Tự dưng hôm nay tôi hâm mộ những nhóc học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường khi nói về ước mơ, khi nói về người mà chúng muốn trở thành. "Cháu muốn thành bác sĩ, để cứu người", "Cháu muốn thành công an để bảo vệ trật tự xã hội", "Cháu muốn thành giáo viên ...", ... Khi nghe những câu như vậy tôi cảm thấy thật hổ thẹn khi nhiều khi tôi chẳng biết tôi là ai, và tôi muốn làm gì, hay tôi muốn trở thành người như thế nào. 

(Nguồn ảnh Ybox)
    Thời còn nhỏ, khi xem robocon tôi nghĩ lớn lên tôi sẽ chế tạo robot. Còn nhớ lần đầu tiên tôi xem robocon là Việt Nam tổ chức với chủ đề liên quan đến Vịnh Hạ Long, lớn lên một tý khi tôi được tiếp xúc với máy tính tôi nghĩ tôi sẽ trở thành một lập trình viên, và tôi vẫn giữ suy nghĩ đó cho đến năm cuối Đại học. Hiện nay vẫn là năm cuối Đại học nhưng tôi đã không còn chắc là tôi có thể (có muốn) trở thành lập trình viên nữa không. Thứ mà tôi đang vướng phải là kiểu như gọi là "khủng hoảng mục tiêu kép" , có nghĩa là tôi quá tham lam, như vẫn muốn làm lập trình viên dù năng lực không giỏi, năng lực không giỏi nhưng vẫn muốn thu nhập ổn định thậm chí là thu nhập cao, muốn vượt trội nhưng lại sợ không dám thử cái khác hay thậm chí là sự mù mờ về định hướng của bản thân.
    Mấy tháng gần đây có nhiều việc xảy ra, có những việc là một dư âm của những thứ từ thời cấp ba, có những việc đột ngột xảy ra, nhiều hôm tôi nằm trên giường và tự đặt cho bản thân "Mình muốn trở thành người như thế nào?" và đáng hổ thẹn thay, trong mấy tháng này tôi vẫn chưa có câu trả lời cho chính mình.  "Làm hay không làm?", "từ bỏ hay tiếp tục", "nói ra hay im lặng", "chạy trốn hay đối mặt", "giả vờ cho qua chuyện hay cố tìm cách giải quyết" suy cho cùng đều là sự đấu tranh giữa cái tôi của bản thân, giữa cái tôi an toàn và cái tôi mong cầu sự thỏa mãn. Mà thậm chí cái "tôi mong cầu sự thỏa mãn" đó đơn giản chỉ là sự ích kỷ của bản thân, không chú ý cảm nhận đến cảm giác của người xung quanh. Có một giai đoạn tôi toàn làm theo ý mình, nói chung kiểu là tôi muốn gì thì làm nấy, thấy nó không sai là tôi làm thậm chí nó sai nhưng vì muốn làm thử nên tôi vẫn làm , nhưng rồi sự vớ vẩn ấy lại tổn thương người khác, đến lúc đó tôi mới chợt nhận ra rằng "thỏa mãn ước muốn của bản thân thì được nhưng đừng để sự ích kỷ của bản thân làm ảnh hưởng đến người khác". Người mà tôi tổn thương lại là người tôi cực kỳ quý trọng, đánh đổi một mối quan hệ cho một bài học. Tôi thực sự thấy rất đắt giá. Điều đáng sợ nhất khi làm gì đó sai không phải là lúc mình nhận ra mình sai, mà là cảm giác dằn vặt và suy nghĩ mãi về nó, về những thứ mà mình đã đánh mất và cũng như không có cơ hội làm lại.
   Sau một vài chuyện như vậy, tôi mới biết rằng "hình mẫu lý tưởng bản thân muốn trở thành sẽ phải chịu sự tác động và chi phối của môi trường sống, các mối quan hệ". Và đó là khởi nguyên của sự khủng hoảng mục tiêu kép, thực ra nói mục tiêu kép cho nó "sang mồm" chứ đơn giản cũng như cấp 3 "học lệch" hay "học đều" mà thôi. Thực ra không phải là không biết ta muốn trở thành người như thế nào, không phải là không biết mục tiêu tương lai là như thế nào. Mà là sợ đối diện, sợ đánh mất, sợ cảm giác không an toàn và hơn hết, sợ cái giá phải trả. Nhiều khi không sợ cái mình phải chịu đựng mà sợ cái mình làm nhưng bắt người khác phải chịu đựng, gia đình, bạn bè,... Nên thành ra khi càng lớn (lớn hơn so với cấp học sinh) thì lại càng khó. Bởi thế nhiều khi chúng ta chấp nhận không mạo hiểm, nhẹ nhàng qua ngày. Không có đúng hay sai gì về cách lựa chọn, cách sống. Chỉ có chúng ta có thỏa mãn với điều đó không, hay vẫn dằn vặt vì đã không làm, vì đã không dám làm. Và đôi khi ước rằng, giá như mình dám sai. Đấy là tôi suy nghĩ như thế, chứ thực ra cũng không dám quy chụp là chúng ta.
    Tôi là con người ưa thích chủ nghĩa an toàn. Nhưng khi vỏ trứng quá dày thì chú gà con không thể tự phá vỏ quả trứng mà bước ra thế giới, chú gà con vẫn mãi mãi trong quả trứng ngột ngạt nhưng an toàn đó, cho đến khi không thể tiếp tục tồn tại. Mỗi lần tôi không biết làm gì, tôi thường hay viết những lời vu vơ, viết không vì gì cả, chỉ là để lòng mình nhẹ hơn.
    Mượn lời của Đen Vâu: " ... Ta rồi sẽ là ai, một câu hỏi nhỏ trong đầu ..."