Bài viết được chia sẻ lại từ group Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) với sự cho phép của chủ bài viết kiêm admin Long Nguyen. Nội dung đã có một chút chỉnh sửa cho phù hợp.
Hôm nay trong lúc lượn Reddit thì mình vô tình bắt được cái thớt này, chia sẻ lại một bài do tờ The Financial Times viết.
Trước khi vào bài này thì cần làm rõ chút thông tin nền cái đã.
Như anh em có thể đã biết, cộng đồng Sci Fi hàng năm có một cái sự kiện là World Science Fiction Convention (tức Worldcon). Đúng như cái tên của mình, đây là một hội nghị chuyên về khoa học viễn tưởng, với đủ màn biểu diễn, triển lãm, hoạt động rất vui về cái dòng này. Đây cũng là nơi lễ trao giải Hugo (cứ hiểu như Oscar của Sci Fi) sẽ được tổ chức.
Nói túm lại, Worldcon là cái hội làng to nhất của dân Sci Fi nhà ta.
Cứ mỗi năm thì nó sẽ được tổ chức ở một địa điểm mới, và các tổ chức cộng đồng fan Sci Fi trên thế giới sẽ tự đề nghị “thầu” Worldcon ở chỗ mình (kèo thầu phải đưa ra tối thiểu sớm 2 năm, và bên đề nghị phải chứng minh được mình đủ khả năng cũng như độ nghiêm túc để tổ chức). Cộng đồng thành viên Worldcon sẽ bình bầu, và bên nào được nhiều phiếu hơn sẽ được quyền đăng cai.
Hiện tại đã có một số bên đề nghị tổ chức Worldcon, và trong đó thì Worldcon 2023 hiện đang có 3 bên “đấu thầu”: Mỹ, Pháp, và Trung Quốc. Cả 3 đều đang triển khai một số nỗ lực truyền thông bước đầu để chài mồi cộng đồng 6000 thành viên Worldcon vote cho mình.
Cái bài viết này bàn về cái vụ Worldcon 2023 đấy.
Theo quan điểm của tác giả bài báo, sở dĩ Trung Quốc tham gia đấu thầu Worldcon 2023 là vì họ muốn tăng tầm ảnh hưởng trong mắt cộng đồng quốc tế. Bài viết còn nói thêm rằng vì Sci Fi Trung dạo này đang lên rất mạnh mẽ và dần lan ra thị trường quốc tế, Trung Quốc thực chất đang muốn tận dụng cái dòng này để xây dựng một ngành công nghiệp văn hóa mới, giúp lan tỏa tư tưởng của mình đi khắp nơi và củng cố quyền lực mềm mình nắm trong tay.
Việc sử dụng văn hóa như một quyền lực mềm, giúp nâng điểm “thương hiệu” trên chính trường cũng như giúp các giá trị và tư tưởng của mình được chấp nhận nhiều hơn thực chất là một chiến lược cực kỳ hay. Thay vì đập bôm bốp vào mặt người khác, ép người khác phải nghe theo ý mình, chiến lược này cho phép một quốc gia bất kỳ “gói” tất cả những tư tưởng mình muốn lan truyền vào trong một cái hộp quà rất đẹp, rất thích mắt, ấy chính là những tác phẩm giải trí thuộc đủ mọi loại hình media. Game, phim, nhạc, truyện,… tất cả đều có thể trở thành vỏ bọc, giúp tư tưởng của quốc gia kia trở nên dễ nuốt hơn. Dần dần, nếu làm tốt, các tư tưởng đấy có thể sẽ được bình thường hóa, hoặc trở thành một dạng tiêu chuẩn để tuân theo.
Nghe kể cũng tởm phết, bảo sao cái bro viết bài này lại thấy quan ngại trước khả năng Trung Quốc dùng chiến thuật đấy.
Nhưng buồn cười là người sử dụng chiêu bài này một cách mạnh bạo, triệt để và hiệu quả nhất lại không ai khác ngoài Mỹ 🐧.
Hãy ngẫm thử lại các tác phẩm Sci Fi mọi người đã từng thưởng thức mà xem. Đa phần mấy thằng to to đều là từ Mỹ mà ra, đặc biệt nếu nó là điện ảnh. Jurassic Park, Star Wars, Blade Runner, Interstellar, Avatar, Wall-E, The Matrix,… Vì được làm từ góc độ của Mỹ, chúng đều ngầm đề cao các giá trị, các tư tưởng mà xã hội Mỹ coi trọng. Và do đây đều là những tác phẩm rất hấp dẫn, được nhiều người mến mộ, những tư tưởng ấy cứ thế được lan truyền đi khắp nơi, khi cộng đồng fan Sci Fi quốc tế nói riêng và fan điện ảnh nói chung tiêu thụ chúng. Dần dần, chúng nó làm ta vô thức đề cao các giá trị tư tưởng trong đó, và thế là Mỹ nghiễm nhiên “lên điểm”.
Vậy tại sao Mỹ làm thế lại ok, còn Trung Quốc làm thì lại không được?
Đơn giản thôi, vì Trung Quốc không phải Mỹ, trong khi đây lại là báo Mỹ 🐧.
Nghiêm túc mà nói, cái ví dụ về Mỹ bên trên chắc đã giúp anh em hiểu bài viết này có phần không công tâm cho lắm. Dùng văn hóa để truyền bá tư tưởng nghe kể cũng khá ghê, nhưng nó hoàn toàn không phải là một con ngáo ộp như những gì người viết tô vẽ. Mỹ có Hollyweed, Nhật có J̶A̶V̶ anime, Hàn có K-pop,… đã rất nhiều quốc gia dùng sản phẩm văn hóa, cả ở mảng SFF lẫn ngoài nó, để quảng bá hình ảnh với tư tưởng của mình ra cho cộng đồng thế giới, và Trái Đất vẫn quay như thường. Thanh niên Trung Quốc đúng là có rất nhiều thứ nhố nhăng, nhưng họ cũng có rất nhiều điểm thú vị và đáng học hỏi. Có thêm một tay chơi nữa trong thị trường văn hóa/tư tưởng thì càng tốt, khiến mọi thứ đỡ bị một màu. Chúng ta chỉ cần hiểu được là không phải xã hội nước nào cũng đều hồng hào như được tô vẽ là đủ rồi, còn việc người ta PR bản thân một tí cũng có sao đâu?
-----
Bài đăng gốc: