Jonestown và sự mù quáng của đám đông
Xảy ra vào ngày 18-11-1978, vụ tự sát tập thể này đã gây ra cái chết cho 918 người, là vụ việc khủng khiếp nhất chỉ đứng sau vụ WTC...
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:
Xảy ra vào ngày 18-11-1978, vụ tự sát tập thể này đã gây ra cái chết cho 918 người, là vụ việc khủng khiếp nhất chỉ đứng sau vụ WTC 11/9.
Đền hội chúng - nguồn gốc của thảm kịch
Jonestown là tên không chính thức của Đền hội chúng (Peoples Temple), một giáo phái do Jim Jones khởi xướng vào giữa những năm 1950. Dù có nguồn gốc và giáo điều giống Công giáo hơn chủ nghĩa Marx, nó hướng tới việc thực hiện cái gọi là " giáo phái Chủ Nghĩa Xã Hội". Để làm được điều đó, Đền hội chúng rao giảng rằng:"Những kẻ bị đầu độc bằng những thứ tôn giáo mù quáng sẽ cần phải được khai sáng - bằng CNXH (socialism)".
Jim Jones đã có thể thành lập tổ chức tại California nhưng không dừng lại ở đó, Jones muốn “phủ sóng” giáo phái của mình ra bên ngoài nước Mỹ, lúc đó, mọi quyền lực trong giáo phái sẽ thuộc về Jones và thoát khỏi sự can thiệp của chính phủ Mỹ. Vào những năm 1970, số lượng tín đồ của Đền hội chúng có lúc lên tới 20.000 người và có liên hệ với một số nhân vật chính trị cánh tả.
Cho đến đầu năm 1977, mới chỉ có 500 người sống trong Đền Jonestown tại Guyana, trong khi Jones tiếp tục phát triển giáo phái ở Mỹ. Tuy nhiên, mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Jones nhận được tin rằng cuộc phỏng vấn các thành viên cũ đào thoát khỏi giáo phái sắp được đăng tải, trong đó chứa nhiều cáo buộc về những hành vi vô luân và lạm phát tài chính của Jones. Đêm trước khi bài báo được in, Jones cùng vài trăm giáo đồ của Đền Hội Chúng đã bay đến Guyana và chuyển vào khu đền Jonestown trong rừng sâu.
Cuộc sống tại Jonestown
Nhiều tín đồ của Đền hội chúng nghĩ rằng ở Guyana, như Jones đã hứa hẹn, sẽ là thiên đường Utopia. Nhưng từ khi Jones chuyển đến, họ gặp hàng loạt các vấn đề như: Không có đủ chỗ cho tất cả mọi người, các cabin chỉ có giường tầng và luôn quá tải, hơn nữa, các cabin được phân chia theo giới tính nên các cặp vợ chồng buộc phải sống tách nhau. Và nhiệt độ cũng như độ ẩm ngột ngạt tại Jonestown làm các giáo đồ trở nên ốm yếu. Trong khi đó, họ bị bắt phải làm việc nhiều giờ dưới cái nắng gắt, có khi lên tới 11h/ngày. hầu hết các chương trình mà người dân ở đó được xem là các chương trình tuyên truyền của Liên Xô và phim tài liệu nói về những vấn đề trong xã hội Mỹ. Nhà cửa trở nên xập xệ và cỏ dại xâm lấn ở khắp nơi.
Việc học hành và thời gian đọc sách vào buổi tối được thay bằng những buổi rao giảng của Jim Jones về các vấn đề cách mạng, kẻ thù và các đồng minh Soviet như: Kim Il-Sung, Mugabe hay Joseph Stalin. Jones cho mắc các loa ở khắp khu đền để thuyết giảng suốt ngày đêm. Sau một ngày làm việc kiệt sức, các giáo đồ vẫn phải cố hết sức mới ngủ được vì màn tra tấn của “Đấng cứu thế” Jones.
Chuyến thăm của ngài Nghị sĩ và cuộc tấn công ở sân bay
Nghị sĩ Mỹ Leon Ryan đến từ San Mateo, California đã nhận được các báo cáo về những sự việc đang diễn ra tại Jonestown. Ông quyết định đến đó cùng với cố vấn của mình, đoàn làm phim của hãng NBC và những người thân của các giáo đồ của Đền Hội Chúng để tìm hiểu sự thật về Jonestown.
Ban đầu, mọi chuyện diễn ra rất suôn sẻ. Tuy nhiên, vào một buổi tối, trong khi các thành viên trong đoàn đang dùng bữa và khiêu vũ trong hội trường, một giáo đồ đã bí mật chuyển cho 1 nhân viên đài NBC một mẩu giấy có ghi tên của những thành viên muốn rời khỏi Jonestown. Ngày hôm sau, Ryan tuyên bố sẽ đưa tất cả những thành viên muốn rời giáo phái trở lại Mỹ, nhưng các giáo đồ vì e sợ thái độ của Jones nên chỉ rất ít người chấp thuận.
918 người đã chết trong vụ tự sát tập thể diễn ra ngày 18-11-1978
Vào ngày Ryan ra về, những giáo đồ muốn rời khỏi giáo phái được sắp xếp ngồi trong một xe tải với những người trong đoàn của ông. Ryan để cho xe đi trước vì ông muốn đảm bảo rằng mình không bỏ sót những người muốn thoát khỏi giáo phái. Đúng lúc đó, một thành viên của giáo phái đã tấn công ông. May mắn là tên này đã không thể ám sát Ryan.
Nhận thấy nguy hiểm, Ryan lập tức lên xe tải (lúc đó chưa đi xa) rời khỏi Jonestown. Chiếc xe đưa đoàn đến sân bay an toàn, tuy nhiên, máy bay vẫn chưa sẵn sàng cất cánh khi họ tới. Trong khi chờ đợi, một chiếc xe thùng đột nhiên tiến tới, từ trong xe là những thành viên của giáo phái đang xả đạn liên hồi vào nhóm của Ryan. 5 người đã tử vong, trong đó có Ryan và rất nhiều người khác đã bị thương nặng. Cuộc đào thoát tại sân bay đã thất bại.
Cuộc tự sát tại Jonestown - kết cục bi thảm
Quay trở lại Jonestown, Jim Jones ra lệnh cho mọi người xếp hàng tại hội trường. Hắn tỏ ra rất hoảng loạn và bị kích động. Jones nói với các giáo đồ rằng nhóm của Ryan đã bị tấn công tại sân bay và Jonestown không còn an toàn nữa, chính phủ Mỹ sẽ phản ứng mạnh mẽ về vụ ám sát Ryan.
Hắn nói: “Khi quân đội tới đây, chúng sẽ bắn chết những đứa trẻ vô tội của chúng ta” và nói với các giáo đồ rằng, cách duy nhất để thoát khỏi sự truy cứu là tự tử - cái mà hắn gọi là “hành động mang tính cách mạng”. Một phụ nữ đã lên tiếng phản đối nhưng trước lời khẳng định của “Đấng cứu thế” rằng không còn lựa chọn nào khác, tiếng nói của cô đã bị đám đông áp đảo.
Khi nhận được tin Ryan đã chết, Jones càng thúc ép các giáo đồ phải tự sát tập thể, hắn nói với họ rằng “Nếu chúng tới đây, chúng sẽ tra tấn các con của chúng ta, các giáo đồ của chúng ta. Không thể để chuyện đó xảy ra được". Và hắn lệnh mang các ấm lớn chứa thuốc độc Xyanua được trộn trong vị nho ra giữa hội trường. Đồng thời cũng để Valium-một loại thuốc chống căng thẳng ở lối vào hội trường.
Jones đã ra lệnh bơm các xi-lanh thuốc độc cho trẻ em đầu tiên, tiếp đó là các bà mẹ, cuối cùng là những thành viên khác trong giáo phái. Nếu ai phản đối sẽ bị những tên vệ sỹ cầm súng và cung tên đe dọa. Thời gian trung bình gây tử vong cho mỗi người là vào khoảng 5 phút. Chỉ trong ngày 18-11-1978, đã có tới 912 người chết do thuốc độc, trong đó có 276 trẻ em. Jones cũng chết do súng lục, nhưng không rõ là do tự sát hay bị bắn.
Tổng số người chết đã lên đến 918 người, cả ở sân bay và trong khu đền Jonestown. Chỉ có một nhóm người sống sót bằng cách chạy trốn vào rừng hoặc ẩn nấp đâu đó trong khu đền.
Một số lời nhắn trăn trối của các nạn nhân:
- Tôi, Marceline Jones, để lại toàn bộ số tiền cho Đảng Cộng Sản Liên Xô nước Cộng hòa XHCN Liên bang Xô-Viết...
- Chúng tôi chết vì các người không để chúng tôi sống trong yên ổn
- JONESTOWN - cộng đồng yên bình và tràn đầy yêu thương nhất tôi từng sống, JIM JONES - người đã tạo ra thiên đường cho chúng tôi.
Qua thảm kịch Jonestown, chúng ta có thể thấy rằng đám đông là một thực thể tư duy không có lí trí, và mang tính lây lan rất cao, thiếu khả năng suy nghĩ logic; đặc biệt là khi đám đông đó được cầm đầu bởi một kẻ ma mãnh, biết lôi cuốn người khác và có tham vọng quyền lực. Đôi khi ý kiến, suy nghĩ, hành động của cá nhân vấp phải dư luận áp lực tập thể, khiến họ phải chịu khuất phục nếu không sẽ bị đào thải khỏi đám đông. Thậm chí nguy hiểm cho tính mạng của cá nhân đó.
/lich-su
- Hot nhất
- Mới nhất