-Part 03-

LỘ TRÌNH HỌC MÀU SẮC

Trước khi đi đến nội dung chính của part này, mình sẽ đưa ra một vài câu hỏi:
Bạn làm tác phẩm dành cho điều gì?
Bạn muốn truyền tải điều gì thông qua đó?
Thông điệp bạn đưa ra dành cho ai?
Nếu bạn nói rằng bạn làm art vì thỏa mãn một mình bản thân, chẳng cần ai hiểu cũng như chẳng cần sự công nhận của ai, mình hoàn toàn không dám có ý kiến.
Vậy hãy giữ nó cho riêng mình, theo đúng mục đích ban đầu.
Nhưng một khi bạn chia sẻ art của mình đến với thế giới này, cho dù thông qua phương tiện nào, bất kể truyền thống hay hiện đại, nghĩa là art của bạn sẽ có người tiếp cận đến và tiếp nhận nó.
Đó là một quá trình 2 chiều, giữa người gửi - người nhận.
Đó cũng chính là quá trình giao tiếp.
NTK nội thất, NTK thời trang, Kiến trúc sư, Nhà điêu khắc, Nhà in ấn, Họa sĩ, Nhiếp ảnh gia, Nhà làm phim, Vũ công, Nhà văn,...
Có ai trong số những người trên đây không sử dụng giao tiếp?
Có ai trong số chúng ta không sử dụng giao tiếp?
Giao tiếp là một trong những nhu cầu cơ bản nhất nhưng có ý nghĩa lớn nhất với con người. 
Tất cả nguồn tri thức bạn thu thập được trong cuộc sống này bắt nguồn từ đâu? Nếu không phải từ đọc sách, xem truyền hình, xem tranh, trò chuyện  với những người khác, thấy những gì người khác làm...?
Ở số trước ta đã bàn về bản chất tự nhiên của màu sắc với các sinh vật sống, là để GIAO TIẾP.
Qua đó, cụ thể các mục đích của việc sử dụng màu sắc để giao tiếp bao gồm có:
1. Orientation - Định hướng
2. Warning - Cảnh báo
3. Camouflage - Ngụy trang
4. Identity - Tạo danh tính
Bất kỳ việc dùng màu nào của ta đều có thể xếp vào một trong bốn mục đích bên trên.
Vậy nếu nói mục đích của màu sắc là giao tiếp, và màu sắc là một loại ngôn ngữ giúp chúng ta giao tiếp. Thì cách mà chúng ta sử dụng màu sắc, cũng như quá trình mà ta học về nó, sẽ liên quan mật thiết tới QUÁ TRÌNH GIAO TIẾP, và LỘ TRÌNH HỌC MỘT NGÔN NGỮ.
OK, let’s gooo!
QUÁ TRÌNH GIAO TIẾP - COMMUNICATION PROCESS
Giao tiếp là một quá trình động bắt đầu bằng việc lên ý tưởng từ người gửi, sau đó truyền thông điệp qua một kênh nào đó, và tới người nhận, người nhận sẽ đưa ra phản hồi dưới dạng một số thông điệp hoặc tín hiệu trong khung thời gian nhất định.
Do đó, có 7 yếu tố chính của quá trình giao tiếp: 
1. Sender - Người gửi: 
Người gửi là người bắt đầu cuộc trò chuyện, khi đã có ý tưởng định truyền đạt cho người khác.
2. Encoding - Mã hóa: 
Người gửi bắt đầu với quá trình mã hóa (trình bày lượng thông tin phức tạp thành dạng đơn giản và ngắn gọn), hay nói cách khác là nén thông tin.
Người  gửi có thể sử dụng một số từ ngữ hoặc phương pháp phi ngôn ngữ như ký  hiệu, dấu hiệu, cử chỉ cơ thể, v.v. để chuyển thông tin thành tin nhắn.
Kiến thức, kỹ năng, nhận thức, nền tảng, năng lực, v.v. của người gửi có tác động lớn đến sự thành công của việc nén thông tin.
3. Message - Thông điệp: 
Sau khi mã hóa hoàn tất, người gửi sẽ nắm được thông điệp mà mình định truyền tải.Thông  điệp có thể được viết, được nói, mang tính tượng trưng hoặc phi ngôn  ngữ như cử chỉ cơ thể, im lặng, thở dài, âm thanh, v.v. hoặc bất kỳ tín  hiệu nào khác kích hoạt phản hồi của người nhận.
4. Communication Channel - Kênh liên lạc: 
Người gửi chọn phương tiện để truyền tải thông điệp của mình đến người nhận.
Phương tiện này cần được lựa chọn cẩn thận để thông điệp có hiệu quả, và giúp người nhận giải thích một cách chính xác.
Việc lựa chọn phương tiện phụ thuộc vào mối quan hệ cá nhân giữa người gửi  và người nhận, cũng như mức độ khẩn cấp của thông điệp được gửi đi.
5. Receiver - Người nhận: 
Người nhận là người được thông điệp nhắm đến. Người này cố gắng hiểu thông điệp theo cách tốt nhất có thể, để đạt được mục tiêu giao tiếp. Mức độ mà người nhận giải mã thông điệp phụ thuộc vào kiến thức của họ về chủ đề, kinh nghiệm, sự tin tưởng và mối quan hệ với người gửi.
6. Decoding - Giải mã: 
Tại đây, người nhận diễn giải thông điệp của người gửi và cố gắng hiểu thông điệp đó theo cách tốt nhất có thể.
Giao tiếp hiệu quả chỉ xảy ra khi người nhận hiểu thông điệp theo đúng cách mà người gửi dự định.
7. Feedback - Phản hồi: Phản hồi là bước cuối cùng của quá trình, để đảm bảo rằng người nhận đã nhận được thông điệp và diễn giải nó một cách chính xác như dự định của người gửi.
Bước này làm tăng hiệu quả giao tiếp vì nó cho người gửi biết được hiệu quả thông điệp của mình. Phản hồi của người nhận có thể bằng lời nói hoặc không lời.
Ghi chú: Noise (tiếng ồn) thể hiện những rào cản trong việc giao tiếp. Có nhiều khả năng thông  điệp được gửi bởi người gửi nhưng người nhận không nhận được.
LỘ TRÌNH HỌC MỘT NGÔN NGỮ
Bây giờ hãy nghĩ về ngôn ngữ tiếng Việt, bạn học tiếng Việt qua quá trình như thế nào?
Dù có sự khác nhau trên mỗi cá nhân, nhưng về cơ bản quá trình một em bé học ngôn ngữ diễn ra như sau:
1. Mới sinh:
Khi trẻ mới được sinh ra, chúng đã có thể phản ứng với nhịp điệu của ngôn ngữ. Chúng có thể nhận ra tốc độ, sự căng thẳng, và sự lên xuống của cao độ.
2. Giai đoạn 4-6 tháng:
Từ tháng thứ tư, trẻ sơ sinh có thể phân biệt giữa âm thanh của ngôn ngữ với các tiếng động khác. Ví dụ, chúng biết sự khác biệt giữa lời nói và  tiếng vỗ tay.
Đến tháng thứ 6, trẻ bắt đầu bập bẹ và thủ thỉ, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy trẻ đang học ngôn ngữ. Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu bập bẹ, kết  hợp lẫn nguyên âm và phụ âm, chẳng hạn như ba ba, ya ya, ma ma,  đa-đa,...
Trẻ lúc này có khả năng tạo ra tất cả âm thanh trong tất cả các ngôn ngữ trên thế giới, nhưng khi trẻ được một tuổi, chúng sẽ bỏ đi những âm  thanh không thuộc về ngôn ngữ mà chúng đang học.
3. Giai đoạn 8 tháng:
Trẻ bây giờ có thể nhận biết các nhóm âm thanh nào là từ ngữ của ngôn ngữ mình đang học. Mặc dù vậy, chúng vẫn đang học những từ này có nghĩa là gì. Trẻ sơ sinh ở độ tuổi này có nhiều khả năng hiểu được ý nghĩa của các từ liên quan đến trải nghiệm hàng ngày của chúng, đặc biệt là liên quan đến thức ăn và các bộ phận cơ thể.
4. Giai đoạn 12 tháng:
Ở thời điểm này, trẻ đã có thể liên kết được ý nghĩa với từ ngữ.
Sau khi làm được điều đó, chúng có thể bắt đầu xây dựng vốn từ vựng. Chúng cũng bắt đầu bắt chước những từ mới mà chúng nghe được.
5. Giai đoạn 18 tháng:
Để giao tiếp được trẻ phải biết cách sử dụng những từ chúng đang học. Trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ này, trẻ đã có thể nhận ra sự khác biệt giữa danh từ và động từ. Thông thường, những từ đầu tiên trong vốn  từ vựng của trẻ là danh từ. Ví dụ như “ba, mẹ, táo, lê, v.v.
6. Giai đoạn 24 tháng:
Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu nhận biết nhiều danh từ và động từ hơn, bên cạnh đó còn có thể hiểu được cấu trúc câu cơ bản.
7. Giai đoạn 30 - 36 tháng:
Trong giai đoạn 30 - 36 tháng, khoảng 90% những gì trẻ nói là đúng ngữ pháp.
Trẻ đã bắt đầu phân biệt được cách xưng hô, biết mình xưng con và phải gọi ba mẹ. Trong độ tuổi này, vốn từ vựng của bé không ngừng phát triển và  mở rộng. Bé có thể nối các danh từ và động từ vào với nhau để tạo nên  cấu trúc câu đơn giản.
Ví dụ: Con muốn “x”
Trong đó “x” có thể thay bằng các từ ngữ khác nhau như “ăn”, “uống”, “chơi”, v.v.
Đây là một ngữ pháp (hay quy luật) cơ bản.
8. Giai đoạn từ 3 tuổi trở lên:
Trong  khi lớn dần lên, trẻ tiếp tục mở rộng vốn từ vựng và phát triển ngôn ngữ phức tạp hơn. Tuy nhiên cách sử dụng ngôn ngữ của chúng không hoàn toàn giống với ngôn ngữ của người lớn cho đến khi khoảng mười một tuổi.
Bắt đầu từ đây, mình sẽ dùng từ “ta” thay cho từ “trẻ”
Trong thời gian ta lớn lên, các cấu trúc ngữ pháp (quy luật) đơn giản dần được thêm thắt phức tạp hơn, bày tỏ bản thân ta rõ ràng hơn.
Và khi ta không muốn cách nói của mình lặp đi lặp lại, đó là khi các quy luật có thể bị phá bỏ.
Ví dụ với cùng một thông điệp mời người khác đi ăn cơm, ta có thể bắt đầu giao tiếp theo rất nhiều cách khác nhau:
Đi ăn cơm cùng mình nhé.
Cơm không? (Em ăn cơm chưa?)
Tớ mới biết chỗ này ngon cực. Đi thử không?
Ê đói không?
Hôm nay mà có ai đó đi ăn cùng thì hay hehe
Đến đây bạn nhận thấy gì từ quá trình một em bé học ngôn ngữ?
LỘ TRÌNH HỌC MÀU SẮC
Tổng hợp chung lại theo quá trình mà một em bé học ngôn ngữ, ta có thể chia làm 4 giai đoạn chính:
1. Lắng nghe, quan sát, copy chưa cần hiểu:
Trong  màu sắc thì đây chính là giai đoạn ta đi cover/sao chép lại tác phẩm của những người khác, lúc này chỉ cần copy mà không cần hiểu tại sao.
Trong giai đoạn này, ta có thể bắt đầu thấy được cách dùng màu (cách giao tiếp) của những người khác nhau và mở rộng thư viện màu sắc (vốn từ vựng) ta có trong đầu.
Phương pháp “Copywork” là một trong những phương pháp đã được chứng minh đem lại hiệu quả rất nhanh trong thời gian ngắn.
2. Xây dựng vốn từ và liên kết ý nghĩa:
Trong thời gian “copywork” ta sẽ tiếp tục mở rộng thư viện màu sắc (vốn từ vựng) của bản thân, đồng thời qua đó bắt đầu liên kết màu sắc với những ý nghĩa cụ thể, như màu Đỏ (Red) thường xuất hiện trong các trường hợp nào, bối cảnh nào, qua đó chúng có ý nghĩa gì?
3. Ghép nhóm từ và hiểu các ngữ pháp cơ bản:
Dựa theo ý nghĩa màu sắc ta xây dựng từ giai đoạn trên, lúc này ta có thể hiểu và nhóm được những màu đi cùng với nhau, cho ra những thông điệp với ý nghĩa khác nhau.
Những màu thường xuyên được dùng kèm với nhau trở thành quy luật (ngữ pháp), làm cơ sở để ta dễ dàng truyền tải thông điệp bản thân hơn. Nghĩa là, nếu cứ ốp quy luật như thế, thì tỉ lệ truyền tải thông điệp thành công sẽ rất cao, dù có thể không mới lạ đặc sắc và không thể hiện rõ cá tính riêng mỗi người.
Nếu bạn thấy mình thường xuyên sử dụng Color Schemes như Triadic (phối màu tam giác), Complementary (phối màu đối nhau), Analogous (phối màu liền kề), v.v. 
Bạn đang ở giai đoạn này.
4. Ngữ pháp nâng cao và phá luật:
Tương tự trong ví dụ trên, khi ta bày tỏ ý định mời người khác đi ăn cơm với rất nhiều cách diễn đạt khác nhau:
Đi ăn cơm cùng mình nhé.
Cơm không? (Em ăn cơm chưa?)
Tớ mới biết chỗ này ngon cực. Đi thử không?
Ê đói không?
Hôm nay mà có ai đó đi ăn cùng thì hay hehe
Khi hiểu thông điệp mình muốn truyền tải là gì, và không muốn lặp đi lặp lại bản thân duy nhất một cách diễn đạt, đây là lúc ta có thể phá luật.
Phá luật là khi ta tìm thấy cách ta diễn đạt cho thông điệp của mình, qua đó phản ánh bản thân mình gần nhất.
KẾT
Dù rằng có rất nhiều điều có vẻ dài dòng và phức tạp mình viết bên trên.
Nhưng mình mong bạn hãy quên hết nó đi.
Và bắt đầu coi chính mình là một đứa trẻ, đang học cách bày tỏ và diễn đạt bản thân với người khác thông qua màu sắc.
Hãy cứ tò mò, cứ  vui chơi và khám phá loại ngôn ngữ này.
Chúc bạn chơi vui nhé!
Mình xin kết thúc số này tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong số tới!
#High_on_Sharing
#Delnary_Color