Gotham là nơi hệ thống an sinh xã hội đã sụp đổ và tình trạng bạo lực, tội phạm xảy ra khắp nơi. Joker là sản phẩm được thành phố này nhào nặn ra, hắn tượng trưng cho sự điên loạn, sự phản kháng mà người dân của Gotham đang mong mỏi. Sau khoảnh khắc Joker nhảy múa giữa đám đông bạo loạn ở Gotham, khán giả xem phim hẳn đã nghĩ rằng Joker đã chính thức được giải phóng và cuộc đời huy hoàng của gã Hoàng tử tội phạm sẽ bắt đầu từ đây. Nhưng có thật vậy không?
Arthur Fleck và Joker, nhân vật bạn yêu thích là ai?
Arthur Fleck và Joker, nhân vật bạn yêu thích là ai?
Phần 2 của bộ phim kéo ta trở lại với thực tại không lấy gì làm dễ chịu khi Joker vẫn là Arthur, 1 gã tù nhân hiền lành vô hại đang chờ đợi ngày ra toà xét xử về tội danh giết 5 người dân "vô tội". Điều gì đang diễn ra trong tâm trí hắn? Chúng ta không hề rõ nhưng hành vi của hắn đều toát ra sự vô cảm và bất cần; thứ duy nhất còn khiến hắn bận tâm, đau đớn chính là không ai thực sự hiểu và đón nhận con người của gã. Hãy thử điểm qua cái nhìn của những người khác về Arthur Fleck:
1. Bất chấp việc được nữ luật sư bênh vực và ủng hộ, hắn luôn phớt lờ lời khuyên của bà, điều này ẩn ý ngay từ đầu rằng lập luận bào chữa về căn bệnh đa nhân cách của Athur là sai lầm. Bà luật sư đang mong muốn cứu mạng Arthur mà chẳng quan tâm hắn thực sự muốn gì. Joker là một phần của hắn và hắn, hoàn toàn hạnh phúc khi được làm Joker.
2. Ngược lại, phe công tố lại cố chứng minh hắn là một kẻ giết người mất nhân tính. Điều cũng rõ ràng sai khi ta biết rằng hắn đã cố gắng hướng thiện như thế nào, cho đến trước khi để lộ ra phần ác trong con người, Athur chưa từng 1 lần có hành động bạo lực hay xấu xa.
3. Kể cả mẹ hắn, cô hàng xóm Sophie, người đồng nghiệp Puddles nói những điều tốt đẹp về hắn cũng không làm hắn hài lòng, tại sao vậy? Bởi vì hắn biết mình không phải như vậy, bạn làm sao có thể mong mỏi một kẻ điên phải sống cuộc sống của người bình thường?
Đến tận cùng, nỗi đau của Athur là nỗi đau của nhân tính không được thừa nhận, là nỗi đau bất cứ ai cũng cần đối mặt trong xã hội này. Ai cũng có phần tối, phần đáng xấu hổ trong con người mình, thông thường chúng ta cố chôn giấu, che đậy chúng nhưng mặt khác, chúng ta cũng mong muốn được hiển lộ, được chấp nhận, được nhìn nhận như một con người toàn diện.
Khi Lee Quinzel xuất hiện, cô nàng biết hắn bị điên và cũng yêu vô điều kiện cái "điên" của gã. Lần đầu tiên Arthur được nếm trải cảm xúc được yêu thương một cách trọn vẹn. Như tên gọi của phần phim, "folie deux", mối tình dẫn dắt, khơi gợi sự điện loạn trong cảm xúc và hành động của cả Arthur và Lee. Đỉnh điểm là khi Arthur để phần điên loạn dẫn dắt, sa thải luật sư và quyết định tự bào chữa cho mình. Nhưng rồi Arthur cũng bị đẩy đến giới hạn, gã điên nhưng không phải lúc nào cũng điên, gã làm việc xấu chứ không phải lúc nào cũng xấu. Chí phèo của Gotham muốn sống đúng với bản chất của gã nhưng ai cho gã sống trọn vẹn, cái xã hội này hoặc chỉ cần một Arthur ngu ngốc, đáng thương hoặc chỉ cần một Joker điên loạn để ngưỡng vọng, để thù ghét mà thôi. Trong phiên toà cuối cùng, hắn lựa chọn từ bỏ nhân dạng Joker để khẳng định: Chẳng có joker nào ở đây cả, chỉ có Arthur thôi, một lần nữa mong muốn được nhìn nhận chân thật như chính bản thân hắn là.
Cũng như anh Chí xách dao đi tìm "lương thiện". Cái kết quả hoá ra chỉ toàn là bi kịch, Lee cũng chỉ yêu Joker như một biểu tượng chứ không yêu con người của gã. Xét cho cùng thì con người đâu có thể hoàn toàn thấu hiểu lẫn nhau để thực sự yêu thương một cách trọn vẹn? Bạn có thể yêu mọi thứ ở vợ/chồng mình không? Chắc là không thể, ngược lại cũng vậy. Arthur có thực sự hiểu và yêu Lee không? Chắc chắn là không.
Ảo mộng cuối cùng tan vỡ, buổi diễn đã đến lúc hạ màn.
....
Arthur chết nhưng Joker không chết, bộ phim hết nhưng thông điệp thì đến được với khán giả. Dù ở tận cùng nỗi đau, Arthur Fleck vẫn còn hi vọng, vậy người xem chẳng lẽ không thể sống tốt hơn, nhất là khi lá bài xấu nhất đã được chia cho người khác (Arthur) rồi.
Cuộc đời mà, mỉm cười và sống tiếp. Để rồi nếu có chết thì chết với nụ cười trên môi.