thông tin chính xác hơn và não bộ ghi nhớ lâu hơn.
Lắng nghe trong sáng kết hợp với kỹ năng ghi chép là hai vũ khí quan trọng giúp bạn thấu hiểu và khắc ghi vấn đề. Bởi vì mỗi khi cần đến, bạn chỉ cần lục lại và gợi nhớ về kiến thức đó.
Vai trò của việc lắng nghe
Mỗi ngày, chúng ta không tránh khỏi các cuộc trò chuyện, một vài cuộc trò chuyện cần bạn tập trung cao độ để nắm bắt các ý chính mà đối phương chia sẻ.
Trong công việc, ‘biết lắng nghe, chăm học hỏi’ trở thành tiêu chí tuyển dụng của nhiều công ty. Bởi vì kỹ năng này quyết định một phần hiệu quả làm việc khi hội họp, làm việc nhóm và mở rộng mối quan hệ. Hãy tưởng tượng bạn đang làm việc với một người đồng nghiệp, bạn sẽ thích kết thân với một người thích thú lắng nghe bạn hay một người thao thao bất tuyệt? Dĩ nhiên, người thích nói sẽ cho bạn nhiều kiến thức thú vị. Nhưng trong mối quan hệ đó khó khăng khít vì họ chỉ thích được nói.
Trong cuộc sống, một số trường hợp khiến việc giỏi lắng nghe hữu ích với bạn. Lý do đầu tiên, mọi người thường mở lòng với người biết lắng nghe và bạn dễ dàng nhận được sự tin tưởng của họ. Những cuộc trò chuyện hấp dẫn thường bắt đầu bằng câu thần chú “tao kể cho mày thôi nha, đừng kể với ai”. Sau đó, bạn bị kích thích sự tò mò, chú ý lắng nghe, càng tập trung nghe thì đối phương càng hăng say kể.
Lý do thứ hai, bạn im lặng lắng nghe để tiếp nhận trọn vẹn kiến thức từ người khác. Một vài người khó kiềm chế, vội vàng nói chen giữa lúc đối phương nói chuyện. Điều này khiến mạch kể của đối phương đứt đoạn, đường dây cảm xúc như chiếc xe bị thắng gấp. Khi họ muốn tiếp tục thì lại quên kể đến đâu, cảm xúc say mê ban đầu cũng mất đi vài phần. Do đó, kỹ năng lắng nghe còn là khả năng tự kiềm chế sự vội vàng để đạt được hiệu quả tiếp nhận thông tin tốt nhất.
Lý do thứ ba, trong các cuộc cãi vã, người chịu lắng nghe là chìa khóa hóa giải mâu thuẫn. Nếu cả hai đều muốn lên tiếng, cơn nóng giận hừng hực che lấp lý trí. Vì vậy, người giỏi lắng nghe sẽ không đổ dầu vào lửa. Ban đầu, bạn có thể khó chịu, bứt rứt vì phải nhún nhường. Nhưng thành thực nhé! Chúng ta thường kể hết nỗi lòng trong lúc nóng giận. Im lặng thêm một phút sẽ giúp bạn hiểu đối phương hơn một chút. Sau cuộc cãi vã, bạn có đủ lý trí để nói những điều phù hợp, để cả hai hiểu nhau hơn.
4 lối suy nghĩ cần tránh khi lắng nghe
Khi lắng nghe một câu chuyện, chúng ta muốn đối phương biết rằng bản thân đang tập trung nghe và muốn giúp đỡ họ. Tuy nhiên, phản ứng của đối phương lại không như tưởng tượng của chúng ta. Nếu bạn từng gặp trường hợp như vậy, bạn có thể đã mắc phải một trong bốn xu hướng trả lời thuộc mô hình PIET. Cụ thể, PIET là viết tắt của 4 từ:
Probing (Thăm dò) – Interpreting (Lý giải) – Evaluating (Đánh
giá) – Advising (Khuyên bảo)
Lấy ví dụ, một người bạn rơi vào buồn rầu vì anh ấy vừa bị người yêu chia tay. Anh ta kể cho bạn để giải tỏa cảm xúc, bạn bắt đầu phản hồi anh ta thông qua mô hình PIET như sau:
+ Thăm dò: Anh làm sao mà người ta đòi chia tay? + Lý giải: Chắc cô ta không còn thích anh nên mới viện cớ chia tay. + Đánh giá: Cô ta không có mắt mới đòi chia tay anh. + Khuyên bảo: Đừng buồn nữa! Hãy vui lên! Mai mốt có bồ mới thôi.
Mô thức PIET từng xuất hiện trong cuốn sách 7 thói quen hiệu quả của tác giả Stephen R. Covey, nằm trong nội dung của thói quen thứ 5 - Thấu hiểu rồi được hiểu. Khi bạn vô tình mắc phải một trong các lỗi lắng nghe này hoặc tất cả, đối phương có thể khép lòng nếu lời nói của bạn theo chiều hướng phán xét hoặc an ủi không đúng cách.
Lắng nghe trong sáng là gì?
Vậy làm thế nào để lắng nghe đúng cách? Trên thực tế, ít ai dám tự tin mình biết lắng nghe đúng cách. Tuy nhiên, Subin có thể tổng hợp các biểu hiện được quan sát từ những người giỏi lắng nghe. Một điểm chung của họ là dành sự tập trung tiếp nhận thông tin không chỉ qua tai.
Subin thường gọi kỹ năng này là lắng nghe trong sáng. Bởi vì, mục đích của việc lắng nghe là để hiểu. Thông thường, lắng nghe đi đôi với chia sẻ nhưng hai kỹ năng này cần tách biệt nhau. Do đó, nghe không bao gồm khuyên bảo, đánh giá, giải quyết, lý giải hay phản biện.
Trong tiếng trung có từ Thính (nghe) phồn thể được tạo bởi sáu bộ, trong đó có bộ Nhĩ (tai), bộ Vương (vua), bộ Tâm (tim), bộ Mục (Mắt) và bộ Nhất (số một). Lý giải dễ hiểu cho từ này là khi lắng nghe, mình phải đặt sự tôn trọng vào lời nói của đối phương, lắng nghe bằng cả tai, mắt và trái tim.
7 bước giúp bạn lắng nghe hiệu quả
Bước 1: Phân loại nhu cầu chia sẻ của đối phương
Trước cuộc trò chuyện là giai đoạn quan trọng để bạn phán đoán nhu cầu lắng nghe của đối phương. Theo kinh nghiệm của Subin, những người từng tìm đến mình trò truyện sẽ có ba nhu cầu, đó là: Trình bày, chia sẻ để giải tỏa và chia sẻ để nhận lời khuyên.
Trong các cuộc họp, nhu cầu lắng nghe thường thuộc nhu cầu trình bày. Mỗi người đưa ra vấn đề, giải thích và trình bày vấn đề. Sau khi trình bày thì những người khác đặt câu hỏi hoặc đưa ra góp ý.
Trong cuộc trò chuyện tâm sự, bạn sẽ ngại hỏi thẳng nhu cầu chia sẻ của đối phương nên bạn có thể phân lại dựa vào lời nói của họ. Nếu họ chia sẻ trong trạng thái nhiều cảm xúc, khi vấn đề mới diễn ra, thì đa phần là nhu cầu chia sẻ để giải tỏa. Bởi vì, cảm xúc của họ bị chất đầy như một bể nước, họ cần giải tỏa hơn là việc tiếp thu ý kiến.
Nếu đối phương bày tỏ nguyện vọng chia sẻ để cho lời khuyên, họ thường mở đầu hoặc kết thúc câu chuyện bằng câu hỏi cho bạn. Vì vậy, bạn không cần vội đưa ra đánh giá, lý giải hay lời khuyên trong lúc họ nói. Thay vào đó, hãy chịu khó nghe hết câu chuyện để có thể đưa lời khuyên hợp lý nhất.
Bước 2: Loại bỏ rào cản
Như Subin đã đề cập phía trên, lắng nghe là quá trình tập trung tiếp nhận từ tai, mắt và trái tim. Vì vậy, đối phương và bạn sẽ bị phân tâm từ những tác nhân bên ngoài ảnh hưởng, ví dụ như tin nhắn, cuộc gọi, đồ chơi trên tay,…
Hãy thử hoán đổi bản thân là người chia sẻ, họ sẽ sợ làm phiền bạn nếu họ thấy bạn đang có việc bận. Từ đó, họ khép lòng và không muốn tiếp tục chia sẻ.
Bước 3: Mở lòng – Thoải mái – Tò mò
Một bí quyết khiến Subin có thể tạo cảm giác thoái mái cho người đối diện là mình luôn sẵn sàng mở lòng trước khi lắng nghe. Thông thường, bạn sẽ thích lắng nghe từ bạn thân, bạn bè hợp tính hoặc người bạn thích. Bởi vì họ cho bạn cảm giác tò mò muốn được nghe và mở lòng một cách thiện chí.
Ngược lại, bạn sẽ nảy sinh khó chịu nếu một người bạn ghét muốn nói chuyện. Nguyên nhân nảy sinh cảm xúc trước cuộc trò chuyện liên quan đến mức độ thiện cảm của bạn dành cho người đó.
Ngay cả đối phương là một người chưa bao giờ nói chuyện với bạn, bạn sẽ có thiện cảm với người có ngoại hình ưa nhìn, thần thái thu hút hoặc trình độ học vấn cao. Để sẵn sàng với tất cả cuộc trò chuyện, bạn cần mở lòng đón nhận những điểm tốt từ đối phương. Khi mức độ thiện cảm tăng lên thì đó là dấu hiệu cho cuộc trò chuyện bắt đầu.
Bước 4: Tập trung vào câu chuyện
Tập trung hiểu câu chuyện của đối phương là bước quan trọng để cải thiện kỹ năng lắng nghe. Bạn không chỉ tập trung vào lời nói mà còn để tâm đến cảm xúc của họ. Cảm xúc là một phần để bạn hiểu rõ hơn vấn đề họ gặp phải.
Mặc khác, chúng ta dùng tai để lắng nghe nội dung, dùng mắt và trái tim để cảm nhận biểu đạt và cảm xúc. Cùng một câu nói nhưng khác cảm xúc sẽ khiến suy nghĩ và đánh giá của bạn thay đổi. Vì vậy, đừng bỏ qua cảm xúc và ngôn ngữ cơ thể của đối phương.
Bước 5: Giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể
Khi đối phương chia sẻ, ngôn ngữ cơ thể của bạn quyết định họ nên nói tiếp hay dừng lại. Khi họ nói xong một ý, họ thắc mắc bạn có hiểu được ý đó hay không. Nếu lúc này, bạn gật đầu thì họ sẽ yên tâm tiếp tục câu chuyện.
Nếu không hiểu một phần nào đó, đừng ngại thể hiện bằng tín hiệu cơ thể hoặc hỏi lại. Câu hỏi của bạn chỉ mang tính hiểu hơn vấn đề và họ sẽ sẵn lòng giải đáp để đảm bảo bạn đang hiểu đúng ý họ.
Bước 6: Không ngắt lời để 'PIET'
Trong các cuộc trò chuyện mà bạn tin rằng bản thân đã nhìn nhận được vấn đề, việc kiên nhẫn lắng nghe là một thử thách lớn. Theo phản xạ, bạn sẽ bị cuốn theo mô thức PIET với mong muốn bày tỏ ý kiến hoặc nôn nóng đưa lời khuyên ‘cứu lấy’ bạn mình.
Một mẹo giúp Subin kiềm nén nhu cầu này là đặt câu hỏi để hiểu sâu vấn đề. Bởi vì giải pháp của bản thân có thể chỉ giải quyết bề nổi. Việc hiểu sâu hơn câu chuyện sẽ giúp mình loại bỏ những đánh giá không phù hợp nảy sinh trước đó và cũng tránh bị ‘quê’ nếu nói lỡ lời.
Bước 7: Xác nhận ý chính
Sau câu chuyện, bạn nên xác nhận các ý chính để thông báo cho đối phương về mức độ hiểu đúng của bạn. Bước này có tác động tích cực với người chia sẻ vì họ cảm nhận bạn dành sự tập trung cho họ. Đối với nhu cầu chia sẻ để giải tỏa hoặc xin lời khuyên thì xác nhận ý sẽ giúp bạn đưa ra phản ứng phù hợp sau câu chuyện.
Khi đã lắng nghe toàn bộ câu chuyện, bạn có thể chuyển qua giai đoạn chia sẻ nếu đối phương bày tỏ nguyện vọng. Đối với những lời khuyên, họ sẽ quan tâm đến trải nghiệm của bạn trước tình huống của họ. Một cách chia sẻ hiệu quả là gợi mở lời khuyên bằng các câu hỏi để họ tự tìm ra câu trả lời phù hợp với bản thân.
Kết lại, lắng nghe hiệu quả là cách tiếp nhận nội dung qua tai, quan sát biểu đạt qua mắt và hiểu cảm xúc qua trái tim. Để lắng nghe trong sáng, bạn cần tránh lỗi phản xạ chen ngang câu chuyện bằng câu nói thăm dò, lý giải, đánh giá, khuyên bảo. Hy vọng 7 bước lắng nghe của Subin sẽ giúp bạn cải thiện kỹ năng quan trọng này.
Đôi lời từ Subin: Chuỗi TDTCV gồm 9 bài viết, mỗi tuần hai bài. Vì vậy, chỉ còn hai bài nữa thì chuỗi này khép lại. Subin sẽ tiếp tục với chủ đề mới. Nếu bạn muốn mình chia sẻ kiến thức hữu ích cho bạn, đừng ngại đặt vấn đề để mình có thể tập trung nghiên cứu sớm hơn.
Xem thêm bài viết nhiều lượt xem nhất: Biết cách nhận yêu thương sao cho khéo léo
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất