Kinh Tế 2 – Chuyến tàu tốc hành trở về "thuở sơ khai"
"Nếu miêu tả “hoa mỹ” một chút thì mỗi cuộc trò chuyện cùng các tác giả giống như đưa tôi lên một chuyến tàu tốc hành, ngược dòng thời gian trở về 'thuở sơ khai', khi họ đặt những dấu chân đầu tiên trong chặng đường nghề nghiệp."
Câu chuyện giữa Kinh Tế và tôi
Quay trở lại năm 2016, vào thời điểm tôi còn là một cô nhóc học lớp 12 đang trăn trở về kỳ thi Đại học sắp đến, trong khi bạn bè xung quanh đã sớm có lựa chọn ngành học phù hợp với bản thân. Thú thực, tôi không phải học sinh giỏi, chứ chưa nói đến “giỏi” toàn diện các môn học. Với Toán, tôi luôn dừng mạch làm bài kể từ câu cuối bài hình; với Ngữ văn, tôi chưa một lần nhận được lời khen ngợi từ giáo viên giảng dạy; với Anh, tôi theo học khóa cấp tốc cho học sinh “mất gốc”; với Lý, tôi quyết định bỏ môn này ra khỏi danh sách thi Đại học ngay trước ngày thi tròn 1 tháng; với Địa, việc đọc bản đồ là thách thức không hề nhỏ với tôi.
Khi đó, gia đình định hướng cho tôi theo học một số chuyên ngành tổng quát về Kinh tế như Kinh doanh Quốc tế, Kinh tế Đối ngoại,… Đây đều là các ngành học không nặng về lý thuyết, nghiên cứu, và bao trùm gần hết các vị trí công việc trong ngành Kinh tế sau này. Tuy vậy, tôi cảm thấy giữa Kinh tế với bản thân không có sự kết nối với nhau, tôi không muốn gắn bó cùng những con số suốt hành trình sự nghiệp. Từ nhỏ, tôi nghĩ mình giỏi viết lách nhất, cũng đạt một số thành tích nhất định trong trải nghiệm “gọt giũa” ngôn từ. Vậy là, tôi liều một lần, giấu bố mẹ nộp hồ sơ vào một trường đại học về báo chí ở Hà Nội. Không may, bố mẹ phát hiện ra sự việc này và bắt tôi nộp hồ sơ vào một trường về Kinh tế khác ngay lập tức. Ở độ tuổi 19, được học về báo chí, đi theo con đường viết lách chuyên nghiệp là “đam mê” của tôi. Nhưng, viết lách lại là con đường bấp bênh, nhiều sóng gió, toàn vị mặn đắng với bố mẹ tôi. Họ không có người thân quen làm trong ngành này, còn với các công việc liên quan tới Kinh tế như Xuất – Nhập khẩu, Logistics, Ngân hàng,… thì bố mẹ có thể hỗ trợ nếu chẳng may tôi “xảy chân”. Tôi bắt đầu học Kinh tế bằng sự chán chường như vậy đó.
Một phần vì bản thân không hứng thú với Kinh tế, một phần vì càng học tôi càng sợ các môn học về tài chính, kế toán, thống kê,… nên tôi đã bỏ bê việc học và mải mê nghĩ “đường” kiếm tiền, tự kinh doanh. Tôi bập bẹ mở cửa hàng bán sản phẩm tự làm từ ảnh tự chụp, thời gian đầu cũng đắt khách lắm, nhưng dần dần tôi không đủ kiên nhẫn với “Thượng Đế” nên cửa hàng nhỏ không “trụ” nổi nữa. Vào năm 2 Đại học, Marketing bỗng “nổi” lên, người người nhà nhà đều làm Marketing. Thời điểm đó cũng là lần đầu tôi biết đến khái niệm “content”, tôi “say” trong niềm hạnh phúc khi phát hiện ra mình có thể “được viết” kể cả khi “làm kinh tế”. Vậy là, tôi “đâm đầu” vào các môn Marketing tại trường, liên tiếp có những điểm A, A+ xuất hiện trên bảng điểm vốn chẳng mấy “đẹp đẽ” của tôi. Học Marketing, học Kinh tế, tôi vẫn hoàn toàn mờ mịt về công việc trong tương lai. Tôi không biết cái ngành rộng lớn như “Kinh tế” có những vị trí nào, tôi chỉ nghĩ đơn thuần là nộp CV “bừa” vào các công ty đang tuyển dụng vị trí Content Creator hay Content Marketing. Tốt nghiệp Đại học, tôi vẫn chưa phân biệt nổi sự khác biệt giữa 2 vị trí này!
Câu chuyện giữa Kinh Tế và “họ”
Tôi đã tốt nghiệp gần 2 năm, đi làm 1 năm rưỡi, sự mơ hồ về ngành Kinh tế… vẫn y như cũ. Có điều, công việc hiện tại đã đem đến cho tôi cơ hội “hiểu” về ngành Kinh tế một cách sâu sắc nhất. Oái oăm thay, cơ hội này lại đến khi tôi không còn “làm Kinh tế” nữa, mà rẽ sang vị trí khác phù hợp với tôi – làm điều mình giỏi, giỏi điều mình thích. “Người Trong Muôn Nghề: Ngành Kinh Tế Có Gì?” (Tập 2) là một cuốn sách đặc biệt, vì 19 bài viết trong sách là những chia sẻ, đúc kết của những người đã - đang gắn bó với ngành Kinh tế. Họ kể về câu chuyện làm nghề của mình, với những nốt thăng rực rỡ, đượm ánh hào quang, và với cả những nốt trầm – những ngày dài lạc lối, những bộ hồ sơ bị trả về, những đêm đen chỉ có một mình giữa văn phòng trống trải,…
Nếu miêu tả “hoa mỹ” một chút thì mỗi cuộc trò chuyện cùng các tác giả giống như đưa tôi lên một chuyến tàu tốc hành, ngược dòng thời gian trở về “thuở sơ khai”, khi họ đặt những dấu chân đầu tiên trong chặng đường nghề nghiệp. Giờ đây, họ là những người “thành công” hoặc “có chỗ đứng” ở lĩnh vực họ theo đuổi; nhưng trong những ngày tháng xưa ấy, họ cũng hoang mang, vấp ngã, cũng từng suy nghĩ đến việc từ bỏ hàng chục hàng trăm lần như mình. Họ ở độ tuổi của tôi bây giờ: Người “vượt” cả nghìn cây số vào Sài Gòn lập nghiệp; người vừa lặng lẽ nhìn mình hồi còn khoác áo cử nhân hô vang tiếng quyết tâm trên TV, vừa ăn vội suất cơm 5k trong quán cơm bình dân nơi ngõ nhỏ Hà Thành; người chạy theo chân sếp ghi ghi chép chép, mong một ngày thật gần mình cũng được làm “moderator” chính… Chuyến tàu tốc hành không có điểm xuất phát hay điểm kết thúc, xuyên miền quê đến chốn thành thị Việt Nam, rồi vượt biển khơi rộng lớn ghé thăm muôn vùng trời mơ ước nơi trời Tây. Con tàu miệt mài đi qua từng tháng từng năm, có lúc phát sinh sự cố buộc lòng “đỗ” lại đôi chút, rồi lại tiếp tục lăn bánh nhanh hơn, khỏe hơn, “chiến” hơn.
Nếu bạn thắc mắc công việc hiện tại của tôi, đúng rồi, chắc bạn đã đoán ra, tôi chính là một mảnh của đội ngũ biên tập viên Spiderum – những người chắp nối, gọt giũa “đứa con tinh thần” (Kinh Tế 2) này suốt ít tháng qua, lòng đầy mong ngóng ngày cuốn sách đến tay bạn đọc. Tôi nhớ, trong bài viết của tác giả Thành Nguyễn, ngoài chia sẻ chuyên sâu về Supply Chain, anh còn kể chuyện “đam mê” của anh. Không giống mọi người, anh không lựa chọn theo đuổi “đam mê” mà quyết tâm theo đuổi nghề nghiệp anh có kỹ năng và làm tốt. Con tàu của anh không vận hành bởi tình yêu cháy bỏng, mà bởi thứ tình yêu bền bỉ, bén rễ dần dần; sau cùng, anh vẫn đến được cái “đích” hằng tìm kiếm. Trái với anh Thành, tác giả bài viết về nghề Tư vấn Tài chính Cá nhân, chị Nguyễn Kim Liên đang thực hiện sứ mệnh của mình thông qua công việc hiện tại. Theo chị, mỗi chúng ta đều có một sứ mệnh riêng, và sứ mệnh của chị là giúp đỡ mọi người trên hành trình đến với “tự do tài chính”. Thật may khi sứ mệnh và đam mê của chị trùng nhau, để rồi chuyến tàu của chị luôn đầy ắp niềm vui cùng hoài bão.
Một tác giả khác, anh Đỗ Văn Kiên lại “bén duyên” với Bất Động Sản bằng đúng chữ “duyên” ấy. Tuy vậy, để có chữ “duyên”, anh đã “đánh đổi” bằng tuổi trẻ của mình. Thực ra, tôi nghĩ anh không muốn dùng từ “đánh đổi” này để nói về chuyến tàu của mình đâu, nhưng tôi rất muốn dùng từ này (xin lỗi anh!) bởi nó đủ “mạnh”, đủ “vang”, đủ “đánh động” mỗi một người trẻ (như tôi). Hành trình vạn dặm bắt đầu bằng những bước đi nhỏ bé đầu tiên, không phải cứ học Ngoại thương, Kinh tế Quốc dân ra đời là phải làm… Giám đốc, Trưởng phòng; anh đã tiến về phía trước bằng nỗ lực, bằng trải nghiệm, bằng xông pha. Anh không ngừng tự mình cọ xát và thử sức với những điều bản thân chưa từng làm, nếu không như vậy, có lẽ anh còn chẳng dám mơ đến thành công! Băng qua tuổi thanh xuân máu lửa, chuyến tàu của anh nay tạm “đỗ” ở vị trí Tổng Giám Đốc của Công ty CP PropeytyX Hà Nội thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh.
Con tàu của chị Hồ Minh Huyền đặc biệt hơn đôi chút, vì chuyến tàu này phải dừng lại liên tục để đón những mảnh đời xa lạ. Nghiên cứu định tính đóng vai trò quan trọng trong Marketing hiện đại, và đây cũng là nghề liên quan tới con người nhiều nhất. Hàng ngày, chị bay ngược bay xuôi, gặp gỡ rất nhiều người, trò chuyện với họ để tìm thấy những giá trị ẩn khuất sâu bên trong. Con tàu của chị “chở” theo nhiều con tàu khác, mỗi một người lại mở một cánh cửa mới trên con tàu của chị. Lúc này, có lẽ chị vẫn đang miệt mài “đón” những “vị khách” mới lên chuyến tàu của mình. Nghiên cứu thị trường là nghề dành cho chị, và chị cũng tìm thấy sự bền lâu trong nghề mình yêu.
“Người Trong Muôn Nghề: Ngành Kinh Tế Có Gì?” (Tập 2)
Trong “Người Trong Muôn Nghề: Ngành Kinh Tế Có Gì?” (Tập 2) còn “muôn người” cùng “muôn nghề” nữa đang chờ bạn lật giở, khám phá. Biết đâu đấy, bạn có thể tìm thấy nghề dành cho mình qua những chuyến tàu, những bài viết, những trải nghiệm, những mảng màu hiện hữu ở cuốn sách này. Nếu bạn sắp “lao” vào thị trường tuyển dụng, hoặc đang chuẩn bị “hành trang” sẵn sàng cho kỳ thi Đại học sắp đến, hay đang phải “gánh” trên vai áp lực nặng nề của “chuyến săn bắt” nghề nghiệp, và kể cả đang lạc lối, chán chường, lắng lo chờ đợi “email tuyển dụng”, tôi nghĩ bạn cứ chậm lại một ngày để đọc bằng hết cuốn sách này. Tại sao? Tại tôi đã tìm thấy mình trong câu chuyện của đôi người xa lạ, để rồi lựa chọn làm người “biên soạn” cuốn sách này, thay cho “bươn chải” những công việc kể trong đây.
“Người Trong Muôn Nghề: Ngành Kinh Tế Có Gì?” (Tập 2) không phải cẩm nang một-nghìn-lẻ-một về nghề nghiệp, mà với tôi, nó là “hồi ký” nghề nghiệp xây đắp từ trải nghiệm thực tiễn: Kiến thức về nghề, câu chuyện làm nghề, góc nhìn chuyên sâu, quan điểm cá nhân,… Chính thế, tôi tin bạn sẽ chắt lọc được “điều gì đó” và tìm được “nghề dành cho mình”. Tác giả Đinh Quang Hợp có viết, “Thước phim năm cũ tua thật nhanh, biết bao niềm vui và nỗi buồn đã qua, thành công hay thất bại cũng chỉ là chuyện năm cũ. Bên chén trà ấm nồng, tôi thiết lập các mục tiêu chi tiết của năm mới, rồi sẽ lại đón chào 2023 với tinh thần máu lửa, không gì là không thể thân thuộc.” Tôi chúc bạn lên đúng chuyến tàu, và, tôi mong cuốn sách sẽ trở thành hành trang không thể thiếu của bạn. Khi đó, tôi cũng biết rằng, mình đã lên đúng chuyến tàu dành cho mình rồi.
📼 Mua sách để góp phần giúp unclụ team mình sớm tìm thấy định mệnh nè ↓
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất