Kinh doanh & lựa chọn (1): Khi chúng ta có quá nhiều sự lựa chọn
Làm kinh doanh, từ góc độ của người làm chủ luôn là một chuỗi ra quyết định, chọn lựa giữa những phương án khác nhau. Cơ bản thì mọi...
Làm kinh doanh, từ góc độ của người làm chủ luôn là một chuỗi ra quyết định, chọn lựa giữa những phương án khác nhau.
Cơ bản thì mọi chương trình học hay các môn học kinh doanh sẽ giúp chúng ta ra quyết định nhanh hơn, và đúng đắn hơn. Để ra quyết định đúng, thì việc đầu tiên là chúng ta phải có …những sự lựa chọn phương án đã. Đây cũng là công đoạn mà cực kỳ dễ phạm sai lầm.
Nhìn chung, luôn có hai vấn đề chính với những sự lựa chọn của chúng ta: Có quá nhiều sự lựa chọn hoặc có quá ít sự lựa chọn “đúng nghĩa”. Bài này mình sẽ viết về “có quá nhiều sự lựa chọn” trước nhé, quá ít ta để bài sau nhé.
Chuyện 24 vị kem
Có một thí nghiệm tâm lý học kinh điển như thế này. Một tiệm kem mời khách ăn thử. Lần 1 quầy kem ăn thử có 6 vị. Lần 2 họ cho ăn thử 24 vị. Kết quả thu về khá lý thú: Quầy kem 24 vị thu hút người dừng chân hơn 30% so với quầy kem 6 vị. Nhưng từ từ chút nhé, khi quyết định mua mang về, thì quầy kem 6 vị có tỉ lệ mua cao gấp… 6 lần quầy 24 vị.
Sau khi phỏng vấn lại các thí nghiệm và trường hợp tương tự, thì kết quả đã rõ. Khi có quá nhiều sự lựa chọn, chúng ta thường… không biết chọn cái nào. Hiện tượng tâm lý này được đặt tên là Overchoice hoặc Choice Overload và chúng ta gặp nó hàng ngày nhiều hơn mình vẫn tưởng.
Khi có quá nhiều sự lựa chọn, chúng ta thường… không biết chọn cái nào.
Có hẳn một bài hát “Người yêu tôi không có gì để mặc” để diễn lại cảnh các cô gái đứng trước tủ quần áo trăm bộ không biết lấy bộ nào này. Có cả một danh ba điện thoại chúng ta vẫn xem mỗi ngày để rồi: chẳng biết rủ ai đi ăn trưa. Có một to-do list dài dằng dặc mỗi ngày không bao giờ được hoàn thành chỉ vì đôi khi thật khó khăn để quyết định việc đầu tiên nên làm là việc nào nữa. Bẫy Overchoice có mặt hầu như ở khắp mọi nơi trong đời sống của chúng ta. Tránh được bẫy này sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong việc ra quyết định đấy!
Câu chuyện nhà hàng
Gordon Ramsay chắc quen mặt với nhà mình nhất với show Master Chef. Nhưng tin mình đi, Kitchen Nightmares là một show cũng tuyệt không kém.
Trong show, khi làm việc với mọi nhà hàng, một trong những việc đầu tiên mà đầu bếp trứ danh này làm là: Cắt giảm Menu. Bạn nào hay đi ăn hàng hẳn vẫn nhớ cảm giác đang phân vân chưa biết chọn gì mà bạn bồi bàn đứng bên cạnh khó chịu như thế nào rồi đấy. Đôi khi muốn hỏi xem món này là gì lại, cũng ngại. Mà hỏi rồi, hỏi nhiều quá bị thì mấy bạn bồi bàn còn… bực mình ấy chứ. Sau đó thông thường chúng ta sẽ hay… chọn bừa một cái, kèm theo một trải nghiệm không tốt cho lắm. Cái này chính là Overchoice này.
Việc cắt giảm Menu cũng mang lại lợi ích cho cả bếp của nhà hàng nữa. Một Menu gọn nhẹ hơn, sẽ giúp các đầu bếp đỡ vất vả hơn trong việc chuẩn bị nguyên liệu, chế biến nhanh hơn, món ăn ngon hơn vì đầu bếp quen tay, có thời gian cải tiền món ăn hơn. Chưa kể các yếu tố khác như kiểm soát tồn kho, dễ dàng xin thêm công nợ từ phía nhà cung cấp (do nhập nhiều hơn các nguyên liệu) cũng giúp cả nhà hàng vận hành tốt hơn.
Một việc nhỏ, nhưng mang lại ý nghĩa lớn như thế, tại sao nhiều nhà hàng mắc sai lầm tới vậy? Câu chuyện Menu nhà hàng nói riêng và những vấn đề khác nói chung liên quan tới overchoice chúng mình sẽ giải quyết như thế nào? À, thì đó là những câu chuyện khác mà mình sẽ trình bày trong các bài viết sau: “Khi chúng ta không tạo ra đủ sự lựa chọn” và “Làm thế nào để hành xử tốt hơn với những sự lựa chọn với tư cách là một Marketer“, mọi người cùng đón đọc nhé.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất