Không uống ai đổ vào mồm, và tại sao điện thoại còn tệ hơn cả cồn
Chuyện là đợt rồi mình có tham gia một vài bữa nhậu, đám cỗ. Và điều làm mình lăn tăn nhất khi tham gia những cuộc vui kiểu này đó...
Không uống ai đổ vào mồm
Chuyện là đợt rồi mình có tham gia một vài bữa nhậu, đám cỗ. Và điều làm mình lăn tăn nhất khi tham gia những cuộc vui kiểu này đó chính là: rượu bia.Mình (gần như) không uống rượu bia. Thường thì chỉ khi đi ăn cưới mà chú rể / cô dâu mời thì mình sẽ uống 1-2 ly với họ, còn lại thì cứ cầm lên đặt xuống, hoặc uống nước lọc ngay từ đầu.Lúc đầu, những người xung quanh vẫn nghĩ là mình sẽ uống (như bao người khác), sau khi mình từ chối đủ nhiều, họ sẽ bảo "uống đi, nay có làm gì đâu, đằng nào chẳng đi ngủ". Hiện tại, nếu ai đó đã biết mình và muốn mời mình uống, sẽ hỏi: "Uống được không?".Dần dần, những cuộc vui mà mình tham gia, mọi người thường sẽ tự mặc định trong đầu là "thằng này không uống".
Tất nhiên vì đa số các mối quan hệ của mình đều là những người khá cởi mở, họ tôn trọng lựa chọn của mình. Nhưng cũng không thể tránh khỏi những người có xu hướng "ép rượu". Những lúc như vậy thì mình thường đánh bài chuồn, rồi sau đó cũng hạn chế gặp họ luôn.
Dù thường đứng một bên trong các cuộc nhậu, mình cũng quan sát và thấy tình trạng "ép rượu" vẫn khá phổ biến. Ép rượu không nhất thiết phải là việc trực tiếp dùng những câu nhắm vào đối phương như "uống đê", "sao chưa hết thế kia", "uống nước lọc thì đi về", "chú không uống là không nể anh" ... Nó có thể đến từ những hành động ít trực diện hơn như: cô lập người không uống, mỉa mai gián tiếp,... Cực đoan hơn, có những người chỉ bàn chuyện công việc, hay những chuyện nghiêm túc cần đến sự tỉnh táo và lý trí, trên bàn nhậu.
Mấy chị vợ hay bà mẹ cũng hay nói với chồng/con của mình: "Anh/mày không uống thì ai đổ vào mồm". Thì đúng là không ai đổ vào mồm, nhưng những áp lực vô hình luôn thôi thúc các "đấng mày râu" tự đổ thứ chất lỏng mà ai cũng biết là không tốt đó vào miệng mình.
Tại sao điện thoại còn tệ hơn cả cồn
Tác hại của rượu bia và áp lực từ việc ép uổng nhau "đổ vào mồm" thì có lẽ mọi người đã quá rõ. Nhưng, có một thứ cũng có tác hại và áp lực còn lớn hơn, được chúng ta sử dụng còn nhiều hơn gấp nhiều lần, đó chính là chiếc điện thoại của mình. Cụ thể hơn, trong khuôn khổ bài viết này, mình muốn đề cập đến các ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội.
Với các bạn trẻ, đó có thể là Threads, Instagram, Messenger, Tiktok. Với những người đã đi làm, danh sách có thêm Zoom, Teams, Slack, Google Calender, và cả Zalo?
Trước đây, mình luôn cố gắng để trả lời tin nhắn của người khác một cách nhanh nhất có thể, dù có là tin nhắn công việc qua Slack, hay tin nhắn của bạn bè qua Messenger, Zalo, thì mình cũng sẽ trả lời ngay khi nhìn thấy. Mình tin rằng việc giao tiếp ít độ trễ sẽ khiến công việc trôi chảy hơn, hoặc các mối quan hệ cũng sẽ được cải thiện.
Mình đã nhầm. Dù có cố gắng thế nào đi nữa, mình cũng không thể trả lời tất cả các tin nhắn, chưa nói đến việc trả lời nhanh. Việc cố gắng xoay mòng mòng giữa các ứng dụng, các tin nhắn về các chủ đề khác nhau khiến mình không còn thời gian để nghĩ xem thật sự mình muốn nhắn gì, đôi khi sau một ngày nhìn lại, tự hỏi mình đã nhắn với ai, về cái gì mà hết một ngày.
Mình từng thấy những người vừa đi đường vừa nhắn tin, mình không hiểu có một tác động nào đó khiến cho họ trở nên như vậy, ai ép họ phải trả lời trong khi đang tham gia giao thông, bắt họ đánh đổi sự an toàn của bản thân.
Mình cũng không thể hiểu được việc một số công ty dùng Zalo để trao đổi công việc. Nó khiến cho ranh giới giữa công việc và đời sống cá nhân bị mờ đi. Và việc nửa đêm vẫn nhận được tin nhắn công việc trở nên bình thường. "Chị cứ gửi, khi nào em có thời gian thì check".
Một người bạn của mình kể rằng, đã có lần sau khi tan làm, bạn đi xe bus về trọ, ngay khi chuẩn bị về đến nơi thì nhận được email 'gấp' của sếp, và rồi bạn phải bắt xe ngược trở lại công ty để giải quyết công việc.
Nhưng tại sao việc trả lời ngay lập tức lại trở nên quan trọng như vậy? Liệu có ai đã ép chúng ta phải làm như thế ngay từ đầu?
Hóa ra là có 'người' đã 'ép' mình thật. Những tính năng như
Seen
, Last Active
, và Typing Bubble
tạo ra áp lực không cần thiết, khiến người dùng cảm thấy phải trả lời ngay để giữ mối quan hệ và tránh hiểu lầm. Nỗi sợ bỏ lỡ (FOMO) và kỳ vọng phản hồi nhanh chóng đã trở thành một 'chuẩn mực ngầm' trong giao tiếp hiện đại."Sao đã đọc tin nhắn rồi mà không trả lời?""Sao tin nhắn gửi một tiếng trước, em online 10 phút trước mà không trả lời?""Sao thấy typing cái gì rõ lâu mà xong lại nhắn một tin cụt lủn?"
Slack có một tính năng rất toxic (mà thú thật là mình cũng từng dùng), đó là "notify anyway", tức là ngay cả khi đối phương đã tắt thông báo thì mình vẫn sẽ gửi thông báo đến họ. WHAT?Kiểu như họ đã nói là không uống rồi nhưng vẫn rót và bảo rằng "cầm lên uống đi".
Mục đích của tất cả những tính năng này là gì? Tại sao tôi lại cần phải biết ai đó hoạt động 13 phút trước? Tại sao tôi phải biết là người đó đã soạn một tin nhắn gì đó trong bao lâu, rồi lại biến mất mà không trả lời?
Và rồi mình nhận ra:
Việc chiếc meme của mình đã được người ta
seen
mà không react sẽ khiến mình bị "quê".Việc người ta đăng story trong khi không trả lời tin nhắn của mình sẽ khiến mình cảm thấy khó chịu, cảm thấy mình không được coi trọng.Việc biết ai đó đang soạn tin là cách mà ứng dụng nói với bạn "hey, chuẩn bị có tin nhắn mới nè, đừng tắt máy vội".Dần dà, chúng ta trở nên quen thuộc, và đòi hỏi việc tin nhắn cần được trả lời gần như ngay lập tức.
Cảm giác bị thúc ép phải online, phải trả lời tin nhắn còn kinh khủng hơn cảm giác khi bị ép rượu. Tệ hơn nữa: chúng ta chấp nhận việc đó. Sự thúc ép này len lỏi vào tất cả khoảnh khắc trong cuộc sống: kể cả với những người nghiện nhậu (hoặc bị ép phải tham gia nhiều cuộc nhậu), thì tần suất sử dụng rượu bia của họ cũng khó mà nhiều bằng tần suất sử dụng điện thoại, để nhắn tin, để 'lướt' được.
Việc các ứng dụng liên tục cho ra các tính năng để thúc ép chúng ta dành nhiều thời gian hơn nhắn tin với nhau, hơn là tương tác trực tiếp. Thói quen lướt điện thoại làm cho mọi khoảnh khắc đời sống đều bị ngắt quãng, kể cả những lúc chúng ta đang cần kết nối thực sự với những người xung quanh. Đang ăn cơm với gia đình, có điện thoại reo, check. Đang ngồi nói chuyện với bạn bè, có tin nhắn mới, check. Đang ngồi làm việc mà vợ gửi ảnh con ở nhà (không phải ốm đau gì mà chỉ là ảnh bình thường), check.
Trong cuốn sách The Anxious Generation, có một đoạn như sau:“When a conversation partner pulls out a phone, or when a phone is merely visible, (not even your own phone), the quality and intimacy of a social interaction is reduced,” - tạm dịch: Khi người đối diện lấy điện thoại ra, hoặc đơn giản là khi điện thoại xuất hiện trong tầm nhìn (thậm chí còn chẳng phải điện thoại của bạn), chất lượng và mức độ thân mật của tương tác xã hội sẽ giảm đi.
Nếu như mọi người hay nói: "chú không uống là không nể anh" (spoiler: ai nói câu này với mình thì thật sự là họ đã nói đúng), thì quan điểm của mình là, "bạn đang ngồi nói chuyện với tôi mà lại lôi điện thoại ra lướt Facebook, Tiktok là không nể tôi rồi".
Giải pháp duy nhất cho vấn đề này, theo mình, đó là xóa, tắt thông báo, trạng thái của tất cả các ứng dụng nhắn tin (hoặc càng nhiều càng tốt).
Mình có vài người đồng nghiệp, thường xuyên tắt trạng thái hoạt động trên Slack, tin nhắn cũng không trả lời ngay lập tức (đôi khi còn để sang ngày hôm sau), nhưng luôn hoàn thành công việc ở mức ổn cho đến tốt.Ban đầu thì mình cũng không hài lòng lắm, vì luôn phải chờ đợi để được trả lời. Nhưng rồi cũng quen, mình biết rằng họ không trả lời, và mình cũng chẳng có nhu cầu đợi một lúc cho họ trả lời để tiếp tục cuộc trò chuyện. Mình đơn giản là nhắn tất cả những gì cần trao đổi, đề xuất một vài phương án khả dĩ, rồi cũng tắt luôn Slack.
Với các tin nhắn đến, mình cũng không vội mà check ngay, vì rất có thể, vấn đề sẽ được giải quyết ngay cả khi không có mình. Ví dụ họ tag một nhóm người, hoặc những tin nhắn FYI (for your information, dạng tin nhắn cung cấp thông tin mà không yêu cầu hành động ngay lập tức). Nếu việc nào thật sự cần được mình giải quyết thì nó sẽ có đường tìm đến mình mà thôi.
Không trả lời ngay không phải là không tôn trọng, mà là đang có nhiều vấn đề khác quan trọng hơn, là cần thời gian suy nghĩ kỹ trước khi trả lời.
Và, tin mình đi, họ cũng sẽ quen thôi, chẳng ai đánh giá một người tệ vì họ "rep chậm". Nếu có ai đó như thế thật thì bạn nên "đánh bài chuồn, rồi sau đó cũng hạn chế gặp họ luôn."
Ngược lại, khi quen với việc ít online và trả lời tin nhắn ngay lập tức, bạn cũng sẽ có cái nhìn thoải mái hơn về việc người khác không trả lời tin nhắn của mình, rằng họ cũng đang cần thời gian suy nghĩ, để inactive facebook nhưng active trong thế giới thật. Bạn không còn thấy thật tệ với một tin nhắn được seen, hay về cái bong bóng chat xuất hiện rồi lại biến mất. Hãy tôn trọng người khác và cho họ thời gian, không gian họ cần trước khi có thể trả lời chúng ta.
Giờ, bỏ cái điện thoại xuống, hay bạn không nể tôi?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất