KHOÁI CẢM CỦA NIỀM ĐAU
“ … A, đó ! Chính những điều nhục mạ giết người đó, những cái chế nhạo của một kẻ không tên nào đó, chính những cái đó đã cho anh cái...
“ … A, đó ! Chính những điều nhục mạ giết người đó, những cái chế nhạo của một kẻ không tên nào đó, chính những cái đó đã cho anh cái cảm giác sướng khoái ấy, cái cảm giác đôi khi vượt tới một độ khoái lạc vô ngần…”
Cái nhân vật tôi trong Bút ký dưới hầm đã phải thốt lên những lời như thế sau cả một cuộc đời dài sống trong cái vỏ ốc, dưới căn hầm tăm tối để tự vấn bản thân. Bất kể là ai khi đọc được những dòng này, cũng không khỏi băn khoăn, và tệ hơn có thể là cảm thấy nực cười. Bởi chăng, dù là ai đi nữa, một con người bình thường liệu có thể nhận lấy những điều nhục nhã, chế nhạo mà cảm thấy sướng khoái được cơ chứ ???
Nhưng có lẽ, điều tưởng như quá đỗi phi lý như vậy lại hoàn toàn có thể xảy ra trong cuộc đời mỗi con người. Những điều không tưởng như thế luôn nằm ẩn sâu trong tâm hồn mỗi còn người bình thường, và có chăng nó chỉ đôi khi lóe sang rồi vụt tắt trong thoáng chốc. Bạn phải thật sự tách biệt, tránh xa những những xô bồ vụn vặt của cuộc sống. Dành một không gian để tự vấn, để nhìn sâu vào cái bản ngả của con người mình mới có thể nhận thấy. Giống như nhân vật chính trong Bút ký dưới hầm đã từng làm.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà Bút ký dưới hầm được coi là tác phẩm viết về chủ nghĩa hiện sinh hay nhất từng được viết ra, và Dos trở thành người báo trước cho chủ nghĩa hiện sinh. Bởi chăng, nó dãi bày hết những khổ đau, dày vò trong tâm hồn của một con người, kẻ vẫn đang âm thầm sinh tồn hoạt hiện trên cõi đời. Kẻ vẫn luôn cố gắng, tìm mọi cách để đối phó với vận mệnh và để sống. Nó đặt ra những câu hỏi tiên quyết đối với đời sống : liệu cuộc đời có đáng sống, con người nên làm gì với chính mình trước những phi lý của cuộc sống, họ phải làm gì với số phận của mình khi mang trên vai cái gánh nặng của tự do, của ý chí tự quyết, của một cuộc sống thiếu vắng Thượng Đế… Tất cả những câu hỏi, những luận đề được triển khai trong nó sẽ còn và mãi là một dấu hỏi lớn đối với các học giả của chủ nghĩa Hiện sinh sau này và cả nền văn minh nhân loại cho đến tận ngày nay.
Bút ký dưới hầm thoạt đầu được thai nghén như một bài tiểu luận phê bình. Ý tưởng của Dostoyevsky là viết bài phê bình về cuốn Cần phải làm gì của Chernishevsky, được xuất bản trước đó một năm. Cuốn sách được nhiều người trong thế hệ trẻ, hiện đại và theo lối Tây Phương ưa thích. Xuất phát từ những khoảng tối trong đầu óc duy lý và con tim đầy giận dữ với những kẻ rêu rao tư tưởng duy vật khách quan của Phương Tây của một tâm hồn đậm chất Nga. Tại đây, Dostoyevsky đã tìm được tiếng nói của tâm hồn, cái giọng ca mà Thượng Đế ban tặng, để ông có thể cất lên những khúc ca tuyệt mỹ nhất về cái đẹp, tình yêu và con người. Có thể nói, Bút ký dưới hầm là xuất phát điểm huy hoàng nhất từng có trong lịch sử văn học cũng như trong sự nghiệp văn chương của Dostoyevsky, để rồi theo sau nó là những Tội ác và hình phạt, Lũ người Quỷ Ám, Thằng khờ, Anh em nhà Karamazov… những kiệt tác văn chương chói lọi trong lịch sử văn học của nhân loại.
Bút ký dưới hầm có cấu trúc tương đối giản dị. Gồm hai phần : phần 1 với nhan đề Dưới hầm là những dòng suy tư, tự thuật, những nhận định mới mẻ đầy logic nhưng cũng không kém phần mâu thuẫn của một anh chàng bốn mươi tuổi. Sau khi được một khoản thừa kế từ một người họ hàng xa, anh ta quyết tâm từ bỏ sự nghiệp công chức còn dở dang để gánh lấy cuộc sống cô độc, đau đớn mà anh ta gọi là “ dưới hầm “. Phần 2 với nhan đề “ Nhân mùa tuyết tan “ là hồi ký thật sự của nhân vật tôi, với một vài sự kiện, nhân vật có thật trong cuộc đời của nhân vật tôi. Những sự kiện xoay quanh vấn đề tiền nong, nỗi chán chường, ghen ghét, căm thù, tình bạn, danh dự, và cả tình yêu. Những cung bậc căn bản của cuộc sống mỗi con người trong thời đại.
Hắn, nhân vật trọng tâm tăm tối trong tác phẩm, là một con thú bị giam cầm. Không chỉ bị giam cầm trong chính căn hầm mà hắn tìm đến. Hắn còn bị giam cầm trong chính những suy nghĩ tăm tối, mâu thuẫn đến nực cười của bản thân. Liệu đó có phải bản án dành cho những người có trí óc sáng suốt, những kẻ hoài nghi với mọi sự, mọi lý lẽ cuộc đời – như hắn tự nhận hay không.
Ngay từ những lời mở đầu, hắn, con thú bị giam cầm, đã tự nhận mình là kẻ bị bệnh. Một kẻ bệnh hoạn nhưng không hề muốn được chữa khỏi. Chính trong cái tình trạng bệnh hoạn, theo đó cả những tính xấu, sự độc ác mà chính hắn cũng vơ về phần mình luôn. Chính những thứ đó đem lại cho hắn cái khoái cảm bệnh hoạn. Khoái cảm của một con thú đang ở bước đường cùng, khoái cảm từ nỗi đau. Nhưng không vì thế hắn coi mình là kẻ ngu ngốc, thậm chí hắn còn coi mình là kẻ sáng suốt.
Xuất phát từ những khoái cảm hắn nhận được từ nỗi đau, cái sướng khoái mà chẳng một người bình thường nào hiểu được. Cùng với sự sáng suốt của bản thân, hắn hiểu rằng : những con người hành động, những kẻ yên ổn tâm hồn và không còn một hoài nghi nào nữa , những kẻ mà dễ dàng đạt được cái mục đích, cái lợi ích chính của bản thân đó chỉ là những phím đàn trên chiếc dương cầm, cái pédale của chiếc đại phong cầm. Con người đang sống cuộc sống đã được định sẵn trong bảng log, trong những thang giá trị mà chính họ tạo ra. Vậy nên, chỉ những kẻ sáng suốt, những con người dành cả cuộc đời để hoài nghi và mâu thuẫn, chính họ mới thực sự đang sống. Họ hoài nghi, dằn vặt bản thân, đẩy bản thân vào tình cảnh cùng cực khổ đau, ê trề nhục nhã. Họ sẵn sàng chịu mọi rủa xả, khinh thường, chỉ để tìm cái lợi ích chưa từng được thống kê trên bảng log, cái lợi ích mà chính hắn tạo ra cho mình. Tạo cho mình một định mệnh, một quyền tự do quyết định số phận, và dù quyết định đó có đem lại khổ đau như thế nào thì hắn vẫn tìm được trong đó sự thống khoái, niềm hạnh phúc của con người tự do.
Chính những giâc mơ ngông cuồng đó, chính cái ngu dốt tầm thường nhất đó, là thứ hắn muốn giữ bên mình, chỉ để chứng tỏ cho chính hắn ( điều này tối cần thiết ! ) rằng con người là con người chứ không phải những phím dưỡng cầm cho những quy luật tự nhiên tùy ý điều khiển đến cùng, để thời gian qua đi rồi con người ta sẽ chẳng còn khao khát gì nữa ngoài trừ những danh mục. Còn nữa : cho dù con người có thật là một phím dương cầm chăng nữa, cho dù khoa học và toán học đã chứng minh như vậy đi chăng nữa, hắn cũng vẫn không thèm thuần lý làm gì, cũng vẫn cố tình làm một vài việc vô lối, cốt chỉ để bộc lộ cái vô lối, cốt chỉ để được là chính hắn.
Rồi bỗng nhiên, tưởng như hắn lại phủ nhận toàn bộ những nỗ lực minh chứng sự tự do của bản thân .
Và có lẽ, ai biết được, ( không thể nói chắc ), rằng toàn bộ mục đích trên thế gian mà nhân loại hướng tới chỉ nằm trong một sự liên tục của quá trình đạt tới, nói cách khác – là trong chính bản thân cuộc sống chứ không nằm ở mục đích mà tất nhiên không thể là gì khác hơn hai lần hai là bốn, tức là định thức, mà hai là hai là bốn thì không phải cuộc sống, thưa quý vị, mà là khởi đầu của sự chết.
Nhưng không, con người sẽ còn lại gì ngoài cái khoái cảm một sự liên tục đạt tới, trong chính bản thân cuộc sống. Chính điều đó khiến họ, những con người thực sự muốn sống, họ gạt bỏ mọi mục đích, mọi điều lợi dành cho cuộc đời của mình. Họ, sẵn sàng đón nhận mọi khổ đau, mọi điều nhục nhã, những sai lầm, day dứt , gánh lấy trọng trách quyết định về cuộc sống của mình để được nếm trải hương vị của cuộc đời, để được sống một cách đúng nghĩa.
Chính vì lẽ đó, mà hắn, nhân vật tôi của tác phẩm, bày tỏ sự căm phẫn, giận dữ nhưng cũng ngập tràn sự khinh miệt mỉa mai đối với những kẻ có tâm hồn hào phóng. Những tâm hôn ôm ấp toàn vẹn cái lý tưởng của họ cho đến hơi thở cuối cùng. Và mặc dù họ chẳng hề nhúc nhích một ngón tay để hoạt động cho lý tưởng đó, mặc dù họ là những tên chó đẻ thực thu, họ vẫn cứ là những kẻ có tâm hồn thanh nhã, vẫn ôm ấp một long kính trọng lý tưởng đó như thường, cái lý tưởng không khi nào họ nói đến mà đôi mắt lại không rưng rưng đầy lệ. Những kẻ chưa từng thực sự sống. Cái dưỡng chất nuôi sống cuộc đời họ chỉ là những mớ lý thuyết, những phát minh, tư tưởng mà họ đời đời tôn trọng, những thứ bóp nghẹt cuộc đời vô thường.
Cũng vì thế, để củng cố một cách mạnh mẽ những lập luận của mình. Nhân vật tôi của Bút ký dưới hầm đã thuật lại phần nào những ấn tượng mạnh mẽ nhất, những kỷ niệm day dứt nhất mà hắn đã trải qua. Những hình ảnh mà đối với hắn, cho đến giờ phút này vẫn không ngừng làm bản thân hắn cảm thấy ‘sướng khoái’.
Hắn đã thuật lại hắn cảm thấy khốn khổ ra sao, nhục nhã thế nào khi cố tình gây sự tại cửa hàng bi-a để rồi bị phớt lờ, khinh thị, để rồi dấm dứt không yên với mong muốn hành động trả thù bất thành. Hay buộc mình tự chuốc lấy nhục nhã ê chề vào người chỉ để thỏa mãn cái khao khát bị cô lập, lãng quên, ngay trong chính những người bạn của mình. Tệ hơn nữa, hắn còn thực hiện cái dục vọng đê hèn, mong muốn được trả thù, được đay nghiến những cuộc đời khác, hay cũng là mong muốn tột cùng, mong muốn bản thân được chấp nhận như một con người, một con người thực sự chứ không phải là một cái bóng bằng việc gieo vào đầu một sinh linh bé nhỏ, một thiên thần đang dần sa ngã những mộng tưởng về cái đẹp, về lý tưởng đạo đức và ánh sáng của cuộc đời. Để rồi bóp nghẹt nó bằng sự khinh bỉ độc ác, bằng những đồng bạc giấy - cái biểu tượng bất tử của cuộc sống trần gian nhơ nhớp.
Chính nhờ vào quá trình tự truy bức bản thân đến tận cùng đó, hắn đã kết luận được về mình: “ Tôi thì tôi biết chắc tôi là đứa vô liêm sỉ, một thằng khốn nạn, một tên lười biếng, một quân đại ích kỷ (…). Tôi xấu hổ vì tôi nghèo, tôi xấu hổ và sợ nó hơn hết thảy trên đời, còn sợ hơn ăn cắp, bởi vì tôi hơm mình, tôi tự cao tự đại…”
Nhưng, chung quy lại, liệu hắn-cái nhân vật tôi khốn khổ đó có phải là con người xấu xa, độc , kẻ bệnh hoạn giống như hắn tự nhận. Hay chính chúng ta, những kẻ thờ ơ trước định mệnh của bản thân, của kiếp người, mới xứng đáng với danh xưng đó…
Còn có nhiều điều, quá nhiều khả thể để tìm thấy trong văn chương của Dostoyevsky cũng như trong Bút ký dưới hầm. Những cảm nhận trên đây cũng chỉ là của một cá nhân. Có thể dưới góc nhìn của những con người khác, những tâm hồn khác, biết đâu nó lại mang những ánh sáng thuần khiết hơn, những tình cảm lớn lao hơn thì sao. Ai mà biết được chứ ??? Chính vì đó là điều chủ yếu mà Bút ký dưới hầm nói tới, mỗi con người đều tự xây dựng cho mình những giá trị, tự đưa ra những quyết định cho cuộc đời mình. Để khẳng định họ là con người , những cá thể độc lập gánh trên vai sức nặng của tự do, của những lựa chọn thiếu vắng Thượng Đế.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất