Bài viết này không phải là một kinh thánh đưa đường dẫn lối cho bạn giúp bạn có thể nhanh chóng trở nên giàu có hay độc lập về tài chính. Bài viết này nhằm mục đích cho bạn thấy bức tranh tổng thể về quá trình vươn lên về mặt thu nhập của những người mà chúng ta thấy rất là bình thường trong xã hội.
Mình hi vọng những ai đang cảm thấy bế tắc về tài chính trong cuộc sống có thể tìm được lối ra sau khi đã đọc bài viết.
Hãy xét câu chuyện sau về hai nhân vật hư cấu. Tuy là hư cấu nhưng câu chuyện của họ được viết ra dựa trên những gì mình đã thấy, trải qua cũng như được chia sẻ lại. Những gì họ trải qua cũng sẽ không khác lắm với vô vàn những người khác ngoài xã hội.
Chúng ta có An và Bình. Cả hai đều tốt nghiệp chung trường đại học chuyên ngành toán tin và đi làm chung cho một tập đoàn IT lớn trong nước, như VNG chẳng hạn. Do là sinh viên mới ra trường và còn non kinh nghiệm, hai bạn được nhận mức lương 8 triệu/tháng với nhiều hứa hẹn về việc tăng mức lương thưởng nếu làm việc tốt. Bên cạnh đó hai  bạn cũng được
Năm đó hai bạn 22 tuổi. 

Năm đầu tiên

An
An là nữ, có học lực vừa phải ở trường đại học, mê toán và công nghệ. Khi vào công ty, An làm vị trí kỹ sư (IT engineer), và luôn chăm chỉ học và làm. Các công việc giao cho cô, cô đều dành thời gian tỉ mỉ để hoàn thành. Trong giờ làm việc khi có thời gian rảnh rỗi An sẽ tìm hiểu thêm về các công cụ lập trình mới, các xu hướng công nghệ để trau dồi thêm kỹ năng cho bản thân. Sếp của An là một người thân thiện và luôn để cho An có thời gian thoải mái tự học, nhưng lúc cần thiết cũng tạo áp lực để An phải hoàn thành việc theo kế hoạch.
Phần lớn thời gian An dành để đi làm, làm xong thì về nhà ăn uống, nghỉ ngơi, đọc thêm sách hoặc coi phim rồi ngủ. 
Nói chung An là một người chăm chỉ, siêng năng, có chí học hành và có khả năng làm việc tốt. Đây là một kiểu nhân viên điển hình ở trong nhiều công ty.
Sau năm đầu tiên, An đã nhanh chóng trở thành một nhân viên nổi trội trong nhóm của mình, một người được miêu tả là đáng tin cậy và có kỹ năng chuyên môn cao. An nhanh chóng được tăng lương lên mức 10 triệu/tháng (tính từ năm thứ hai) và bắt đầu được giao cho những dự án lớn với mức thưởng lớn hơn. 
Thu nhập năm đầu của An gồm 12 tháng lương, tháng lương thứ 13, thưởng Tết và thưởng KPI, gộp lại khoảng 120 triệu VND.

Đọc thêm:

Bình 
Bình là nam, cũng chỉ có học lực vừa phải ở trường đại học, học chung khối ngành với An. Bình cũng làm vị trí kỹ sư như An, tuy nhiên khác với An, Bình không được siêng lắm và không tập trung tốt vào công việc. Bình vẫn hoàn thành công việc nhưng chỉ ở mức trung bình hoặc cao hơn trung bình chút. Sếp của Bình không phàn nàn gì nhiều về cậu nhưng cũng không có gì để khen ngợi cậu.
Bình có thời gian rảnh thì luôn tìm hiểu về các công ty khác. Bình thích công nghệ và thích tìm hiểu về các mô hình kinh doanh của công ty khác, cậu liên tục quan sát cách công ty hiện tại của mình đang vận hành và so sánh với những công ty cậu thấy trên mạng. Có thời gian rảnh rỗi cậu lại đọc sách về các mô hình kinh doanh, đọc về Steve Jobs, Bill Gates.
Do không ở lại làm thêm thời gian nên Bình thường rảnh hơn An và khi đi làm về, cậu dành thời gian để đi gặp bạn bè cũ cũng như những người bạn mới. Cậu có hội bạn đam mê kinh doanh, công nghệ và thường họ dành nhiều thời gian chia sẻ cho nhau về các thương vụ gọi vốn, về các startup khác như Tiki, MoMo, Grab. 
Không chỉ dừng ở mức trò chuyện, Bình còn làm những công việc freelance về IT cậu kiếm được trên mạng cũng như phụ bạn bè của cậu làm một số sản phẩm IT cá nhân.
Hết năm đầu tiênBình vẫn là một kỹ sư trung bình, sau buổi đánh giá cuối năm thì lương tăng nhẹ lên 9 triệu (tính từ năm thứ hai) và cậu chỉ được giao làm dự án nhỏ. Nhưng cậu lại có một mối quan hệ rộng ở ngoài, cậu nắm bắt được các xu hướng công nghệ sắp tới, hiểu về blockchain, xu hướng A.I và ứng dụng của nó trong ngành Y, cậu hiểu rằng Việt Nam sắp áp dụng e-KYC, đang thúc đẩy mạnh ngành bảo hiểm.
Thu nhập năm đầu của Bình gồm 12 tháng lương, tháng lương thứ 13, thưởng Tết và thưởng KPI, làm thêm việc bên ngoài gộp lại khoảng 130 triệu VND.

Năm thứ hai

An
Nhờ năng lực đã được chứng minh của mình, An bắt đầu làm các dự án lớn hơn, khó hơn. An vẫn duy trì việc học tập, liên tục cập nhật kỹ năng mới, thậm chí học thêm về những thứ mà công ty chưa dùng đến vì đam mê. An được gặp quản lý cấp cao nhiều hơn và dần được đưa vào các cuộc họp quan trọng mang tính chiến lược của sản phẩm. Các công việc trở nên khó khăn và thử thách hơn nhưng cũng giúp An trở nên cứng cáp về mặt chuyên môn hơn.
Thu nhập của An từ 12 tháng lương, lương tháng 13, thưởng Tết và thưởng KPI được vào khoảng 170 triệu VND, tăng khoảng 40% so với năm đầu.
Bình
Bình cũng bắt đầu được giao các công việc khó hơn nhưng không khó như An, cậu vẫn giữ thói quen đọc về thị trường và tìm gặp nói chuyện với bạn bè. Sau một thời gian thì Bình không nhận làm dự án freelance nữa mà tập trung hết thời gian giúp bạn mình làm startup. Bạn của Bình, tên Cảnh, cũng chân trong chân ngoài, sáng đi làm công ty, tối về code cho startup riêng. Cảnh lớn hơn Bình 3 tuổi và đã có 5 năm kinh nghiệm đi làm trong ngành tài chính bảo hiểm.
Cả hai được xem là người sáng lập cho công ty. Công ty của hai bạn làm về mảng bảo hiểm (insurtech), lĩnh vực đang rất nổi trên thị trường và nhắm vào khối doanh nghiệp với các giải pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí bảo hiểm cho nhân viên. Bình không có lương từ startup này và thường xuyên phải vay thêm tiền gia đình, bạn bè cho các chi phí như tên miền, mua công cụ. 
Thu nhập của năm của Bình hầu như dậm chân tại chỗ, tăng nhẹ lên mức 150 triệu VND, tăng khoảng 15% so với năm trước, và không có khoản tiết kiệm nào.

Đọc thêm:

Năm thứ ba

An và Bình đều chuyển công ty.
An được nhận vào làm một công ty quốc tế sau khi đã vượt qua các vòng kiểm tra khắt khe, với mức lương cao đến 1000 USD (tương đương 23.3 triệu VND). An được nhận vào làm nhờ thể hiện năng lực xuất sắc trong các dự án của công ty cũ và vốn tiếng Anh tốt. Lúc này tổng thu nhập năm của An đã tăng nhanh lên mức 360 triệu VND (~15000 USD), gồm lương và thưởng. 
Sau hơn 12 tháng hoạt động, startup của Bình gọi vốn được 50,000 USD vòng pre-seed và được định giá khoảng 400,000 USD. Bình và bạn đồng nghiệp ngay lập tức nghỉ việc ở công ty hiện tại để tập trung làm toàn thời gian cho startup của mình. Công ty có 6 thành viên, gồm Bình trong vai trò tìm kiếm đối tác, người bạn đồng sáng lập, tên Cảnh, thì chuyên hoàn toàn về kỹ thuật. Cả hai tự trả lương cho bản thân với mức lương 10 triệu VND/tháng. Họ trả cho các nhân viên của họ thấp nhất thì 15 triệu/tháng, cao nhất là 30 triệu/tháng. Họ phải trả rất cao để thu hút người tài làm cho startup của mình. Nhưng bù lại họ là người nắm cổ phần nhiều nhất. 
Công việc chính của Bình là liên tục đi tìm kiếm khách hàng và đối tác hoạt động, vận dụng tối đa các mối quan hệ của mình.
Hết năm thứ ba, tổng thu nhập từ công ty cũ của Bình cộng với thu nhập từ công ty mới là khoảng: 130 triệu VND.
Tuy nhiên Bình nắm 25% cổ phần của công ty, do đó trên giấy tờ anh có khối lượng tài sản khoảng 100,000 USD. 

Đọc thêm:

Năm thứ tư trở đi

An
An bắt đầu lo nghĩ nhiều hơn về tài chính mặc dù đã được tăng lương lên mức 1100 USD. Cô đang 26 tuổi và năm sau sẽ lập gia đình, do đó cô tập trung nhiều hơn vào việc tăng trưởng tài chính cá nhân để sống thoải mái hơn. Sau ba năm đi làm, An dành dụm tiết kiệm được khoảng 20% tổng số thu nhập, tương đương 150 triệu VND. 
Vào đầu năm thứ 4, An để 100 triệu vào trong tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng, và để 50 triệu kia vào tham gia thị trường chứng khoán. Trước đó An từng học về toán tài chính (financial mathematics) khi còn học ở trường, từng tự đánh chứng khoán với số vốn vài triệu thời sinh viên. Cô dành thời gian ôn lại kiến thức, đồng thời tìm hiểu sâu hơn vào thị trường chứng khoán. Cô cũng vận dụng kỹ năng IT của mình để tự viết ra 1 con bot giúp hỗ trợ giao dịch vì thời gian dao dịch diễn ra lúc cô đi làm. 
Cứ mỗi tháng cô lại bỏ thêm 3 triệu vào số tiền 50 triệu ban đầu và lại để 5 triệu ra bỏ vào tiết kiệm ngân hàng.  
Hết một năm, An đã có các khoản tiết kiệm và đầu tư sau:
- Gửi 100 triệu tiết kiệm ở ngân hàng kỳ hạn 1 năm, lãi suất 7%/năm, thu lời về 7 triệu.
- Cứ mỗi tháng An lại tiết kiệm 5 triệu, sau 6 tháng An có 30 triệu, gửi ngắn hạn 6 tháng với lãi suất 6%. Sau 6 tháng An thu về 900 nghìn tiền lời. 
- Đầu tư cổ phiếu với 50 triệu ban đầu và 3 triệu bỏ thêm vào mỗi tháng kể từ tháng thứ 2, An bỏ vốn tổng cộng là 83 triệu, và thu về 100 triệu. Số tiền lời là 17 triệu, tương đương 20%, cao gần gấp 3 lần tiền gửi ngân hàng. 
Như vậy tổng cộng từ tiền tiết kiệm và tiền đầu tư chứng khoán, An thu về gần 28 triệu, hơn 1 tháng lương đi làm. 
-------------------------------------------
Qua năm thứ 5, An bỏ tiền lời vào lại tài khoản tiết kiệm cũng như chứng khoán và tiếp tục giao dịch cho năm tiếp theo. Qua năm sau, An cố gắng duy trì mức sinh lời, ngoài tham gia vào cổ phiếu An cũng tham gia vào các quỹ đầu tư ETF cũng như trái phiếu để phân tán rủi ro. 
Tính đến hết năm thứ 5, An có tổng thu nhập:
- 12 tháng lương: 1100 x 12 = 13200 USD
- Thưởng KPI và Tết tương đương 4 tháng lương = 4400 USD.
Tổng thu nhập: 17600 USD
Trừ đi các chi phí sinh hoạt, An dành dụm và bỏ tiền mình vào các khoản đầu tư như sau:
- Tài khoản tiết kiệm 200 triệu và mang về tổng cộng 15 triệu tiền lời.
- Tài khoản chứng khoán 136 triệu (gồm 100 triệu của năm trước và 36 triệu thêm vào), mang về 30 triệu tiền lời. 
- Một tài khoản trong quỹ ETF của Dragon Capital với số vốn 50 triệu và mang về 7 triệu tiền lời. 
Như vậy các khoản đầu tư mang về cho An 53 triệu VND, tương đương 2.3 tháng lương.
-------------------------------------------
Bình
Trong năm thứ 4, khác với An vốn giao dịch kiếm lời trên cổ phiếu của công ty khác, mục tiêu của Bình là đẩy giá trị cổ phiếu của công ty mình lên và tập trung vào việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng mạng lưới kinh doanh. Bình vừa kiêm vị trí phát triển sản phẩm (product manager) của công ty đồng thời vị trí phát triển doanh nghiệp (business development). Phần lớn thời gian đi làm Bình ít khi đến công ty mà là hẹn gặp những người khác nhau, lắng nghe nhu cầu của họ và đưa ra các chiến lược sản phẩm cho công ty. 
Sau hơn nửa năm, Bình đã xây dựng được mối quan hệ thân thiết với các tập đoàn bảo hiểm cũng như các doanh nghiệp có nhu cầu mua bảo hiểm cho nhân viên, và đã có các đối tác lớn như Bảo Việt, Manulife. Nhờ thành công này mà công ty gọi vốn thành công vòng seeding với số tiền là 300,000 USD và được định giá là 3 triệu USD. 
Số nhân viên của công ty tăng từ 6 lên 15 người, quỹ lương cũng phình theo. Trung bình mỗi tháng công ty chi hết 18,000 USD cho tiền lương nhân viên, chi phí thuê văn phòng, các chi phí đi lại cũng như tiền vận hành hệ thống. 
Số tiền 300,000 USD gọi vốn cộng với doanh thu của công ty vào khoảng 100,000 USD giúp họ đủ vận hành trong gần 2 năm. 
Bình nắm giữ 25% cổ phần của công ty, tương đương khối tài sản trên giấy 750,000 USD. Về thu nhập, Bình chỉ dám tự trả lương cho bản thân 12 triệu/tháng, và có khoản tiết kiệm nhỏ 30 triệu gửi ngân hàng 1 năm. Anh cũng đã trả hết các khoản nợ cá nhân. 
-------------------------------------------
Sang năm thứ 5, công ty của Bình duy trì được tăng trưởng ổn định, có tháng lời có tháng lỗ nhưng trung bình mỗi tháng công ty lời được 3000 USD sau khi trừ đi chi phí vận hành khoảng 22,000 USD (chi phí tăng lên do tuyển thêm người, tăng lương cho người cũ). Công ty cũng đã mở rộng hoạt động từ nhóm doanh nghiệp sang thêm nhóm khách hàng cá nhân. 
Bình và Cảnh lúc này đã có thu nhập tốt hơn và đã tự trả lương cho bản thân 1000 USD/tháng. Công ty không gọi thêm vốn trong năm đó nhưng vẫn duy trì được đà tăng trưởng tích cực và cả hai kỳ vọng có thể gọi vốn vòng Series A trong năm sau. 
Tổng kết
Như vậy sau 5 năm có thể thấy cả An và Bình đều đạt được ngưỡng thu nhập đủ để sống thoải mái tuy cả hai đã chọn con đường đi khác nhau. Về mặt tài sản, An tuy có ít hơn Bình nhưng độ thanh khoản (tức khả năng quy ra tiền mặt) tốt hơn. Còn Bình thì tuy có lượng tài sản lớn gấp nhiều lần An nhưng độ thanh khoản thấp hơn và phải đợi lâu hơn để hái quá ngọt. Nhưng sau này nếu gọi vốn thành công, về mặt lý thuyết Bình có thể bán 1 phần nhỏ cổ phần của mình để có tiền cải thiện cuộc sống. Nếu công ty được định giá vào khoảng 30 triệu USD trong 2 năm sau đó, Bình chỉ cần bán 0.01% cổ phần cho các nhà đầu tư là đã thu về 30,000 USD. 

Những yếu tố cần thiết 

Câu chuyện của An và Bình tuy chỉ được xây dựng lại dựa trên con đường đã đi của rất nhiều người khác, nhưng nó vẫn cho chúng ta thấy được các yếu tố cần thiết để một người có thể đạt được sự thoải mái về mặt tài chính. Có thể trên thực tế mọi thứ bạn gặp trong cuộc sống không suôn sẻ như trong câu chuyện nhưng điều đó không có nghĩa rằng những nguyên tắc được sử dụng trong đó không thể không áp dụng được cho của sống của bạn. 

Yếu tố cần thiết về mặt sự nghiệp

Yếu tố thứ nhất: Giỏi kỹ năng chuyên môn. 
Mức độ giỏi ở đây không nhất thiết phải là nằm trong nhóm 10% giỏi nhất, mà chỉ cần trong nhóm 30% là đủ. An tuy là một kỹ sư tốt nhưng An không phải là quá xuất sắc. 
Bình là một người ham tìm hiểu, có kiến thức sâu rộng về thị trường, giỏi giao tiếp. Nhưng người như Bình cũng không phải là hiếm ngoài xã hội. Tuy vậy họ đủ giỏi ở mức để mang lại nhiều giá trị hơn người khác, nổi bật hơn người trong nhóm và được trọng dụng. Khi được trọng dụng, họ có nhiều cơ hội để vươn lên hơn.
Yếu tố thứ hai: Kết hợp các kỹ năng khác nhau. 
An chỉ là một kỹ sư nhưng cô đã biết vận dụng thêm kiến thức đã có của mình về thị trường tài chính để làm tăng thu nhập. Cô đan xen kiến thức IT, toán và tài chính với nhau. Cô dùng bộ kỹ năng này để tạo ra bot ảo của riêng mình để giúp việc mua bán, chốt lệnh, tính toán lời lỗ nhanh hơn. Con bot đó không thay cô giao dịch, nhưng nó giúp cô đưa ra quyết định tốt hơn, an toàn hơn. 
Về phía Bình, anh vận dụng kiến thức và kỹ năng IT sẵn có, cộng thêm kiến thức và kỹ năng phân tích thông tin để tìm ra các xu hướng mới trong công nghệ, tìm ra giải pháp cho nhu cầu của khách hàng. Anh còn kết hợp các kỹ năng đó với kỹ năng giao tiếp tốt của mình để trở thành một người sales giỏi, có thể đi gặp đối tác, chốt thương vụ, mang tiền về cho công ty.
Yếu tố thứ ba: Chấp nhận rủi ro.
An đã mạo hiểm bỏ tiền vào thị trường chứng khoán và quỹ đầu tư. Đây đều là những cách đầu tư có độ rủi ro cao (chứng khoán thì rủi ro cao hơn quỹ đầu tư). Bình sau hai năm đi làm đã nghỉ việc để làm startup. Đấy cũng là hành động có mức độ rủi ro vô cùng lớn.

Nhưng rủi ro lớn không có nghĩa là không có cách giảm nó. Để giảm thiểu rủi ro, trong lúc Bình xây dựng start-up của riêng mình trong khi vẫn đi làm. Chỉ khi nào start-up của anh gọi vốn thành công đợt đầu, anh mới quyết định nghỉ làm. Còn với An, cô chọn đầu tư với số vốn vừa phải cũng như chọn mức sinh lời vừa đủ trên thị trường là tầm 20%, chứ không nhắm đến những con số lớn hơn như 50%, hay gấp đôi tài khoản (100%).

Yếu tố cần thiết về mặt cuộc sống cá nhân

Chi tiêu vừa phải: Đây là một điều hiển nhiên, bạn không nên chi vượt số tiền bạn kiếm được. Nên tránh tâm lý tự thưởng thường xuyên, tức chi một lượng tiền lớn cho một dịch vụ hay món hàng nào đó và tự trấn an bản thân rằng mình đã chăm chỉ nhiều rồi, phải tự thưởng. 
Mình không nghĩ cần phải quá chi li về mặt chi tiêu như chia thu nhập ra thành 5, 6 phần như ai đó hướng dẫn. Bởi làm vậy thì việc quản lý tài chính cá nhân lại trở thành công việc bán thời gian của bạn, và khiến bạn bị sao nhãng khỏi việc chính.
Chọn người yêu phù hợp: Đây là yếu tố nhiều người thường không để ý nhưng người yêu của bạn hoàn toàn có thể trở thành nhân tố giúp thúc đẩy tăng trưởng tài chính của bạn, hoặc là một gánh nặng kéo bạn xuống. 
Ở tuổi đi làm, mình thấy người yêu nên giống như là một đối tác trong cuộc sống, chung tay giúp vun đắp cho cuộc sống của cả hai. Xét về mặt tài chính, khi hai người hợp lực lại thì 1 với 1 có thể bằng 4, hoặc 5 chứ không chỉ bằng 2. 
Nếu bạn trai của An không cùng chí hướng với cô, anh sẽ bảo cô bớt làm lại vì cô là con gái và không cần quan tâm đến sự nghiệp như thế, hoặc thấy khó chịu khi cô làm tốt. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý và năng suất làm việc của An, thậm chí là cả sự nghiệp.
Nhưng nếu anh hỗ trợ và muốn An vươn cao hơn nữa, còn đầu tư chứng khoán chung với An, thì An sẽ thoải mái về tâm lý hơn, làm việc hiệu quả hơn và đồng thời nhẹ gánh tài chính hơn. 
Đôi lúc chúng ta cần tự hỏi bản thân rằng: "Người này có đang giúp cuộc sống của mình trở nên tốt lên hay không?"
Gia đình không cản trở: Có được sự ủng hộ của gia đình trong sự lựa chọn nghề nghiệp của mình là một lợi thế lớn. Mình biết có những bạn học giỏi và có kỹ năng chuyên môn tốt, nhưng vì phải nghe theo mẹ: "Con gái thì chọn làm việc nhẹ nhàng thôi" nên đã chọn con đường đi làm việc văn phòng, ổn định nhưng buồn tẻ, sau này thấy không hợp nên bỏ đi. 
Không nghiện chất kích thích. Sẽ là cực kì khó để bạn đạt được sự thoải mái về tài chính nếu bạn liên tục tiêu tiền để nhậu hoặc chơi thuốc. Nếu bạn nói rằng bạn cần nhậu thường xuyên để có mối làm ăn thì bạn cần nhớ rằng khi bạn ngã bệnh (và thường là bệnh nặng liên quan tới gan, tim, phổi), bạn vừa không kiếm được ra tiền trong nhiều tuần mà vừa tốn hàng trăm triệu tiền thuốc.

Một số điều cần ghi nhớ:

1. Bạn cần tích luỹ kiến thức về tài chính, tiền bạc. Tích luỹ, tức là học và tìm hiểu trong nhiều năm. Tốt nhất là nên đọc các sách chính thống như kinh tế vi mô, vĩ mô, chứ không nên đọc sách về các bí kíp đầu tư. Bạn nên tìm hiểu về chứng khoán, bất động sản, kinh tế học 2 đến 3 năm trước khi tham gia vào thị trường.
2. Đường dài mới biết ngựa hay. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các quỹ đầu tư có thể duy trì mức sinh lời 9% - 10% trong suốt 20 năm liên tục sẽ có kết quả kinh doanh tốt gấp nhiều lần những quỹ đầu tư đạt mức sinh lời cao nhưng không ổn định. Đây là những quỹ đạt mức sinh lời 30% trong năm 1, 6% trong năm 2, giảm 3% trong năm 3 và tăng 7% trong năm thứ 4. 
Ngay cả bậc thầy đầu tư như Warren Buffet cũng chỉ đạt được mức sinh lời trung bình mỗi năm là 17.1% trong suốt 35 năm quản lý tập đoàn tài chính bảo hiểm Berkshire Hathaway (1981 - 2019).
Điều này cũng đúng trong các khía cạnh khác của cuộc sống. Nếu bạn đầu tư hoặc học hỏi với tâm thế tích luỹ tài chính, kiến thức lâu dài, qua một quãng thời gian như 5 năm hay 10 năm, bạn sẽ thấy sự khác biệt rõ rệt giữa bạn với  những người khác trong cùng một lĩnh vực. 
Điều đó cũng có nghĩa rằng không nên bỏ ngang kế hoạch tài chính lâu dài của mình để tham gia vào những thương vụ hời hơn và rủi ro cao hơn. Đừng rút hết tiền khỏi quỹ đầu tư đang mang lại mức sinh lời 12% để tham gia đánh ngoại hối, tiền điện tử hay giao dịch nhị phân (binary trading) vì nghe người ta bảo ở đó khả năng sinh lời cao hơn gấp 4, 5 lần.
Trong câu chuyện trên, An đã chọn mức sinh lời vừa phải khi đầu tư chứng khoán là khoảng 20%/năm, và đã không hấp tấp bỏ tiền vào đầu cơ vàng hay dầu thô hoặc tiền điện tử với kì vọng x2, x3 tài khoản trong một năm.

3. Bạn cần biết về công nghệ. Biết ở đây không đòi hỏi ở mức phải lập trình được, mà là hiểu được cách dùng các công cụ công nghệ để tăng năng suất, tạo ra nhiều giá trị hơn, làm việc hiệu quả hơn như biết dùng Excel, biết dùng Google Adsense. Ngoài ra ở mức cao hơn là tận dụng nó để tạo ra thêm nguồn thu, ví dụ như bán hàng online, chạy quảng cáo Facebook.
4. Bạn cần phải giỏi tiếng Anh hoặc tiếng Hoa. Giỏi tiếng Anh hoặc tiếng Hoa không chỉ giúp bạn có thêm cơ hội làm ở công ty quốc tế, tăng thu nhập cá nhân mà còn giúp bạn đọc được nhiều tài liệu bổ ích từ bên ngoài.
5. Bạn cần phải hành động. Nghĩ nhiều thế nào, đọc nhiều ra sao cũng không thể đưa ra được kết quả. Phải hành động.
-------------------

Kết luận

Tóm gọn lại, khi bạn ra trường với mức lương thấp, những điều bạn có thể làm để cải thiện tài chính cá nhân của bản thân là:
1. Tập trung trau dồi kỹ năng chuyên môn. Nền tảng tốt sẽ giúp bạn đi xa. Khoan nghĩ vội đến các cơ hội đầu tư, làm ăn, mà nên tập trung vào lĩnh vực mình hiểu rõ nhất, có thể làm tốt nhất. Để có nền tảng tốt cần có ý thức học liên tục, giỏi ngoại ngữ, kết bạn với những người giỏi khác.
2. Khi bạn đã có nền tảng chắc và có nhiều kinh nghiệm đi làm hơn, hãy thử dấn thân sang lĩnh vực khác, mở rộng nguồn thu nhập của mình. Có thể là từ làm thêm dự án bên ngoài, đầu tư hoặc tự kinh doanh riêng.
3. Khi đã có nhiều nguồn thu nhập khác nhau, có thể cân nhắc chấp nhận một số hành động đầu tư rủi ro cao hơn nhưng mang lại lợi nhuận tốt hơn. Khi đầu tư cần kiên định và kiên nhẫn, tránh lấy ngắn nuôi dài, khôn từng xu mà dại từng đồng.
Bạn cũng cần cân nhắc các yếu tố khác nhau về đời sống cá nhân như gia đình, người yêu, sức khoẻ, chi tiêu vừa phải. Đó là những yếu tố phụ trợ nhưng sẽ giúp quyết định xem con đường bạn đi có bằng phẳng hay gập ghềnh. 
Cuối cùng bạn phải có sự lạc quan, phải tin rằng mình còn cố gắng thì mọi thứ còn có thể trở nên tốt đẹp hơn.
Câu chuyện của An và Bình vẽ ra quãng thời gian 5 năm nhưng đó là trong điều kiện chuẩn. Người tài giỏi có thể vươn lên nhanh hơn, như trong 2 năm chẳng hạn. Những người khác có thể mất 7 hoặc 8 năm. Nhưng mình nghĩ nếu bạn có thể áp dụng các nguyên tắc kể trên, bạn có thể thấy sự khác biệt rõ rệt sau 5 năm.
Ở trên là những chia sẻ của mình về khía cạnh tăng trưởng tài chính cá nhân. Mong các bạn có thể góp ý thêm. Hình đầu bài là mình lượm trên mạng. 
Chúc các bạn kiên định và thành công.