Khoảng 1-2 năm gần đây, tôi nhận thấy một xu hướng đáng ngại là số lượng học sinh, sinh viên không thể viết đúng chính tả Tiếng Việt và Tiếng Anh ngày càng tăng.
Mới hôm qua, tôi dạy một lớp viết luận Tiếng Anh cho các bạn cấp 2, cấp 3. Tôi phải ngừng chấm bài của một học sinh lớp 8 vì không thể hiểu em viết gì. Em viết tràn ra hết trang giấy, không chừa lề, các hàng thì sít vào nhau không có chỗ cho giáo viên ghi chú nhận xét. Chỉ trong một từ mà có chữ cái quá to, chữ cái quá nhỏ, xiên xẹo lên xuống không theo 1 trật tự nào. Rất nhiều chữ sai chính tả, thừa thiếu nét một cách vô lý (ví dụ: in conclusion viết thành i concluson).
Không chỉ một mình học sinh này mà có tới vài ba bạn khác tầm lớn hơn cũng mắc lỗi y như vậy. Phải đọc và chấm những bài viết của các em thực sự khiến tôi thấy khó chịu. Đương nhiên tôi phải nén cảm xúc đó để nhắc nhở các em nhẹ nhàng và yêu cầu viết lại để cô chấm.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra khi tôi dạy Kỹ năng mềm bằng Tiếng Việt cho sinh viên. Có thể do sinh viên tôi dạy học ngành IT, các em đa phần dùng máy tính nên không cần viết bằng tay ra giấy nhiều nữa nên mất dần khả năng đánh vần tiếng Việt. Khi tôi gọi các em lên bảng làm hoạt động, rất nhiều em đánh vần sai những từ rất cơ bản như "trách nhiệm" viết thành "trách nghiệm".
Kể cả cháu gái tôi năm nay học lớp 2. Thỉnh thoảng sang chơi nhìn vào vở tập viết của cháu tôi cũng sững sờ. Không biết cháu học trên lớp như thế nào mà chữ viết không có lề lối, chữ to chữ nhỏ, nét cao nét thấp lung tung cả. Cháu viết láu và không đủ kiên nhẫn để viết được 1 dòng nắn nót tử tế. Tôi than phiền với chị gái tôi rằng việc này cần được chú ý hơn. Chưa biết cháu học kiến thức hay kỹ năng gì, nhưng chữ viết như vậy là không ổn, thậm chí là không chấp nhận được.
Có thể nhiều bạn cho rằng tôi quá khó tính hoặc quá lỗi thời. Bây giờ thời đại 4.0, người người nhà nhà đánh máy và dùng autocorrect, ai còn viết trên giấy hay soi xét chữ viết tay nữa. Cứ cho tôi là một người hoài cổ gàn dở đi, nhưng bản thân là giáo viên, tôi vẫn rất trăn trở về việc rèn luyện từng nét chữ cho học sinh dù nhỏ hay lớn.
Lý do thứ nhất, nếu câu "nét chữ nết người" vẫn còn đúng trong thời đại này, thì nét chữ của cháu tôi và những học sinh tôi dạy thể hiện rất rõ sự cẩu thả và vô trách nhiệm với những gì mình làm ra. Dù là tiếng Việt hay tiếng Anh, việc viết ra, thể hiện nó thành một văn bản tức là các em đang tạo ra một sản phẩm, một dấu ấn của chính mình.
Nếu việc cơ bản như viết chữ mà cũng không để tâm vào đó, mặc kệ thế nào cũng được, thiếu chỉn chu như vậy; thử hỏi sau này lớn các em làm những công việc to lớn hơn và đòi hỏi sự tỉ mỉ cẩn trọng cao hơn, các em sẽ làm như thế nào.
Cá nhân tôi có một niềm tin rằng phải rèn luyện sự nghiêm túc và cẩn thận từ những việc nhỏ nhặt ngay từ bé như vậy thì lớn lên học sinh mới có thái độ tương tự với những việc và sản phẩm các em tạo ra.
Và quan trọng hơn thế, ngoài tính cách cẩu thả, những chữ viết sai chính tả tùm lum của các em còn thể hiện một điều nguy hiểm hơn - sự thiếu suy xét và tôn trọng với người khác.
Tôi có quá lời khi nói vậy không? Xét trường hợp tôi là giáo viên nhận chấm bài cho những bạn viết chữ xấu này. Tôi phải cố căng mắt ra dịch từng chữ em viết. Rồi tôi mất công ngồi sửa từng lỗi chính tả 1 cách không cần thiết trong khi nên dành thời gian sửa những thứ quan trọng hơn như dàn ý, logic và cách triển khai bài, vv... (Giờ tôi thông minh hơn hồi mới đi dạy, đó là nếu thấy quá 3 lỗi chính tả tự động bắt viết lại bài).
Thêm vào đó, khi muốn nhận xét cho các em, tôi không tìm được chỗ để viết vào vì các em còn không chừa lề hay cách dòng đủ khoảng cách để tôi sửa. Nếu muốn nhận xét, tôi phải cố đút nhét phần nhận xét vào những khoảng giấy rất hẹp còn sót lại hoặc gọi từng em lên nhận xét trực tiếp. Trong khi lớp đông tới 30 em thì thời gian 1 buổi học không cho phép làm vậy.
Tôi lấy ví dụ đó để cho bạn thấy rằng việc học sinh viết chữ xấu để lại cho người đằng sau, những người phải làm việc với sản phẩm các em rất nhiều phiền phức. Họ sẽ mất không ít công, sức và thời gian để chạy theo sửa lại những lỗi sai mà các em vì "vô ý" đã gây ra.
Sự vô ý và bất cẩn của một đứa trẻ có thể không phải là vấn đề to tát. Nhưng sự vô ý bất cẩn của một người trưởng thành trong công việc có thể để lại những hậu quả khôn lường. Tôi luôn ủng hộ các tập đoàn công ty lớn có chính sách tuyển nhân viên khắt khe và coi trọng từng chi tiết. Ví dụ câu chuyện một ứng viên bị loại chỉ vì CV viết sai 1 lỗi chính tả.
Đó là những bài học nhãn tiền cho người trẻ thấy sự quan trọng của những chi tiết dù là nhỏ nhặt nhất. Và đó cũng là điều mà chúng ta, đặc biệt người làm giáo dục, cần hết sức lưu ý.
Với tôi, việc giáo dục trẻ em chính là nằm ở những chỗ này. Không phải cứ dạy các kỹ năng hay kiến thức cao siêu là tốt. Giáo dục cần xuất phát từ rèn luyện sự chỉn chu cẩn thận và tinh thần trách nhiệm với từng việc nhỏ nhất mình làm, bắt đầu từ việc viết ra những con chữ đủ nét, đúng chính tả, dễ đọc dễ nhìn, không gây khó khăn cho người khác khi đọc tới.
Đương nhiên, tôi không trách những đứa trẻ. Đây có thể là một vấn đề mang tính hệ thống. Trong thời đại công nghệ, khi các em quen đánh máy trên di động và máy tính nhiều hơn viết tay, việc kỹ năng này bị hao hụt là chuyện dễ hiểu. Thêm vào đó, nhiều giáo viên cũng ít chú trọng việc rèn chữ cho các em vì cảm thấy việc này không còn hợp thời hay cần thiết (???) cũng có thể là một nguyên nhân.
Tôi không hô hào việc bỏ máy tính để quay lại viết tay bằng giấy. Nhưng tôi mong ít nhất thế hệ trẻ có thể lưu giữ được 1 khả năng tối thiểu là viết đúng chính tả bằng tay trong số ít tình huống cuộc sống cần tới kỹ năng này (ví dụ viết thiệp mừng, viết ghi chú note cho đồng nghiệp, viết nhật ký journal, vv...). Và điều này cần có sự lưu tâm của các thầy cô giáo và những bậc phụ huynh.
Không nhất thiết chữ phải đẹp hay văn hoa, nhưng hãy viết sao cho đủ nét, đủ chữ, dễ đọc và dễ hiểu. Hãy viết với sự cẩn thận cần có và suy nghĩ cho những người khác phải đọc và làm việc với chữ viết của mình. Hãy bắt đầu từ chữ viết của mình, và giữ tinh thần trách nhiệm cơ bản ấy với những việc khác mình làm. Đó là thông điệp tôi rất mong muốn gửi gắm đến không chỉ học sinh của mình mà cả các bạn trẻ và bậc cha mẹ khác nếu có đọc được bài viết này.
Xin cảm ơn và chúc các bạn một mùa Trung Thu an lành ~
Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet