Bố mẹ nói tục chửi bậy thì đừng mong con cái nói chuyện lịch sự
Ngày hôm nay giữa anh tôi và mẹ xảy ra cãi nhau to, và ngồi trong phòng nghe mà tôi muốn khóc. Nói ra thì có vẻ hơi vô lễ nhưng cách...
Ngày hôm nay giữa anh tôi và mẹ xảy ra cãi nhau to, và ngồi trong phòng nghe mà tôi muốn khóc. Nói ra thì có vẻ hơi vô lễ nhưng cách ứng xử và lời nói của mẹ chưa bao giờ khiến tôi tự hào, thậm chí tôi còn cảm thấy xấu hổ. Mỗi lần mẹ bực mình, mắng chúng tôi, mẹ đều nói những lời vô cùng kinh khủng, nó bậy bạ hết sức, và mỗi lần như vậy, tôi chỉ muốn bịt tai lại và không muốn nghe nữa. Tôi nhớ có lần, trời lạnh nhưng người tôi lại nóng, và thế là tôi mở khoá áo khoác ra, và đêm đó, tôi bị ho. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ như in và chẳng thể hiểu nổi vì sao mẹ lại nói với mình câu đó: "Trời lạnh mà cứ phong phanh áo khoác ra thì chỉ có đĩ đượi thôi con mặt """!" Khi nghe câu nói đó, tôi đã khóc, và cho đến bây giờ, ngồi viết ra những dòng này, tôi cũng đang rơm rớm nước mắt. Hồi đó tôi mới học lớp 6, chỉ biết khóc thôi, còn bây giờ lớp 10 rồi, nó lại khiến tôi suy nghĩ nhiều hơn.
Câu nói ấy và vô vàn những lời bậy bạ khác khiến tôi phải nghĩ về việc nói tục chửi bậy của học sinh bây giờ. Từ thuở mới bắt đầu học lớp một, ông bà vẫn nói với chúng ta thế này: "Không được nói tục, chửi bậy nhé, như vậy là hư.", hay lớn hơn một chút, ta lại được quy định: "Cấm nói tục chửi bậy." Và mỗi lần nghe những lời như thế, tôi lại băn khoăn. Làm sao ta có thể không nói tục chửi bậy ngay cả khi những người dạy dỗ ta vẫn còn đang thực hiện điều đó? Bố mẹ nói chuyện với bạn bè thân thiết, bố mẹ mắng chửi con cái, hơi một chút là lôi những từ không hay để đệm vào, như một thói quen, và lâu dần ta chẳng còn cảm giác ghê miệng khi nói những câu nói đó nữa. Bố mẹ khuyên ta không nói bậy, nhưng chính họ đang phạm phải điều ấy - đó chính là mầm mống khiến con cái nghĩ rằng việc đó chẳng có gì sai, và chúng hoàn toàn có quyền tiếp tục làm việc đó vì chính người dạy chúng còn đang làm cơ mà. Và thế là ngày qua ngày, mỗi ngày tích thêm một chút, cái tật nói bậy nó trở thành thói quen lúc nào không hay. Lúc vui cũng nói bậy, mà lúc buồn hay tức giận lại càng kinh khủng hơn, dần dà, nó như một gia vị của lời ăn tiếng nói mà nếu không có ta lại thấy thiếu. Chuyện trò với bạn bè ư, thêm dăm ba câu nói bậy cho "dân dã", mắng chửi người khác hả, càng có lí do để nói bậy, la mắng con cái, càng phải nói bậy.
Tôi không biết những người khác thế nào, nhưng mẹ tôi, bà nói bậy mỗi lần mắng như thế, theo bà, là để "con cái sáng mắt ra". Nhưng chúng ta còn nhiều cách khác mà, đâu cần phải làm tổn thương nhau bằng những lời nói như thế, phải không?
Nên tôi nghĩ rằng, trước khi ta khuyên con trẻ không được nói tục chửi bậy, chính chúng ta - những người lớn phải thực hiện được điều đó đi đã. Chúng ta phải nói chuyện được với người khác bao gồm bạn bè, người thân và con cái, một cách lịch sự nhất. Hãy nói chuyện bằng lời hay ý đẹp, từ đó con trẻ mới có người để học tập và noi gương. Chúng nó sẽ nhìn vào đó, và học tập sự lịch sự ấy, và hơn hết, chúng nó hay chí ít là tôi, cũng cảm thấy tự hào hơn mỗi lần nhắc đến cách cư xử của bố mẹ.
Vẫn biết rằng từ bỏ thói quen xấu là vô cùng khó, nhưng không có nghĩa là không làm được, chỉ khi ta thực sự nhận thức được điều ta đang nói là kinh tởm, việc ta chêm xen những từ ngữ bậy bạ như thế, nếu xét về nghĩa, chẳng có nghĩa gì cả, thì ta mới bỏ được thói quen đó đi, và khi ta bỏ được rồi, thì con cái của ta cũng bỏ, phải không?
Đọc thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất