Kế toán quản trị 3: Điểm hòa vốn (Break-even point)
Xin chào các bạn, lại là mình đây với các bài viết về kế toán, kiểm toán và tài chính. Như vậy qua 2 bài trước ( Bài 1 và Bài 2...
Xin chào các bạn, lại là mình đây với các bài viết về kế toán, kiểm toán và tài chính.
Như vậy qua 2 bài trước (Bài 1 và Bài 2), chúng ta đã nắm được những khái niệm cơ bản về chi phí biến đổi, cố định, cách thức để tách phần cố định và phần biến đổi đối với những loại chi phí hỗn hợp. Phát triển từ phần này lên, hôm nay mình sẽ giới thiệu về một yếu tố rất quan trọng đối với mọi doanh nghiệp: Điểm hòa vốn. Bài viết gốc và blog của mình ở đây nhé (The ACCA's counselors: Điểm hòa vốn)
-----------------------------
Có lẽ mỗi doanh nghiệp sẽ đều đi qua giai đoạn từ nghiên cứu và phát triển sản phẩm, rồi giới thiệu sản phẩm, sau đó doanh thu bắt đầu tăng dần đến khi giảm dần, trước khi kết thúc vòng đời của sản phẩm đó. Giai đoạn đầu tiên thì bỏ ra rất nhiều tiền, sau đó mới bắt đầu thu hồi lại được. Các ông chủ luôn muốn biết được rằng, bao giờ mình hòa vốn, tức là doanh thu thu lại bằng được với chi phí bỏ ra. Dưới đây là 1 số ví dụ từ báo chí:
Bài 1: Trong tài liệu chuẩn bị cho phiên họp ĐHĐCĐ năm 2020 (dự kiến tổ chức ngày 27/6 tới), CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air – Mã CK: VJC) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế công ty mẹ là hòa vốn, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 100 tỷ đồng trong năm 2020. LinkBài 2: Doanh thu từ sản xuất xe, điện thoại của Vingroup tăng nhanh so với cuối năm trước, nhưng vẫn chưa đạt tới điểm hòa vốn: LinkBài 3: Toyota Motor Corp is aiming to significantly lower the break-even point for its Japanese operations through a slew of improved manufacturing processes, a top executive said on Friday Link
Vậy chúng ta sẽ cùng xem xét lại khái niệm và các yếu tố liên quan của điểm hòa vốn nhé.
A. Lý thuyết và ví dụ
Điểm hòa vốn là điểm mà tại đó tổng doanh thu = tổng chi phí, hoặc lợi nhuận bằng 0.
Trước hết, để cho tiện theo dõi, mình sẽ có những từ viết tắt như sau:
TR = Total revenue: Tổng doanh thu từ việc bán được sản phẩm
SP = Selling price: Giá bán sản phẩm
Ta có TR = SP * Số lượng sản phẩm bán ra
2. TC = Total cost: tổng chi phí tương ứng với số lượng sản phẩm bán ra.
TC = FC + TVC, trong đó
FC = Fixed cost: Chi phí cố định
TVC = Total Variable cost: Tổng Chi phí biến đổi. TVC = VC (chi phí biến đổi/sản phẩm) * Số lượng sản phẩm bán ra
3. Contribution per unit = SP – VC: Lợi nhuận biên/sản phẩm. Đây là 1 khái niệm cực kỳ quan trọng trong kế toán quản trị.
Chúng ta sẽ cùng phân tích kỹ hơn về định nghĩa điểm hòa vốn. Điểm hòa vốn là điểm mà tại đó tổng doanh thu = tổng chi phí hay là lợi nhuận = 0.
Ta có:
Lợi nhuận = Tổng doanh thu – Tổng chi phí = 0
=> TR – TC = TR – (FC + TVC) = (TR – TVC) – FC = 0
=> FC = TR – TVC. Mà ta có:
TR - TC = Số lượng sản phẩm bán ra * (SP – VC)
= Số lượng sản phẩm bán ra * Contribution per unit
Từ đó ta xác định được số lượng sản phẩm bán ra để đạt điểm hòa vốn (contribution in units) = FC / Contribution per unit (1)
Từ công thức (1) ta cũng xác định được doanh thu hòa vốn = số lượng sản phẩm hòa vốn * SP (2)
Chúng ta sẽ đi một ví dụ như sau:
Spiderum xuất bản cuốn sách Người trong muôn nghề: Ngành IT có gì
Giá bán trung bình của sản phẩm là 140k/cuốn. Chi phí biến đổi (bạn còn nhớ định nghĩa của nó chứ) bao gồm Chi phí in ấn (80k/cuốn), vận chuyển (10k/cuốn), bọc sách (5k/cuốn). Chi phí cố định bao gồm: Bản quyền tác giả (70tr), chi phí của Spiderum như lương, thuê VP…(40tr), chi phí marketing, ra mắt sản phẩm (25tr).
Ta có:
SP = 140k. VC = 80+10+5 = 95k. Từ đó Contribution/unit = 140k – 95k = 45k
FC = 25tr+40tr+70tr=135tr.
Áp dụng công thức trên ta tìm được số lượng sách cần bán ra để Spiderum hòa vốn (break even point in unit) là 135tr/45k = 3000 cuốn (các bạn cố gắng ủng hộ team nhé, mỗi cuốn bán ra là một bước tới thiên đường...à quên, tới điểm hòa vốn đó)
Khi đó ta sẽ có doanh thu hòa vốn (break even point in revenue) = 3,000 * 140k = 420tr.
Thử lại nhé: Với doanh thu 420tr, khi đó tổng chi phí bỏ ra như sau:
+ In sách: 3000 * 80k = 240tr
+ Vận chuyển: 3000 * 10k = 30tr
+ Bọc sách: 3000 * 5k = 15tr
+ Chi phí cố định: 135tr
Tổng = 420tr vừa bằng doanh thu.
Ngoài ra ta có thêm 1 khái niệm nữa là C/S ratio = Contribution per unit/Selling price per unit.
Bài tập nhỏ (khá hay) cho các bạn muốn tìm hiểu thêm: Chứng minh Break even point in sales = FC : C/S ratio
B. 2 ứng dụng của điểm hòa vốn
1. Margin of safety (vùng an toàn). Ta đi vào công thức và ví dụ thì sẽ hiểu được ý nghĩa của nó
Margin of safety (in unit) = expected output – break even point (in unit)
Margin of safety (in revenue) = expected revenue – break even point (in revenue)
Với ví dụ trên, giả sử team Spiderum dự tính in và bán 5000 cuốn. Như vậy margin of safety = 2000 cuốn.
Đây chính 2000 cuốn mà khi bán ra là đem lại lãi cho doanh nghiệp (vì đã vượt qua điểm hòa vốn từ cuốn từ 3001 rồi). Bán 2000 cuốn này không lo như bán 3000 cuốn đầu tiên (vì trọng trách của nó là phải hòa vốn). Đó chính là ý nghĩa của margin of safety. Đôi khi người ta tính con số này ra số tương đối, trong ví dụ này có thể nói: bán 5000 cuốn và 60% là đạt hòa vốn, 40% là để lấy lãi.
2. Lợi nhuận kỳ vọng (desired profit)
Giả sử doanh nghiệp không chỉ muốn hòa vốn mà muốn đạt lợi nhuận thì sao. Khi đó, với cách tiếp cận tương tự, ta có công thức sau:
Số lượng sản phẩm cần bán (để đạt lợi nhuận kỳ vọng) = (FC + desired profit) / contribution per unit.
Tương tự như vậy ta cũng tính doanh thu cần bán (để đạt lợi nhuận kỳ vọng)
Giả sử Spiderum muốn có lợi nhuận 300tr từ việc bán sách này (để nâng cấp website thật hay và dễ nhìn hơn nữa), thì chúng ta có thể tính xem cần phải bán được bao nhiêu cuốn. Hẳn phải là: (135tr + 300tr) / 45k = 9.667 cuốn. Một con số đáng mơ ước của @please và @levi
Kết bài: Mặc dù điểm hòa vốn là một khái niệm quan trọng trong vận hành doanh nghiệp, khi chẻ nhỏ vấn đề ra ta thấy cũng khá là đơn giản. Lại giống như phương pháp Highlow, phương pháp này cũng có những giả định nhất định như: Giá bán, CP cố định, CP biến đổi sẽ giữ nguyên trong mọi trường hợp. Điều này có thể không đúng trong thực tế, tuy nhiên có thể điều chỉnh một chút để đưa nó về cách tiếp cận gốc, 1 cách tiếp cận dễ hiểu và dễ áp dụng hơn nhiều.
Bài viết cùng tác giả:
Người trong muôn nghề
/nguoi-trong-muon-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất