Nguồn: Uplash
Nguồn: Uplash
"Con dốt lắm, con không thích học đâu.", mỗi lần nghe những câu nói này từ các bạn nhỏ, tôi luôn cảm thấy mình có trách nhiệm khiến nguyên nhân của việc "dốt" trở nên sáng tỏ hơn, để mỗi trẻ đều có thể được hỗ trợ để đạt tới tiềm năng của chúng.
Tại nhiều quốc gia chứ không chỉ Việt Nam, việc học tập, việc học kém, học “dốt” thường được cha mẹ và giáo viên quy chụp do trẻ lười biếng, không cố gắng hoặc không đủ thông minh. Cách quy chụp này không giúp trẻ phát hiện được điểm yếu hay điểm mạnh của bản thân mà thay vào đó khiến trẻ có một cái nhìn tiêu cực về tiềm năng của mình. 
Trong khi đó, trên thực tế, theo các nghiên cứu về tâm lý học phát triển, việc trẻ gặp khó khăn đặc biệt trong học tập còn có thể đến từ những nguyên nhân nằm ngoài sự kiểm soát của trẻ. Một trong những nguyên nhân đó chính là CÁC KHUYẾT TẬT HỌC TẬP CHUYÊN BIỆT [SPECIFIC LEARNING DISABILITIES]. Ở Việt Nam, đây là một yếu tố cha mẹ và thầy cô cần chú ý trong quá trình trưởng thành của trẻ.

VÌ SAO TA CẦN QUAN TÂM ĐẾN CÁC KHUYẾT TẬT HỌC TẬP?

Một nghiên cứu tổng hợp số liệu từ dữ liệu của Đạo luật Giáo dục Cá nhân Khuyết tật (IDEA), Hoa Kỳ và Khảo sát Phỏng vấn Sức khỏe Quốc gia (NHIS), Anh Quốc cho thấy, khoảng 5-9% dân số có khuyết tật học tập và con số này có xu hướng không thay đổi theo thời gian. Tức là trong một lớp 50 trẻ sẽ có khoảng 2-3 trẻ có rối loạn học tập. Con số cụ thể sẽ tùy vào việc liệu trẻ có được chẩn đoán hay không. Con số này chắc chắn sẽ làm nhiều người, trong đó là cả các thầy cô phải bất ngờ.
Những trẻ có rối loạn học tập thường có lòng tự tôn thấp, đánh mất niềm tin vào bản thân khi thường xuyên phải trải qua cảm giác thất bại trong những bài tập đơn giản nhất ở trường. Kèm theo đó là sự thiếu nhận thức của những người xung quanh về những rối loạn trẻ đang gặp phải, khiến bản thân trẻ thường xuyên bị đổ lỗi cho kết quả học tập của mình. 
Theo các nghiên cứu của Candea và cộng sự (2018) cũng như của Scheff và cộng sự (2013), sự xấu hổ ở trẻ với khuyết tập học tập có thể dẫn tới các vấn đề về sức khỏe tinh thần và các rối loạn tinh thần như lo âu, trầm cảm, rối loạn hành vi chống đối xã hội, nghiện chất, tự hại, rối loạn ăn uống và thậm chí là hành vi tự sát. Một khảo sát vào năm 2012 ở Canada trên 21 744 người cho thấy, tỷ lệ tự sát ở những người trưởng thành có khuyết tật học tập là 11,7% trong khi tỷ lệ tự sát ở những người không có khuyết tật học tập la 2.7%, tức là cao khoảng gấp 4 lần. Ngoài ra, khảo sát này cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong của những người trưởng thành có khuyết tật học tập còn cao hơn nữa khi họ có trầm cảm hoặc phải chịu đựng sự bạo hành của cha mẹ.

CÁC KHUYẾT TẬT HỌC TẬP CỤ THỂ LÀ GÌ?

Các khó khăn trong học tập thông thường KHÁC với khuyết tật học tập và cũng KHÔNG PHẢI là khuyết tật trí tuệ. Trẻ có khuyết tập học tập thường có trí thông minh bình thường hoặc thậm trí trên trung bình khi được kiểm tra bằng các bài đánh giá trí tuệ. Những trẻ này thường có một khoảng cách khá lớn giữa tiềm năng thực sự và điểm số thông thường trên lớp, chủ yếu do những hạn chế riêng biệt trong hoạt động chức năng của não bộ. Nhìn từ bên ngoài, trẻ không có quá nhiều biểu hiện bị coi là bất thường, chậm phát triển hay suy giảm trí tuệ nhưng lại không thể phát triển một số kỹ năng học tập cụ thể thường thấy ở lứa tuổi của trẻ. 
Theo Hiệp hội Khuyết tật Học tập Hoa Kỳ và Hướng dẫn Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tâm thần - Phiên bản thứ Năm (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (DSM_5), sau đây là một số khuyết tật học tập thường gặp và biểu hiện của chúng:

1. CHỨNG KHÓ HỌC TOÁN [DYSCALCULIA]

Nguồn: Istock
Nguồn: Istock
Chứng khó học toán khác với sự lo lắng đơn thuần khi học toán, mặc dù những người có rối loạn này cũng có thể phản ứng một cách mạnh mẽ theo hướng tiêu cực với các hoạt động tính toán và board games như Cờ tỷ phú. Những người có dạng khuyết tật học tập này thường gặp khó khăn trong việc tính toán, hiểu các con số và các công thức toán học. Các khó khăn này được chia làm hai dạng chính (Fuchs et al., 2014)
- Khó khăn trong việc đếm, liên quan tới sự chú ý và tiến trình hiểu các con số dưới dạng âm thanh khi tư duy.
- Khó khăn trong việc giải toán, liên quan tới khả năng đọc hiểu ngôn ngữ và lý luận. 
- Khả năng lưu trữ và xử lý thông tin trong trí nhớ ngắn hạn gây ảnh hưởng tới cả hai khó khăn trên 
Theo trang Maths Explained, sau đây là một số biểu hiện của chứng khó học toán ở các độ tuổi khác nhau:
a. Trẻ mẫu giáo
- Gặp khó khăn trong việc đếm
- Khó nhận ra quy tắc sắp xếp từ bé đến lớn hoặc từ thấp đến cao
b. Trẻ cấp một
- Khó nhớ các phép toán cộng căn bản
- Bắt buộc phải tính toán bằng tay
- Hay lẫn lộn các dấu “+, -, x, :”
- Gặp khó khăn khi giải toán
- Né tránh các tình huống cần tính toán, bao gồm cả các trò chơi hay các môn thể thao cần ghi nhớ tỉ số
c. Trẻ cấp hai
- Gặp khó khăn khi phân tích biểu đồ
- Gặp khó khăn với các công thức toán căn bản như công thức tính chu vi hoặc diện tích
- Gặp khó khăn khi tính tiền
d. Người trưởng thành
- Gặp khó khăn khi đếm một dãy số ngược
- Chỉ thoải mái với phép toán cộng
- Tính toán chậm
- Gặp khó khăn với việc ước lượng hoặc ước tính

2. CHỨNG KHÓ VIẾT [DYSGRAPHIA]

Ảnh: Braintrust Tutor
Ảnh: Braintrust Tutor
Chứng khó viết ảnh hưởng đến việc viết các con chữ và các con số. Theo tổng hợp của tiến sĩ Alex Klein trên trang Medical News Today, chứng khó viết có ba dạng chính:
- Khó viết xuất phát từ những khó khăn trong việc lưu trữ và truy hồi hình dáng các con chữ và con số trong trí nhớ. Những người này có thể chép lại một bài viết của người khác một cách dễ dàng.
- Khó viết do khiếm khuyết trong khả năng vận động tinh, hay còn được hiểu là sự khéo léo của bàn tay khi cầm bút. Chữ viết của những người này thường đúng chính tả nhưng lại rất khó để đọc, kể cả khi họ chép lại một bài viết có sẵn
- Khó viết do khiếm khuyết nhận thức về không gian. Những người này thường gặp khó khăn trong việc viết chữ đúng dòng kẻ hoặc cân đối khoảng cách giữa các con chữ. 
Theo Viện Sức khỏe Quốc gia, Anh Quốc, một số biểu hiện của chứng khó viết là:
- Chữ viết tay không đẹp hoặc khó đọc
- Chính tả không chính xác hoặc kỳ quặc
- Viết hoa sai quy tắc
- Lẫn lộn giữa giữa kiểu viết chữ thường và chữ in
- Sử dụng từ không chính xác
- Thiếu từ trong câu
- Tốc độ viết chậm
- Cảm thấy mệt mỏi sau khi viết những đoạn ngắn
- Định cỡ chữ cái không phù hợp
- Khoảng cách giữa các chữ cái không phù hợp
- Khó khăn với ngữ pháp và cấu trúc câu
- Vị trí bất thường của cơ thể hoặc bàn tay khi viết
- Đọc to các từ khi viết chúng ra
- Quan sát bàn tay trong khi viết
- Kẹp bút chì quá chặt hoặc bất thường
- Tránh các công việc liên quan đến viết hoặc vẽ
- Khó ghi chép ở trường hoặc nơi làm việc

3. CHỨNG KHÓ ĐỌC [DYSLEXIA]

Nguồn: Wikipedia
Nguồn: Wikipedia
Tuy chứng khó đọc chưa được phân loại một cách chính thức nhưng sau đây là một trong các cách phân loại đang được các nhà nghiên cứu sử dụng:
- Khó đọc ngữ âm, bao gồm những khó khăn trong việc chia nhỏ các từ thành các cấu phần khác nhau, khiến người có rối loạn khó liên hệ âm thanh của một từ, chữ, hay số với hình ảnh của chúng trên giấy. Ví dụ, họ có thể nhìn thấy chữ “muốn” nhưng lại không thể tách chữ này thành âm “m" và “uốn”.
- Khó đọc bề mặt, là những khó khăn trong việc nhận diện từ mỗi khi nhìn thấy chúng dưới dạng văn bản, khiến người có rối loạn khó học và nhớ từ. 
- Khiếm khuyết gọi tên, là khó khăn trong việc gọi tên các từ hoặc số khi nhìn thấy chúng. Dù trong tâm trí, người có rối loạn này có thể nhận diện mặt chữ nhưng họ lại không thể nhớ ra tên chính xác của chúng. 
- Khiếm khuyết kép, bao gồm cả khó đọc ngữ âm và khiếm khuyết gọi tên. 
Chứng khó đọc có những biểu hiện khác nhau ở các độ tuổi khác nhau:
a. Trước khi trẻ nhập học, trẻ có thể có những biểu hiện sau: 
- Chậm phát triển lời nói và từ vựng
- Gặp khó khăn trong việc lựa chọn từ ngữ, hay nhầm lẫn giữa các từ nghe gần giống nhau
- Gặp khó khăn trong việc lưu giữ thông tin, chẳng hạn như số, bảng chữ cái và tên của màu sắc
b. Khi tới trường, trẻ có thể có những biểu hiện:
- Có khả năng đọc yếu hơn hẳn các bạn cùng tuổi 
- Gặp khó khăn khi xử lý thông tin và ghi nhớ các chuỗi thông tin được sắp xếp theo một trình tự nhất định
- Gặp khó khăn khi xử lý âm thanh của những từ không quen thuộc
- Mất nhiều thời gian hơn để đọc và viết
- Né tránh các nhiệm vụ liên quan đến đọc
c. Thanh thiếu niên và người lớn có thể:
- Khó đọc thành lời
- Hay sai chính tả
- Phát âm sai từ
- Khó khăn nhớ các từ chỉ các đối tượng hoặc chủ đề cụ thể
- Gặp khó khăn khi học một ngôn ngữ khác, ghi nhớ văn bản và làm toán
- Gặp khó khăn trong việc tóm tắt một câu chuyện

PHƯƠNG PHÁP “CHẨN ĐOÁN" CÁC KHUYẾT TẬT HỌC TẬP LÀ GÌ?

Về mặt lý thuyết, các chuyên gia sẽ đo lường sự chênh lệch giữa năng lực trí tuệ tổng quát của trẻ và một năng lực cụ thể mà trẻ đang gặp khó khăn. 
Tại Việt Nam, những  người có năng lực chẩn đoán bao gồm các bác sĩ tâm thần, chuyên gia tâm lý lâm sàng, chuyên gia tâm lý học trường học, hoặc các chuyên gia về giáo dục đặc biệt. Khi nghi ngờ trẻ có rối loạn học tập, cha mẹ cần liên lạc với chuyên gia ngay lập tức để chẩn đoán và có các kế hoạch hỗ trợ học tập phù hợp cho trẻ. Tại Hà Nội, những gia đình quan tâm có thể tìm đến Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia.
Đôi khi, các khó khăn này sẽ không biểu hiện ở mẫu giáo hay cấp 1 mà sẽ dần dần hiện diện khi những yêu cầu từ học tập hay công việc ngày một cao hơn.

KHUYẾT TẬT HỌC TẬP CÓ THỂ ĐƯỢC “CHỮA” NHƯ THẾ NÀO?

Nguồn: EdSurge
Nguồn: EdSurge
Các khuyết tật học tập KHÔNG THỂ ĐƯỢC “CHỮA KHỎI” HOÀN TOÀN. Đây là những thách thức trẻ có khuyết tật học tập sẽ phải đối diện cả đời. Tuy nhiên, nếu được phát hiện kịp thời, cha mẹ và thầy cô vẫn có thể hỗ trợ trẻ thông qua một số phương pháp sau để trẻ có thể dần thích nghi với cuộc sống học đường và sau này là công sở:

1. Hỗ trợ trẻ có chứng khó học toán [dyscalculia]

- Giúp trẻ hiểu các công thức toán học thông qua các phương tiện khác nhau, đặc biệt là qua nhiều giác quan khác nhau với những vật thể có thể sơ hay cầm nắm được
- Tạo niềm vui cho trẻ khi chơi các trò chơi cần sử dụng các công thức toán học
- Khuyến khích trẻ phát triển các thú vui khác thông qua các hoạt động ngoại khóa.

2. Hỗ trợ trẻ có chứng khó viết [dysgraphia]

- Thử các loại bút, bút chì và kẹp bút chì khác nhau
- Sử dụng giấy có các dòng kẻ nổi
- Sử dụng dàn ý bài học được in sẵn 
- Sử dụng phần mềm đọc chính tả khi viết
- Yêu cầu một người hiệu đính để kiểm tra bài tập
- Sử dụng máy tính để gõ bài tập
- Yêu cầu kéo dài thời gian cho các bài kiểm tra
- Gia hạn thời gian hoàn thành bài tập
- Giúp trẻ điền trước tên, ngày tháng và tên bài tập
- Phân chia lại cách tính điểm cho trẻ
- Cung cấp các lựa chọn thay thế cho các bài luận hoặc bài viết

3. Hỗ trợ trẻ có chứng khó đọc [dyslexia]

Theo Trung tâm Dyslexia và Sáng tạo Đại học Yale và Viện Sức khỏe Quốc gia Anh Quốc, sau đây là một số phương pháp hỗ trợ trẻ và người lớn có chứng khó đọc:
- Sử dụng các chiến lược quản lý thời gian, chẳng hạn như chia nhỏ bài tập hoặc công việc thành nhiều phần nhỏ hơn và soạn thảo dàn bài/đề cương trước khi bắt tay vào làm bài
- Sử dụng các phương pháp chuyển giọng nói thành văn bản
- Sắp xếp các ghi chú một cách trực quan, sử dụng bút highlight nhiều màu hoặc hệ thống mã hóa bằng màu sắc
- Học tập hoặc làm việc trong không gian yên tĩnh, rõ ràng - với nút tai hoặc tai nghe khử tiếng ồn nếu cần - và hạn chế tối đa sự mất tập trung
- Các giáo viên cũng cần chú tâm đánh giá nhu cầu của trẻ để hỗ trợ trẻ nhận diện mặt chữ, ngữ âm ở mức độ tiếp thu phù hợp với trẻ.
- Truyền tải kiến thức cho trẻ thông qua nhiều giác quan
- Đừng ngại đọc đi đọc lại một cuốn sách cùng trẻ
- Cùng trẻ đọc sách và trao đổi về nội dung của sách
- Cho trẻ cơ hội để tự đọc sách một mình
- Biến hoạt động đọc sách thành một học động giải trí.
Để kết lại bài viết này, mình muốn chia sẻ một câu nói của Mr. Rogers, người dẫn chuyện của một trong những show truyền hình thực tế thành công nhất dành cho trẻ em tại Hoa Kỳ “Mister Rogers' Neighborhood” tới bất kỳ ai còn đang cảm nhận rằng mình “không thuộc về thế giới này"
“Bạn đã biến hôm nay thành một ngày cực kỳ quan trọng chỉ bằng việc sống chân thật với bản thân mình. Trên thế giới này sẽ không có bất kỳ ai giống như bạn, và tôi thích bạn, vì chính con người bạn.”
Đối với những người may mắn có thể hòa nhập với nhịp sống của xã hội một cách không quá khó khăn, bằng việc thông hiểu, tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân và chủ động tạo điều kiện phát triển cho những cá nhân không giống với số đông, mỗi chúng ta đều có thể khiến cuộc sống của một ai đó trở nên tốt đẹp và dễ chịu hơn rất nhiều. 
Để hiểu thêm về những trải nghiệm trường học của các bạn trẻ có rối loạn phát triển và khuyết tật học tập, các bạn có thể theo dõi thảo luận “Bi hài chuyện những kẻ kỳ dị ở trường" thuộc series “Để Tâm lý học Dẫn đường” của Spiderum tại đây nhé:
Tác giả: Keira Ngo
Cố vấn chuyên môn: Th.S Tô Hoan
Tài liệu tham khảo:
Borg, G., Hunter, J., Sigurjonsdottir, B., & D’Alessio, S. (2011). Key principles for promoting quality in inclusive education: Recommendations for practice. European Agency for Development in Special Needs Education.
Bateman, B. D. (1965). An educator's view of a diagnostic approach to learning disorders. J. Hellmuth (Ed.), Learning Disorder, 1, 219–259.
Chang, M.-Y., & Hsu, L.-L. (2007). The perceptions of Taiwanese families who have children with learning disability. Journal of Clinical Nursing, 16(12), 2349–2356. https://doi.org/10.1111/j.1365-2702.2007.02013.x
CBS Publishers & Distributors, Pvt. Ltd. (2017). Diagnostic and statistical manual of mental disorders: Dsm-5. 
Fazio, R. H. (1990). Multiple processes by which attitudes guide behavior: The mode model as an integrative framework. Advances in Experimental Social Psychology, 75–109. https://doi.org/10.1016/s0065-2601(08)60318-4
Grigorenko, E. L., Compton, D. L., Fuchs, L. S., Wagner, R. K., Willcutt, E. G., & Fletcher, J. M. (2020). Understanding, educating, and supporting children with specific learning disabilities: 50 years of Science and practice. American Psychologist, 75(1), 37–51. https://doi.org/10.1037/amp0000452
LDA. (n.d.). Learning Disabilities Association of America. Retrieved June 9, 2022, from https://ldaamerica.org/audience/parents/
Matthews, N. (2009). Teaching the ‘invisible’ disabled students in the classroom: Disclosure, inclusion and the social model of disability. Teaching in Higher Education, 14(3), 229–239. https://doi.org/10.1080/13562510902898809
Raymond, E. B. (2014). Learners with mild disabilities: A characteristics approach (2nd ed.). Pearson.
Woodcock, S., & Jiang, H. (2016). A cross-national comparison of attributional patterns toward students with and without learning disabilities. Journal of Learning Disabilities, 51(1), 3–17. https://doi.org/10.1177/0022219416664865