Kiêu hãnh và Định kiến!
Tôi chưa hề đọc Tam Quốc Chí, chỉ xem vài tập trên truyền hình và nghe mấy thằng bạn luận bàn. Nhưng tôi cũng biết đến câu nói nổi...
Tôi chưa hề đọc Tam Quốc Chí, chỉ xem vài tập trên truyền hình và nghe mấy thằng bạn luận bàn. Nhưng tôi cũng biết đến câu nói nổi tiếng này trong Tam Quốc Chí: “Sĩ biệt tam nhật, quát mục tương đãi”, tạm dịch: Quân tử ba ngày không gặp, khi gặp lại phải dùng con mắt khác mà đối đãi. Ý nói rằng, cần phải thường xuyên loại bỏ cách nhìn cũ, dùng ánh mắt mới để đối đãi với người hoặc sự vật. Đây vốn là câu nói của nhân vật được coi là “hữu dũng vô mưu” Lữ Mông, một vị tướng Đông Ngô.
Lữ Mông là võ tướng, từng theo Tôn Quyền chinh chiến các nơi, đạt nhiều chiến công hiển hách. Lữ Mông vốn không học văn chương, vì thế Tôn Quyền đã phải giảng giải đạo lý cho Lữ Mông: “Nay các vị đều thân giữ trọng trách, nắm giữ việc quốc gia đại sự, cần phải đọc nhiều sách để khiến tự mình không ngừng tiến bộ”. Lữ Mông cũng chẳng thèm nghe, thoái thác: “Trong quân công việc bề bộn, chỉ e không có thời gian đọc sách”. Nhưng Tôn Quyền vẫn kiên nhẫn chỉ dạy, từ đó về sau Lữ Mông bắt đầu chuyên tâm học tập, cố gắng không ngừng, những nhà nho lâu năm cũng không theo kịp.
Lỗ Túc sau khi thay Chu Du nắm giữ quân Ngô, trên đường ngang qua nơi đóng quân của Lữ Mông có ghé lại dừng chân. Lữ Mông bày rượu khoản đãi. Lỗ Túc lúc ấy vẫn ấn tượng rằng Lữ Mông là kẻ hữu dũng vô mưu, nhưng trong tiệc rượu, hai người thoải mái luận bàn việc thiên hạ mới biết được kiến thức sâu rộng của Lữ Mông, khiến Lỗ Túc vô cùng kinh ngạc.
Đọc sử khiến người minh trí. Đường Thái Tông từng nói: “Lấy đồng làm gương, có thể chỉnh sửa mũ áo; lấy lịch sử làm gương, có thể biết được hưng thịnh và suy bại; lấy người khác làm gương có thể rõ cái được mất”.
Tư tưởng và tình cảm của con người đều theo nguyên tắc: cái gì tiến nhập vào trước thì sẽ trở thành chủ, một khi hình thành quan niệm rồi sẽ rất khó cải biến. Nếu một người luôn dùng ánh mắt của quá khứ đi nhìn người khác, thì sẽ không tránh được những phán đoán sai lầm. Năm tháng qua đi, tư tưởng mỗi người đều thường xuyên biến đổi. Vì vậy để có thể phán đoán một cách chính xác thì không thể để quan niệm cũ trói buộc.
Nhà tâm lý học Carol Dweck nhận định: "Nhân sinh quan tác động lên cách sống của bạn. Nó sẽ định hình con người bạn muốn trở thành và những giá trị bạn đem lại". Định kiến đôi khi chiếm lĩnh và điều khiển luôn cả cảm xúc và ý thức, ta thường cảm thấy không lối thoát khỏi những tình huống tiêu cực, mặc dù cơ hội thay đổi đang hiện diện trước mặt. Những thành kiến yếu đuối luôn được định hình bằng những kinh nghiệm, sự kiện và trí nhớ.
Để giảm bớt tác hại của định kiến, ta phải hết sức cảnh giác với những kiến thức, kinh nghiệm của chính mình, đồng thời phải nhận thức được sự vận động liên tục của vạn vật: cái gì cũng có thể tốt lên hoặc xấu đi. Do vậy, ngày mai - vì giờ chiều rồi - hãy thử bắt đầu một ngày mới không định kiến, nhưng kiêu hãnh! 😂
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất