1. Năm mình 5 tuổi thì chú út mình 22 tuổi. Ở cái tuổi mà thanh niên nào cũng ráng gồng để tập làm người lớn, thì chú nhà mình lại không. Hình như tâm hồn chú cứ mãi như đứa con nít không chịu lớn nhưng lỡ nằm trong hình hài ông chú rồi nên trông cứ như đứa trẻ to xác vậy đó. 
Nhà lúc ấy có ba bốn đứa cháu gái mà chú mình cứ hay ra hàng rào bắt sâu dọa. Tụi mình chạy quýnh quáng la khóc ỏm tỏi còn ổng thì cười haha coi bộ vui lắm. Ba mình thấy vậy la suốt: “Ăn rồi lớn đầu còn đi chọc cháu cho nó khóc!”. 
Mình vẫn nhớ hồi lớp Một ba má mình đi làm hết, chú đèo mình với đứa em họ hơn mình 1 tuổi đi học. Mỗi lần chú tới đón thì tụi mình sẽ được ăn kem, ăn snack với mấy cái bánh đường mình siêu mê luôn. Trời nắng chang chang mà được ăn cây kem mát lạnh thiệt là đã gì đâu. Nhưng mà phải ăn lẹ lau miệng sạch sẽ chứ về nhà má thấy sẽ bị la vì cứ kêu chú thèm cái này cái kia suốt.
<i>Mình có ông chú trẻ con. Ảnh: Pinterest</i>
Mình có ông chú trẻ con. Ảnh: Pinterest
2. Chú út mình sinh ra thì đã không biết mặt ông nội, cũng không còn cái cảnh khó khăn như trước. Lúc ấy chiến tranh cũng hạ nhiệt nên có thể nói chú lớn lên trong bình yên ở vùng quê nghèo nhà tranh vách đất.
Năm nào đó, chú có dẫn về một cô, thấy bảo bàn chuyện cưới xin rồi, nhưng sao đến phút cuối cô ấy trả lễ và không chịu cưới nữa. Mình không biết chú mình có buồn không, mình cũng không biết vì có lẽ mình còn quá nhỏ để hiểu được tâm sự của người lớn. Nhưng mà chuyện như thế ai mà không xót cơ chứ. 
Rồi bẵng đi một thời gian dài mình không thấy chú đâu, chú đi biền biệt, lâu đến nỗi mình quên rằng mình có một người chú lúc nào cũng tỉnh bơ, lúc nào cũng cười nói haha. Thỉnh thoảng một năm chú về 2-3 lần, người gầy gò đen thui đen thủi, tóc thì dài quá cổ. Lần nào chú về cũng với bộ dạng bụi bặm đen thui ấy, cứ như nơi chú sống là sa mạc thiếu thốn đủ thứ vậy. 
Nghe bảo chú đi làm hồ ở Sài Gòn. Mỗi lần đi cứ như biệt tích, lâu lâu ở nhà gửi thư vào hoặc chú đánh thư về, mỗi lần là đôi giấy trắng viết kín gần hết 4 mặt chủ yếu hỏi thăm mọi người với kể tình hình của chú. Mỗi lần về, chú mang về biết bao nhiêu là kẹo bánh, chú gọi mấy đứa nhỏ đang chơi quẩn quanh vào và cho mỗi đứa vài chục ngàn. Vài chục hồi đó với tụi mình lớn lắm, cứ như tiền trăm bây giờ vậy á. Đứa nào cũng sướng rơn, đứa nào cũng mừng chú về hết. 
Chú về vài ngày luẩn quẩn với tụi nhỏ ít hôm, thăm nội thăm nhà, đi chơi đây đó rồi chú lại vác balo lên xe đò đi vào lại trong nam. Hồi đó nhà mình có ai xách balo đi là mọi người lại rơm rớm nước mắt. Vì mỗi lần đi lâu lắc lâu lơ mới về, điện thoại thì không ai có, chẳng biết tin tức con cháu như thế nào. Thế nên trước lúc lên xe nhà mình đều mở tiệc ăn uống đã đời rồi mới đi. Mà mỗi bước chân nặng nề làm sao khi để lại những ánh mắt dõi theo mong ngóng sau lưng, chẳng dám ngoái đầu vì sợ nước mắt rơi…
Mình không biết công việc của chú có cực nhọc không, nhưng sao nhìn bộ dạng chú gầy gò, gương mặt đã hằn lên nét lam lũ chứ không còn là ông chú bắt sâu dọa trẻ con mà mình biết. Phải chăng vòng xoáy cuộc đời đã biến một người chú ham chơi trở nên lo lắng hơn cho tương lai?
<i>Vòng xoáy cuộc đã đưa chú mình đi đâu? Ảnh: Pinterest</i>
Vòng xoáy cuộc đã đưa chú mình đi đâu? Ảnh: Pinterest
3. Chú út mình bắt kịp công nghệ lắm. Lần đầu tiên mình nhìn thấy cái điện thoại di động bỏ túi, lần đầu tiên mình biết cái cục sạc điện thoại gỡ pin ra rồi bỏ vào cái sạc. Chú còn có một cái máy cassette màu đen để nhét mấy cái băng đĩa vào. Sau này chú cũng đầu tư bộ đầu đĩa DVD mà mỗi lần về lại mở mấy bản nhạc Mạnh Quỳnh Phi Nhung mình nghe muốn thuộc luôn. 
Có đợt chú khoe cái đĩa nhạc “Sầu tím thiệp hồng” với tụi mình. Chú thích bản đó lắm. Mà lúc ấy mình không biết, lỡ tay cầm mạnh vào giữa cái đĩa nên nó bị hư, không mở được. Chú cũng không trách mình nhưng mà cứ buồn thiu, tiếc mãi. Mình cũng không biết phải làm sao, thấy áy náy trong lòng vô cùng.  
4. Chú mình còn trẻ con lắm, nên đã gặp biết bao nhiêu chuyện dở khóc dở cười. Năm nào đó chú với ba mình đi lên núi rà sắt. Đến một đoạn chú cầm cục gì lên hỏi ba mình đây là thứ gì vậy. Ba giật mình kêu bom bi đó trời ơi. Chú cũng hốt hoảng vội quăng trái bom đi. Mà quăng đi đâu không quăng lại quăng về phía ba mình. Ơi là trời may là trái bom nó thúi rồi chứ còn thuốc thì toi đời mấy anh em. Cũng may là ba mình thời trẻ có đi lính nên biết nó là bom, chứ không chắc chú đã bỏ vào balo mang về bán rồi cũng nên. 
Chú mình trẻ con lắm, toàn hỏi mấy câu ngốc nghếch mắc cười dễ sợ. Chú mình trẻ con thật, nhưng khi gặp chuyện, chú mình cứ như một người khác. Mấy năm trước, chú mình có nói gì đó khiến ba bực mình bỏ về. Thế là ngay tối đó chú xuống xin lỗi ba mình rồi làm hòa liền. Tụi mình cũng vui lắm. Đâu ai muốn anh em trong nhà bất hòa đâu cơ chứ. Mà công nhận là khi gặp chuyện gì đó, chú cư xử ra dáng người lớn lắm, giải quyết mọi chuyện đâu ra đó, thưa gửi người lớn đàng hoàng. Đôi khi mình thấy trong chú như có hai tính cách, một cho cuộc sống thường ngày và một khi gặp vấn đề cần giải quyết. 
Chú mình có cái tính hay lo chuyện bao đồng nên ở nhà có chuyện gì mà đến tai chú là cả nhà ai cũng biết. Thế nên là có chuyện gì bí mật thì đừng nên để chú biết. Haha. Chú cũng hay quan tâm đến chuyện của tụi mình lắm, lo lắng như chính chuyện của chú vậy. Nhưng mà hồi tuổi nổi loạn, mình cứ hay cáu gắt với chú, thấy chú phiền, nhiều khi còn tránh gặp mặt hay thậm chí là không nói chuyện với chú. Nhưng mà mình biết, chú lúc nào cũng mong tụi mình vui vẻ hạnh phúc hết. Nên nếu chú lỡ nói gì khiến ai đó buồn thì chú cũng tự dằn vặt lắm. Mình biết. 
Nhưng sao mình không thấy chú đi kể mấy chuyện của chú nhỉ? Có đôi lúc nhắc lại, chú cũng cứ cười nói tỉnh bơ vậy đó. Nhưng mình thấy trong câu nói của chú có đượm chút buồn. 
5. Nhà chú cũng khó khăn lắm, làm hôm nào ăn hết hôm đó, lại còng lưng nuôi thêm 3 đứa nhỏ tiền ăn tiền học tiền nọ tiền kia. Mấy năm trước, thím mình siêu âm bảo thai đôi, thím chảy nước mắt bảo nhà nghèo quá mà giờ thêm hai đứa nữa không biết phải làm sao. Nội mình thì nước mắt ngắn dài, cũng mong trời sinh voi sinh cỏ. Nội tính đứa đầu là con trai rồi nên đứa sau sinh đôi một trai một gái thì giữ lại gái thôi, còn đứa con trai thì ai có nuôi thì cho. Nghĩ đến mà rớt nước mắt. Đâu ai muốn bỏ con mình cho người khác đâu cơ chứ, nhưng nghèo quá cũng không nuôi nổi. Thằng anh hai lúc ấy cũng 4 tuổi rồi, nó thương em nên đâu chịu để ai bắt em nó đem đi. Nó xin mẹ giữ lại đứa em để chơi với nó. Nó nói mấy câu ngây thơ khiến ai cũng chảy nước mắt. Nên là mọi người quyết định giữ thằng bé lại. 
<i>Ông chú mình, rồi cũng học cách làm người lớn. Ảnh: Pinterest</i>
Ông chú mình, rồi cũng học cách làm người lớn. Ảnh: Pinterest
6. Giờ chú út mình cũng lên hàng tứ tuần rồi, mình có thể thấy rõ những vết chân chim trên khóe mắt khi chú cười, cả những sợi tóc bạc chú hay sai tụi nhóc nhổ mỗi xế chiều. Chú giờ đã là trụ cột của gia đình với 3 đứa nhỏ rồi, nhưng mà chú vẫn còn trẻ con lắm. Đúng là con nít mang hình hài người lớn!
Lúc viết bài này, mình khóc nhiều lắm. Khóc vì mình có một người chú thật giàu tình cảm như vậy. Khóc vì những gì chú đã trải qua, một mình. Mình khóc vì mình đã đối xử với chú tệ quá. Mình khóc vì mình thương chú nhiều hơn mình tưởng. 
Chuyện của chú kể mãi không hết. Đúng là nhìn bên ngoài thấy cuộc đời ai cũng bình thường, cũng nhàn nhạt. Thế nhưng đi sâu vào từng câu chuyện mới biết, cuộc sống cũng giống như khi ta lột vỏ hành vậy, càng lột lại càng khám phá ra nhiều điều mới, nhưng càng lột lại càng thấy cay mắt vì câu chuyện mà nó chứa đựng. Cuộc đời ai cũng nhiều ý nghĩa và nhiều bài học hết. Thế nên trân trọng từng giây phút và cả những câu chuyện đã qua để ta sống tốt hơn ở bây giờ và tương lai.
Tái bút: Mình thích kể mấy câu chuyện nho nhỏ xoay quanh cuộc sống của mình như thế này nè. Vì khi kể ra, mình hiểu hơn về người khác và hiểu hơn về bản thân mình. Có lẽ đó cũng là nguồn gốc của việc viết để chữa lành. Có lẽ chỉ cần để mọi thứ được rõ ràng, lòng mình cũng nương theo đó mà tỏ tường theo. Biết ơn vì mình đã có những trải nghiệm thật sự cảm xúc. Biết ơn vì mình có những người luôn yêu thương và quan tâm mình rất nhiều. Biết ơn vì mình đủ đầy! 
Lê Diễm Diễm