Mình vừa đọc xong cuốn “The book thief” trong mùa dịch này. Cả cuốn sách đều là một màu tối, nó khiến tâm trạng của mình chìm xuống, lắng đọng lại, như cách mà Sài Gòn đang trải qua vậy. Một màu xám, đen cùng những nét trầm. Sách như một người bạn cùng trải qua những ngày tháng im ắng, đượm buồn này cùng mình.
Mình thường đọc sách vào buổi tối, khi mà mình loay hoay mãi trên giường mà không thể chìm vào giấc ngủ. Có những đêm mình đem tâm trạng trầm đó vào giấc ngủ. Cũng có những đêm, mình khẽ mỉm cười và cảm thấy bản thân thật may mắn vì những thứ mình đang có. Gia đình, sách, sự đầy đủ về mặt vật chất. Xét thấy trong suốt gần 20 năm cuộc đời, mình chưa phải nói tạm biệt ai cả. Tất cả những người mình yêu thương và quý trọng đều vẫn hiện diện trong cuộc đời mình. Cơ hội mà mình có thể gặp lại họ là rất cao. Nhưng với Leisel thì không. Cô sinh ra khi thiếu đi sự có mặt của người ba. Lớn lên trong sự đói nghèo và chứng kiến cảnh người anh duy nhất của mình lìa đời với “một mắt nhắm, một mắt mở”. Như trong sách miêu tả thì đó là do anh đang mơ, về một thế giới tốt đẹp hơn chăng? Cảnh tượng đó sao mà đáng thương và xót xa quá. Rồi cô rời xa mẹ, đến ở với một gia đình xa lạ, bắt đầu một cuộc sống mới, có thể không sung sướng nhưng đủ để duy trì sự tồn tại của cô. Cô trộm sách, vì một niềm đam mê bất tận với con chữ trong khi bản thân vẫn chưa biết chữ, chưa thể đọc một trang sách. Đó cũng có thể là một sự tò mò của một đứa trẻ trước một thứ gọi là sách? Lần đầu tiên cô trộm sách là khi chứng kiến thấy anh mình bị chôn xác dưới nền tuyết trắng. Và đó là quyển sách hướng dẫn cách chôn xác.Với mình, quyển sách như một kỷ vật liên quan đến gia đình ruột của cô. Một loại kỷ vật duy nhất mà cô có để có thể tìm đến mỗi khi nhớ đến anh trai, mẹ.
Lúc đầu đọc sách mình có cảm giác số phận của cô bé này chắc sẽ thảm hại lắm vì vừa phải rời xa gia đình vừa bỏ lại nỗi đau, mang theo cơn ám ảnh với sự biến mất mãi của người anh trai. Nó bám theo Leisel hằng đêm trong từng giấc mơ của cô, khiến cô thường xuyên gặp ác mộng và tỉnh giấc. Đó sẽ là một sự trống trải đến vô cùng khi thức dậy và một mình đối diện với nỗi sợ. May mắn là ở gia đình mới, cô có Papa, một người đàn ông ấm áp luôn bên cạnh che chở cho những cơn hoảng sợ tột độ ấy. Một bờ vai ấm, một sự an toàn. Cũng chính Papa là người tiếp bước cho cô trong con đường “trộm sách”. Hằng đêm, bên cạnh ánh sáng le lói trong màn đêm, ông đã luôn ở đó, tận tình tập đọc giúp cô. Sau đó, niềm đam mê này được tiếp lửa bởi Ilsa Herbam, một người phụ nữ xinh đẹp mang trong mình một nỗi đau bất tận. Tưởng chừng cuộc sống khổ cực ấy chỉ có những ngày khổ sở của chiến tranh thì tác giả lại đem đến cho cô một cậu bạn thân, Rudy. Đó là một anh chàng hàng xóm điển hình, luôn bên cạnh, đồng hành cùng sự trưởng thành của cô và cũng là người mà cô yêu. Mình thích cái cách mà tác giả đưa Rudy vào cuộc sống của Lesiel. Đó là một món quà, điều duy nhất có vẻ đúng so với lứa tuổi của cô. Một đứa trẻ nên có một người bạn, nên có những lúc vui chơi chứ không phải căng mình lên đối diện với sự khắc nghiệt của cuộc sống. Có lẽ Rudy chính là yếu tố giúp người đọc cảm nhận rằng Lesiel là một đứa trẻ sau những biến cố mà cô gặp phải. Rosa là một nhân vật khiến mình vừa thương vừa sợ, nó khiến mình liên tưởng đến một người chị mà mình biết. Một kiểu phụ nữ “khẩu xà tâm phật” điển hình, một người mà chắc hẳn ai cũng sẽ có trong cuộc sống. 
Ở phần đầu truyện mình cảm nhận được phũ phàng của đói nghèo. Họ là những người lao động chân chính nhưng do thời cuộc và sự hà khắc của xã hội mà họ trở thành tầng lớp thấp nhất để rồi phải chật vật mỗi ngày để được ăn no. Phần tiếp theo của sách, mình sẽ gọi là tuổi thơ. Ở đó có những trò chơi, những lần nổi loạn chống đối và cũng có những giọt nước mắt. Phần tiếp theo là phần có Max, về anh này mình không có cảm xúc gì đặc biệt lắm ngoại trừ những lúc mà anh phải trốn chui, trốn nhủi dưới cái tầng hầm lạnh cóng trong những ngày đông giá lạnh. Sự yên ắng, lạnh lẽo và hiển nhiên là tẻ nhạt đó khiến mình có chút đồng cảm vì hiện tại, trong gần 3 tháng cách ly tại nhà, đã có những lúc mình mà cái thân xác này gần như muốn mụt rửa đi. Phần cuối là những giọt nước mắt, không nhiều nhưng nó khiến mình như muốn khóc nấc lên thành tiếng vì sự sát thương của từng con chữ. Trời ơi, đó chỉ là sự sắp xếp của những ký tự abc thôi mà lại có thể khiến mình khóc ngất như vậy. Qua đó mới thấy sức mạnh của con chữ và sự điêu luyện trong cách sử dụng con chữ của tác giả. 
Người ta có thể vừa yêu, vừa ghét một điều gì đó đến vô cùng. Dạo gần đây, mình thấm câu này lắm. Cái dòng cảm xúc của con người nó vô thường thật. Càng ngẫm càng thấy triết lý Phật Giáo thật đúng mà. Cuộc đời thật vô thường và con người ta thật vô tri, vô minh. 
Chữ cuối cùng trong sách là “I haunted by human”.