Qoeo qoeo, nói ngắn gọn thì do mình tìm được việc Đan Mạch, nơi mức lương khởi điểm cho sinh viên mới ra trường đã là 30,000DKK (tức 105 triệu), và mức lương trung bình là 40,000DKK (140 triệu). Nếu bạn thấy chuyện này có vẻ xa vời thì…Yes, bạn đúng rồi, tìm việc ở Đan Mạch không hề dễ, và hãy nói thẳng thắn với nhau, mình không nghĩ tìm một công việc trong mơ là dễ cả, dù bạn ở Việt Nam hay nơi nào khác. Những gì bạn sắp đọc bên dưới không nhằm để khích lệ tinh thần hay làm nhụt chí bạn, mình muốn chia sẻ cho các bạn con đường và vài kinh nghiệm để giúp bạn thành công hơn trong hành trình này.
Nhưng trước tiên mình muốn trả lời vài câu hỏi nhiều bạn lăn tăn nhất về chuyện đi làm này đã.

1. Lương cao nhưng mức sống cao thì mình có dư tiền để dành không?

Có. Tính theo mức lương thấp nhất của sinh viên mới ra trường, bạn có thể bỏ túi khoảng 13,000DKK (tức 36 triệu), sau khi trừ hết mọi chi phí lẫn tiền thuế cắt cổ. Mình nghĩ ở đây có hai thứ giúp việc để dành của bạn trở nên dễ dàng. Thứ nhất là các hàng hóa tiêu dùng có giá rất thấp (so với thu nhập), một số mặt hàng thậm chí còn rẻ hơn ở Việt Nam, như thịt heo mình mua với giá 40DKK/kg (tức 140,000VND) và mức giá này không thay đổi trong suốt 3 năm qua. Thứ hai là mình không có nhiều bạn bè để…tiêu tiền cùng. Từ đó, mình dễ dàng bỏ ra khỏi chi tiêu những buổi tụ tập và ăn chơi, cũng là một khoảng chi kha khá.
Thịt heo giá 40DKK/ 140k VND!!!

Đọc thêm:

2. Mình thấy làm việc ở nước ngoài có vui không?

Có và không! Nói cái vui trước, ngoài mức lương trên, bạn sẽ còn sốc với số giờ làm việc cực ngắn ở đây, số giờ làm việc chính thức trên hợp đồng chỉ có 37hr, kết hợp với phúc lợi hào phóng, bạn còn có 25 ngày phép/năm (nhắc lại, 25 ngày phép = 5 tuần nghỉ có lương!), số giờ làm việc trung bình của một người lao động ở Đan Mạch chỉ khoảng…32hr/tuần. Nói ngắn gọn, với góc nhìn thực tế thô thiển của mình, điều lớn nhất bạn có được là một cuộc sống ổn định cùng rất nhiều thời gian để ”hygge” cuộc sống Bắc Âu.
Về chuyện không vui, Đan Mạch là đất nước hạnh phúc, nhưng có thể không dành cho tất cả.
Dù được xem là đất nước hạnh phúc nhất thế giới, Đan Mạch lại là nước mà người nước ngoài thấy khó khăn để kết bạn nhất. Theo mình thấy người Đan có xu hướng chơi thân với những bạn thuở nhỏ, điều này có nghĩa thời gian rảnh của họ đã kẹt cứng với nhóm bạn này rồi. Tuy nhiên, một khi bạn đã có một người bạn Đan – bạn sẽ không bao giờ mất họ! Ngoài ra, người Đan rất tôn trọng không gian riêng của nhau, họ sẽ không giờ chủ động làm phiền bạn nếu không có việc cần (và họ cũng kì vọng bạn làm vậy!). Điều này có nghĩa bạn sẽ cảm thấy người Đan ở Đan Mạch là những người lạnh lùng và xa cách. Hai điều này kết hợp lại sẽ cho bạn một trải nghiệm rất khác với cuộc sống đa dạng bạn đã từng có ở Việt Nam (hoặc các nước EU sôi động khác)
Sống không gia đình, bạn bè ở bên không đẹp đẽ như trong ảnh đâu!

Đọc thêm:

3. Không biết tiếng Đan thì có tìm việc được không?

Có và không. Có là vì người Đan có thể nói tiếng Anh siêu tốt, mọi người ở Đan, từ sếp, nhân viên, công nhân nhà máy, cả các cô chú lao công đều có thể nói tiếng Anh trôi chảy không tì vết. Do đó, bạn sẽ không cần phải quá lo lắng sẽ không ai hiểu mình trong công việc cả. Bản thân mình cũng không nói được tiếng Đan và mình cũng từng phỏng vấn với rất nhiều sếp cũng không biết nói tiếng Đan, nên bạn có thể tin tiếng Đan không phải rào cản.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn có thể phớt lờ hoàn toàn tiếng Đan trong công cuộc tìm việc. Bạn không cần nhất thiết phải nói được tiếng Đan, tuy nhiên, bạn cần cho thấy mình có hứng thú và nghiêm túc với quyết định xây dựng sự nghiệp ở Đan Mạch sẽ là một điểm cộng lớn. Nếu bạn không có các lớp học tiếng Đan ở Việt Nam, bạn có thể cho công ty thấy bạn đã chăm chỉ với Duolingo và các diễn đàn tiếng Đan như thế nào. Rõ ràng, bạn rất dễ có cảm tình với một người nước ngoài, nếu họ nói họ đang học tiếng Việt và hứng thú với văn hóa Việt, người Đan cũng không ngoại lệ 😉
Okie, giờ mình vào phần chính nào, đây là vài lời khuyên của mình cho chuyện tìm việc:
Hãy bắt đầu một cách thẳng thắn, chuyện bạn tìm được việc nó phụ thuộc vào việc bạn làm được cái gì và làm tốt hơn một người Đan như thế nào. Rõ ràng nếu mọi thứ giữa bạn và người Đan như nhau, công ty sẽ luôn ưu tiên người Đan vì họ biết ngôn ngữ, biết văn hóa, biết cách làm việc và họ làm được việc như bạn. Do đó, bạn cần cho thấy mình sẽ đem lại giá trị gì cho công ty trước đã.

Đọc thêm:

1. HÃY TÌM HIỂU CÔNG TY!

Hãy dành thật nhiều thời gian trên các trang tuyển dụng như JobIndex.dk, LinkedIn, WorkinDenmark.dk. Khi bạn thấy một vị trí mở, đừng vội gửi CV!!! Hãy dành thời gian nghiên cứu vị trí của họ và tự trả hỏi những câu sau (gợi ý):
- Công ty đang cố gắng tìm một người có skills gì?
- Những skills nào họ đang vật vã tìm mãi không ra?
- Công ty đang giải bài toán như thế nào?
Sau đó, hãy nhìn vào CV xem bạn có thể trang hoàng bản thân như thế nào để làm nổi bật những kĩ năng đó lên. Nếu được bạn nên đầu tư đi học một lớp về viết CV, mình đã từng đi học lớp này, thực ra, các lớp này không đưa CV của bạn lên một tầm cao mới nào cả nhưng nó giúp CV của bạn nhìn vừa mắt và đúng ”khẩu vị” các recruiter người Đan.
Hãy cố gắng tham gia thật nhiều event và networking với thật nhiều người trong ngành, NHƯNG đừng bao giờ hỏi xin họ công việc! Hãy hỏi họ về công việc về những khó khăn, vấn đề trong ngành, thị trường đang gặp phải.

2. HÃY CHO THẤY BẠN CÓ THỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ CHO HỌ

Sau đó, hãy viết application và CV của bạn, giải thích bằng cách nào bạn có thể giúp công ty giải quyết các vấn đề. Hãy luôn đặt vấn đề của công ty lên hàng đầu và mọi thứ bạn viết phải hướng đến chuyện giải quyết vấn đề này. Bạn không khoe khoang về kiến thức bản thân, không luyên thuyên về kinh nghiệm, không kể lể về tình hình khổ sở của mình, công ty tuyển bạn chỉ vì một điều duy nhất: BẠN GIÚP HỌ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ! Tất cả những thứ trên là nguyên liệu để bạn ”nấu ra” giải pháp cho họ, và bạn bán giải pháp của mình chứ không phải nguyên liệu. Nhớ điều này!
Bạn cũng cần thật kiên trì trong hành trình này, lần đầu mình apply job nước ngoài, mình đã gửi hơn 70 cái CV + application được viết chỉnh chu cho từng công ty, vị trí, mình nhận được 10 cuộc phỏng vấn và một job offer. It’s a number game!
Bạn sẽ được chọn nếu biết giải quyết vấn đề cho công ty!

3. NGƯỜI ĐAN RẤT THÍCH LINKEDIN!

Hãy đầu tư để có một profile LinkedIn sáng sủa, mình sẽ chỉ nói về một số thứ ít bạn biết nhưng rất quan trọng trong LinkedIn:
- Avatar: Đan Mạch là nơi người dân sống thực tế nên cách ăn mặc khá xuề xòa và thoải mái. Avatar phong cách Đan Mạch điển hình là một khuôn mặt tươi cười sáng sủa tự tin, trong một bộ quần áo mà bạn sẽ mặc đi làm mỗi ngày. Nếu bạn làm môi trường như banking, kế/kiểm toán, thì một bộ đồ vest là cần thiết, nếu môi trường văn phòng thì áo sơ mi quần jeans là đủ xài rồi.
- Hoạt động: hết sức vô nghĩa khi bạn sửa soạn một profile sáng sủa rồi…không bao giờ lộ mặt. Người Đan dành rất nhiều thời gian trên LinkedIn, ít nhất các sếp của mình dành thời gian trên LinkedIn còn nhiều hơn Facebook. Do đó, bạn nên:
+ Xây dựng thật nhiều kết nối thực sự trên LinkedIn. Mình có một bài chia sẻ tips networking nói đâu dính đó ở đây:
+ Chăm chỉ like và comment – vì điều này sẽ làm profile của bạn được hiện lên trên new feeds của người khác nhiều hơn.
- Đừng ở không (dù bạn chưa có việc)!: Đan Mạch là đất nước rất cuồng làm tình nguyện, kể cả sếp mình là COO vẫn cuối tuần đi leo núi trồng cây, CFO công ty mình thì khoe cổ đi siêu thị mỗi ngày giúp người già không thể ra ngoài dịp COVID, một số đồng nghiệp của mình còn bỏ tiền để…đi tình nguyện ở các nơi xa xôi như Châu Phi, Nam Mỹ =)) Do đó, đối với người Đan, việc bạn HOÀN TOÀN KHÔNG LÀM GÌ trong CV là một điều rất khó hiểu và khó chấp nhận. Dù bạn đang ở Châu Âu hay Việt Nam, mình tin các bạn không thiếu cơ hội tình nguyện. Nếu bạn có công việc gì đó đáng tự hào, đừng ngại khoe trên LinkedIn luôn nhe, nó sẽ cải thiện “độ phủ” của bạn đáng kể
Một tin vui cuối cho các tips của mình, tìm việc ở Đan Mạch không dễ nhưng mọi người đều đang muốn giúp bạn, đặc biệt chính phủ đang cố gắng làm luật dễ thở hơn để thu hút nhân tài, và để bạn có thể sớm làm việc và…đóng thuế cho họ =)))
Mình đến từ trang Săn học bổngcùng Alumni, đọc thêm các tips của mình về tìm việc tại EU tại đây
-----
Disclaimer 1: Các nhận định về thích/không thích của mình về Đan Mạch không chỉ là nhận định cá nhân mà đó là những quan điểm được báo chí quốc tế (và cả Đan Mạch) công nhận. Các bài tham khảo:
- Số giờ làm việc trung bình của Đan Mạch: https://clockify.me/working-hours
- Vị trí của Đan Mạch trong bảng xếp hạng các nước dành cho người nước ngoài đến làm việc (VN đứng đầu bảng này 😊 ): https://www.thelocal.dk/20160829/expats-name-denmark-worst-in-the-world-for-making-friends
Disclaimer 2: số tiền bạn giữ lại sau thuế, chi phí ở Đan Mạch là nhận định cá nhân, vì nó phụ thuộc vào cách sống nơi sống của từng người. Ccác bạn có thể tham khảo chi phí của mình:
- Tiền nhà: 5,000DKK (17tr VND) – mình thuê nhà ở cùng 1 bạn Thụy Điển và Italy, tụi mình share chung bếp + phòng khách trong 1 căn biệt thự siêu bự 200m2!!
- Tiền ăn: 2,500DKK (8,8tr VND) –công ty ở Đan Mạch luôn cung cấp ăn sáng và trưa, và đều là đồ bổ dưỡng tiêu chuẩn Bắc Âu cả, nên tiền ăn này chỉ là tiền ăn tối + cuối tuần
- Tiền di chuyển: 1,500DKK (5,3tr) – nếu bạn có thể đạp xe đi làm thì không tốn tiền này luôn.
- Tiền điện thoại + internet: tiền này công ty mình trả, tuy nhiên nó cũng không cao, chỉ 200DKK (700k VND)
- Các thứ thuế phí:
+ Thuế thu nhập ở Đan Mạch từ 25-53%, dân công sở đi làm thường đóng thuế là 36%, để “được” đóng thuế trên 50%, bạn cần có thu nhập của triệu phí euro.
+ Bạn cần đóng 4% tiền pension, tiền này bạn được rút khi…nghỉ hưu =))
+ Bạn cần đóng 100DKK (350k) cho quỹ chung của thị trường lao động, tiếng Đan là lønbidrag – thiệt tình mình cũng không biết cái quỹ này làm cái quỷ gì và cũng quá lười để đọc =))
Như vậy giả định bạn có mức lương ở cận dưới ở Đan Mạch lả 30,000DKK thì:
- Sau thuế bạn còn khoảng 19,000DKK
- Sau tiền nhà + tiền ăn + di chuyển: 10,000DKK, khoảng 36tr VND.
Con số cuối này có thể thay đổi rất nhiều phụ thuộc vào cách sống và thu nhập của bạn, tuy nhiên nhìn chung đây là con số bạn sẽ dễ dàng đạt được (mà không phải cố gắng hay cam khổ gì cả)