Cũng đã được một thời gian kể từ khi mình chấp nhận một sự thật không mấy vui vẻ rằng bản thân không phải một điều gì đó quá đặc biệt.


Thú thật là kể từ khoảnh khắc ấy, cuộc sống mình giảm sự thú vị đi mấy phần.
Mấy hôm trước mình có up vài những video của Dictionary of Obscure Sorrows như Sonder, Onism, Alazia, Vemödalen,... trên facebook. Một cái ở Quora và vài cái ở trang cá nhân.
Chả ai xem.
Đó là một điều hay ho đấy chứ. Vì ít nhất mình cảm thấy những video ấy giống mình: tuy không phải một thứ gì đấy đặc biệt, thượng đẳng, nhưng là một thứ khác lạ, một món hơi unique một tí nằm bơ vơ ở một kệ hàng nào đấy của siêu thị. Một món gì đấy ít người cần, nhưng lại có một vài người bỏ cả đời để tìm kiếm. Có những lúc đứng trên tầng 14 nhìn xuống, mình nhìn những con người nhỏ bé tội nghiệp đang lê những bước mệt mỏi trên vỉa hè, những chiếc xe máy di chuyển nhàm chán dọc các con đường và thấy thật buồn. Vì mình cũng là một phần của thế giới nhàm chán ấy, vì ai cũng như ai. Ai cũng như ai, điều quan trọng phải nhắc lại ba lần.
Ai cũng như ai.
(cám ơn cậu)
Chúng ta bước đi với câu chuyện của chính mình, đứng trên tầng 14 với câu chuyện của chính mình và nhìn thế giới chuyển động xung quanh với ánh mắt khinh khỉnh. Cho tới một ngày nhận ra sự thật trần trụi rằng ai cũng có câu chuyện của riêng họ, những câu chuyện phong phú và đầy màu sắc. Chúng ta là nhân vật chính trong bộ phim của mình và là nhân vật phụ trong bộ phim của những người khác.
Có một cảm xúc rất lạ mỗi khi biết được rằng mọi người cũng trăn trở những điều giống mình, cũng ngồi dựa lưng vào tường mỗi tối để nhìn vào khoảng không vô tận trong căn phòng tối om, cũng mệt mỏi đứng chờ thang máy cùng những lăn tăn về công việc trong ngày, cũng ngồi cong lưng trước máy tính làm những việc nhàm chán cho xong, cũng mở mắt thao láo nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời trong một đêm trời mưa tầm tã, cũng thỉnh thoảng nước mắt lăn dài trên má vì cô đơn ơi là cô đơn...
Một cảm giác được gọi là Sonder.
Nhưng mà, có điều gì đó khiến chúng ta không những không đặc biệt, lại còn là một kẻ đáng ghét.
Đó là khi mọi người sống một cuộc sống nhàn nhàn, nghĩ những điều bình thường, cười với những điều đơn giản thì ta lại phải sống một cuộc sống nhàm chán, khô cứng và cô độc hơn.
Nếu như phần đông mọi người sống dựa vào checklist:
1. Ra đời 
2. Học tiểu học 

3. Thi cử, rồi học THCS 

4. Lặp lại, rồi học THPT 

5. Thi đại học 

6. Học đại học
7. Kiếm một việc làm
8. Lập gia đình
9. Sinh con
10. Cho con đi học
11. Giúp con kiếm việc làm
12. Giúp con lập gia đình
...
Thì bạn lại sống theo một project:
Tìm được người bạn đời, cùng nhau lập một dự án giúp nâng cao dân trí, sau đó sống ở một căn nhà giữa thảo nguyên mênh mông của Bắc Âu. Sống một cuộc sống không phải của người hiện đại.
Nếu như những checklist-ers gặp nhau, họ có thể hỏi nhau về những mục tiêu chung của đời họ:
- Cháu nó bao nhiêu tuổi?
- Học lớp mấy rồi?
- Thi đại học chưa? Bao nhiêu điểm?
- Học trường nào?
- Bao giờ ra trường?
- Có việc làm chưa?
- Lấy vợ/chồng chưa?
- Có con chưa?
- Con bao nhiêu tuổi?
...
Đấy, họ luôn có những chủ đề lớn thú vị như thế, rồi lại mở rộng ra mà nói thêm. Chẳng hạn như có thể nói thêm về cách dạy con của nhau, xong rồi khoe con của mình. Hoặc là họ nói về công việc của mình, dạy đời vài ba câu cho người khác. Rồi nếu cảm thấy cuộc nói chuyện có vẻ khô cứng quá, họ có thể nói về những lĩnh vực khác,... chẳng bao giờ hết chuyện để nói. Thật tuyệt.
Còn sống như một project, chúng ta sẽ khô như một chương trình pascal, đặt ra hàng loạt các câu hỏi và tự đi tìm câu trả lời:
- Vì sao mình phải đi học? -> Vì mình cần tri thức, và mình yêu nó.
- Mình phải học gì, và ở đâu? -> Mình phải học những điều mình có hứng thú, và ở một môi trường năng động.
Đôi khi nó lòi thêm câu hỏi từ câu trả lời:
- Mình thích gì? - Mình thích những kiến thức chuyên môn, tới nơi tới chốn, nhưng không được quá nhàm chán.
- Vì sao phải ở môi trường năng động? - Vì ở đó có nhiều cơ hội.
Đôi khi là những câu hỏi đòi hỏi suy nghĩ thật nhiều:
- Mình có nên học tiếp đại học không? Điều này có thật sự cần thiết?
- Mình phải làm gì để tìm được người có cùng nhân sinh quan?
Vì nó khô cứng, nên khi gặp những chuyện không liên quan, nó thường đặt câu hỏi:
- Tại sao phải làm việc này? Nó đâu có trong kế hoạch?
- Làm quen với mọi người là tốt, nhưng nói những chuyện phiếm vô nghĩa này làm gì?
Hoặc những điều rất bình thường nhưng vẫn phải cân nhắc rất nhiều:
- Mình có thật sự cần mua món này không? Nếu không mua thì cảm xúc có bị tiêu cực đi không? Nếu có thì bao nhiêu phần? Và cảm xúc bị ảnh hưởng bấy nhiêu thì có ảnh hưởng tới kế hoạch không?
- Mình có thật sự muốn ăn món này không? Dự định tối nay đâu phải thế? Tại sao mình không nói với cô ấy rằng mình không muốn ăn món này? Nếu nói ra thì cô ấy sẽ hiểu cho hay sẽ cảm thấy bị tổn thương? Nếu không nói thì mình có bị tổn thương không? Nói hay không nói sẽ tốt cho mối quan hệ này hơn?
- Nhưng, mình có thật sự cần mối quan hệ này không?
Tất nhiên không phải mọi câu hỏi đều có thể trả lời, không phải mọi thông tin đều có sẵn. Nhiều thứ đã bị bỏ qua, nhưng một lúc nào đấy nó lại vào guồng. Nhiều khi những câu hỏi khiến bản thân mình hơi cứng nhắc. Chỉ vì một điều gì đó không phải mục tiêu của mình, mình đều phớt lờ và bỏ qua. 
Ví dụ như mình đi ăn. Đôi khi mình ăn ở một quán đắt tiền và lúc nào phần ăn cũng như lúc nào, cũng chỉ có một lượng y hệt như nhau. Đôi khi mình ăn ở một quán bình dân, và lượng thức ăn tùy vào tâm trạng lẫn cảm tính của người đầu bếp mỗi ngày mỗi khác. Thì mình cảm thấy thật sự khó chịu khi có sự chênh lệch suất ăn vào mỗi hôm. Dù rằng có hôm ít hơn thì cũng có hôm nhiều hơn, và rõ ràng đồ ăn ở đó nhiều hơn ở quán đắt tiền. Nhưng vì thứ mình hướng tới là sự chính xác, chứ không phải lượng thức ăn, thế nên mình vẫn cảm thấy rất khó chịu về sự chênh lệch ấy.
Một số tỉ phú cũng sống theo project, tiêu biểu như Mark Zugkerberg và Bill Gates. Khi họ được phỏng vấn rằng có đồng ý đóng tiền từ thiện không thì họ trả lời thẳng thắn là không. Tuy nhiên họ vẫn có những quỹ từ thiện của chính họ. Họ từ chối đóng tiền từ thiện đơn giản vì đó không nằm trong kế hoạch của họ. Họ đã lên kế hoạch hẳn hoi cho việc từ thiện, và đóng tiền từ thiện không nằm trong kế hoạch đó, nên họ không làm.
Nếu như những người sống theo checklist mỗi khi cảm thấy lạc đường chỉ cần giở lại danh sách những việc cần làm của cuộc đời và dò xem nên làm việc gì là xong thì những người sống theo project phải bám sát kế hoạch của mình mỗi ngày và không được để nó bị sai lệch đi. Mỗi khi hoàn thành được một việc trong danh sách checklist (ví dụ đậu đại học), những checklist-ers sẽ được thưởng một niềm vui sướng ngắn ngủi nhưng quý giá. Và đó là động lực để họ tiếp tục hoàn thành những việc khác. Những projecters sẽ không cảm thấy vui chỉ vì họ đậu đại học nếu việc đó không nằm trong kế hoạch, thứ họ cần là một điều gì đó có ý nghĩa thực sự đối với cuộc đời của họ, một điều gì đó tác động tích cực tới kế hoạch của họ.
Tất nhiên là mỗi người một kiểu, cái nào cũng có cái hay của cái nào. Vui là được.
Thế nhưng có vẻ như cuộc sống ngày càng phức tạp, và một cái checklist là kế sách quá đơn giản để đối phó với cuộc đời. Đây không phải là những năm của thời kì bao cấp, không phải những năm mà cần hoàn thành các chỉ tiêu để nhận được trợ cấp. Đây là một cuộc đời đầy màu sắc, và chúng ta cần phải trở thành một chiến binh.
Ấy chết, mình lại lan man và dạy đời rồi.
Nói chung là mình khá cô độc giữa những ngày tháng vừa qua. Nếu như mọi người có thể kết bạn một cách dễ dàng thì mình lại khổ sở hơn vì phải trả lời hết những câu hỏi như: Bạn này có phù hợp không? Tính cách giống nhau không? Gu âm nhạc, ẩm thực thế nào? Quan điểm sống ra sao? Có thể chia sẻ cùng nhau không? Có thể xếp vào nhóm nào: bạn thân, bạn cùng phòng, người đồng hành, tri kỉ, bạn đời, bạn xã giao, bạn chung bàn,...?
Mà kế hoạch của mình nó lại hơi dị một tí, nên rất ít ''sự'' kết bạn nằm trong kế hoạch. Thế nên mỗi khi nhìn thấy mọi người vui ơi là vui, mình đều thấy khó hiểu vì... "có gì mà vui quá vậy :(''. Và vì mình không kết bạn cho có, cho đỡ cô đơn nên việc kết bạn lấy số lượng là không cần thiết.
Dù sao thì việc một mình là ổn. Và đây không phải một lời tự an ủi. 
Nhưng sẽ thật tuyệt nếu có thể gặp những người cùng nhân sinh quan và cùng tần số. Và tuyệt hơn nữa khi có thể tạo lập được những mối quan hệ với họ.
Thế nên mình lại lên kế hoạch: Cần phải đi đâu để tìm được những người cùng nhân sinh quan? Cần phải làm gì? Cần phải trở thành người như thế nào thì mới có thể gây chú ý được với những người mình muốn gây chú ý? Yêu cầu tri kỉ như thế thì mình cần có những phẩm chất gì?
Thế nên, mình quyết định đứng ra tổ chức Offline Spiderum mỗi tháng một lần, cho những người giống như mình :D Và bài viết này cũng nằm trong kế hoạch quảng cáo cho buổi offline.
Hết rồi. 

Phần về sống như project hay checklist mình lấy ý tưởng từ chia sẻ của @huskywannafly trong buổi offline trước. Nó thật thú vị và đáng suy ngẫm, đúng không?
Về Sonder hay các video liên quan khác, các bạn có thể ghé thăm trang cá nhân của mình để xem. Đây là một trong số đó: Vemödalen
Buổi offline sắp tới dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 9 - đầu tháng 10. Hẹn gặp mọi người ở đấy nhé.