Khi tình yêu không là tất cả, vậy chúng ta đã bỏ lỡ gì ?
Từ xa xưa, con người đã cố định hình tình yêu và vai trò của nó trong đời sống, thời gian qua, những quan niệm xung quanh tình yêu...
Từ xa xưa, con người đã cố định hình tình yêu và vai trò của nó trong đời sống, thời gian qua, những quan niệm xung quanh tình yêu dần phân hóa theo từng nền văn hóa song vẫn tồn tại một điểm chung là luôn luôn hiện diện mối quan hệ lãng mạng dù là ở đâu hay thời đại nào đi chăng nữa, chính vì thế các nhà khoa học khẳng định tình yêu không phải là một ảo ảnh.
Chúng ta, nền văn hóa Á Đông quen gắn chặt tình yêu vào hôn nhân và gia đình, dưới quan niệm truyền thống đó, tình yêu đôi lứa phần nào giống một quy trình được công nhận bởi xã hội rồi lại đánh dấu bằng danh phận nói lên vai trò của mỗi người trong mối quan hệ, cụ thể, vẫn đang tồn tại quan niệm tình yêu hay hôn nhân là biểu hiện cho sự trưởng thành, có thể thấy điểm nghi vấn này trong quan niệm dân gian « trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng », có thể họ diễn giải rằng việc yêu rồi kết hôn sẽ thúc đẩy một trẻ trâu phải trưởng thành hơn để chuyên tâm hoàn thành nghĩa vụ chăm lo gia đình nhưng thực tế theo Thống kê của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới vào năm 2018: cứ 10 cặp thì có 3 cặp ly hôn, 70% số vụ ly hôn thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày. Từ kết quả đổ vỡ trên, ta càng chắc nịch rằng tình yêu và hôn nhân không thể là một minh chứng hay động lực đáng tin cậy cho mức độ trưởng thành, vì vậy, việc có người yêu hay kết hôn cũng không phải một thành tựu đáng nể, sự kiện đó chỉ đơn thuần là diễn biến cuộc đời của mỗi cá nhân chứ không thể nói lên điều gì khác, thế nên các bạn trẻ cũng không nên suy diễn rồi tự áp lực ganh đua “ cố tìm người yêu cho bằng bạn bằng bè”, tình yêu không phải là một đường đua xem ai hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, tôi nhận ra một vấn đề khác về khía cạnh tình yêu và hôn nhân Á Đông nữa, đó chính là người ta tìm kiếm sự ổn định được đánh dấu thông qua sự kiện lập gia đình, nó thể hiện ở suy nghĩ "gắng lấy vợ, lấy chồng cho xong", rồi " gắng sinh con cho xong", " gắng nuôi con đến lúc trưởng thành cho xong", thời gian trôi qua, đứa con đã lớn, kết hôn, sinh cháu rồi họ lại loay hoay với đứa cháu đến hết đời, vậy rốt cuộc họ đã " xong" chưa, liệu cái " xong" đó có đem đến cho họ hạnh phúc không ? Không có một thống kê chính xác nhưng nếu còn đó sự hối tiếc thì sao, nghi vấn này xuất hiện bởi nhìn vào thực tế tôi thấy có quá nhiều phàn nàn về mối quan hệ tình cảm hôn nhân, và nếu được chọn lại, liệu họ có chọn một cuộc đời tuyến tính nhàm chán như vậy không? Có thể ngày xưa hôn nhân phần nào là một ràng buộc được giám sát bởi lề thói xã hội nghiêm ngặt và cả chính những người trong cuộc cũng tự nguyện buộc mình trong giới hạn " phải đạo" nên vô hình chung hiếm ai vượt qua và họ lầm tưởng đó là sự ổn định và là đích đến đương nhiên của đời người, tàn dư của quan niệm trên là chụp mũ " lông bông" đối với những người chưa sẵn sàng bắt đầu mối quan hệ tình cảm, ngoài ra, vẫn còn đó thành kiến nặng nề đối với vấn đề ly hôn ( chia tay) mặc dù có một số mối quan hệ tựa như địa ngục. Lễ nghĩa được sinh ra để bảo vệ hạnh phúc con người bằng ý tưởng thiết lập một trật tự tròn trịa, dù nó đã làm tốt vai trò giữ vững giềng mối nhưng còn quá thô kệch để có thể giải quyết tận cùng mọi vấn đề vi tế bên trong, nhất là những vấn đề muôn hình vạn trạng phát sinh bởi con người cùng với sự phát triển xã hội.
Cho đến thời hiện đại, lớp trẻ được kế thừa một lượng kiến thức khổng lồ, song, có mấy người trả lời được câu hỏi " tình yêu là gì ? ". Dưới góc độ tất cả phải vì hạnh phúc của con người, tôi nhận ra điểm mù trong khái niệm tình yêu đã đem đến nhiều lúng túng, hiểu lầm và đau khổ, vì thế, bài viết này tôi sẽ tập trung nhận thức rõ vấn đề trên.
Người không hiểu tình yêu khi thì đề cập về nó chỉ biết gọi tên rồi xem đó là tất cả
1. Tam giác tình yêu của Sternberg
Đây là một lý thuyết 3 nhân tố cấu thành tình yêu của nhà tâm lý học Robert Sternberg được phát triển vào những năm 1980:
1. Sự thân thiết: cảm giác gắn kết, ràng buộc
2. Niềm đam mê: cảm giác và khao khát thúc đẩy hấp dẫn vật lý, lãng mạn, xác thịt
3. Sự cam kết: cảm giác thúc đẩy con người đến việc duy trì mối quan hệ và hướng đến chia sẻ mục tiêu chung
Từ 3 nhân tố trên, mối quan hệ tình cảm có thể chia ra đến 7 loại khác nhau tùy vào sự hiện diện của 3 nhân tố trên!
1. Tình bạn: sự thân thiết
2. Say mê: niềm đam mê
3. Trống rỗng: sự cam kết
4. Lãng mạn: sự thân thiết, niềm đam mê
5. Đồng hành: sự thân thiết
6. Khờ dại ( bốc đồng): niềm đam mê, cam kết
7. Hoàn hảo: sự thân thiết, niềm đam mê, sự cam kết
Qua lý thuyết trên ta thấy được mối quan hệ mà mọi người hằng gọi là " tình yêu" thực chất được duy trì dựa trên gắn kết tâm lý chứ không gì khác lạ hay bí hiểm, kể cả những mối quan hệ na ná như « trên tình bạn dưới tình yêu » cũng được lý giải rõ ràng chứ không có gì khó hiểu.
Theo lý thuyết trên, không thể tồn tại " yêu từ cái nhìn đầu tiên" mà đó chỉ là sự hấp dẫn giới tính khởi đầu cho mọi diễn biến theo sau, lâu ngày nếu không có gì tiến triển, nó sẽ chỉ dừng lại ở dạng thứ 2 ( say mê).
2. Kỳ Vọng
Chúng ta tốt nhất nên đến với tình yêu chứ đừng lao vào tình yêu, cũng đừng yêu chỉ vì lượng dopamine nó mang lại.
Thực chất, tình yêu hoàn hảo là dạng thứ 7 tôi đã nêu trên và trong đời sống không phải lúc nào nó cũng tồn tại, tuy nhiên, nó lại là dạng mà ai cũng đặt kỳ vọng nhiều nhất và khi đề cập đến tình yêu, người ta sẽ liên tưởng ngay đến loại này mà bỏ quên những loại còn lại, điều này vô tình tạo ra sự thiếu hiểu biết và phiến diện khi nhận thức tình yêu, có thể sự hiểu lầm này bắt nguồn từ góc nhìn cố định khi đề cập đến tình yêu đến từ những tác phẩm lãng mạn, tương đương việc ngày nay tồn tại những diễn ngôn có vẻ " sâu sắc" về tình yêu tràn lan trên mạng xã hội, đáng lẽ chúng ta nên nhận ra vấn đề này sớm hơn khi mỗi ông tác giả lại đưa ra một " định lý" khác nhau về tình yêu, chính sự mập mờ này đã ngăn cản những phát khởi vào yêu diễn biến một cách có nhận thức, đáng tiếc hơn, cũng chính điều này dẫn đến những hiểu lầm, ví dụ như vô tình rơi vào cái bẫy kỳ vọng do bản thân đặt ra và kể cả chuyện lấn cấn về cái tôi của mỗi người trong tình yêu.
Kỳ vọng bắt đầu tình yêu nhưng chính nó cũng có thể hủy diệt tình yêu, thật vậy, chúng ta luôn muốn những điều tốt nhất xảy ra với bản thân kể cả khi yêu, chúng ta luôn hy vọng một cuộc tình đẹp, một người yêu lý tưởng. Tiếc thay, đời không như là mơ và ai cũng tồn tại những mặt xấu, người ta đổ lỗi nhau vì « đã thay đổi » nhưng kỳ thực đó không phải là thay đổi mà nói đúng ra là lộ bản chất thật bởi khi đến với nhau nhiều người đã quá gượng ép bản thân và đối phương phải trở nên hoàn hảo, trau chuốt không được bao lâu, kỳ vọng mau chóng vỡ tan và cứ thế nhiều người phiêu lưu qua n cuộc tình trong một cuộc hành trình vô định cố mò kim đáy biển với hy vọng tìm ra một tình nhân lý tưởng, để cố giữ mãi những kích thích rung động ban đầu! Đau lòng hơn, khi kỳ vọng đi đến mức quá khích nó sẽ phản tác dụng trở thành hận thù khi tình cảm không được như ý.
Tôi cực kỳ bài trừ quan điểm « yêu cuồng sống vội » nhất là trong giới trẻ hiện nay, nhiều bạn quan niệm phải yêu đi vì đã đến tuổi rồi, không yêu thì phí thanh xuân, sợ ế mà không nhận ra việc họ đang tự mình tạo ra áp lực yêu « cuồng » cấu thành bởi những nhu cầu ích kỷ như: xoa dịu áp lực đồng trang lứa, tìm một nguồn vui mới để trốn tránh vấn đề, thỏa mãn khao khát giới tính, thỏa mãn tính chinh phục, thể hiện sức hút bản thân hoặc mong ước người đó sẽ mang đến cho mình một cuộc sống hào nhoáng như mơ hay chỉ đơn thuần là mong ước người đó sẽ mở ra một chương cuộc đời xán lạn hơn mà không cần quá nỗ lực trong thực tế đang là… Những động cơ đó được phủ dưới lớp đánh tráo mật ngọt « tình cảm chân thành », một số khác bào chữa bằng cách gắn cho nó một cái mác thật ngầu như đào hoa, phong lưu, bất cần. Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Trong số này 30% là phụ nữ từ 15 - 19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên. Đó là chưa kể đến những đứa trẻ được sinh ra với tương lai mờ mịt do sự thiếu chuẩn bị và vô trách nhiệm của cha mẹ chúng.
Ở mặt tiêu cực, người yêu chỉ là một hình tượng hóa của khối kỳ vọng mà chính bạn đang cần, nói cách khác, bạn không yêu người yêu bạn mà kỳ thực bạn đang yêu những kỳ vọng của chính bản thân, ví dụ như hình tượng trophy wife hoặc bình dân hơn là những gã trai săn tình nhằm chứng tỏ mình là alpha male.
Đến đây, ta có thể thấy tình yêu không hề là một vấn đề đơn giản khi mà nó cần người trong cuộc phải trang bị hiểu biết lẫn tâm thế sẵn sàng và nghiêm túc khi khởi đầu một mối quan hệ, kèm theo đó là sự tinh tế trước, trong và sau mối quan hệ.
3. Cái tôi
Người ta gọi tình yêu là tìm nửa kia mảnh ghép nhưng nếu bản thân còn không tự nhận thức được thì làm sao biết mảnh ghép nào là phù hợp.
Người ta nói cái tôi chính là thuốc độc cho mối quan hệ vì thế cần bỏ đi cái tôi, tôi nghĩ điều này chưa chính xác hoàn toàn, thử nghĩ, họ lấy thứ gì để đánh giá cái tôi cao hay thấp hay vừa vừa, thậm chí, tôi thắc mắc việc kêu gọi « từ bỏ cái tôi » có phải là một cái cớ hoàn hảo sử dụng ngụy biện cá trích đỏ để đánh đồng cái tôi với sự xấu xa rồi nhân đó thao túng tâm lý khiến người ta tự nguyện bỏ đi bản sắc và giá trị bản thân để chạy theo tình yêu độc hại, vấn nạn này có thể thấy được trong những đòi hỏi hy sinh, cam chịu, nhất là khi nhắc tới hình ảnh người phụ nữ Á Đông nói chung và người phụ nữ Việt Nam nói riêng. Âu cũng vì ta chưa ổn định lập trường ngay từ lúc bắt đầu nên mới bị thao túng! Thật vậy, theo tôi, tình yêu đầu tiên chính là yêu bản thân ta, điều đó không có gì tội lỗi vì chúng ta là những phàm nhân, không phải nhà tu nên đừng cố dùng mô thức triệt để của một nhà tu áp dụng lên mọi mặt của đời sống, chúng ta là những người phàm nên phải chấp nhận và bảo vệ những giới hạn hợp lý để tồn tại, đó mới chính là cách giải quyết tốt nhất, và đây cũng là cách xác định liệu hai bản sắc của mình và người đó có hợp nhau để tiến tới không, nên nhớ, hòa hợp chứ không hòa tan.
Văn hóa Á Đông vẫn còn đó những rào cản mới chỉ được gỡ bỏ một phần về tình yêu và tình dục, mà phàm việc gì càng cấm cản thì người ta sẽ càng tò mò như một cơ chế phòng thủ tâm lý để bảo vệ sự tự do cá nhân, dồn nén lâu ngày sẽ dễ sinh ra ẩn ức và nổi loạn, thế mới bảo cái tôi cần được vuốt ve đúng cách chứ không phải "tiêu diệt", kể cả những ý tưởng thiên về đổ thừa Cái Tôi cũng đều là một sai lầm, anh ích kỷ hay khốn nạn đến mức nào thì đều do anh lựa chọn, anh chính là Cái Tôi và và Cái Tôi chính là anh, thế nên hãy dừng ngay việc dùng Cái Tôi làm bia đỡ đạn rồi hô hào tiêu diệt nó các kiểu, điều đó không giúp anh chối tội thuyết phục hơn đâu, đừng nghĩ mình là nạn nhân, cũng đừng tưởng tượng mình là một bậc giác giả bởi giác giả thì sẽ không chạy trốn như thế. Cái Tôi, nếu nói chính xác phải dùng từ " chuyển hóa", hãy chấp nhận và cải huấn những mảng tối để một ngày kia nếu chuyện yêu đương không như ý thì cũng đừng trút những nỗi thất vọng và phẫn uất của bản thân lên người yêu, nhiều khi không phải vì những lỗi lầm rõ rệt mà đó chỉ là sự phóng chiếu đầy thù ghét những mặt tối trong con người mình lên người đó để hợp lý hóa lý do chia tay hay xung đột.
Nếu nói tới sự hiện diện của cái tôi phá hoại tình yêu thì phải chỉ ra những biểu hiện cụ thể như : thích tranh giành thế thượng phong khi mâu thuẫn, cuồng ghen, thích đóng vai nạn nhân, không bao giờ nhận lỗi, dễ tự ái, hay hơn thua vặt vãnh, thích nói mỉa mai, chỉ quan tâm đến quyền lợi và cảm xúc riêng bản thân.
4. Nếu cô đơn ập đến
Theo nhà tâm lý học người Thụy Sĩ Carl Jung : « cô đơn không phải là không có ai bên cạnh, mà cô đơn đến từ việc không thể bày tỏ nỗi lòng hoặc bản thân có những góc nhìn mà không ai cùng thấu hiểu». Chính cảm giác cô đơn là một trong những yếu tố gây ra sự lầm lẫn làm nhiều người cố bám đuổi tình yêu đôi lúc có phần mù quáng và gượng ép, hệ quả là họ chỉ tìm đến nhau vì niềm vui khiến cho sự gắn kết trở nên rất mong manh khi gặp sóng gió dẫn đến khả năng cao sẽ đổ vỡ giữa chừng, một số khác cố duy trì cuộc tình lê thê dù thật ra nó đã " chết rễ" bởi vì họ đã quen với sự hiện diện của nhau hoặc ở bên nhau chỉ vì một sự ràng buộc nào đó, bản chất của hành vi này đến từ mong muốn thoát khỏi sự cô độc, ta sợ phải một mình đối mặt với tất cả, đúng, con người có nhu cầu tình cảm nhưng không nhất thiết phải là tình yêu như hằng nghĩ, đôi khi thứ thực sự chúng ta cần chỉ là một người tri kỷ hoặc chỉ là một cuộc trò chuyện sâu, nơi các bên có thể thấu hiểu và thoải mái trút hết nỗi lòng.
5. Kết
Tình yêu đẹp là một trải nghiệm nhịp nhàng không bị phá hoại nghiêm trọng bởi bất kỳ xung đột nào phát xuất từ chính nội tâm những người trong cuộc, dù có chia tay đi chăng nữa cũng là một lựa chọn hợp lý từ đôi bên. Tương tự với sự chuẩn bị về vật chất, sự chuẩn bị về tinh thần cũng rất cần thiết để vững bước đường yêu. Tự nhận thức mình để làm tiền đề cho những phát khởi sáng suốt bởi khi ta biết yêu mình rồi thì ta mới biết yêu tha nhân trọn vẹn, đó là cách tôi dùng để kết nối danh tính với bản sắc, đừng để bản sắc bị giam cầm đến thối rữa trong thân phận, hãy vươn lên, cùng với bản sắc đó ta sẽ tìm được người xứng đáng.
Chúng ta tốt nhất nên hoàn thiện mình trước khi gây ra một lỗi lầm đáng tiếc bởi đau để trưởng thành luôn là hạ sách.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất