Khắt khe với người lạ, buông thả với bản thân!
Hôm bữa, mình đọc được một bài viết về một du học sinh tại Ấn Độ luôn dành ra 1 ngày trong tháng để tới lau dọn, vệ sinh tượng Bác ở NEW DEHLI.
Bài viết dựa trên góc nhìn và trải nghiệm cá nhân!
Hôm bữa, mình đọc được một bài viết về một du học sinh tại Ấn Độ luôn dành ra 1 ngày trong tháng để tới lau dọn, vệ sinh tượng Bác ở NEW DEHLI. Bản thân mình thấy rất tuyệt vời khi thấy những con người làm điều tốt đẹp được chia sẻ lên mạng xã hội. Như bao người khác, mình nhấn xem từng ảnh của bài viết. Hình ảnh cuối cùng là bạn du học sinh đứng cúi mình trước tượng Bác khi đã hoàn thành công việc. Câu chuyện sẽ chẳng có gì nếu như không xuất hiện vài ba bình luận kiểu "Gập lưng xuống chút nữa là đẹp" hay "Quỳ xuống". Thực ra, sau đọc được những bình luận này, mình đã vào ngay Spiderum để lưu bản nháp với chủ đề này.
Vẫn biết sẽ có rất nhiều sự toxic trên mạng xã hội nhưng nhiều lúc mình không nghĩ nó lại mạnh mẽ tới vậy. Một câu chuyện tưởng chừng như đơn giản, nhưng khi bạn đọc bình luận dưới bài viết đó, nó lại đi ngược 180 độ so với cái suy nghĩ của bạn ban đầu. Mình luôn cố gắng bỏ qua những bình luận có vẻ không hay đó. Thật may, chưa bao giờ mình bị vướng vào những vụ tranh cãi không đầu không cuối trên mạng.
Chắc hẳn ai cũng từng rơi vào trường hợp "luôn khó khăn, khắt khe với người khác; nhưng lại dễ dàng bỏ qua, buông thả với chính bản thân mình". Tất nhiên, tự nhận thấy mình cũng không ngoại lệ. Có lẽ tình trạng này vẫn kéo theo mình đến tận bây giờ bởi mình vẫn chưa biết cách nào để cắt bỏ cái đuôi này hoàn toàn.
Mình thấy khó chịu khi thấy đứa em, nhỏ cháu chỉ lướt Facebook hay loáy hoáy với đồ chơi cầm tay trong giờ học online nhưng lại thường không để ý rằng chính mình cũng đã thế (và rất nhiều lần) trong những tiết học online của mình. Hồi cấp 3, mình thấy khó hiểu khi nhiều bạn nữ cố gắng trang điểm thật đẹp, nhuộm tóc khi đi học, trong khi nếu như theo quy định của trường thì như vậy là không phải. Đôi khi mình thấy chúng bạn thật phí tiền khi mua vài món đồ chơi trong những cuốn truyện Nhật Bản. Mình từng cầm chiếc quạt của một người bạn cấp 3 của mình có in hình nhân vật truyện tranh/ hay bộ phim nào đó rồi thắc mắc "Ủa, sao mày mua cái này làm gì?" Nó đáp ngay "Sở thích của tao, giống như mày hay mua sách thôi, có thấy phí tiền gì đâu!" (câu này mình nhớ đại khái là vậy). Thú thật trong giây phút đấy não mình như chết trong khoảng vài giây, đứng hình luôn ấy. Hiện tại thì mình cũng bớt đi được cái suy nghĩ "Sở thích của mình không chắc đã là thứ người khác thích", nên khi có ai đó kêu mình "Mua sách nhiều phí tiền, đọc xong có nhớ gì đâu!" hay "Mua ván trượt làm gì, bỏ tiền đấy ra mà đi ăn cho no bụng, chơi vài ngày là chán" thì mình cũng không quan tâm quá nhiều mà bỏ tiền ra mua chiếc ván đầu tiên vì mục đích bớt thời gian ngồi không.
Biểu hiện dễ thấy nhất về vấn đề này có lẽ là ở nhà hoặc trường học. Mình luôn nhắc đám trẻ con ở nhà mình rằng phải thế này hay phải thế nọ. Giống như việc mình nhắc mấy đứa bé "Không được nói bậy, như thế là hư" nhưng đôi lúc mình vẫn không kiềm chế được mà nói ra vài câu "hư" như thế.
Hay đơn giản về vấn đề dịch bệnh Covid dạo gần đây. Mình ở vùng quê nên việc nhà sát nhà là điều dễ hiểu. Khi gia đình mình mới có người bị bệnh. Thì nhà bên liền phản ánh là "Không có ý thức khi bị bệnh" Ủa? Và khoá cửa ra vào giữa hai nhà. Đương nhiên, gia đình mình cũng không mang bệnh đi sang nhà người khác. Tới nay, thì nhà nào cũng có vài người dương tính với Covid. Với nhà từng phản ánh gia đình mình kia, thì bây giờ cũng mắc Covid, nhưng lại thoải mái đi lại, mở cửa. Còn cách ly á? Đương nhiên là không rồi!
Lý trí mình chắc chắn biết rằng việc khắt khe với người khác nó thật chẳng có ý nghĩa gì. Vì đôi khi sự khắt khe, kỳ vọng của mình lại chỉ như cơn gió thoảng qua với người khác, chẳng để lại gì nhiều. Nhưng có lẽ sự ích kỷ của bản thân mình luôn đặt ra một cột mốc cao hơn khả năng của họ, sau đó phủ nhận mọi công sức của người khác tạo ra.
Nhiều lần rơi vào tình thế nạn nhân, nhưng mình vẫn chưa sáng mắt ra. Mình có một người bạn, rất thích phủ nhận mọi công sức của mình khi luôn nói rằng "Trường Đại học mình theo học hành, thi cử dễ dàng." Mỗi khi mình nói GPA, thì bạn ấy luôn có câu cửa miệng "Trường mày học dễ thế à? Thi online thế thì mấy mà học bổng?" (Trời, thậm chí mình mất khoảng thời gian từ năm nhất lên năm 3 để kéo điểm lên mà vẫn chưa được 3.2/ 4.0 GPA). Thề với tất cả mọi thứ trên đời, mình khá ức chế. Sau vài lần giải thích rằng việc học của mình và bạn ấy không giống nhau, nên so sánh như thế nhưng không được, mình đã mặc kệ. Nhưng khi đến lượt mình hỏi về vấn đề học hành của bạn ấy, thì bạn lại lôi việc học hành khó khăn ra để nói. Kiểu như "Mày không học trường tao nên mày không biết được đâu".
Mình thấy vấn đề này phần nào đó xuất phát có thể bắt nguồn do sự so sánh của mình với người khác khi đặt trong một hoàn cảnh cụ thể. Và tất nhiên, bản thân luôn có suy nghĩ "Nếu làm, có thể mình sẽ làm tốt hơn". Nhưng sự thật thường không giống suy nghĩ, phải khi thực sự bắt tay vào làm, thì ta mới thấy rõ ràng nhất cái khó khăn trong đấy.
Trước đây mình vẫn nghĩ rằng "Làm gì mà không thể có được bằng tiếng Anh khi ra trường" khi thấy nhiều anh chị khoá trên kháo nhau có thể mua chứng chỉ ngoại ngữ. Nhưng khi đặt mình vào trường hợp này, mình gặp khó khăn thực sự trong việc học tiếng Anh. Hiện tại thì mình vẫn chưa dám đăng ký thi TOEIC để lấy điều kiện đi thực tập dù tháng 8/2022 tới đã phải nộp bằng. Đúng là một tấm chiếu mới!
Bạn mình từng bảo mình rằng: "Một lúc nào đấy, mày sẽ thấy mấy thứ người ta chia sẻ về việc làm thế nào để sống tốt hơn, thật ra sáo rỗng lắm. Họ khuyên là việc của họ vì họ thấy nó đúng trong cuộc đời của họ chứ không phải của mày. Tao thấy mày cứ nhìn vào việc của mày, đừng để ý đến người khác nhiều quá làm gì thì tự khắc sẽ đỡ lo hơn." Mình thấy nó khá... hợp lý. Đôi khi bản thân mình vác chuyện thiên hạ vào người rồi nghĩ lung tung mất mấy ngày liền. Mà nhiều nhất là việc mang cuộc đời người khác và cuộc sống của mình đặt lên cái cân. Quá tốn thời gian và công sức.
Một cách nho nhỏ của mình để tránh bản thân gặp phải những trường hợp như trên chính là tắt Facebook. Dạo gần đây mình hay tắt Facebook ở điện thoại, chỉ sử dụng trên máy tính để cập nhật thông tin và thấy cách này khá hiệu quả. Chỉ có điều nó khá khó khăn trong giai đoạn đầu, khi mà việc sử dụng mạng xã hội của mình chiếm nhiều thời gian trong ngày. Tuy nhiên, cách này khá bất tiện khi việc học hành hay công việc của mình hầu hết được cập nhật trên Facebook, đặc biệt hơn là vì học online nên hầu hết việc trao đổi bài tập, thảo luận đều thông qua box chat hay group Facebook.
Nếu ai đó vô tình đọc được những dòng này và có cách khác hiệu quả hơn để vừa hạn chế được mạng xã hội vừa phù hợp cho công việc, học tập thì để lại ý kiến mình tham khảo với nhé! Cảm ơn bạn!
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất